Thứ Tư, 24 tháng 8, 2011

CÓ MỘT NGÀY NHƯ THẾ TRONG TÔI


Ký - Nguyễn Ngọc Hân Nghi

(Nhân kỷ niệm ngày Nam Bộ kháng chiến 23 /9)


“Mùa thu rồi, ngày 23 ta đi theo tiếng kêu sơn hà nguy biến.

Rền khắp trời lời hoan hô dân quân Nam nhịp chân tiến đến trận tiền.

Thuốc súng kém, chân đi không mà lòng người giàu lòng vì nước.

Nốp với giáo, mang ngang vai nhưng thân trai nào kém oai hùng "...

Đó là một đoạn trong bài ca “ Nam Bộ kháng chiến ". Bài ca đã đi vào lịch sử hào hùng của dân tộc, ghi một dấu ấn không quên. Và. . . chắc không nhiều người ngờ rằng nó đã đi vào rất nhiều những cuộc đời của bè bạn và tôi thành một cái mốc riêng tư, gắn bó suốt đời .

Con người ta có thể khác nhau về sự sang hèn, về tài năng, đức độ, về chỗ đứng thấp, cao trong xã hội. Nhưng tất cả những điều đó có thể thay đổi. Cái không bao giờ,không thể nào, không nên và không được thay đổi, đó là cái khoảnh khắc trong một giờ, một ngày, một tháng, một năm nào đó ta bước ra khỏi lòng mẹ, oa... oa... oa... cất tiếng khóc chào đời. Vậy mà...

Chúng tôi được sinh ra trong các gia đình khác nhau, vùng miền khác nhau, trang lứa khác nhau. Thầy cô hỏi:

-Năm nay em bao nhiêu tuổi ?

Hầu hết chúng tôi trả lời được. Thầy cô lại hỏi :

- Em sinh vào ngày, tháng nào ?

Hầu hết chúng tôi nói:

- Dạ, không biết.

Không phải vì chúng tôi không cha, không mẹ. Cũng không phải vì sớm mồ côi, thất lạc gia đình. Ở cái tuổi trên dưới 9, 10 vào những năm ngày xưa cách đây hơn nửa thế kỷ, nào ai biết cần hỏi và nhớ ngày, tháng, năm sinh của mình để làm gì. Tôi cũng vậy. Giống như các bạn, tôi xa gia đình vào độ tuổi 13, được ra Bắc học trong các trường HSMN. Chúng tôi không phải lo bất cứ điều gì. Mọi chuyện: ăn, ngủ, học hành, rèn luyện sức khỏe, đạo đức đều có thầy cô lo hết. Cho đến ngày, tháng, năm sinh của mình thầy cô cũng sắp đặt cho.

Hết năm học cuối cấp một, chúng tôi buộc phải chọn cho mình ngày, tháng, năm sinh để hoàn tất hồ sơ thi chuyển cấp. Thầy cô gợi ý :

- Các em tự chọn cho mình ngày, tháng mà em thích để làm ngày ,tháng sinh . Nhớ tuổi thì suy ra năm sinh . Còn không biết thầy cô chọn lựa cho thích hợp. Có thể chọn trong các ngày có ý nghĩa cho dễ nhớ như : 3/2 (ngày thành lập Đảng), 1/5 (Quốc tế lao động), 19/5 ( sinh nhật Bác Hồ), 1/6 (Quốc tế thiếu nhi ), 19/8 (CMT8), 2/9 (Quốc khánh), 23/9 (Nam Bộ kháng chiến)... Nghĩa là có rất nhiều để chúng tôi tùy thích lựa chọn.

Hầu hết chúng tôi - những người con của Nam Bộ Thành đồng Tổ quốc chọn cho mình ngày 23/9 - ngày Nam Bộ kháng chiến. Từ đó ngày mùa thu lịch sử 23/9 bước vào cuộc đời chúng tôi và gắn bó trọn đời. 23/9 ngày sinh trong học bạ. 23/9 trong lý lịch, thẻ Đoàn, lý lịch cán bộ, nhân viên, lý lịch, thẻ Đảng. 23/9 trong giấy chứng minh nhân dân và tất cả các loại giấy tờ cần có của một con người.

Không ít bạn tôi về lại chiến trường ngày còn chiến tranh và mang theo mình ngày sinh 23/9. Và cũng không ít người nằm lại một nơi nào đó mà ngày, tháng, năm sinh được thầy cô giáo đặt cho. Chúng tôi là những người may mắn, trở lại quê nhà, gặp lại mẹ cha sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng. Nhiều người trong chúng tôi biết được ngày sinh, tháng đẻ chính thức của mình. Nhưng chuyện đã qua lâu rồi. Biết cũng để mà biết vậy thôi. Bởi 23/9 đã gắn bó thành máu thịt trong đời không sao thay đổi được và chúng tôi không ai muốn thay đổi.

Dường như đến tuổi già người ta hay nhớ về quá khứ, nhớ về những kỷ niệm vui, buồn. Nó ở thật sâu trong một miền ký ức không thể nào quên. Giờ đây hằng năm chúng tôi vẫn ngồi lại với nhau, có trên 20 bạn cùng chọn ngày sinh là 23/9, để thắp một nén nhang cho những người bạn chọn chung ngày sinh đã đi xa và để nhắc nhở lại ký ức một thời... Có một thời, có những người đã được thầy cô đặt cho mình “sinh nhật”... Vậy đó:

..." Mùa thu rồi, ngày 23... "


Địa chỉ liên lạc: Đàm Thị Ngọc Thơ

123b - Nguyễn Trãi, P.9, Tp.HCM

25 nhận xét:

  1. Các Quế trở thành nhân chứng cuả một thời "vì nhân dân quên mình" theo cách như thế.

    Trả lờiXóa
  2. Bài ký thật hay, thật cảm động. Có những "ngày sinh" tự chọn như vậy đó. Chuyện này làm ta nhớ tới một làng dân tộc ở Tây Nguyên tất cả mọi người .đều mang họ Hồ. Tự bản thân cái việc chọn ngày, chọn họ, nó đã nói lên tất cả. Rất ý nghĩa. Cám ơn bạn!

    Trả lờiXóa
  3. cảm ơn cô vì bài viết về ngày lễ kỷ niệm mà không ai có thể quên
    QUE DN

    Trả lờiXóa
  4. Chuyện thật hay và cảm động. Đầy ý nghĩa!
    Cốt chuyện của cô Thơ, còn Nguyễn Ngọc Ngân Nhi chấp bút à?

    Trả lờiXóa
  5. Cảm ơn các Quế, các Trỗi. Bài cô gửi Q.MF vừa đưa vào tối hôm trước, 2h chiều hôm sau đã có các em phản hồi. Xúc động và nghe-về sự quan tâm kết nối , động viên của các em. Thật ra cô tính gửi MF xem cho . . . cảm động. Sợ đăng nhiều lũ bây nói bả ham. Nhưng MF nói: Bài RẤT HSMN cô cho phép em đăng. Thế là cô chịu liền. Bởi cái mùi HSMN của chúng mình đó - cái mùi của những đứa trẻ sớm xa nhà đến ngày, tháng, năm sinh của mình cũng . . . bí . . . Cô Thơ

    Trả lờiXóa
  6. Tên Guck ni chi lạ, post comment lên cứ bắt giam tuốt luốt, cô Thơ phải mượn tên Quế post!

    Trả lờiXóa
  7. Thời gian trôi qua mà nhiều điều nhiều người chưa được biết, nhất là thế hệ trẻ.
    Bài này có thể đăng trên báo nhân 23/9 tới, cô Thơ ạ. Cô có cho phép đăng không?
    Có gì cô liên lạc với em, 1 học sinh Trỗi, qua email: kienquoc.tr@gmail.com.
    Cảm ơn cô và Quế!

    Trả lờiXóa
  8. Một kỷ niệm đặc biệt cho ngày 23/9 chỉ có ... HSMN mới có!

    Trả lờiXóa
  9. Người ghi lại câu chuyện này là Ngọc Hân 7a năm 72 phải không?Hay là Hân Nghi?

    Trả lờiXóa
  10. Cô ơi , bài và chuyện hay quá

    Trả lờiXóa
  11. Thưa cô!
    Em cũng tình cờ đi lạc vào sân chơi này của các Quế nhỏ trong 1 lần lướt Net. Sau liên lạc với N.H.Q thì em mới hiểu tình hình là đôi khi siêu thị này rất hẻo hàng, nên cái chợ chồm hổm kia lại càng ít người ghé. Thấy N.H cứ phải để dành bài chờ khi siêu thị vắng vẻ mới post lên nên em đã cứu bồ vài lần. Năm học mới đã bắt đầu, em đi dạy 6 ngày trong tuần, về còn lu bu cơm nước, con cháu nên cũng không có thời gian tham gia thường xuyên. Vậy nếu cô có bài thì cô cứ post lên cô nhé. Thật sự là chúng em rất thích đọc các bài viết của cô. Em đã mua ngay tập truyện NHỮNG NGƯỜI ĐI THẮP LỬA của cô từ lần đầu tiên BTC đem đến buổi gặp mặt thường niên, đọc xong vẫn thấy cuốn truyện mỏng quá. Em chỉ dám mời cô tham gia sân chơi này với tư cách là một học trò cũ của cô thôi và thêm một tí tư cách Quế+HSMN Đông Triều nữa. Cô nhận lời nha cô!
    QMH

    Trả lờiXóa
  12. @TranKienQuoc: Cô Thơ nhờ em nói anh liên lạc với cô qua số: 0917809905!

    Trả lờiXóa
  13. Xin lỗi cô vì lời "còm" có câu "cám ơn bạn".Em tưởng bài này của đám Quế nhí.

    Trả lờiXóa
  14. MF: Sửa lỗi chính tả của bài viết: 3/3 thành 3/2

    Trả lờiXóa
  15. Bài viết rất hay. Cảm ơn tác giả.

    Dân tộc Pa cô vốn không có họ. Sau này cả dân tộc đều lấy họ Hồ làm họ. Để dễ nhớ, các bạn có thể hát "...người con gái Pa cô con cháu Bác Hồ...".

    Trả lờiXóa
  16. Cô đã đọc 15 ý kiến phản hồi của các em quanh bài "Có một ngày như thế trong tôi" .Do Cà Mau quá thiếu bài , họ thường xài bài của cô nên nhờ cô chọn bút danh . Nguyễn Ngọc Hân Nghi là tên cháu ngoại của cô. Khi gửi bài qua các em cô quên lấy lại tên mình nên lạc nhau. Cô xin lỗi các Quế, các Trỗi. Cô chưa rành máy móc, QMF chỉ cách gửi bài nhiều lần cô chưa làm được. Cũng muốn cho nó duyệt bài. Chớ không phải do nó khóa . . gì đó đâu. Đừng trách oan nó mà tội. Cô sẽ cố gắng giành thời gan lang thang cùng các em. Cảm ơn mọi tình cảm đầy yêu thương nồng nàn. Cô Thơ

    Trả lờiXóa
  17. Tức ông Guck tưởng chít đi được, vào còm tới zăm lần, zăm lần mất tiu! Đạt danh tánh đàng hoàng, trong khi nhìu nặc danh hổng khai tên tủi gì cứ nằm đó ngon ơ!

    Trả lờiXóa
  18. @Quế Lâm: Hic, Quế zô sửa đi, đứng chỉ tay 5 ngón zị!! Cô của tụi mình viết theo cảm xúc trào lai láng, nên cô bụp theo kiểu HSMN, luật chấm phẩy khỏi chê nha! MF đừ lun, zưng mừ mặt hơi kiu kiu giống ngày xưa thầy Đào Xuân Trường toàn giao bài của lớp cho MF sửa chính tả!

    Trả lờiXóa
  19. @Quế NH: Tui đã nâng cấp quyền của N.H lên Tổng quản rùi nha (đây mới là Mama TQ thiệt - tui dzề dzườn rùi). N.H vô thùng rác nhặt còm đi, cái blog ni hay bỏ lộn còm vô thùng rác quá!

    Trả lờiXóa
  20. @AMK3 : hu hu , tưởng đại ca cho lên chức MAMA TQ ngon lắm ai dè " N.H vô thùng rác nhặt còm đi ... " . Hu hu hu .

    Trả lờiXóa
  21. @Ráo: He he, oai mừ! Có phải ai cũng được quyền dòm vô "thùng rác" mô??

    Trả lờiXóa
  22. @Ráo: Người quân tử vốn coi "tiền bạc như rơm, như rác" mừ. Ráng "bươi" đi, biết đâu...

    Trả lờiXóa
  23. Ủa ! Sao không giao tui hè ? Tánh mình ít thù dai nhớ lâu . He he . K6LS

    Trả lờiXóa
  24. Cô Thơ tên thật là thơ
    Những dòng cô viết cũng thành bài thơ.

    12ly7

    Trả lờiXóa

Mời bạn cho nhận xét của mình đối với bài viết. Nhận xét của bạn là đóng góp lớn lao cho ngôi nhà chung của chúng ta.

Dùng mã code dưới đây để chèn nguồn từ bên ngoài vào comment:
Link : <a href="Link URL">CLICK HERE </a>
Hình ảnh : [img]Link hình ảnh URL[/img]
Youtube clip : [youtube]Link video từ yotube[/youtube]
Nhaccuatui : [nct]Link nhạc từ Nhaccuatui[/nct]