Đỗ Hà Bắc, Lớp 7B (1971 - 1972)
Ngày 4/12/2012, một ngày không bao giờ
quên.
Tôi hủy mọi chương
trình tham quan, mua sắm. 14h, Thầy Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Nhà kỷ niệm
các trường học Việt Nam dùng xe riêng đến đón tôi cùng hai SVVN của Trường ĐHSP
Quảng Tây làm phiên dịch (tất nhiên do cô Tần điều động).
Chúng tôi không
quên ghé mua trái cây, hương, giấy. Thấy
tôi mua cái gì cũng nhiều thầy Nguyễn thắc mắc. Tôi ra hiệu: thầy cứ mặc tôi. Tôi
muốn bù đắp cho các bạn những năm tháng qua và mong các bạn được “ấm” hơn.
Nghĩa trang thật rộng
lớn. Có hẳn một con đường nhựa 2 chiều chia Nghĩa trang thành 2 phần. Một bên bằng
phẳng, một bên có núi. Nhiều mộ được chôn trên núi cao. Chúng tôi len lỏi giữa
những ngôi mộ, đi hết chiều ngang của Nghĩa trang. Khi qua chiếc mộ xây đá cuối
cùng là một bãi cỏ tranh cao ngút. Thầy Nguyễn chỉ cho tôi đây
là khu mộ HSMN.
Tôi lặng đi. Hình như mọi sự vẫn vậy như cách
đây mấy chục năm. Hai dãy mộ xếp hàng ngay ngắn giữa bãi cỏ tranh cao
quá đầu người vừa được phát quang một cách vội vã, nhiều mộ chỉ vừa đủ
nhìn thấy tấm bia hay nấm đất vun lên để hiểu là có mộ. Thật không thể tả
được cảm xúc khi nhìn thấy khu mộ của HSMN. Anh Hùng đâu? Ngọc Sơn
đâu? Bác sĩ Sử A đâu? Mà sao nhiều mộ thế này? 1,2,…5,6,…10 chiếc!
Không, còn đây 2 chiếc nữa! Trên bia ghi rõ “Cán bộ miền Nam”. Tôi nghĩ
ngay đến các chú các bác đã từng chữa bệnh tại bệnh viện Nam Khê
Sơn.
Trong số 12 mộ có 5 cái còn nguyên bia (Có đủ thông tin: Họ tên, quê quán,
ngày sinh, ngày mất), 3 mộ chỉ còn phần dưới của bia (Không còn tên, không quê
quán, bia thứ 3 chỉ còn “Khu GDHSMN”), còn 4 mộ không còn bia, chỉ là nấm đất đắp.
Tôi không thể xác định được mộ của 3 người tôi biết.
Thật may mắn làm sao. Có vẻ
ra đây là “Khu người Việt” gồm “Khu học sinh” và “Khu cán bộ”.
 |
“Khu học sinh” |
 |
“Khu cán bộ” |
Một ít trái cây, một nén nhang cho các bạn, các
chú còn yên nghỉ nơi đất khách quê người. Có lẽ cũng chừng ấy năm, nơi này mới ấm
lên một chút tình thân của những người bạn, người đồng hương.
 |
Không nhiều nhưng là tấm lòng của người bạn xưa lần đầu thăm viếng. |
 |
Một nén hương ... và một lời xin lỗi... |
 |
Cầu mong bạn mau chóng "trở về"... |
 |
Thầy Nguyễn Trung Nguyên |
 |
Các cháu SV cùng chia sẻ ... |
 |
Cháu SV giúp ghi chép thông tin còn lại trên bia |
 |
Kiểm tra lại lần nữa để không bỏ sót chi tiết nào. |
 |
Chỉ là nấm đất, không tên, không tuổi, không quê quán |
 |
Những gì còn lại sau năm tháng... |
 |
"Ra đi" lúc...11 tuổi! |
 |
Sử dụng "Công nghệ cà số" |
 |
Trong đám tranh này (Khu cán bộ) liệu có còn ai? |
 |
Thầy Nguyễn lúc nào cũng sốt sắng như người thân của những người quá cố. |
 |
Khu đất "lạnh" có "ấm" lên... |
Những
ngôi mộ của người địa phương:
Chúng
tôi ra về với bao nhiêu cảm xúc. Không biết đến bao giờ chúng tôi mới có dịp
quay lại. Nhất định chúng tôi sẽ quay lại! Bao giờ các bạn, các anh, các chú mới
được “Trở về”?
Trên đường ra khỏi Nghĩa trang tôi cũng đã không quên chụp một
loạt ảnh làm “người chỉ đường” từ cổng Nghĩa trang đến “Khu mộ người Việt” và
ghi lại địa chỉ, chỉ dẫn bằng tiếng Trung để có thể “chỉ” cho thân nhân đến
thăm mộ mà không cần có người dẫn đường. Lúc này tôi mới hay nghĩa trang này có
tên: Khu lăng mộ Tĩnh Giang Vương.
Tìm hiểu thêm mới biết Khu lăng mộ này là
nơi chôn cất các đời lãnh chúa nhà Minh gồm hơn 300 ngôi mộ trong suốt gần 300 năm
trị vì, được hình thành cách đây hơn 600 năm. Không biết có phải “Đất thiêng”,
“Đất lành chim đậu” hay không mà hiện ở đây có đến hơn 60.000 ngôi mộ. Đây cũng
là vấn đề bức xúc của chính quyền địa phương trong việc bảo vệ Di tích lịch sử.
Buổi tối hôm đó Trường chiêu đãi Đoàn
Việt Nam để sáng mai rời Quế Lâm. Tôi đã thay mặt tất cả HSMN và gia đình những
người còn nằm lại cảm ơn Trường ĐHSP Quảng Tây đã giúp chúng tôi tìm lại những
người bạn xưa. Tôi đã khóc như đứa trẻ khi nói lời cảm ơn và chợt nghĩ từ ngày
mai các chú, các anh và các bạn sẽ lại tiếp tục những ngày tháng đơn độc, lạnh
lẽo nơi đất khách quê người. Một điều an ủi: Trường ĐHSP Quảng Tây đã hứa với chúng tôi sẽ tổ chức
chăm sóc mộ, sẵn sàng đón tiếp và giúp đỡ thân nhân thăm viếng và bốc mộ (để
tránh bị dân địa phương “chặt chém”).
Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin cho
các bạn: Hành trình “Đi tìm thân nhân” – đối với những mộ còn nguyên bia và Hành
trình “Trả lại tên cho em”- đối với những mộ không còn tên.
Cảm ơn Hà Bắc!
Trả lờiXóaNăm 2003, anh đã cùng 3 anh Trỗi con: Phan Nam, Nguyễn Hữu Thành, Đoàn Mạnh Thanh và NSƯT Quang Huy, anh Nam Hòa theo chị Niệm đến thăm khu nghĩa trang này. Trước khi đoàn sang, chị Niệm đã đi tiền trạm.
Nhớ 1968 trước khi về nước còn thăm được mộ anh Nguyễn Văn Hòa (chết sau Tết 1967 do bị viêm màng não) và Hoàng Châu Linh (chết do bệnh yết hầu hè 1968); nhưng khi quay lại không thể tìm ra. Có thể đã bị mất bia mộ.
Chào Anh Quốc, đúng vậy, không có tấm bia nào mang tên Nguyễn Văn Hòa và Hoàng Châu Linh (Học sinh trường Trỗi) nhưng em có thể chính thức báo với anh: em đã xác định được ngôi mộ chôn anh Hòa và anh Linh (trong số 7 mộ ko bia). Nhưng mọi việc sẽ không có ý nghĩa nếu chúng ta không tìm được thân nhân của các anh ấy. Anh và các anh bên ấy cố gắng chạy đua với thời gian đi may ra các Cụ còn kịp "gặp" các anh ấy tại nơi chôn rau cắt rốn.
Trả lờiXóaCảm ơn các Quế. Rất cảm động. Bạn bè chơi với nhau phải hết tình, hết nghĩa như vậy.
Trả lờiXóaTM
Tiếp đi LĐT !
Trả lờiXóaKhông hổ danh là LĐT , cảm ơn anh nhiều lắm , kể tiếp đi
Trả lờiXóa