Thứ Bảy, 5 tháng 7, 2014

BẠN CỦA QUẾ ĐẦY TÀI NĂNG

   TT - “Tôi chỉ nhớ biển. Biển mênh mông, đẹp lắm, con người thật bé nhỏ” - ông Lê Hữu Việt Đức, tổng giám đốc Tổng công ty Xây dựng số 1, thật kiệm lời khi nhắc về những ngày làm chỉ huy trưởng ở công trường gia cố nhà giàn DK1, 25 năm trước.
“Tôi nhớ biển”, đăm đăm nhìn qua cửa sổ phòng làm việc về phía những cao ốc ở trung tâm thành phố, ông lặp lại. Nhớ biển trong những ngày biển Đông đang dậy sóng. Nhớ biển trong những ngày chủ quyền đất nước bị đe dọa, hoàn cảnh gần như tương đồng với 25 năm trước, sau sự kiện Gạc Ma đẫm máu, yêu cầu có thêm những cột mốc chủ quyền trên biển hối thúc từng ngày. Câu chuyện của chúng tôi dĩ nhiên là đã có lối để quay về những ngày đầu tiên của các nhà giàn DK1.
Chuẩn bị
  Ý tưởng xây dựng nhà nổi để đánh dấu chủ quyền đã từ đô đốc Giáp Văn Cương trở thành quyết tâm , thành “nhiệm vụ số 1” của nhiều đơn vị: Viện Kỹ thuật quân sự, Bộ Giao thông vận tải, Bộ tư lệnh Công binh... “Xây nhà giữa mênh mông là biển, một công trình chưa có tiền lệ, trong điều kiện kỹ thuật thô sơ. Cho đến hôm nay, 33 năm trong nghề, đấy vẫn là công trình khó khăn, phức tạp nhất mà tôi từng thực hiện” - ông Đức nhắc lại. Được giao đảm nhiệm phần gia cố trọng lực cho hai nhà giàn DK 1/3 (bãi Phúc Tần), DK 1/4 (bãi Ba Kè), chỉ huy trưởng Lê Hữu Việt Đức khi ấy 30 tuổi đã phải vật lộn với bao nhiêu vấn đề đặt ra. Máy bơm bêtông dưới nước? Công ty xây dựng số 14 của anh và cả Tổng công ty Xây dựng số 1 khi ấy cũng không có. Liên hệ mượn được hai máy, là tất cả tài sản của công trình thủy điện Trị An khi ấy. Bơm bêtông ở giữa những dòng chảy? Cũng chưa có kinh nghiệm, phải ra giữa lòng hồ Trị An, tìm những đoạn sâu nhất, dòng chảy mạnh nhất của lòng sông Đồng Nai để thực nghiệm... “Chưa có ai làm công trình giữa biển để chúng tôi học hỏi, đành phải tự tính toán, tự đặt ra các giả thuyết rủi ro, trường hợp xấu nhất để chuẩn bị, dự phòng. Tôi hiểu đã ra giữa biển, mình không còn cơ hội sửa chữa nữa” - ông Đức trầm ngâm.
   Ký ức của ông Nguyễn Hoài Lâm (hiện là phó giám đốc Công ty cổ phần xây dựng Trí Dũng), kỹ sư kỹ thuật thi công, một trong 40 anh em cùng nhận “mật lệnh” khi ấy, thì cụ thể hơn. Ròng rã suốt mấy tháng, Lâm cùng đội thi công và các công nhân của Công ty Xây dựng số 14 chọn loại cát vàng tốt nhất, sàng lọc loại bỏ tạp chất, bày ra mặt sân Tân Cảng (TP.HCM) phơi cho thật khô.          Người dân xung quanh thấy lạ hỏi phơi cát để làm chi, các anh công nhân chỉ quẹt mồ hôi, cười: “Phơi để... xuất khẩu”. Cát phơi xong được trộn kỹ với bêtông bền sunfat (loại bêtông chống ăn mòn, chịu được nước mặn) rồi đóng bao sẵn chờ ngày đi làm nhiệm vụ.
   Trong những ngày chờ đợi ấy, tất cả thời gian rảnh rỗi, các công nhân xây dựng được lệnh phải tập bơi cho thật giỏi.
  Lên đường
  Rồi cũng đến ngày lên đường. “Tôi nhớ đó là khoảng tháng 3-1989, sau tết, mùa biển lặng. Con gái đầu lòng của tôi lúc ấy vừa 2 tuổi” - ông Đức kể. Chiếc sà lan 3.000 tấn, thuộc loại lớn nhất bấy giờ, trên chất đủ thứ vật liệu, máy móc, ống bơm, lều bạt, thực phẩm được hai chiếc tàu kéo Mỹ Á và Đại Lãnh, cũng là đi mượn của Công ty Trục vớt cứu hộ, kéo đi. Từ cảng Vũng Tàu, hai ngày hai đêm sau mới tới khu vực bãi cạn Phúc Tần (nhà giàn DK 1/3). Các đơn vị khác đã hoàn tất công việc của họ. Những chiếc cọc thép đã được đóng chặt, xuyên qua pôngtông xuống bãi cạn san hô. Nhà giàn lắp ráp sẵn đã được đặt lên, cheo leo giữa sóng nước. “Cơ bản là đã xong, nhưng nhà bị chao lắc theo chiều sóng. Nhiệm vụ của chúng tôi là bơm bêtông cho đầy pôngtông, phủ kín xung quanh, nhồi đầy các cọc thép để gia cố độ vững chắc. Có chỗ phải lắp ống bơm ở độ sâu 9-10m.        Thật may, tôi đã dự liệu trước điều đó và chuẩn bị sẵn những thợ lặn chuyên nghiệp trong đội của mình” - ông Đức mỉm cười kể. Những ngày đáng nhớ của tuổi thanh niên ùa về. Biển mênh mông, rợn ngợp, là chỉ huy trưởng, ông Đức là người đầu tiên nhảy xuống biển mang theo đoạn ống bơm để làm gương cho anh em. Hơn 40 kỹ sư, công nhân chia ca, ngoi lên ngụp xuống cả ngày lẫn đêm, vừa đo tỉ lệ trộn bêtông vừa bơm cho bêtông trào dần từ dưới lên, giữ cho ống bơm luôn ngập dưới mặt bêtông đã bơm để tránh bị hòa tan trong nước...
  “Công việc vận hành trôi chảy được hai tuần thì chúng tôi được tin một cơn bão đang ập tới. Công trường cố định giữa biển thì làm cách nào chạy đua tránh bão? Chỉ có cách tăng tốc độ thi công...” - ông Lâm còn nhớ rõ như cơn bão mới thổi qua mình tuần trước. Gió mạnh dần lên. Những con sóng lưỡi búa liên tục ập đến làm chao đảo chiếc sà lan 3.000 tấn mà ở trong bờ cứ tưởng “vững như bàn thạch”. Những cơn mưa nối tiếp trút xuống. Các phuy nước ngọt mang theo bị nước biển tràn vào, cơm nấu không chín được nữa. Khi mẻ bêtông cuối cùng được bơm xuống biển, cũng là lúc sóng đánh bứt dây neo. Các giá đỡ lập tức được rút lên, sà lan phải khẩn cấp di dời để tránh va đập ảnh hưởng tới kết cấu công trình vừa thi công...
  Công nhân có người bị hất văng xuống biển, có người bị sóng đánh bay hết quần áo đang mặc, say sóng vật vã, may mắn là đội trục vớt cứu hộ luôn có mặt để ứng cứu. Ngày hôm nay khi nhắc lại, cả ông Đức lẫn ông Lâm đều chỉ mỉm cười: “Hồi ấy tất cả chúng tôi đều còn rất trẻ, nhiệm vụ mới mẻ, thử thách, và nhất là lại thiêng liêng thì có gì đáng nói”.
  Vậy điều gì là đáng nhớ nhất? Cả hai người không hẹn mà gặp cùng kể một câu chuyện: Khi công trường đang vào cao điểm, một chiếc tàu Trung Quốc đã đến gần và đậu lại, quan sát suốt một ngày. Không phải là lính nhưng hôm ấy ai cũng hiểu “đất nước gian lao chưa bao giờ bình yên” sẽ là câu chuyện thường trực của chính mình. Ấn tượng sâu đậm thứ hai là khi công trình hoàn tất, họ lên tàu kéo sà lan ra đi. Trên nhà giàn còn lại sáu chiến sĩ trơ trọi giữa biển khơi. “Thanh niên như chúng tôi mà phải rơi nước mắt” - ông Đức bùi ngùi nhắc.
  Họ về và tiếp tục nhận những nhiệm vụ mới ở nhà giàn DK 1/4, hải đăng Đá Lát... Hơn một năm sau, thêm mấy lần đi biển, dãi nắng dầm mưa thêm nhiều công trình khác nữa, mấy mươi anh em của Công ty Xây dựng số 14 lại một lần nữa quặn thắt khi nghe tin nhà giàn DK 1/3 bị sóng cấp 10 phủ trùm lên, xô đổ, ba chiến sĩ hi sinh. “Chúng tôi dằn vặt mình, kiểm xét lại công việc xem có gì sai sót, có gì tắc trách để dẫn đến hậu quả này. Thậm chí, tôi đã chuẩn bị tinh thần ra tòa án binh.     Anh em hi sinh, mình phải nhận trách nhiệm. Rồi sau đó đoàn thanh tra của Bộ Quốc phòng ra tận nơi, về kết luận: Pôngtông vẫn ở nguyên vị trí, nhà bị đổ là do sóng quá lớn, vượt quá mức dự báo an toàn đã được thiết kế” - ông Đức nhắc lại chuyện xưa, vẫn nghiêm túc như khi nghe tin dữ.
Trải qua nhiều lần cải tiến, hưởng thụ nhiều tiến bộ khoa học, những nhà giàn thế hệ thứ ba hôm nay đã sừng sững, hiên ngang, vững chãi trong sóng gió.


  Theo Tuổi trẻ, 04/07/2014 08:15 (GMT + 7)

3 nhận xét:

  1. Quế 67-73 và các Quế : Ông Lê Hữu Việt Đức trong bài này nói tới chính là bạn cùng lớp với Ráo ở Hà Nội .

    Trả lờiXóa
  2. Cám ơn những chiến sỹ trên các mặt trận khác nhau, hy sinh vì tiền tiêu của TỔ Quốc, cám ơn bạn của Quế.

    Trả lờiXóa
  3. Cảm ơn người mang tâm hồn giữ biển
    Cho đất nước mình mai mãi vẹn nguyên
    Muôn thế hệ ngàn sau xin ghi nhớ
    Công ơn người đi giữ nước thiêng liêng !

    Trả lờiXóa

Mời bạn cho nhận xét của mình đối với bài viết. Nhận xét của bạn là đóng góp lớn lao cho ngôi nhà chung của chúng ta.

Dùng mã code dưới đây để chèn nguồn từ bên ngoài vào comment:
Link : <a href="Link URL">CLICK HERE </a>
Hình ảnh : [img]Link hình ảnh URL[/img]
Youtube clip : [youtube]Link video từ yotube[/youtube]
Nhaccuatui : [nct]Link nhạc từ Nhaccuatui[/nct]