Thứ Tư, 27 tháng 5, 2015

TRẬN TẬP KÍCH NÔNG TRƯỜNG CAM

             
             Lời tác giả:    Đây là bài viết dự định gửi đăng trong Tập san “Những kỷ niệm của học sinh Việt Nam tại Quế Lâm” (tôi phán đại không biết có đúng không?) theo đơn đặt hàng của Quế LĐT. Trên cái sườn câu chuyện do Quế LQĐ kể lại và những kỷ niệm đã trải qua thời ở Quế Lâm, TGTB viết lại.  Kính mong các ông bà Quế chịu khó đọc và góp ý cả nội dung và hình thức. Có thể chỉnh sửa theo ý của mình và ghi lại ở mục Nhận xét, để TGTB hoàn chỉnh nộp bài cho Quế LĐT

       Sau Tết  âm lịch là tháng đầu của mùa xuân, mùa đẹp nhất trong năm, nhóm bạn Học sinh Miền nam Quế Lâm ngày trước bây giờ đứa trẻ nhất cũng đã trên 50 tuổi, người lớn thì cũng đã xấp xỉ tuổi 70, thường chọn một ngày chủ nhật đẹp trời, tụ tập với nhau để ôn lại những kỷ niệm của một thời xa nhà khi đất nước chiến tranh loạn lạc.
        Mùa xuân Đà Nẵng, một thành phố trung tâm của miền Trung Việt Nam, trời đã bắt đầu có nắng ấm, mặc dù sáng sớm vẫn có những cơn mưa phùn lất phất như lưu luyến cái giá rét của mùa đông qua. Nhớ lại khi ở Quế Lâm, sau Tết thời tiết vẫn còn rét lắm, mọi người phải dùng quần áo bông để chống lại cái lạnh buốt thấu xương. Khoảng tháng Hai, tháng Ba âm lịch trời mới bắt đầu có nắng ấm. Hoa đào lác đác trước đó lúc này mới nở rộ. Đồi hoa đào nằm giữa khu trường chúng tôi trở thành một cánh rừng đầy hoa . Được từ trên cao nhìn xuống đồi đào như một tấm thảm hoa màu hồng nhạt, nổi bật trong nắng sớm phản chiếu những giọt sương mai long lanh, làm bọn trẻ con chúng tôi say mê nhìn không biết chán. Chúng tôi ngồi nhớ lại những mùa xuân Quế Lâm sống xa nhà nhưng được yêu thương, che chở đầy ắp tình người…
  Đa số chúng tôi là người miền Nam, có bố mẹ hoặc đã hy sinh hoặc đang tham gia cuộc kháng chiến để giành lại hòa bình, độc lập, thống nhất đất nước. Chúng tôi đến Quế Lâm từ vùng đồng bằng tới vùng núi cao, với nhiều dân tộc sinh sống trên đất nước Việt Nam. Do hoàn cảnh chiến tranh nên hầu hết chúng tôi không được đi học đúng tuổi, nhiều bạn lớn tướng rồi nhưng cũng chỉ học tiểu học, thậm chí chưa biết chữ. Chúng tôi ra sức học ngày, học đêm như để bù lại những ngày tháng không được đi học (trừ những bạn học đúng độ tuổi). Tuy nhiên, là học trò chúng tôi cũng không thiếu những trò nghịch ngợm, mà đến giờ này khi đã trưởng thành nhìn lại, nhiều lúc vẫn còn những nỗi ân hận khôn nguôi…
       Nằm trong chuỗi nhưng kỷ niệm xưa, anh Lê Quang, một doanh nhân thành đạt ở thành phố Đà Nẵng lên tiếng:
     Tôi  không được ngoan như các bạn, học hành thì bình thường, nhưng những năm tháng được sống và học tập ở Quế Lâm, với những vui buồn cùng tình yêu thương đầy ắp còn đọng mãi là hành trang theo tôi suốt cuộc đời này.
 Tôi nhớ, bên kia con đường chạy dọc bờ tường ,đối diện với trường mình học là Nông trường trồng cam.Bao quanh Nông trường là hàng rào cây gai nhọn bịt bùng ,tiếp đến là  một con hào sâu và rộng ; mà dưới hào cũng trồng các loại cây có gai rất kinh ,ý chừng cũng để uy hiếp bọn trẻ chúng tôi . Tôi là lớn nhất cầm đầu một bọn khoảng bốn ,năm tên ; thường sau giờ cơm chiều hay trèo lên tường rào của trường chơi và thả mắt ngắm nhìn cánh đồng cam xanh ngắt xa tít tắp. Vào mùa cam chín, những quả cam vàng tươi chen nhau trong vòm lá xanh, sáng rực trong ánh nắng cuối buổi chiều. Ôi, cái màu vàng của những trái cam chín mọng nước mới hấp dẫn, gợi sự thèm thuồng của lũ trẻ con chúng tôi làm sao ! Dần dần trong chúng tôi nảy sinh ý tưởng muốn khám phá…vườn cam hấp dẫn kia. Đó là sự hiếu động theo suy nghĩ của trẻ con, chứ thật sự chúng tôi ở Quế Lâm mùa nào thức ấy, hoa quả, bánh kẹo vẫn được cung cấp đều đặn.
 Một hôm nổi hứng, tôi đề xuất ý kiến: “Tập kích Vườn cam của Nông trường”. Nói là làm, cả bọn hăng hái hưởng ứng ,chúng tôi sôi nổi bàn kế hoạch tác chiến. Như những trinh sát nhỏ tuổi,chúng tôi lặng lẽ đi dọc bờ rào vườn cam, điều nghiên  tìm vị trí có thể dọn cây gai vượt hào sâu để đột nhập. Khó nhất là phải nhảy qua được con hào rộng khoảng hơn hai mét , thật quá khủng với bọn nhóc tì độ 11 đến13 tuổi chúng tôi. Với tinh thần quyết tâm thực hiện bằng được trận tập kích để chứng tỏ bản lĩnh đàn ông, học tập các chiến sĩ Hồng quân trong phim: “Vượt sông trinh sát” (một bộ phim của TQ), con hào ngăn cách kia với những đứa trẻ “dũng cảm” như chúng tôi lúc đó chẳng là gì ghê gớm lắm. Tôi nghĩ ra kế  dùng một cây sào để đu người nhảy qua con hào ghê gớm kia . Chúng tôi chọn một chỗ trong trường có địa thế giống con hào kia để tập luyện . Các tên nhỏ hơn ban đầu còn vướng vấp ngã, nhưng với quyết tâm cao, cả bọn rồi cũng thành công với những cú nhảy ngon lành. Các bạn khác thấy chúng tôi tập nhảy sào thì cũng cho đó là những trò nghịch ngợm thông thường của một nhóm bạn vẫn thường tụ tập chơi cùng nhau.
         Chúng tôi chọn một đêm trời tối đen như  mực, lần đến khu vực khuất ánh sáng điện từ trong trường hắt ra để xuất kích , triển khai kế hoạch tập kích vườn cam của Nông trường. Sau giờ lên lớp buổi tối về ký túc xá khi có còi hiệu lệnh để đi ngủ, chúng tôi bắt đầu bí mật hành động. Đội hình hành quân chia thành hai tốp, men theo sát tường rào trường để tránh các chú bộ đội gác cổng phát hiện và tập kết đúng thời gian, địa điểm đã hẹn. Mau chóng áp sát hàng rào Nông trường, dùng dao phát dọn một khoảng trống để chui người vào trong rào. Cẩn thận hơn , tôi cầm mấy hòn đá quăng về phía vườn cam để thăm dò động tĩnh. Đêm tối chỉ thấp thoáng ánh điện từ xa hắt lại và mênh mông bóng tối với sự im lặng rờn rợn, tôi nhác thấy sợ nhưng không dám thể hiện ra vì lo cả bọn đang hăng hái bị nhụt chí. Tôi cầm sào, lấy hết can đảm đu và nhún mạnh người phi qua hào bằng một động tác thuần thục. Trả lại sào cho các chiến hữu lần lượt phi vượt hào. Trong chốc lát chúng tôi đã nhập thành hoàn hảo, có mặt đầy đủ bên trong vườn cam của Nông trường. Dưới ánh sáng của chiếc đèn pin đã được che lại chỉ để một lỗ sáng như hạt bắp soi đường, lần lượt chúng tôi tản ra để thu hoạch chiến lợi phẩm. Bất kể  cam còn xanh hay đã chín, mò được quả nào là chúng tôi vặt tuốt cho vào các túi làm tạm bằng chiếc áo lót buộc một đầu. Công việc “thu hoạch” cam đang diễn ra suôn sẻ đâu được hơn mười lăm phút, thì ôi thôi, có tiếng chó sủa um, tiếng kẻng báo động ; rồi tiếng  bước chân người chạy và tiếng la hét náo động của bảo vệ Nông trường. Ánh đèn pin đại quét qua, quét lại chiếu sáng quắc cả một vùng rộng lớn. Cả bọn hồn vía lên mây, bỏ chạy tán loạn. Tất nhiên, tên cầm đầu chạy nhanh nhất, phóng tới ngay vị trí để cây sào, bằng một động tác nhanh gọn hắn đu người phi một phát qua ngay bên kia hào, nhanh chóng chui qua hàng rào, chạy qua đường, leo tường chạy nhanh về khu ký túc xá, chui vào màn giả vờ ngủ ngon. Sai lầm của tên cầm đầu là lẽ ra, khi qua được đoạn hào thì hắn phải đẩy trả cái sào lại phía bên kia cho tên tiếp theo nhảy qua, thì do vội thoát thân hắn quên làm động tác đẩy trả lại cây sào và cũng bỏ luôn đồng đội thoát mỗi mình. (Thật xấu hổ đến giờ này). Báo hại lũ đàn em bị kẹt lại bên bờ hào sâu đứng như trời trồng trước lũ chó gầm gừ nhảy xồ xồ , chỉ chờ lệnh của các ông chủ bảo vệ là lao vào xé xác mấy kẻ đang run cầm cập kia. Mặt mũi các chiến hữu của tôi trắng bệch không còn chút máu được phơi bày ra dưới ánh đèn pin sáng rực của bảo vệ Nông trường. Thế là trừ tên cầm đầu nhanh chân chạy thoát, còn toàn bộ đội hình tham gia trận tập kích vườn cam hôm ấy đều bị bảo vệ nông trường tóm gọn. Không khó khăn gì để bảo vệ Nông trường xác định các đạo chích là các “ông tướng” hàng xóm, những buổi chiều vẫn đứng trên tường rào bên kia đường trông về bên này với những cặp mắt thèm thuồng nhìn những quả cam chín vàng, trĩu cành mọng nước. Trận tập kích vườn cam đã bị thất bại một cách thảm hại.
        Đoàn “tù binh” được bảo vệ nông trường áp giải vào đến cổng trường. Sau một cuộc điện thoại từ chú bộ đội bảo vệ trường, một lúc sau chú Quân - (phiên dịch tiếng Trung, đã mất) và thầy Hiệu trưởng trường Cấp I Dân tộc có mặt tại cổng trưởng. Sau khi chú Quân trao đổi với bảo vệ Nông trường, đoàn “tù binh” được trao trả cho thầy Hiệu trưởng. Cả bọn theo thầy Hiệu trưởng và chú Quân về phòng họp Ban giám hiệu. Thầy Hiệu trưởng lướt nhìn từng chiến sĩ bại trận, quần áo xốc xếch, rách toạc, mặt mũi lấm lem, chân tay bị cào xước rớm máu, đi chân đất vì dép quăng hết khi chạy tán loạn…Thầy hắng giọng Ư…hừm!...Mặt các “tù binh” mới được trao trả trắng bệch ,sợ xanh đít nhái .
-         Đẹp mặt nhỉ ? Đói hả?
Cả bọn lí nhí:
-         Thưa thầy, không ạ!
-         Sao đi ăn cắp cam?
-         Dạ…
-         Ai cầm đầu?
Cả bọn nhìn nhau và im thin thít. Thầy Hiệu trưởng gằn giọng:
-         Ai?
Cả bọn giật nảy mình và đáp theo phản xạ:
-         Thằng Lê Quang ạ!
-         Là cậu nào?
-         Dạ, dạ…Nó chạy thoát rồi!
-         Giỏi!!!
     Cả lũ trố mắt không hiểu  sao thầy lại khen cái thằng bỏ đồng đội trong lúc lâm nguy để thoát thân lại là thằng…giỏi?

      Tôi đang giả vờ ngủ nhưng làm sao chợp mắt được. Nghe xôn xao bọn kia bị bắt và được áp giải lên nhà Ban giám hiệu;tôi nghĩ rất lung tìm cách đối phó, vì biết thế nào bọn nó cũng khai ra mình  với các thầy cô.
     Thầy chủ nhiệm và lớp trưởng vào phòng gọi tôi dậy lên gặp thầy Hiệu trưởng. Vừa đi tôi vừa tiếp tục nghĩ cách đối phó. Bước vào phòng họp Ban giám hiệu , tôi thấy các thầy cô chủ nhiệm các lớp có học sinh tham gia “Trận tập kích vườn cam” đều đã được triệu tập. Nhìn các chiến hữu của tôi trông xàu như các tàu lá chuối khô, cái vẻ hùng dũng thường ngày bay đâu mất. Thầy Hiệu trưởng  khoanh tay trước ngực đi qua, đi lại, khuôn mặt tỏ rõ sự nghiêm trang,mắt nhìn xoáy vào tôi :
-         Anh Lê Quang giỏi lắm, cầm đầu sao bỏ bạn chạy trước?
-         Dạ, thưa thầy có chuyện gì ạ ? Cháu có biết gì đâu, đang ngủ thầy chủ nhiệm gọi lên gặp thầy…
-         Thế sao các bạn anh đi ăn cắp cam bị bảo vệ bắt đều khai là anh cầm đầu?
-         Dạ thưa thầy, mấy thằng này nó ghét cháu nó khai bây - Vừa trả lời thầy, tôi vừa phóng ánh mắt hăm dọa về phía lũ “tù binh”- lũ đệ tử mà hàng ngày vẫn răm rắp dưới sự chỉ huy của tôi. Tôi gằn nhỏ từng tiếng vừa đủ để lũ đệ nghe:  “ Mấy thằng bay cẩn thận nói năng nhe...é !”
 Thế là cả bọn chúng nó đồng loạt phản cung:
-         Dạ…Thưa thầy…Có rủ Lê Quang nhưng nó không đi , bọn cháu ghét… nên khai bậy cho nó ạ!
  Thầy Hiệu trưởng:
-         Lại thế nữa!!! Đẹp mặt nhỉ?
  Thầy huấn thị cho một bài đạo đức người học sinh dưới mái trường Xã hội chủ nghĩa…Các cậu được ăn no mặc ấm, được học hành, trong khi đồng bào hai miền Nam Bắc đang chịu đựng mọi khó khăn gian khổ để tiến hành cuộc kháng chiến chống đế quốc xâm lược.Trong khi đồng bào ta, trong đó có cả ba mẹ các cậu đang đổ máu để chiến đấu thì ở đây các cậu không lo học hành lại mãi chơi, rồi bày trò đi ăn cắp cam của Nông trường nước bạn, bôi nhọ danh dự đất nước Việt Nam anh hùng v.v và v.v…Thầy thuyết giảng một hồi lâu rồi kết lại:
-         Thôi các cậu về làm bản kiểm điểm, nộp cho thầy cô chủ nhiệm lớp.Các lớp tổ chức kiểm điểm, đề xuất hình thức kỷ luật và nộp lên Hội đồng kỷ luật nhà trường để xem xét quyết định. Cả cậu nữa (thầy Hiệu trưởng chỉ vào tôi), cứ cho là cậu không tham gia trực tiếp vụ này, nhưng là người biết sự việc mà không tố cáo, kiểm điểm và tự nhận hình thức kỷ  luật đi.
      Tôi nghe nhẹ cả người, cảm thấy mình thật là gan dạ, cương quyết không nhận tội dù đồng đội có khai đích  danh. Thôi thì kiểm điểm với tội danh bao che tội phạm còn hơn là cầm đầu đội quân ăm trộm cam, tội đó to lắm.
       Chiều ngày hôm sau, các lớp có các chiến sĩ tham gia trận tập kích hôm đó đều tổ chức cuộc họp “đấu tố” các tên "tội phạm". Hầu hết lớp tôi chúng nó tự biết  chính tôi là tên tổ chức cầm đầu “trận tập kích” nhưng chứng cứ không có, lại cũng ngại  tôi nên đồng ý kiểm điểm tôi theo hướng “bao che tội pham”. Các chiến hữu của tôi ngậm đắng nuốt cay nhận tội và chịu đòn.
       Sáng thứ hai đầu tuần, trong lễ chào cờ, cả đội hình tham gia trận “tập kích” được lên đứng dưới cờ.Tôi "tòng phạm " núp sau nhưng cái đầu vẫn cao hơn lũ đệ, không dám nhìn xuống sợ bắt gặp những cái nhìn từ thầy cô, bạn bè…Lần lượt từng tên "tội phạm" đọc Bản tự kiểm điểm, na ná như nhau: Nhận khuyết điểm, thấy xấu hổ với thầy ,cô và các bạn;xấu hổ với cha mẹ và người thân đang ngày đêm chiến đấu cho sự thống nhất nước nhà và cuối cùng là xin hứa sửa chữa, không tái phạm. Phấn đấu là con ngoan, trò giỏi…Sau lời huấn thị của thầy Hiệu trưởng, đội hình trận tập kích được “diễu hành”, trên cổ đeo vài quả cam, đi quanh khu trường để bêu xấu… (Đây là hình thức cảnh cáo răn đe  theo kiểu thời bấy giờ. Eo ôi! May mà tôi không được tham gia “diễu hành” vì chỉ mắc tội che dấu tội phạm (?)
        Sau này chú Quân - phiên dịch - kể lại: Sau vụ đó, Ban Giám đốc Khu Giáo dục Học sinh Miền Nam, Quế Lâm phải đến gặp Lãnh đạo Nông trường xin lỗi vì quản lý các cháu học sinh mà để xảy ra sự việc  đáng tiếc trên. Bên Lãnh đạo Nông trường đã tỏ rõ sự thông cảm: Vẫn biết là các cháu học sinh Việt Nam cũng chỉ nghịch ngợm chứ không phải do bị đói, vì nhân dân chúng tôi không bao giờ để các cháu thiếu thốn thứ chi, trong khi bố mẹ các cháu đang phải đánh đuổi  giặc ngoại xâm giải phóng đất nước. Chúng tôi không tiếc gì mấy quả cam, nhưng rúc rào gai, vượt hào sâu có thể gây ra thương tích, có khi bị chó đuổi cắn thì nguy hiểm lắm.
       Chú Quân nhìn tôi nói thêm:
         -Giám đốc Nông trường khen cái thằng nào thông minh nghĩ ra cách vượt hào sâu bằng  sào, nhưng áp dụng để đi ăn cắp cam là không tốt.
       Tôi vừa sướng rơn trong bụng vì được khen thông minh, vừa cảm thấy xấu hổ vì
 đã gây ra rắc rối cho Trường, làm phiền đến nhiều người và cái lớn nhất là làm ảnh hưởng đến hình ảnh tốt đẹp của nhân dân Việt Nam anh hùng đang chiến đấu chống lại đế quốc Mỹ.
       Sau vụ “Tập kích vườn cam Nông trường” thì có một thỏa thuận giữa Ban giám đốc Khu Giáo dục học sinh Miền Nam, Quế Lâm và Lãnh đạo Nông trường để  chúng tôi được đến Nông trường tham gia lao động với công việc: tỉa những cành sâu bệnh, vặt bớt chồi non ( chắc là để kích thích cây ra nhiều hoa) và vun xới gốc cam. Mỗi lần được đi lao động ở Nông trường cam, bọn trẻ con chúng tôi như đi hội, mêt nhưng thật là vui.
       Đến mùa cam chín, Khu Trường chúng tôi nhận được những giỏ cam vàng tươi mọng nước, nhìn thấy đã muốn ăn do Nông trường biếu (chắc là thưởng cho thầy trò chúng tôi do có thành tích tham gia lao động chăm sóc cam của Nông trường). Nông trường cũng bán cam với giá rẻ để phục vụ cán bộ công nhân viên, thầy cô giáo và học sinh. Chúng tôi chia nhau (thực ra là giành nhau) thưởng thức những múi cam ngọt lịm khi thức dậy sau giờ ngủ trưa. Mỗi đứa ăn xong phần của mình, nhìn đứa ăn chậm mà thòm thèm mãi, thật là trẻ con.
      Tình đoàn kết hữu nghị giữa Khu Giáo dục Học sinh Miền Nam Quế Lâm và Nông trường ngày càng gắn bó keo sơn. Ban giám đốc Khu cũng đã mở rộng quan hệ hữu nghị với Công xã cạnh trường để học sinh chúng tôi thăm quan học tập, liên hệ giữa lý thuyết đã học với việc trồng và chăm sóc lúa cũng như các loại nông sản khác. Chúng tôi cũng được đi thăm quan các cơ sở sản xuất công nghiệp ở tỉnh Quảng Tây như: Nhà máy Cơ khí chế tạo, Nhà máy Thủy điện Dương Sóc nằm sâu trong hầm xuyên qua núi, Nhà máy chế biến gỗ, Nhà máy chế biến chè tỏa mùi thơm ngát, cả các Xưởng thực hành sản xuất pin , sản xuất bột ngọt từ sắn ...
      Mùa mưa năm 1974, đồng lúa chín đang kỳ thu hoạch của Công xã cạnh trường ngập úng, cánh đồng thành một biển nước mênh mông. Học sinh chúng tôi được huy động tham gia thu hoạch lúa giúp bà con nông dân. Chúng tôi trở thành những nông dân thực thụ, chân lội nước lõm bõm, tay cầm liềm cắt lúa.Ngày đầu còn chậm nhưng mấy ngày sau  quen dần, tay liềm đã thoăn thoắt theo từng hàng lúa chín đã ngã rạp do gió mưa.  Chúng tôi vác từng bó lúa to tập trung từng đống lớn cạnh máy tuốt lúa. Các bạn lớn hơn trực tiếp đứng máy tuốt lúa, chân đạp cần máy, tay cầm bó lúa xoay tròn, tiếng máy tuốt lúa quay tròn kêu vù vù, những hạt lúa còn đẫm nước văng tung tóe vào tấm bạt chắn trước máy. Từng đống lúa vun  cao dần lên,được đóng vào bao tải, đưa lên xe cải tiến  kéo về sân kho của Công xã. Đó là đợt lao động thực tế cuối cùng của chúng tôi trước khi Khu Giáo dục Học sinh Miền Nam Quế Lâm giải tán và thầy trò chúng tôi về lại Việt Nam vào tháng 8 năm 1975. Đó cũng là lần đầu tiên chúng tôi thấy chiếc máy tuốt lúa đạp bằng chân, với năng suất tuốt lúa gấp nhiều lần so với cầm từng bó lúa đập như người nông dân quê tôi. Chính cái máy đó sau này chúng tôi thấy phổ biến trên cánh đồng ở Việt nam đã  góp phần giải phóng đáng kể sức lao động của người nông dân một thời. Đợt gặt lúa chống úng năm đó dù dầm nước mưa rét run, mệt mỏi, nhưng chúng tôi ai nấy đều rất vui, vì thầy trò chúng tôi đã góp sức mình cùng bà con nông dân thu hoạch, tránh cho lúa khỏi bị hư thối do ngập úng. Chúng tôi cũng đã học tập được tinh thần lao động cần cù của những xã viên công xã nước bạn và hơn hết ,chúng tôi được trải nghiệm có ịch qua lao động thực tế.
         Bây giờ, sau bao nhiêu năm tháng, trước những sự đổi thay của đời sống xã hội và những thăng trầm trong cuộc đời của mỗi người, những kỷ niệm vui, buồn thời học trò xa nhà, được sống trên mãnh đất Quế Lâm yêu thương thắm đượm tình người, vẫn theo chúng tôi suốt cuộc đời này. Các chú bảo vệ, các bác lãnh đạo Nông trường, các bác ở Ban giám đốc Khu Giáo dục Học sinh Miền Nam Quế Lâm, các thầy cô má và cả các bạn tôi, những cậu học sinh ngỗ nghịch ngày nào năm xưa ... ai còn ai mất, hãy nhận ở chúng tôi lời xin lỗi dẫu muộn màng. Xin mọi người hãy tha thứ những sai lầm nhất thời và lưu lại ký ức đẹp, những việc làm tốt của chúng tôi lúc bấy giờ. Những cậu học sinh nghịch ngợm ngày đó, nay đều đã trưởng thành, có đóng góp ít nhiều cho công cuộc xây dựng đất nước Việt Nam sau chiến tranh. Chúng tôi tự hào về mái trường chúng tôi đã học tập và trưởng thành nay được tu bổ, xây dựng thành Trường Đại học Sư phạm Quảng Tây. Nhiều học trò cũ đã về lại thăm trường xưa, nhiều người đã quay lại đây nhiều lần, nhưng lần nào tâm trang cũng đều rất xúc động. Một quảng đời tuổi thơ thật đẹp  gắn bó nơi đây, chúng tôi đắm chìm trong ký ức tưởng  như thấy mình trẻ lại, giọt nước mắt hạnh phúc lăn trên khóe mắt của những đứa trẻ ngày nào nay đã lứa tuổi U 60, U70 với mái tóc đã bạc màu sương gió.
          Nhắc lại những kỷ niệm buồn, vui ngày xưa như một lời tri ân với mãnh đất và con người mà thời thơ ấu chúng tôi đã sống, học tập và trưởng thành:  QUẾ LÂM ơi!

   Đà Nẵng, Xuân 2015

  Tóc Gió Thôi Bay ghi lại theo lời kể của Lê Quang - cựu Học sinh Miền Nam, Quế Lâm.







16 nhận xét:

  1. @TGTB: xin chưa góp ý về nội dung (khá hấp dẫn), nhưng lỗi chính tả do đánh máy chữ và lỗi chính tả do "nói sao viết vậy", theo thiển ý cũng "từ từ sửa dần" để nội dung bài viết trong sáng hơn, nhằm sau này không bị các nhà nghiên cứu phải làm nhiều bài góp ý, "dọn vườn" và "nhặt sạn", khi được chính thức đăng đàn trong Tập san.
    Xin vui nòng tiếp thu, lếu có gì không phải, xin vui nòng liệm tình tha thứ. Nỉ hảo, nỉ hảo à!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cảm ơn ND vì " xin chưa góp ý ". TGTB "luôn lắng nghe, luôn luôn thấu hiểu và luôn luôn tiếp thu..."

      Xóa
    2. chẳng cần sửa gì nữa, như vầy hay và hấp dẫn lắm rồi. Văn vẻ , trau chuốt quá thì mất vẻ chất của HSMN

      Xóa
    3. Lỗi chính tả đã được dọn tạm ổn, còn lỗi ở cụm từ "xấu hỗ" = "hổ" hoặc "mãnh" - "mảnh", "chân tay bị cào sướt rướm máu" - "xước" thay cho "sướt", có mấy chỗ thiếu dấu nặng.

      Xóa
  2. @TGTB: Mà sao MF nghe là nông trường cam cho phép vào ăn thoải mái, chỉ có không đượcj đem về?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. MF ăn quả lừa của tên Quế nào rồi.

      Xóa
    2. Viết cho Quế đọc thì ngôn ngữ kiểu chi rồi Quế cũng hiểu. Nhưng Quả này là còn phải chuyên cho cô Niêm - phiên dịch- để dịch sang tiếng Trung. Ngôn ngữ phải gọn nhẹ để cô Niệm còn dịch, chứ cứ tương nhe TGTB tương xưa nay ở Bantbe sợ làm khó cô. Cho nên mới "trưng cầu Quế ý". Loa, loa loa!!!

      Xóa
    3. Hèn chi thấy lời lẽ com-pờ - lê hẳn! he he. MF cứ tưởng TGTB chỉ đăng giùm ông Quang? Nghe cũng không đã bằng khi hắn quậy.
      Đề nghị các TQ chỉnh sửa cho hắn, kể ra lỗi cũng ít thôi.

      Xóa
  3. Nhớ chuyện ngày ấy bật cười
    Sao mình nghịch thế, một thời vui vui.
    Thời gian qua ngẫm bùi ngùi
    Những năm tháng ấy vương mùi cam tươi
    Hương xưa, thơm mãi một đời
    Dù nay xa cách nhớ thời Quế xưa!!!

    He he he!!!

    Trả lờiXóa
  4. UL nghị gật như nacdanh:10:06:00 28-5-2015,trem trem hai tay lun ý
    -UL bình noạn nè:trên cao nhìn xuốn vườn đào,chỗ mô cao hơn vườn đào nhỉ? Nóc nhà khu ở cheng,hi..hi cao ưa,quế nhí hong leo nổi,nghich thì nghịch,nhưng té au lém chứ bộ
    -tỷ MF:UL nhớ có lần như tham gia thu hoạch cam,đúng nà được phép măm tại vườn,hong được mang về...giỏi lém được hơn quả chứ mấy,Nên khi vô nam công tác,đi qua vùng trái cây LongKhanh,nghe bảo vô được măm thoải mái...nhớ khi xưa ta bé con con đã được khuyến mại măm rùi,chiêu ni nghe quen à nha.
    -hồi ý,nhớ nà mỗi cây cam sum xuê trái ,dưới gốc đều có ghép một cây nhỏ nhú ngón tay,được giải thích nà chống sâu bệnh cho cây kiểu bio(hong hoá chất),seo chừ lém HC rứa....lúc ý thầm cảm phục cách trừ sâu bọ của vườn cam,lại cho quả và năng suất cao...
    -hi...hi thấy bóng dáng miềng ở đoạn phin gặt lúa nữa....các a c nhớn mần nhiều việc giúp công xã.....miềng nhăm nhăm kím lúa mầm mem mem.
    -hong lơ santbe đâu,chỉ vì com hơi khó,nên ngại....giờ chịu khó hén,cho sân đông zui chớ.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Bi giờ muội còm ngon lành mừ, vụ nhân bản thì hiện nay MF đang bị giống muội, có điều vì có đặc quyền một chút nên có thể vào nguồn để triệt mà thôi!
      MF nhớ vậy là chính xác, mà TGTB hắn láo líu nói MF ăn quả lừa! Có hắn chiên nhăm nhăm đi tập kích thì có, nghe tụi Quế giai hăn nói với nhau là ăn zụng khi nèo cũng ngoong mừ! :D

      Xóa
  5. Mình cũng đã tham gia mấy vụ chăm sóc cam sau tết. Là khi cây cam ra hoa và lộc non sau tết (mùa xuân), người ta phải tỉa bớt lộc non và cành xấu để chất dinh dưỡng tập trung cho hoa đậu nhìu quả, cây ăn quả mà. Sau đó thì đào một rãnh sâu xung quanh gốc, bán kính từ gốc ra bằng với tán lá ngoài cùng xa nhất của cây, bỏ phân vào rãnh ấy và lấp lại, để cây có thêm sức nuôi quả mà không bị rụng bớt như cây tự nhiên.
    Tới mùa hè, sau khi thu hoạch, thì Nông trường chở một phần sản phẩm vào cho các trường HSMN để các Quế con thưởng thức thành quả lao động của mình.
    Và mình đã được thưởng thức những trái cam vàng mọng ngọt thơm tình hữu nghị thuở ấy!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Đóo, như Quế Ngọc phải đàng hoàng hem! =))

      Xóa
  6. Như ở Lời Tác giả đã nói ở trên: "...Có thể chỉnh sửa theo ý của mình và ghi lại ở mục Nhận xét, để TGTB hoàn chỉnh nộp bài cho Quế LĐT". Nhưng MF đã lịnh: "Đề nghị các TQ chỉnh sửa cho hắn, kể ra lỗi cũng ít thôi." Nên đc TQ - (nghi ở đây là Ráo, vì lời văn có mùi của Ráo) - đã sửa thẳng vào bài viết. Cũng như đã nói, bài viết này để gửi cho cô Niêm (phiên dịch) dịch ra tiếng Trung, nên tác giả đã cố viết để không làm khó cho cô Niệm, nhất là dùng từ ngữ chân phương, tránh từ ngữ riêng của Quế hay HSMN.
    Thực ra Vụ Cam này đã đề cập ở đây qua chuyện; "Hai ông Tây một ông ta" nên khi đăng bài này ở đây mục đích là xin góp ý của Quế.
    Chuyện của Quế LQĐ thế này:" Bọn mày nhớ vụ trộm cam không? Tao cầm đầu vụ đó. Bọn mày biết vượt cái hào sâu như thế nào không? Tao nghĩ ra cách dùng một cái sào để nhảy qua đó. Khi bị lộ tao zọt nhanh, lũ kia chậm nên bị thó hết. Bọn nó khai, tao không nhận, Thoát!" - Từ cái "CỐT" này tác giả tự nhớ thêm những chi tiết khác cũng như các hoạt động mà bản thân tg đã tham gia ở QL để cho ra cái chuyện trên, nên chắc chắn là còn phải sửa chữa nhiều.
    Tg cảm ơn đc TQ đã sửa chữa bài viết. Tuy nhiên xin được có ý kiến để rộng đường xem xét cho hoàn chỉnh:
    1- "vạt sương" sửa thành "giọt sương" : ban đầu tg viết'giọt", nhưng đọc lại là nhìn trên cao xuống nên phải nhiều giọt mới thấy nên sửa thành "vạt sương". Nhìn từ tần trên Ký túc xá cấp I NVB hoặc leo đứng trên bờ tường rào trên đồi, hoặc leo lên sườn núi cạnh trường DT là có thế nhìn đồi đào thành thảm hoa. Thmooi thì không vạt thì giọt cũng được.
    2- "lớn tuổi" dễ gây hiểu là người lớn tuôi -già sửa thành "lớn tướng rồi" với Quế là quá chuẩn nhưng với cô Niệm dịch thuật có khó không?
    3/ "cây có gai nhọn" sửa thành "có gai rất kinh, ý chừng..." có khó cho cô Niệm ko?
    4/ "phía dưới có gai nhọn" sửa thành " thật quá khủng đối với bọn nhóc tì độ 11 đến 13 tuổi chúng tôi" , quả này gây khó cho cô Niệm rồi TQ ơi.
    5/ "tôi cảm thấy sợ" sửa thành "tôi nhác thấy sợ", có khó cho cô Niệm ko?
    6/ " Sợ khiếp không còn giọt máu" sửa thành "trắng bệch, sợ xanh đít nhái" với Quế sửa thế là đúng ngôn ngữ Quế, chuẩn ko cần chỉnh. Nhưng quả này cô Niệm "gặm" hơi bị khó!!!
    7/ "tôi đang lo cách đối phó" sửa thành " tôi nghĩ rất lung tìm cách đối phó", có khó cho cô Niệm cái từ "rất lung" hổng he?
    8/ "Đây là hình thức cảnh cáo để răn đe thời bấy giờ" sửa thành "...theo kiểu Tàu", quả này tg thấy không ổn!?!?

    Các chỉnh sửa khác thống nhất với TQ. Từ 1-7: Nếu thấy "không có vấn đề gì với việc dịch thuật của cô Niệm" thì TQ cứ để như đã sửa.
    Riêng mục thứ 8 tác giả TGTB kính đề nghị TQ trả về nguyên tác vì đây là bài viết mang "tinh thần HỮU NGHỊ" , LĐT đã chỉ đạo, mặc dù hiện nay ta và Tàu không mặn nồng mà đang căng cứng ở biển Đông.

    Mong TQ, các Quế đại xá nếu có gì không vừa lòng với TGTB tôi!

    Trả lờiXóa
  7. LĐT: Ông đặt hàng. Gửi mẫu để ông xem, nhận xét thì ông im...như thóc. Tôi ngứa mồm rồi đó ...Em LH cũng có đt nói tui nội dung như LĐT nói nên tui nghĩ là một mối đều về Cô Niệm. LH có nhắn tin cho tui nói rút gọn lại tối đa 1,5 trang A4. Ý ông reng? Ông cũng phải "sủa" vài tiếng để tui biết chừng...

    Trả lờiXóa
  8. @TGTB : heheeeee . bài ni văn phong địu đàng quá , không bằng Vẽ Rồng . LĐT bận đút bột cho con ăn nên không nghía lên đây đâu . Để chủ nhật này Quế Sài gặp nhau , Ráo chuyển lời cho . Nhớ sạc pin và nạp tiền DĐ nhìu nhìu chút .

    Trả lờiXóa

Mời bạn cho nhận xét của mình đối với bài viết. Nhận xét của bạn là đóng góp lớn lao cho ngôi nhà chung của chúng ta.

Dùng mã code dưới đây để chèn nguồn từ bên ngoài vào comment:
Link : <a href="Link URL">CLICK HERE </a>
Hình ảnh : [img]Link hình ảnh URL[/img]
Youtube clip : [youtube]Link video từ yotube[/youtube]
Nhaccuatui : [nct]Link nhạc từ Nhaccuatui[/nct]