Thứ Ba, 30 tháng 7, 2013

QUẾ LÂM DƯỚI CÁI NHÌN CỦA "ANH TRỖI" (Nhặt từ "Sinh ra trong khói lửa")



Quế Lâm
Vùng đất mang nặng ân tình



TS. TRẦN KHÁNG CHIẾN * 


Tháng 11 năm 2001, chúng tôi - hai chục cựu giáo viên, học sinh trường Thiếu nhi Việt Nam, đang sống làm việc tại các tỉnh phía Nam đã trở về thăm lại Quế Lâm, thăm lại mái trường thân yêu năm xưa.
Với sự giúp đỡ của anh Đỗ Kiếm Tuyên (giáo viên trường Đại học Sư phạm Quảng Tây, một chuyên gia tiếng Việt, vốn đã có quan hệ thân thiết từ lâu), chúng tôi đã tới thăm ngôi nhà số 96, đường Trung Sơn Bắc. Nơi đây, trong cuộc kháng chiến cuả nhân dân Trung Quốc chống quân xâm lược Nhật Bản (1937-1945), là trụ sở cơ quan đại diện Bát Lộ Quân tại mặt trận Quảng Tây. Ngày nay, ngôi nhà gỗ hai tầng được thành phố Quế Lâm giữ làm bảo tàng. Trong nhà, tại vị trí trang trọng có treo ảnh Bác Hồ kính yêu, phía dưới có ghi: “Đồng chí Hồ Chí Minh, Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, đã làm việc tại ngôi nhà này từ 1938 đến 1940, với bí danh là Hồ Quang, thiếu tá Bát Lộ Quân. Đồng chí đã có những đóng góp cho sự nghiệp kháng Nhật cuả nhân dân Trung Quốc”. Chúng tôi cảm động ngắm nhìn những hiện vật có liên quan đến Bác mà các bạn Trung Quốc còn giữ được: chiếc xe đạp Pháp mua từ Hải phòng, cặp kính lão, chiếc mền chăn đã ủ ấm cho Bác trong những ngày đông giá rét, chiếc máy chữ được Bác dùng để dịch sang tiếng Anh, Pháp các tài liệu phục vụ công tác tuyên truyền quốc tế về cuộc kháng chiến chống xâm lược Nhật cuả nhân dân Trung Quốc.
Theo hướng dẫn cuả cán bộ bảo tàng, chúng tôi về thăm thôn Lộ Mạc, nằm phía Bắc thành phố, nơi Người cùng các cán bộ cơ quan đại diện, sau một ngày làm việc đã về nghỉ. Nhân dân trong thôn kéo đến rất đông khi nghe tin có các vị khách từ Việt Nam đến thăm ngôi đình làng, nơi Hồ Chủ tịch đã từng ở trong thời kỳ kháng Nhật; nơi được Chính phủ Trung Quốc công nhận là di tích lịch sử cách mạng từ năm 1962. Tình cảm cuả dân làng đối với chúng tôi rất thân tình, cởi mở. Một cụ già tuổi ngoài 80, được mời đến kể cho chúng tôi những kỷ niệm về quan hệ thân thiết, gắn bó giữa dân làng với cán bộ, chiến siõ cơ quan đại diện: “…Thiếu tá Hồ Quang là một con người rất yêu trẻ em và quý mến người già. Ông ân cần với mọi người và được nhân dân quý mến. Mãi sau ngày giải phóng, thế hệ chúng tôi mới được biết con người đáng kính đó chính là Chủ tịch Hồ Chí Minh cuả nhân dân Việt Nam anh em”. Trong hai năm ở Quế Lâm, Bác được sống trong sự đùm bọc, bảo vệ cuả nhân dân địa phương. Mùa hè 1940, với sự giúp đỡ nhiệt tình cuả Đảng Cộng sản Trung Quốc, từ Quế Lâm, Bác đến Côn Minh, bắt liên lạc với cơ quan hải ngoại cuả Đảng ta. Đầu năm 1941, Người cùng các đồng chí Phùng Chí Kiên, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp, Vũ Anh, Đặng Văn Cáp… trở về Quế Lâm chuẩn bị cho chuyến trở về nước qua đường Tĩnh Tây - Cao Bằng. Việc Bác trở về Cao Bằng vào đầu năm 1941, trực tiếp tham gia lãnh đạo cách mạng Việt Nam, có ý nghĩa rất quan trọng trong quá trình đưa cách mạng nước ta đến thắng lợi vào Tháng Tám năm 1945. Ngay từ những năm tháng đấu tranh gian khổ đó, Quế Lâm đã là một địa phương gắn bó với Bác Hồ, với cách mạng Việt Nam.
Sau khi nước Trung Hoa mới ra đời, Đảng, Chính phủ, nhân dân Trung Quốc đã giành cho cuộc kháng chiến chống Pháp cuả nhân dân ta những giúp đỡ to lớn, quý báu, kịp thời. Mùa hè 1950, Trung Quốc đã tiếp nhận trường Lục quân Việt Nam sang Vân Nam, tạo điều kiện tốt nhất cho việc đào tạo cán bộ chỉ huy quân đội ta. Muà hè 1951, Khu học xá Trung ương được chuyển sang Nam Ninh để đào tạo cán bộ sư phạm cho sự nghiệp giáo dục lâu dài. Tháng 9 năm 1951, Quế Lâm đã tiếp nhận trường Thiếu sinh quân với 600 học sinh và bố trí đóng tại một cơ sở rộng với đầy đủ giảng đường, nhà nghỉ, sân vận động… nằm ở phía Tây thành phố, bên khu Giáp Sơn, có núi bao quanh, kề bên Đào Hoa Giang như một dải lụa đào uốn lợn, nước trong vắt quanh năm. Học sinh cuả trường sau khi học xong lớp 7 đã được chuyển xuống Khu học xá Nam ninh học tiếp các trường Sư phạm, Khoa học tự nhiên, các lớp phiên dịch tiếng Hoa; một số về nước tham gia chiến đấu. Có nhiều học sinh trường Thiếu sinh quân trong quá trình công tác, chiến đấu đã trưởng thành, hiện đang đảm nhiệm những cương vị quan trọng như các anh Vũ Mão, Vũ Khoan...
Ngày 25 tháng 8 năm 1953, trường Thiếu nhi Việt Nam được thành lập với hơn 1000 học sinh là con em cán bộ, bộ đội, các gia đình có công với nước, các thiếu niên có thành tích trong chiến đấu. Ban đầu, nhà trường được Chính phủ Trung Quốc bố trí đóng ở vùng núi cao tại khu nghỉ mát Lư Sơn nổi tiếng thuộc tỉnh Giang Tây. Do sức khoẻ cuả học sinh Việt Nam không thích hợp với băng giá mùa đông trên núi cao nên đầu 1954, trường được chuyển về Giáp Sơn (Quế Lâm). Học sinh lớp lớn Thiếu sinh quân được chuyển về Khu học xá Nam Ninh, học sinh lớp bé ở lại học tiếp tại trường Thiếu nhi Việt Nam. Năm 1954, trường nhận thêm học sinh từ Nam bộ, Khu Năm, Lào nên tổng số đã lên tới 1500 người. Trường Thiếu nhi Việt Nam đóng tại Quế Lâm từ đầu 1954 đến cuối tháng 12 năm 1957. Toàn thể cán bộ, giáo viên, học sinh cuả trường trong ký ức đều nhớ lúc đó, nhân dân Trung Quốc nói chung, nhân dân Quế Lâm nói riêng còn rất khó khăn, ăn chưa đủ no, mặc chưa đủ ấm nhưng đã hết lòng chăm sóc, giúp đỡ, bảo đảm những điều kiện tinh thần, vật chất tốt nhất cho nhà trường, để thầy trò tập trung dạy tốt, học tốt. Thiết nghĩ, sự trưởng thành của mỗi chúng tôi hôm nay đều gắn với những năm tháng niên thiếu được nhân dân Quế Lâm ưu ái, đùm bọc, giúp đỡ. Ân tình đó sống mãi trong mỗi trái tim chúng tôi.
Năm 1955, Chính phủ Trung Quốc thành lập trường Ngữ chuyên tại thành phố Quế Lâm để chuẩn bị một năm Trung văn cho các sinh viên Việt Nam trước khi vào các trường đại học cuả Bạn. Từ năm 1955 đến năm 1958, trường Ngữ chuyên đã cấp bằng tốt nghiệp cho hơn 6000 lưu học sinh Việt Nam, họ là lực lượng cán bộ khoa học kỹ thuật vô cùng quý giá, tham gia vào công cuộc xây dựng, bảo vệ miền Bắc, chi viện miền Nam vào đầu những năm 60. Chắc chắn, trong tình cảm cuả mỗi lưu học sinh thuở ấy, hình ảnh thành phố Quế Lâm cùng tấm lòng cuả con người nơi “sơn thủy hữu tình”, luôn sống mãi.
Cuối 1954, Quế Lâm đã tiếp nhận trường Lục quân Việt Nam từ Vân Nam chuyển đến. Thành phố tạo mọi điều kiện cơ sở vật chất, doanh trại để trường tiến hành đào tạo hơn 2000 học viên khóa 9. Năm 2000, một đoàn đại biểu cuả trường Sĩ quan Lục quân I đã sang thăm lại Quế Lâm. Đoàn thay mặt Bộ Quốc phòng, cám ơn Đảng, chính quyền, nhân dân Quế Lâm đã hết lòng giúp đỡ cho nhà trường trong thơiø gian đóng quân tại địa phương từ cuối năm 1954 đến đầu năm 1956.
Vào những năm chiến tranh chống Mỹ, Quế Lâm dành Bệnh viện nhân dân Nam Khê Sơn với hơn 1000 giường bệnh và trang thiết bị y tế hiện đại, với đầy đủ thuốc men cùng một đội ngũ y-bác siõ giỏi với nhiều kinh nghiệm và tinh thần trách nhiệm cao để tiếp nhận điều trị các thương, bệnh binh từ chiến trường miền Nam ra cùng các cán bộ trung, cao cấp cuả Việt Nam .
Khi cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc cuả giặc Mỹ trở nên ác liệt, Quế Lâm lại một lần nữa hào hiệp giang tay đón nhận các trường Thiếu sinh quân Nguyễn Văn Trỗi với hơn 1000 học sinh, Học sinh miền Nam Nguyễn Văn Bé (hơn 1000 học sinh), Dân tộc Trung ương (hơn 1000 học sinh) và trường Võ Thị Sáu (hơn 600 nhi đồng, con em đồng bào miền Nam)1. Ba trường Miền Nam, Dân tộc và Nhi đồng được Bạn bố trí về khu vực Giáp Sơn, gần Điếu La Sơn, cho đến giữa năm 1975; còn trường Nguyễn Văn Trỗi được Bạn đưa về một khu trường mới xây dựng ở Tiên Sơn (Quá Tử Sơn). Lứa học sinh được sống, học tập trong sự đùm bọc cuả nhân dân Quế Lâm thời chống Mỹ, nay đã trưởng thành, có nhiều đóng góp trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Như các thế hệ học sinh lớp trước, họ luôn biết ơn nhân dân Quế Lâm, người đã cưu mang mình trong những thời kì khó khăn.
Thành phố Quế Lâm rất trân trọng tình hữu nghị Việt-Trung. Tại khu trường xưa ở Giáp Sơn, các bạn Trung Quốc đã trân trọng giữ lại ngôi nhà gạch một tầng, tường được quét vôi trắng, các cửa sổ sơn xanh, mái lợp ngói âm dương đối diện nhà hóng mát tại khu A (vốn trước là nhà học cuả các lớp cấp I) để ghi nhớ sự có mặt các thế hệ học sinh Việt Nam tại đây.
Trường Đại học Sư phạm Quảng Tây tại Quế Lâm được giao nhiệm vụ là đầu mối giao dịch với tất cả các thế hệ học sinh Việt Nam đã từng học ở Quế Lâm trong mọi thời kì. Nếu có dịp về thăm Quế Lâm, mời bạn hãy đến trường Đại học Sư phạm Quảng Tây tại khu Vương Thành cổ kính ngay trung tâm với địa chỉ: Nhà số 3 đường Dục Tài, điện thoại: 2816350, 5847785. Chắc chắn bạn sẽ nhận được sự tiếp đón ân tình của Trường cũ.
Trên bản đồ du lịch thế giới, trong tâm thức cuả người Trung Quốc thì Quế Lâm là vùng đất “phong cảnh giáp thiên hạ”2, nhưng riêng đối với Việt Nam: Quế Lâm còn đẹp vì là vùng đất mang năïng ân tình. Có lẽ trên đất nước Trung Quốc bao la, Quế Lâm là một trong những điạ phương có nhiều gắn bó ân tình nhất với Việt Nam!
T.K.C 

3 nhận xét:

  1. Cam on anh ve thong tin nay

    Trả lờiXóa
  2. A TGTB giỏi thiệt,anh sưu tầm được bài này...lâu nay mình cứ uu minh minh,sao có lớp người HSMN Quế Lâm mà lớn thế nhỉ-nhiều anh chị làm lớn nữa-ko nghĩ đó cũng là dân Quế.Thông cảm cho e Qế ít này các anh chị nhé,
    Hôm nay đọc được bài này,hiểu phần nào về lịch sử cả trường-cả các địa danh mà trường đã đi qua.
    Công nhận anh viết bài này,có sự khái quát theo dòng mạch thời gian năm tháng,súc tích,dể hình dung,lại thấy rõ nghĩa tình sâu đậm của Quế lâm dành cho con e VN.
    Cảm ơn a.

    Trả lờiXóa
  3. Cam on a TGTB da cho chung ta thay toan canh ve HSMN va...tren dat Que!

    Trả lờiXóa

Mời bạn cho nhận xét của mình đối với bài viết. Nhận xét của bạn là đóng góp lớn lao cho ngôi nhà chung của chúng ta.

Dùng mã code dưới đây để chèn nguồn từ bên ngoài vào comment:
Link : <a href="Link URL">CLICK HERE </a>
Hình ảnh : [img]Link hình ảnh URL[/img]
Youtube clip : [youtube]Link video từ yotube[/youtube]
Nhaccuatui : [nct]Link nhạc từ Nhaccuatui[/nct]