Chủ Nhật, 23 tháng 8, 2015

LƯỚT SÓNG LY GIANG

Bước vào năm 1970 không khí vượt sông dâng lên cao trào học theo gương "Mao chủ xị vượt sông Trường Giang". Các ngày lể 1/8 (Ngày thành lập Quân giải phóng - PLA), 1/10 (Quốc khánh Trung Hoa) cả trường thường được ra bờ sông Ly dự mít tinh xem quân đội TQ diễn tập vượt sông "chiếm Đài Loan". Rồi cầu Trường Giang khánh thành, rồi Mao đón TT Nixon,.. Theo đó lũ nhok HSMN trở nên hiếu chiến hơn: gây loạn đập phá trong trường, ra căn tin giựt xé các họa báo có hình TT Nixon,..
Thông thường chỉ vào ngày chúa nhật các trò mới được ra Quế Lâm chơi mà phải xin phép. Nhưng do là đang nghỉ hè cộng với khí thế vượt sông đang lên nên lũ nhok thường xuyên có mặt ở Ly giang.
Đoạn sông từ cầu Giải phóng đến chân núi Voi thường túc trực vài nhóm Quế nhok và dễ dàng nhận biết với áo mất nút, túi rách "vì nhân dân phục vụ" và nón nan. Nhóm nhớn vẫn đang ở trường miệt mài học vượt, haha... cố lên.:D

Cầu Giải phóng bắc qua sông Ly, Quế Lâm, TQ
Chán chơi bắn súng hơi có thưởng ăn kem hay ghé Bách hóa nhân dân giả ngắm hàng rồi chôm vài cục pin lũ nhok kéo ra sông Ly bơi lội. Bên kia sông là chỗ cho thuê chèo thuyền, thế là vài thằng lao bơi qua, lũ khác chạy vội lên cầu Giải phóng với những túi chứa quần áo lủng lẳng hai vai. Bỗng thằng Hồng bựa nói "Tụi mày cầm đồ qua trước đi" rồi leo qua lan can cầu lao xuống... ùm. Dưới sông 3 - 4 thằng đang bơi qua, việc thằng Bựa nhảy cầu xuống làm chúng hưng phấn hơn, la hét om sòm. Người dân TQ trên cầu và hai bên bờ túm tụm chỉ chỉ trỏ trỏ. Quăng túi đồ cho thằng Cường khỉ miệng bi bô vị trí tập kết, tay chỉ xuống sông ngầm bảo là tao tìm bạn tao (vì người TQ đâu có biết tiếng Việt). Haha... thế là...
Hình hù dọa :D
Dòng sông Ly khá cạn nhưng dưới đáy có lớp rong dài dầy êm, dòng nước chảy mạnh đưa tôi trôi đi xa. Tôi nằm ngửa thả lỏng khoan khoái cái cảm giác thót bụng khi nhảy cầu quá cao (cũng còn gọi là hú hồn). Bỗng nghe tiếng thằng Bựa la "Sao chột", ngó thấy trên cầu nghẹt người xem, tôi vội bơi về phía nó trong tiếng oh à... loáng thoáng của mọi người.
Hình hù dọa :D
Bãi tập kết của chúng tôi ở bờ bên kia, phía dưới bãi cho thuê thuyền, đối diện núi Voi bên này. Từ vị trí này ngoài bơi lội còn canh me xem em HSMN Quế nào thuê thuyền bơi ra là alêhấp "để tụi tao chèo tý" haha... thế mới tiết kiệm tiền. Hết giờ chủ thuyền kêu, chèo lại ông ta thấy thèn Việt Nam lạ hoắc nên ngần ngừ... thế là chèo tiếp 1 giờ nữa, khi trả thuyền, cự cãi chủ thuyền về chuyện tiền nong thêm xuất là chuyện của bạn mình, hehe... :D
Hồng bựa và Ba chột tại Đà Nẵng
Một lần cả bọn đang thả lỏng gần núi Voi, ở đây từ 2h chiều trở đi là có đông người TQ ra đây tắm. Bỗng thèn Bựa chửi thề "Mẹ kiếp" rồi nó bơi vô chỗ vòi voi. Tại đó trên một tảng đá, một thằng bé TQ đang đứng tè vung vẩy tự nhiên, còn chí chóe giơ tay vẫy vẫy "zuê nản". Thèn Bựa leo lên tảng đá tát cho thằng bé một cái, rồi lu loa tiếng Việt nào là "tao đang bơi""mày dám đái bẩn"... Thằng bé khóc thét và không hiểu gì sất. Một vài thanh niên TQ tiến về tảng đá, tôi la: "Rút bựa". Nó lao ùm rồi chúng tôi bơi rút qua bờ bên kia với mấy thằng Quế nhok. Trên tảng đá mấy thanh niên đang nói gì đó với thằng nhỏ rồi lấy khăn phất phất tụi tôi. Chả hiểu ?... (Thanh niên TQ đi đâu cũng có cái khăn mặt trên cổ). :D
Núi Voi địa điểm bơi kình với thanh niên TQ
Từ đó cứ mỗi lần lũ nhok Quế bơi gần núi Voi thấy mấy thanh niên TQ phất khăn là tấp vô. Rồi dàn hàng ngang... bơi kình (bơi đua). Thèn Bựa thế mà cứ hay thắng họ, tôi, thèn Quí đôn, Cường khỉ thì chỉ xêm xêm cùng họ.
Khu vực núi Voi cứ chiều đến là đông thêm và VĐV TQ cũng thay đổi liên tục và... chúng tôi luôn về trường trễ, đói, mệt nhưng zui.
Ôi kỷ niệm ấu thơ !

Ba chột
23 - 08 -2015





16 nhận xét:

  1. Hay , zui , quậy kính nể

    Trả lờiXóa
  2. "dễ dàng nhận biết với áo mất nút, túi rách ..." vụ mất nút này là cố ý để được ,,, phanh ngực, ui giời, tỏ chí nam nhi phong trần... vì còn nút thì các má bảo mẫu bắt cài vào! :D

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. 9 xác đó tỷ @Q.MF, hồi đó trên phim ảnh TQ cứ nêu gương các anh hùng toàn bận áo ngoài ko cài nút và tà áo cứ bay phất phơ dưới bóng cờ Hồng kỳ. Thế nên lũ Quế zai nhok cũng bứt nút để tạo dáng anh hùng nhân dân :D

      Xóa
  3. Chú Chột khá lắm. Thằng Hiệp QTri nó cứ kể mãi chuyện các chú nhóc làm theo gương anh Trỗi...nhảy lầu. Hình như Chột chỉ có Chột nhảy lệch đống cát nên...què giò, còn cả bọn thì thoát. Chú kể chuyện ni cho các Quế nghe đi.

    Trả lờiXóa
  4. HỌC SINH CÁ BIỆT
    Thời học sinh thường được thầy cô phân hạnh kiểm ra làm ba loại: học sinh ngoan (hạnh kiểm 10), học sinh trung bình (hạnh kiểm 8), và học sinh nghịch (hạnh kiểm từ 6 trở xuống) ta tạm quy ước là học sinh cá biệt.

    Hồi hắn học trường học sinh miền nam số 19 cấp 2 cầu Rào – Hải phòng cũng được liệt vào danh sách học sinh cá biệt không thường xuyên (sao lại có thuật ngữ này? Hãy đọc sẽ rõ).

    Vào những năm 1961 – 1964 trường HSMN số 19 là trường cấp 2 nam, tọa lạc dọc sông Cầu rào, và kế bên là trường HSMN số 21 là trường cấp 1 nam (cả 2 trường đều là nhà tranh vách đất, nền xi măng – trước đây là trại lính của Pháp, không phải như chị em nữ ở nhà lầu), hai trường này án ngữ con đường độc đạo từ Hải phòng đi Đồ sơn (bắt buộc phải qua cầu Rào). Đó là địa lý như vậy để ai chưa biết thì cũng nên biết một tý.

    Đã là học sinh cấp 2 nên việc trốn học không còn “những ngày trốn học bị đòn roi”. Hồi còn là học sinh cấp 1 hắn bị đòn, bị phạt thậm chí phải đứng vào ổ kiến lữa là “chuyện thường ngày ở huyện”. thế thì cấp 2 thầy cô giáo dục làm sao đối với học sinh cá biệt này?

    Trường HSMN 19 có một con người đặc biệt, đó là chú Công, chú nguyên là chiến sỹ trinh sát bộ đội tiểu đoàn 307 oai hùng ở đồng bằng sông Cửu long, chú bị thương cụt một chân gần tới đầu gối, chú phải đi chân giả, chú về trường được phân công làm hiệu phó. Có một lần chú ra đường bị một nhóm thanh niên chận đường gây sự, vì thấy chú là thương binh, không ngờ sau một hồi xô sát nhóm thanh niên kia bị chú đánh cho chạy mất dép. Từ đó tiếng tăm của chú Công vang khắp vùng, nhất là đối với cánh học sinh cá biệt càng nể sợ.

    Chú Công là hiệu phó phụ trách lao động, sau thêm chức danh phụ trách “cải tạo học sinh cá biệt”. Hồi đó, giờ tự học cũng học tập trung, nhưng có một bộ phận không nhỏ thường trốn đi tắm kênh mương, vào rừng bần bắt cá, rắn …, đi cải thiện trái cây của dân trồng trong tầm ngắm (gọi là đi thu hoạch giúp dân mà không ai nhờ, mang tính tự phát) vv… và vv…

    Tất nhiên những người này đều bị thầy chủ nhiệm ghi tên, điểm chỉ; cảnh cáo vài lần. Nhưng cảnh cáo như hát hay, không mấy có tác dụng. Nhà trường không còn dùng chế độ roi vọt nữa, phải đối xử thế nào??? Cái khó ló cái khôn, chú Công đề nghị nhà trường thành lập chế độ cải tạo tại chổ. Hàng tháng, (sau hàng tuần) các thầy chủ nhiệm lập danh sách học sinh cá biệt gửi cho hiệu bộ nhà trường. Chú Công trực tiếp phụ trách nhóm này.

    Hình thức đơn giản là tối thứ 7 các học sinh cá biệt tập trung vào một phòng học nào đó ngồi viết kiểm điểm; trong khi mọi người bên ngoài xem chiếu phim. Lúc đó phim ảnh đối với học sinh là quý lắm, không được coi là một tổn thất lớn. Ngày chủ nhật phải tập trung lao động, không có gì là nặng nhọc chỉ quét dọn cho trường càng sạch đẹp hơn, chỉ buồn trong khi người khác được đi chơi, nghĩ ngơi… Các bạn có thắc mắc sao không trốn? đơn giản ai bỏ trốn hình phạt tăng lên, có thể bị liệt vào hàng ngũ đi cải tạo nông trường, ôi khủng khiếp lắm!!!

    (Còn tiếp)

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. HỌC SINH CÁ BIỆT (tiếp và hết)

      Hắn thuộc diện không thường xuyên, vì có tháng (tuần) không phải tham gia lớp này, chưa hẳn vì ngoan mà vì thầy thương, có công giải vài bài toán cho lớp chép (thú thật hồi đó hắn hoc không đến nổi nào, học sinh tiên tiến chỉ vì thiếu một điểm hạnh kiểm, vì vậy lâu lâu ba hắn tới thăm chỉ hỏi hạnh kiểm mấy. Ba hắn nói khi nào hạnh kiểm 10 sẽ cho 100 đồng = lương đại úy lúc đó, thế mà suốt thời kỳ HSMN hắn chưa một lần được thưởng. Thầy cô lúc đó quá trong trắng có sao cho vậy, không vị nể, không vì áp lực thành tích cho cá nhân. Nếu muốn có thành tích cho bản thân, nhà trường thì nhắm mắt cho hắn hạnh kiểm 10 là được lợi cả đôi đường, có thế thôi mà lúc đó không thầy cô nào thực hiện mới lạ đối với đương đại này!!! )

      Có lần, có bạn mới tham gia học sinh cá biệt lần đầu, khi viết bản kiểm điểm, viết thật lẹ lên nộp cho chú Công (mục đích là ra sớm để coi phim). Chú đâu cần coi, liền phán: em chưa thành khẩn, về chổ viết lại; Lúc đó mới nhìn xung quanh, ôi mọi người gục đầu xuống bàn ngáy khò khò. Thì ra ai cần gì các bản kiểm điểm kia. Hết phim chú phán: thôi mọi người về lớp, ngày mai (chủ nhật) sau ăn cơm sáng tất cả có mặt tại … để phân công lao động nghe rõ chưa! Dạ rỏ, thế là ai nấy tự về lớp mình mà ngũ. Hình phạt chỉ có vậy nhưng số người tham gia học sinh cá biệt cứ vơi dần đi.

      Nhớ hồi học lớp 5, sau mùa hè là mùa đông lạnh giá, lên lớp không có bộ quần áo dài nào để mặc, đi học với quần tà lỏn, áo may ô bên ngoài quấn cái mùng cho đỡ lạnh. Nhà trường biết và xin trợ cấp (cấp phát trước tiêu chuẩn). Nhưng tình hình lúc đó căng hơn dây đờn, quần áo, phơi là phải canh (vẫn còn bị mất), chỉ vì đổi áo hoặc quần vv … chỉ là những que kem, cái kẹo, tô bún riêu …

      Chú Công mới gọi lũ học sinh cá biệt lại và giao cho quần áo, chăn màng, mũ dép … và cho phép đi ra ngoài bán thỏa mái chỉ có một yêu cầu: chỉ chổ người mua. Không cần phải nói gì thêm, một thời gian sau các học sinh cá biệt phải đưa đồ đã nhận để đem đi bán, dổi chát về trả lại cho chú Công, có đứa còn bị dân bắt giao cho công an (tất nhiên việc này không phải là tội). Lúc đó, nhà trường mới cấp phát quần áo, chăn màn … Tình hình an ninh trật tự trong trường được vãn hồi, nạn trộn cắp vặt hầu như không còn. Đó là chiến thuật “gậy ông đập lưng ông” được áp dụng có thể nói là thành công.

      Chuyện này hắn viết lại cho mọi người coi có một thời học sinh miền nam là như vậy đó, không phải chỉ là thời kỳ vàng son mà không có vẫn đục.

      Phan Trọng Nghĩa ( facebook)

      Xóa
    2. Ths @nặc danh (cc: Phan Trọng Nghĩa) Kỷ niệm quá hay.
      Học sinh cá biệt luôn cá biệt. 40 năm gặp lại vui vẻ bên nhau, thầy đùa hỏi kháy trò:
      - Trò dạo này làm gì? Còn viết bản kiểm điểm ko?
      - Dạ em thưa thầy. em vẫn thường viết bản kiểm điểm từ đó tới nay. Nhưng khổ nỗi không có ai nhận. Giờ em giao thầy hết - Trò tỉnh bơ trả lời. Hai thầy trò xòa cười
      Chuyện thiệt 100%, xin hỏi thầy Chi trường NVB
      Ba chột

      Xóa
  5. HSMN và võ thuật.

    Khi post truyện “Thần tiêu”, một đọc giả hỏi, đại khái là “Hồi còn ở trường HSMN có tập võ hay sao mà viết được như vậy ?”.
    Xin các bạn đọc bài viết sau thì hiểu nhờ đâu mà có thể viết được như vậy.

    Thời học sinh, con trai thường hiếu động, hay đánh nhau để tỏ rõ mình không hèn yếu và sẳn sàng làm bất kỳ chuyện gì có tính chất ngổ ngáo, phiêu lưu, mạo hiểm.
    Thời đó, sợ nhất là mang tiếng “hèn nhát”.

    Học sinh miền Nam chủ yếu là con em gia đình cách mạng.
    Người làm cách mạng của cái thời giải phóng dân tộc, đánh đuổi thực dân xâm lược thì ít hay nhiều đều có dính đến binh nghiệp.
    Ở cái xứ Á Đông này, nếu đã dính đến binh nghiệp thì thường phải biết chút ít kỹ thuật đánh nhau. Mà kỹ thuật đánh nhau thường liên quan đến võ thuật.
    Từng nghe kể hoặc biết một số cô, chú, bác là cán bộ cách mạng có tầm cỡ, mà võ nghệ rất siêu quần, như cô Tuyết Minh (vợ tướng Lê Quốc Sản), cô Sáu Ngà (hiệu trưởng trường 6), bác Dương Kỳ Hiệp (Bộ trưởng bộ tài chính của chính phủ Mặt trận), bác Đặng Quang Minh (Năm Quang – đại sứ toàn quyền MTDTGP miền Nam tại Liên Xô)…
    Nhiều bậc thầy võ học khác, trong số cán bộ tập kết ra Bắc, như bác Võ Tòng (nhân vật trong Đất rừng phương Nam), chú Triệu Tử Long, bác Sáu Giáp, bác Sáu Na, bác Sáu Cường, bác Ba Danh (Phật sống)… Họ sống khiêm nhường, không để danh lọt ra ngoài, nhưng đều có hạng trong làng võ.
    Và con cháu thừa hưởng máu nhà binh, mê võ nghệ cũng không phải là chuyện lạ.
    Lại thêm, cái môi trường sống tập thể như đã kể ở các phần trên, nên HSMN rất hay đánh nhau. Mà đã đánh nhau thì ít nhiều có quan tâm đến kỹ thuật, tức võ nghệ. Võ thuật thực ra là kỹ thuật đối kháng.

    Lứa tuổi của cái thời học sinh, theo các nhà tâm lý học, gọi là “tuổi nổi loạn”.
    Trong trường, thời cấp một, cấp hai gần như ngày nào cũng có cảnh đánh nhau, cho nên chuyện học võ để đánh nhau hay tự vệ…, là chuyện không có gì lạ.
    Khi chúng tôi học cấp ba, đúng vào thời kỳ chiến tranh ác liệt nhất đã lan ra đến miền Bắc, thì chuyện học võ còn có ý nghĩa rèn luyện sức khỏe và sẵn sàng nhập ngũ.
    Chúng tôi, con trai cũng như gái, hầu như đứa nào cũng biết vài ba thế võ, cũng tập, cũng luyện như cái đám dế mèn háu đá.
    Chúng tôi được dạy chính quy trong giờ thể dục có, mà học lóm lẫn nhau cũng có.

    Khi còn học cấp một, cấp hai chúng tôi rất mê truyện kiếm hiệp, truyện trinh thám, như “Thủy Hử”, “Tam Quốc diễn nghĩa”, “Hán Sở tranh hùng”, “Tiết Nhơn Quý”, “Tây Du ký”, “Bồng lai hiệp khách”, “Long hình quái khách”, “Người nhạn trắng”, “Thiết Đường”, “Tàn Đường”…
    Ngoài ra còn có các tác phẩm mới, như “Trên mảnh đất này” của Hoàng văn Bổn, “Gia đình Bảy thẹo” của Phạm Tường Hạnh, “Lá cờ thêu sáu chữ vàng” hình như của Tô Hoài, “Bỉ võ” của Nguyên Hồng, “Đất rừng phương Nam” của Đoàn Giỏi, “Vang bóng một thời” của Nguyễn Tuân… cũng đều có nói đến võ thuật.
    Thực chất của sự mê truyện này, có một phần rất lớn là mê các chi tiết đánh nhau, cụ thể là chi tiết sử dụng võ thuật.
    Xem riết rồi ham mê võ nghệ, ngưỡng mộ các nhân vật anh hùng, nghĩa hiệp hay các tay anh chị đầy khí phách.

    Một số đứa có gia đình cùng đi tập kết, gồm cha, mẹ, chú, bác,… mỗi khi nghỉ Tết, nghỉ hè thì về với gia đình, rồi học võ của các bậc cha chú.
    Các bậc phụ huynh này từng theo kháng chiến, từng học qua chút ít võ thuật.
    Thậm chí có nhiều chú bác rất giỏi, là các bậc tiền bối võ lâm.
    Thế là mỗi đứa học một ít, rồi về trường phổ biến cho nhau.
    Đứa nào biết thì chỉ cho đứa không biết, nhưng thường là “tam sao thất bổn”. Dần dần chẳng còn biết là thế võ gì, môn phái nào.
    Do phần nhiều là chỉ bảo lẫn nhau nên chẳng có lớp lang, thầy bà gì, cũng chẳng có bái sư, chẳng theo trường phái… Một ít của Thiếu lâm, vài thế Hồng gia quyền, La Hán quyền, rồi thì võ Hẹ, võ Tiều… như một nồi hổ lốn.
    Đôi lúc nói chuyện với nhau, anh nào cũng tỏ ra hiểu biết, cãi nhau chí choé.
    Nhưng cũng chính vì vậy mà hình thành “trường phái võ HSMN”.
    Gã không phải là dân trong nghề, ít đánh nhau, nhưng sống trong môi trường như vậy nên có biết chút ít khái niệm để có thể kể ra đây.

    (còn tiếp)

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. HSMN và võ thuật. (tiếp)

      Võ nghệ muốn thành tài, phải cần nhiều yếu tố, có thầy giỏi, thể chất tốt, chuyên cần tập luyện, gan dạ, trí phán đoán tốt…
      Ví dụ, có một anh bạn, tên Thạnh. Hắn gan dạ, hay đánh nhau, biết thế võ nào là tập rất chuyên cần. Hắn bị cận thị nặng nên có biệt danh là Thạnh Mù.
      Có một lần đánh nhau với người ta, hắn đánh đối phương văng vào gốc cây. Đối phương bỏ chạy. Hắn nhìn thấy gốc cây, tưởng là đối phương vẫn còn ở đó, liền giáng một quyền đầu như thôi sơn. Hậu quả là, tay phải bóp muối mấy ngày mới tan máu bầm. Lúc trẻ, hắn rất hung hăng, thích đánh lộn, và sẵn sàng đâm chém. Một lần, lúc đang học lớp 6, trường HSMN số 27, hắn kiếm đâu được con dao, đem ra mài. Có một anh chàng tên Chiến, thuộc loại anh chị, mang biệt danh Chiến lưu manh, hay Chiến con. Hắn học trên Thạnh khoảng hai lớp gì đó.
      Chiến đi ngang, thấy con dao đẹp liền giựt lấy.
      Thạnh nhỏ con hơn, vả lại biết Chiến cũng là dân anh chị, nên không dám làm gì, nhưng mắt gườm gườm, tỏ vẻ tức giận.
      Thấy vậy, Chiến nói : “Nghe nói mày gan lắm hả, dám đâm tao không ?”, và liệng trả con dao.
      Thạnh chẳng nói năng gì, cầm dao đâm ngay vào cổ Chiến.
      Chiến nhanh tay gạt ra, nhưng cũng bị sướt da tay trái, chảy máu.
      Thạnh không dừng, đâm tiếp nhát thứ hai, Chiến cũng gạt được, và cũng bị trầy da tay phải, lại chảy máu.
      Say máu, Thạnh không buông tha, đâm thêm nhát thứ ba, Chiến né tránh được và nói : “Thôi ! đủ rồi, tao phải lên bệnh xá băng vết thương”.
      Với tính cách hung hăng, thích đánh nhau như vậy, nên ít ông thầy võ nào chịu dạy cho Thạnh. Nếu có dạy thì chỉ dăm ba thế võ vỡ lòng. Tuy nhiên, do hắn ta đánh nhau nhiều thành thói quen, và đã biết thế võ nào là tập rất say sưa. Vì vậy mà, cuộc đời “trận mạc” của anh chàng Thạnh mù này, theo tôi biết, hắn chưa từng thua ai.
      Mỗi lần đánh nhau, hắn chẳng cần thủ thế, cùng lắm gầm ghè để cướp tinh thần đối phương.
      Khi lâm trận, hắn chủ động tấn công, lầm lì nhập nội, cùng lắm là chịu vài đòn của đối phương, rồi ra một đòn quyết định, thế là đối phương gục, hoặc bỏ chạy.
      Chàng Thạnh Mù này thấp, chắc đậm, nên cách đánh của hắn thường là khoát tay đánh dứ vào mặt đối phương, dò phản ứng. Kế đến, tùy phản ứng của đối phương, nếu dơ tay đỡ, thì hắn tấn công phần dưới, hoặc trở tay giáng tiếp vào mặt. Đòn này rất bất ngờ, vì đối phương không ngờ hắn biến đòn dứ thành đòn thiệt, nên dễ bị “ăn trầu”.
      Những năm 73-75, trong đám HSMN xuất hiện nhân vật Quốc Bình và vài tay cùng trang lứa, như Hùng Canxi, Hồng Lồi, Minh Đu… cũng được xem là võ nghệ khá.
      Về Nam, Quốc Bình học thêm khá nhiều nên được tính là cao thủ. Lần nọ, Quốc Bình, gặp Thạnh Mù. Chuyện trò thân mật một lúc, Quốc Bình nói :“Anh bây giờ không hơn được em đâu”. Trả lời :“Nhưng mày cũng phải công nhận là không thể thắng được tao ?”. “Đúng vậy, cái kiểu đánh của anh quái chiêu lắm, khó có ai thắng được”.
      Kể các chi tiết này, để nói rằng, dù kẻ biết ít võ nghệ, nhưng luyện tập thường xuyên, hay thường sử dụng và thêm chất gan dạ thì vẫn đạt hiệu quả cao.

      (còn tiếp)

      Xóa
    2. HSMN và võ thuật. (tiếp)

      Trong bài viết về Ung Ngọc Trí, Cao Tự Thanh có nói đến “thế cò” rất phổ biến trong đám HSMN.
      Người sử dụng thế này, đứng tấn một chân, chân kia co lên để có thể đá khi công, có thể đặt xuống, lui về sau cho nhanh khi thoái, thậm chí có thể tiến lên nhập nội, hoặc có thể hạ chân xuống đổi thành chân trụ theo hạ tấn, còn chân trụ thì đổi nhiệm vụ, theo thế “cuồng phong tảo lạc diệp” để phá mã (chân trụ) của đối phương. Hai cánh tay giang ra như hình cánh chim bay. Nhìn hình dáng thì đúng là một con cò. Cánh tay giang ra tuy hở mà rất kín, vì thủ dễ mà công cũng rất tiện. Thế này có thể biến sang “Đồng tử bái Quan Âm”, xoay ngang, chắp tay bái, dụ đối phương đánh hay đá vào sườn. Khi đó hoặc dùng chỏ triệt cú đá, hoặc có thể thả chân xuống, xoay người một trăm tám mươi độ giống như định bỏ chạy, rồi bất ngờ phóng ngược gót chân về phía sau, đạp vào huyệt đan điền của đối phương, theo thế “Hồi mã thương” của Triệu Tử Long hay đà đao của Quan Công trong Tam Quốc Chí. Thế này còn có thể biến như sau, đó là ngồi thụp xuống, chờ đối phương quá trớn tràn tới, đổi sang “Ngọc hoàn bộ uyên ương cước”, tung mình đá thốc từ dưới lên…
      Thế cò này cũng có thể chuyển qua thế “Bá Vương cử đỉnh”, gối thúc lên, chỏ giộng xuống.
      Nếu không nhầm, thì “thế cò” này chính là thế “Bạch hạc đạp tuyết”, hay “Kim kê độc lập” gì gì đó trong bài Mai hoa quyền của phái Thiếu lâm.
      HSMN thì khoái dùng chữ “thế cò” hơn, vì có ai thấy con hạc trắng ra sao. Thế tấn của nó còn gọi là Hạc tấn, rất linh động khi cần biến chiêu.
      Thế cò này phổ biến trong đám HSMN vì rất dễ học, dễ sử dụng, dễ biến hóa, tùy theo năng khiếu của người sử dụng. Mặc dù nó chỉ là thế võ vỡ lòng, nhưng nếu tinh luyện thì rất hữu hiệu.
      Tụi HSMN hay “chế biến” lắm. Chế biến cả tên thế võ lẫn cách đánh, vì đâu có ai học đúng bài bản để mà biết mình đánh sai hay đúng.
      Chính vì vậy, có nhiều thế võ được sử dụng đã trở thành đặc trưng của HSMN.
      Có một anh bạn thân tên Trí trắng. Thời học sinh, hắn chơi thân với anh Bảy Bằng và có học lóm vài thế võ. Khi học ở Liên Xô, một hôm đụng độ với anh chàng sinh viên da đen, to cao gấp bội. Anh bạn da đen nhảy tưng tưng theo kiểu đánh bốc, thủ vững phần mặt. Trí trắng dơ tay đánh nhứ vào mặt anh chàng da đen. Ai gặp trường hợp này mà không giơ tay đỡ, thế là chàng Trí rùn mình xuống, dùng cả bàn tay vẫy vào “bộ thoát nước” của anh chàng da đen (đó là tử tế lắm rồi). Anh chàng đen này chỉ còn biết ôm hạ bộ mà chạy.

      Anh Sáu Tốt, con trai của bác Sáu Giáp từng dạy võ cho đám bạn HSMN một thời gian. Cách dạy khá khôi hài và chẳng có phương pháp sư phạm gì.
      Hôm nay, anh chỉ cách biến thế như thế này, ngày mai, làm lại y như vậy, thì anh lại nói : “Mày đánh như vậy, người ta đánh mày chết !” (hình như đây là câu nói cửa miệng của anh), thế là ảnh chỉ cách biến theo kiểu khác. Nghĩa là chẳng theo bài bản nào cả, tuy nhiên có lẽ học võ kiểu này thì dễ khá vì buộc võ sinh phải luôn động não và linh hoạt.
      Phần nhiều, HSMN đều học võ theo kiểu tương tự như vậy
      (còn tiếp)

      Xóa
    3. HSMN và võ thuật. (tiếp)

      Nhân đây, xin kể lạc đề về bác Sáu Giáp, ba của anh Sáu Tốt, một chút.
      Cuộc đời võ nghiệp của bác Sáu, nếu kể ra, nghe giống như chuyện kiếm hiệp. Vì không muốn lang man, nên chỉ kể một chuyện hầu đọc giả.
      Thời đầu kháng chiến chống Pháp, ở chợ Sa Đéc có một thầy cai người Việt gốc Miên. Dân quanh vùng gọi hắn là thầy Hai. Hắn ta có một thân võ nghệ siêu quần, lại nghe nói biết gồng, dao chém không đứt. Hắn lợi dụng thế lực của thực dân Pháp, lại ỷ vào võ nghệ cao cường nên cực kỳ hung ác. Hắn hăng say lùng bắt nhiều chiến sỹ cách mạng và những người dân yêu nước rồi tra tấn rất dã man. Ai không vừa mắt, hắn kiếm chuyện vu khống là Việt Minh rồi bắt bớ, cướp bóc tài sản. Mỗi khi đi ra chợ, ai mà không ngã nón chào, hắn dùng cây gậy đầu có bịt sắt chọc ngay vào mặt. Cả khu đó, ai cũng sợ hắn như cọp. Công an ta muốn dằn mặt tụi ác ôn, nên quyết tâm giết tên thầy cai này. Tuy nhiên, hắn quá giỏi võ, thêm vào đó, đi đâu cũng có một tiểu đội lính theo sát, nên việc ám sát hắn là cực kỳ khó.
      Chú Ba Tông, lúc đó là trưởng ty công an Sa đéc, đề nghị bác Sáu khử tên thầy cai ác ôn này.
      Sau khi bàn bạc, thảo luận cách thức hành động, bác Sáu mài một thanh mã tấu (một loại đao) thật bén, ông thủ thêm một cái khăn có tẩm thuốc trừ bùa ngãi.
      Ông xách mã tấu ra chợ tìm tên thầy cai, theo đúng phong cách các tay anh chị tìm nhau thử tài. Thời đó, ở Nam bộ chuyện thử tài nhau không phải là chuyện lạ. Kẻ được người ta đến tìm cũng không cho là quái và còn tự hào, nếu kẻ đến tìm là một nhân vật hữu danh.
      Bác Sáu lúc đó đã là một nhân vật hữu danh.
      Thầy cai nhìn thấy, liền hỏi: “Anh Sáu xách mã tấu đi đâu vậy ?, định chém ai à ?”. “Tui nghe đồn, thầy Hai có bùa ngãi, chém không đứt, tính tìm chém thử”. “Anh Sáu chém không đứt đâu quớ, tui cho anh Sáu chém 3 nhát, nếu không chết, tui chỉ xin chém lại một nhát thôi”.
      Bác Sáu biết thằng này mắc mưu, liền nói : “Mấy chú lính và bà con làm chứng nghen, Thầy Hai cho tui chém 3 nhát”.
      Nói xong, ông rút khăn ra lau cây mã tấu, và nói : “Thầy Hai là người sang cả, tui phải lau con dao cho sạch để chém”. Chiếc khăn đã được tẩm thuốc trừ bùa ngãi, đó là cách nói của dân trong nghề.
      Khi bác Sáu kể, ông nói thêm với tôi :“…nước tiểu đó chớ có phải thuốc trừ tà gì đâu con”.
      Nói rồi, ông xuống tấn chém xả một nhát.
      Tên thầy cai này thấy bác Sáu quá tự tin, lại đã có nghe danh bác nên cũng ngán. Hắn chực nhảy tránh, nhưng đã không kịp.
      Tốc độ chém quá nhanh, thanh mã tấu rèn từ sắt đường ray nặng và bén ngót, đi ngọt từ bả vai xuống tới ngang hông của tên thầy cai.
      Đúng một dao.
      Sau vụ đó, tụi Tây vẫn biết đây là vấn đề chính trị, nên bắt bác Sáu đày ra Côn đảo.
      Học trò của bác Sáu Giáp có vài người từng chiếm giải nhất, nhì và thứ tư cuộc thi võ thuật Đông Dương, thời Pháp.
      Tập kết ra miền Bắc, bác Sáu Giáp được bộ công an mời làm cố vấn võ thuật cho đến cuối đời.
      (còn tiếp)

      Xóa
    4. HSMN và võ thuật. (tiếp)

      Lối học võ ngày xưa thường là buộc võ sinh tập các bài võ, từ thấp lên cao, từ dễ đến khó. Đồng thời phải luyện nội công hoặc khí công, tùy môn phái, luyện các thế tấn…
      Sau khi đã thành thạo bài quyền, tấn đã vững, quyền đã mạnh, cước đã khá thì bắt đầu xem thầy phân thế, cách biến thế, ngày nay gọi là chiết chiêu. Mỗi thế là một kiểu dáng đứng, có thể tấn công, phòng thủ hoặc biến sang thế khác. Mỗi một thế thường có rất nhiều cách biến, cách sử dụng.
      Anh Sáu Tốt học chân truyền của cả ba lẫn má, theo lối xưa.
      Theo anh Sáu nói thì mỗi thế võ, phải biết hơn hai chục cách biến hóa mới xài hiệu quả được. Cách tập này tuy chậm nhưng khi đã thấm vào máu thì dù bỏ bao lâu cũng khó quên và phản xạ vẫn nhanh.
      Gã và nhiều người bạn từng chứng kiến bản lĩnh của anh.
      Lần đó anh Sáu vừa xuất viện, còn nằm bẹp trên giường. Bọn gã rủ nhau qua khu tập thể đường sắt, Gia Lâm, để thăm anh Sáu. Khi đó có một tay đàn anh, dân bộ đội đặc công, quân hàm đến đại uý, tên là Bảy xồm.
      Anh đặc công kia nghe nói chuyện võ nghệ thì ngứa nghề nên khoe khoang chiến công, cũng ra múa may biểu diễn.
      Anh Sáu thấy vậy, nói :“Mày đánh như vậy, người ta đánh mày chết !”.
      Anh kia vênh váo nói : “Anh còn chưa chắc đánh được em, nói chi người khác”.
      Anh Sáu lồm cồm bò dậy.
      Gã dùng chữ “bò” theo đúng nghĩa đen, để mọi người tưởng tượng được, anh Sáu lúc đó yếu như thế nào.
      Khi đã ngồi và đứng được dậy, anh nói : “Mày đánh thử thì biết liền, để tao chỉ mày hở chỗ nào”. Anh Bảy xồm thấy anh Sáu bệnh nặng như vậy nên càng yên tâm, tấn công ngay.
      Chỉ thấy thoáng một cái, tấm thân hơn tám mươi ký, cao hơn thước bảy đã bị anh Sáu quăng lên giường, đúng chỗ anh vừa nằm.
      Không hiểu sức lực chợt đến với anh lúc nào mà có thể quăng một người to nặng gần gấp đôi dễ dàng như vậy.
      Mà anh Sáu chỉ cao khoảng thước sáu, và nặng chắc không quá bốn mươi ký lô, vì ảnh lúc đó ốm nhách sau cơn bệnh thập tử nhất sinh.
      Từng chứng kiến, anh Sáu Tốt vạch dưới đất các vị trí. Sau đó bịt mắt lại và đi quyền, tốc độ nhanh như đánh nhau thật, vậy mà các bước chân của anh đều bước đúng vào các vị trí vạch sẵn. Kể cả lúc tung mình lên đá, khi rớt xuống, bước chân của anh cũng đạp đúng vạch.
      Anh nói, ngày xưa đấu võ đài, người ta tranh tài trên mai hoa thung, nếu không tập được như vậy thì té ngay, chứ không đợi đối phương đánh trúng.
      Mai hoa thung là một loại võ đài dùng toàn cọc gỗ, cọc tre, hay trái dừa… (tùy người nghĩ ra cách thức và thách đấu). Người tham gia thi đấu, phải bước trên các đầu cọc này, đánh nhau cho đến lúc có người té.
      Ngày nay, chúng ta thấy múa lân trên các cọc là thể hiện lại mai hoa thung.
      Gã còn chứng kiến thêm vài lần anh ra tay. Về sau, kể lại cho anh chàng Thạnh Mù nghe, hắn không tin là có người giỏi như vậy. Mấy năm sau hắn vô tình gặp được anh Sáu, chứng kiến bản lãnh của anh.
      Một lần gặp lại gã, Thạnh Mù nói : “Lúc ông kể về anh Sáu Tốt tôi không tin đâu, đến khi nhìn thấy, mới biết những chuyện ông kể không là cái gì cả”.
      Nghĩa là sau này tuy đã già yếu, thường xuyên bị bệnh gan hành hạ, lại bỏ lâu không luyện tập, mà phản xạ và kỹ năng của anh Sáu gần như không sút giảm chút nào.

      Trong các trường HSMN, nhiều anh, chị chăm chỉ tập luyện, cũng làm nên chuyện nổi đình, nổi đám lắm.
      Chỉ xin kể tên vài người hoặc đã mất, hoặc thân tình.
      Lúc còn học ở Trường HSMN số 26, Hà Đông có quen với một bạn thuộc loại đàn anh, tên Tuấn, học ở trường HSMN số 24. Anh ta học võ của bác Ba Danh (Phật sống). Một lần xem anh biểu diễn như sau. Trái đậu coverte đang lơ lửng trên giàn, anh tung mình đá gãy đôi trái đậu. Nhìn chỗ gãy, cảm giác như người ta dùng dao cắt vậy. Lần khác, một chàng cùng lớp kiếm chuyện với anh Tuấn. Sẵn có cây chuối gần đó, anh nói : “Tao không thèm đánh nhau với mày, xem đây này…”. rồi tung mình đá liên hoàn cước. Chẳng ai thấy kịp anh đá mấy cái, chỉ biết, khi anh ta rớt xuống thì lá chuối te tua hết. Tên kia điếng hồn, lặng lẽ đi một nước.
      (còn tiếp)

      Xóa
    5. HSMN và võ thuật. (tiếp)

      Một anh bạn khác, tên Tường, học cùng lớp với em gã từ thời lớp 2 đến hết lớp 5. Bọn đàn em gọi y là “Thầy Đội”, có lẽ vì thỉnh thoảng dạy võ cho chúng. Thầy Đội đi giang hồ hơi sớm, học võ nghệ từ bạn bè, từ cha chú và giới giang hồ, trở nên có hạng trong đám HSMN và giới anh chị. Vì vậy dù học chưa hết cấp hai, y đã mang biệt danh “Thầy”. Chữ “Đội” hình như là thời kỳ hắn làm công nhân xây dựng cầu Phú Lương, được giữ chức đội trưởng.
      Tên Quốc Bình, kể rằng, một lần, Thầy Đội kêu ba anh chàng bự con, trong đó có Quốc Bình đứng tấn, tay đỡ một tấm ván. Quốc Bình lúc đó đã cao hơn một thước bảy và nặng hơn tám chục ký lô.
      Khi mọi người đã đứng vững, Thầy Đội đá song phi vào tấm ván, cả ba anh chàng té ngửa vì sức mạnh của cái đá, còn Thầy Đội thì lộn một vòng đáp xuống đất nhẹ nhàng, vững chãi.
      Một lần khác, gã chứng kiến, có mấy đứa HSMN đàn em, hỏi Thầy Đội kỹ thuật bắt dao. Thầy Đội có vẻ không muốn dạy, vì bọn này khá hung hăng, ngổ ngáo và hay đâm chém.
      Nhưng thế không đặng đừng, nên Thầy Đội bảo :
      - Tao không biết chỉ thế nào, chúng mày cứ cầm dao đâm thiệt đi, rồi nhìn theo mà học.
      Thầy Đội đứng khoanh tay rất thản nhiên, chờ.
      Một tay đàn em bước ra, lấy thế, đứng tấn, cầm dọc con dao đâm nhanh và mạnh vào bụng thầy đội.
      Tay đàn em này hay đánh nhau và từng đâm người, nên việc đâm chém cũng rất thành thạo.
      Mũi dao chỉ cách bụng Thầy Đội khoảng một, hai phân.
      Thầy Đội lúc đó mới thót bụng, bàn tay trái khoát sống dao, gạt cho mũi lệch hướng, cạnh bàn tay phải chém mạnh vào tay cầm dao, con dao văng ra xa.
      Một lần, gã cùng Thầy Đội và bạn bè đi tham quan rừng Nam Cát Tiên. Thấy trên cây có nhánh phong lan đang nở hoa thơm ngát, tính leo lên lấy. Thầy Đội bảo :“Bác đứng lên hai bàn tay tôi nè, để tôi nâng lên”. Gã y lời, làm theo. Chứng tỏ sức khỏe của anh chàng này ghê gớm, dù lúc đó Thầy Đội đã ở tuổi sáu mươi hai.
      Một hôm đến thăm thầy Đội, vô tình trên TV đang chiếu một nhà sư Thiếu Lâm đang biểu diễn bài quyền “La Hán phục hổ quyền”. Thầy Đội nói :“Bài quyền này chỉ để biểu diễn, không đánh được ai. Tôi đang giữ bài “La Hán phục hổ quyền” thuộc loại bí truyền, chắc rằng ở chùa Thiếu Lâm cũng không có”. Nghe nói, bài quyền này do một ông già người Tàu ở Hải Phòng dạy cho hắn.
      Chẳng biết hắn đã truyền dạy cho ai chưa, nếu bị thất truyền thì tiếc thật.

      Gã có quen khá thân với anh Đặng Quang Khôi, con bác Năm Quang (Đặng Quang Minh). Anh giỏi nhiều lĩnh vực, từ âm nhạc (chơi giỏi các loại đàn Guitar, violon, Piano), khảo cổ, lịch sử… Bản thân anh có hai bằng kỹ sư (thời ấy học ở Liên Xô, lấy được một bằng kỹ sư đã khó rồi). Riêng cái khoản guitar, anh ấy đã từng vài lần được mời lên TV trình tấu. Khi học ở Liên Xô, anh được bậc thầy Guitar, tên Ivanov Kramskoy nhận làm con nuôi và phụ dạy cho học trò của ông ta, phần thực hành.
      Trong lĩnh vực võ thuật, anh Khôi cũng là nhân vật kiệt xuất vào loại hàng đầu của HSMN.
      Gã chứng kiến, anh Khôi cho người đâm cây tre tầm vông vạt nhọn vào cổ họng, cây tre cong vòng mà cổ họng không hề hấn gì. Ngoài ra, anh Khôi luyện nội công đạt đến mức có thể hót bụng dẹp lép, để ruột chạy lòng vòng, như mấy tay thầy tu ở chùa Thiếu Lâm vẫn biểu diễn.
      Anh Khôi hay sử dụng hai quả trùy sắt tự tạo lớn bằng nắm tay, có khoen nối với một sợi dây dù cột thành một vòng kín. Khi đánh, quả trùy trượt theo sợi dây, lúc phân ra làm hai, lúc chập lại được làm một. Khung cửa nhà anh bằng gỗ, chiều rộng chỉ khoảng 4-5 cm, vậy mà đứng cách khoảng 5, 6m, anh đánh 10 lần trúng cả 10. Anh Khôi còn sử dụng roi ngựa cũng rất điêu luyện. Ngoài sân nhà anh có mấy cây khá cao, chỉ lá nào anh đều đánh trúng lá đó (tất nhiên là trong tầm với của cái roi da).
      Có lẽ anh Khôi học được chân truyền của bác Năm Quang.
      Ba của Thầy Đội, ông y sỹ Cương, chăm lo sức khỏe cho HSMN ở Hải Phòng, là bạn thân của bác Năm Quang, nên y biết khá rõ về bản lĩnh của bác ấy.
      (còn tiếp)

      Xóa
    6. HSMN và võ thuật. (tiếp)

      Kỹ thuật chiến đấu thời cổ xưa chỉ là những động tác, tập lâu ngày thành điêu luyện và hiệu quả. Các đời sau góp nhặt các động tác, gọi là chiêu, tạo thành các thế võ, rồi tập hợp vài thế võ thành các bài võ.
      Như vậy, việc tập các bài võ, rồi phân thế, miếng (chiêu) là quá trình ngược của lịch sử võ học.
      Sau này, lớp đàn anh trong các trường HSMN chế ra lối tập không theo bài, mà theo các động tác tay, chân… tức là quay về nguồn gốc của võ thuật. Trong chuyện của Kim Dung có nói đến “vô chiêu”, chính là lối đánh này.
      Anh Bảy Bằng, mà đám HSMN trẻ tuổi sau này cũng gọi là thầy Bảy, là một tay “có hạng” trong làng võ thuật HSMN. Anh đàn hay mà nghề võ cũng khá. Nghe nói, cặp giò của anh linh động như đôi tay thứ hai vậy. Anh theo học chân truyền từ các bậc cha chú, rồi từ đó chế biến lại theo yếu tố thể chất cá nhân.
      Anh Bảy Bằng có chế ra bài quyền “Thiết xa liên hoàn trận”, chủ yếu gồm những đường tay, đường chân cơ bản, giúp luyện quyền, cước, tấn. Trong bài quyền này, có các đường tay, đường chân kết hợp liên hoàn. Ngoài ra còn có các đường quyền, chưởng, chỉ… Ai mới tập võ, học được bài này, luyện tập nhuần nhuyễn kết hợp với hít thở cũng đủ xài rồi.

      Khi còn ở miền Bắc, vẫn tưởng anh Bảy Bằng chỉ là dân học võ tay ngang. Sau này về Nam, gặp chú Bảy là chú ruột của anh, mới biết các bậc cha chú của anh Bảy Bằng đều là võ sư.
      Riêng chú Bảy này có mở lò võ ở Sài Gòn trước năm bảy lăm.
      Gã không có duyên may thấy anh Bảy Bằng sử dụng võ thuật, nhưng nhiều lần được nghe anh phân tích các thế võ. Anh phân tích rất sâu sắc, xác đáng các đòn đánh, đỡ, gạt… thể hiện tầm vóc một võ sư.
      Đám học trò của anh, có nhiều đứa rất khá, chứng tỏ thầy cũng không tồi.

      Khu trường HSMN ở Chương Mỹ, Hà Đông, gần với cái nôi vật. Vào các dịp Tết, lễ… người ta hay tổ chức thi võ vật. Trong đám HSMN có anh Bảy Hoành, anh Lê Bình Đẳng… thường tham gia thi vật, lấy các giải thưởng của người ta.
      Bây giờ hỏi lại, anh Bảy Hoành nói : “Lúc đó tao ăn gian, lợi dụng người ta không để ý, móc be sườn đối phương, nó đau thấy tía, đành ngữa lưng, chịu thua”.
      Cho nên, trong số các cao thủ HSMN cũng có nhiều tay “hữu danh vô thực” và cũng có không ít người “hữu thực vô danh”.

      Trong chuyện Thủy Hử, tác giả Thi Nại Am mô tả cảnh Võ Tòng dùng thế “Ngọc hoàn bộ uyên ương cước” hạ Tưởng Môn Thần, người đọc rất dễ hiểu và có thể tưởng tượng được. Nhưng rất ít người chịu tập, vì khó luyện quá và khó gặp tình huống để sử dụng nữa. Trong số HSMN, có mấy người hay đá banh là chịu tập. Vì thế võ “Ngọc hoàn bộ uyên ương cước” vừa để luyện sức bật, vừa luyện cú đá móc bóng, vừa tập té.
      HSMN thường chỉ tập những thế võ đơn giản, dễ tập như thế cò đã nói trên kia. Ngoài ra, nếu chỉ để chiến đấu với một hai người, thì lối học theo thế, đòn đánh đá, giống như “mì ăn liền”, hữu hiệu hơn học theo bài bản.

      Trường HSMN cũng là lò rèn luyện được nhiều nhân vật xuất chúng trong nghề võ, nhưng vì nhà trường và xã hội giáo dục theo nghiệp văn, nên đến khi trưởng thành, chẳng mấy ai theo đòi nghiệp võ. Ngày nay, trừ vài người, trong số HSMN, ai giỏi lắm thì cũng chỉ còn nhớ chút ít.

      Gã viết bài này, để nhớ lại cái thời còn là “thành phần thứ ba” trẻ người hiếu động, mà chắc ai cũng trải qua.
      Khi nháp bài viết này, nhân dịp Tết, gọi điện chúc Tết anh Bảy Bằng, tiện thể nói ý định viết về “Võ HSMN”. Anh nói : “Em đến gặp anh đi, anh cố vấn cho một ít để lấy tư liệu mà viết”. Gã nói : “Em viết theo hiểu biết của mình, sai hay đúng cũng không sao, chớ lấy tư liệu của anh, lỡ người ta tưởng em giỏi, tìm đến thử thì nguy”.

      Quang Anh post trên Facebook

      Xóa
    7. Nhận xét này đã bị tác giả xóa.

      Xóa

Mời bạn cho nhận xét của mình đối với bài viết. Nhận xét của bạn là đóng góp lớn lao cho ngôi nhà chung của chúng ta.

Dùng mã code dưới đây để chèn nguồn từ bên ngoài vào comment:
Link : <a href="Link URL">CLICK HERE </a>
Hình ảnh : [img]Link hình ảnh URL[/img]
Youtube clip : [youtube]Link video từ yotube[/youtube]
Nhaccuatui : [nct]Link nhạc từ Nhaccuatui[/nct]