Chủ Nhật, 7 tháng 8, 2011

CHÚNG MÌNH LÀ HỌC SINH MIỀN NAM ...


GIÁO VIÊN DẠY VĂN
Cuối năm 2009, tôi đi gặp mặt học sinh miền Nam Đông Triều thường niên. Tôi đã ôm hôn, nói chuyện khá lâu với cô giáo dạy văn năm lớp 10 – cô Đàm Ngọc Thơ, nguyên hiệu trưởng một trường THPT ở Cà Mau, người đầu tiên phục hồi lại tà áo dài trắng cho nữ sinh trung học sau bao nhiêu năm gián đoạn. Tôi mang ơn cô sâu nặng hơn nhiều thầy cô khác, vì chính cô đã trả lại sự công bằng cho việc học văn của tôi. Cô không biết điều này, và tôi cũng không có ý định nói với cô, vì sau 35 năm thì những chuyện cũ đã trở thành kỷ niệm. Tại buổi gặp mặt, khi chào một thầy hay cô giáo cũ, bao giờ tôi cũng hỏi:
-Thưa thầy (cô), thầy (cô) có nhớ em không?
Câu trả lời mà tôi nhận được thường là:
-MH đây mà, trông không khác xưa mấy.
Năm 1971, khi chuyển từ Quế Lâm – TQ về Đông Triều, tôi học lớp 8D, thầy V người Thanh Hóa dạy văn. Trong lớp chỉ có mình tôi nói giọng Bắc, còn tất cả mọi người đều nói giọng miền Trung nên phát âm dấu hỏi và dấu ngã như nhau. Lần đầu tiên nghe người Thanh Hóa nói lộn dấu hỏi và dấu ngã, tôi cực kỳ ấn tượng và cố nhịn cười. Hôm sau, trong giờ ra chơi trước giờ văn, tôi nhảy lên bục giảng và bắt chước điệu bộ của thầy V đọc diễn cảm trước cả lớp:
Tôi kễ ngày xưa chuyện Mỵ Châu
Trái tim lầm chổ, đễ lên đầu
thần vô ý trao tay giặc
Nên nổi cơ đồ đắm biễn sâu.
Tôi đâu ngờ thầy đến lớp sớm hơn thường lệ và chứng kiến trọn màn trình diễn của tôi. Thầy không nói gì hết, nhưng suốt năm lớp 8, rồi năm lớp 9 thầy vẫn dạy văn lớp tôi, các bài tập làm văn của tôi không bao giờ được quá 4 điểm. Điểm tổng kết môn văn của tôi năm nào cũng chỉ đúng 5,0. Thế mà tôi lại là người chọn và sửa bài chính, là cây viết chủ lực của tờ báo tường lớp. Mỗi khi trường tổ chức thi thơ hay truyện ngắn, bài dự thi của tôi chỉ đạt giải cao khi tôi mượn tên đứa khác, còn nếu để tên tôi thì bị loại ngay từ vòng sơ khảo. May mắn là năm lớp 10 cô Thơ dạy văn lớp tôi, bài tập làm văn đầu tiên cô cho tôi 7 điểm. Càng ngày tôi càng đạt điểm cao hơn, có bài còn được cô đọc mẫu trước lớp nữa. Tôi biết mình không có năng khiếu môn văn, nhưng cách xử sự công tâm của cô làm cho tôi thấy những tiết văn không nhàm chán và nặng nề nữa.
Quả đất tròn. Cách đây mấy năm, ban liên lạc HSMN đã tìm được thầy V và mời thầy vào dự buổi gặp mặt. Chẳng hiểu cái gì xui khiến mà tôi cứ đứng từ xa nhìn thầy, không thể nhấc nổi chân để bước lại gần chào thầy một tiếng. Đã hơn 30 năm rồi, tôi cũng muốn quên đi những điều không tốt đẹp. Vậy mà tôi vẫn không thể bước lại chào thầy V vào lần gặp mặt của năm tiếp theo. Người ta bảo có những điều trong tiềm thức mà mình không ý thức được, nhưng lại chi phối mọi suy nghĩ, mọi hành động của mình. Trước đây tôi không tin, nhưng hình như thời gian đang chứng minh điều đó đúng. Tôi tự hứa với lòng: nếu còn gặp lại thầy V, tôi sẽ bước đến chào thầy nhưng không hỏi:
-Thưa thầy, thầy còn nhớ em không?
QMH
Bài đã đăng trên Magyar1975.blog

15 nhận xét:

  1. QMH cực kỳ ... quậy nha . Thầy đì cho thế là ít đấy , vưỡn tổng kết đủ 5 phẩy mờ . Phải tay tui thì ở lại lớp chắc cú lun . He he .

    Trả lờiXóa
  2. May là vỡn còn nên Người, fải thầy TH khác thì toi luôn. Tôi cũng có bạn rất thân người Thanh Hóa, nhưng nói thật là không mê được cái ông khu 4 đẩy ra, khu 3 đẩy vào này. Đến hôm nay cũng vừa bị báo chí tố cáo làm ăn kiểu chặt chém ở Sầm Sơn, hậu quả là các cơ quan, đoàn thể ở HN đi tắm biển, đi luôn xuống nghệ An, xa hơn 150 km nhưng đẹp lòng.
    Ở HN có nhiều người TH làm ăn, dân HN gọi là " Hoa Thanh Quế",
    May các Quế là MN Quế.

    Trả lờiXóa
  3. Co Tho bi gio van tuyet nhu the nha! MF nho la o DT co mot thay day van bi cac tro bay cho rot xuong giao thong hao, ko biet phai thay nay ko?
    (Xin loi, MF dung may KS, ko co che do tieng Viet)

    Trả lờiXóa
  4. @Quế MF : Vào google gõ unikey , download miễn phí rồi xài . Gõ không dấu dễ bị hỉu lầm nhen .

    Trả lờiXóa
  5. Không ngờ cô Thơ lại chính là người đã khôi phục lại chiếc áo dài nữ sinh . Những năm đó kỷ luật học đường đang lao dốc , chiếc áo dài đã đưa lũ học trò nền nếp trở lại ( tất nhiên còn có nhìu biện pháp nữa ). Đến bây giờ , ở TP HCM , rất nhiều trường THPT đã thay đồng phục nhưng áo dài vẫn hiện diện vào thứ hai chào cờ và những ngày lễ hội .

    Trả lờiXóa
  6. Thật đáng sợ khi người ta không có lòng vị tha

    Trả lờiXóa
  7. @ND:Đây không phải là lòng vị tha, mà là một tổn thương về tâm hồn không thể xóa khỏi ký ức của một đứa trẻ phải sống tập thể, xa cha mẹ từ bé. Nó như vết thương trong tim đã liền sẹo, mặc dù không còn đau đớn nữa nhưng vết sẹo xấu xí thì không xóa được.

    Trả lờiXóa
  8. @Quế Lâm: Thật đáng sợ khi người ta không có lòng vị tha
    Tôi hiểu là đáng sợ khi người thầy không có lòng vị tha. Mà người thầy này đáng trách thật, ở thời gian như thế, hoàn cảnh như thế.

    Trả lờiXóa
  9. "Tôi tự hứa với lòng: nếu còn gặp lại thầy V...", Như thế là chính người trong cuộc cũng bắt đầu "tiến trình vị tha", sao các Quế và cả các đại ca Trỗi nữa cũng còn "nặng nề thế" trong thời gian: hiện tại, hoàn cảnh: hiện nay???
    Hãy xét lúc bấy giờ QMH lớp 8, độ tuổi nhỏ nhất cũng 15, 16. Các thiếu nữ ở tuổi này là "chảnh" lắm nên dưới con mắt của nhiều thầy cô khó "lọt" (Cứ nhìn vào các Quế con tuổi này thì ta sẽ suy ra các tỉ, muội dạo í thôi). Thầy V lúc đó chắc cũng còn trẻ (chắc là xa vợ) nên việc có hẹp hòi với các "hạt giống đỏ" cũng là chuyện thường tình. Thôi các Quế ơi, chúng ta cũng phải "vị tha" thôi, xin đừng "nặng nề " nữa, QMH và các Quế, có đồng ý với TGTB không?
    (Phản đối thì tôi tiếc đứt giấc ngủ trưa)

    Trả lờiXóa
  10. Xét theo nghề nghiệp thì như cách thầy làm vậy bao giờ cũng đáng trách. Chắc các Quế Ráo hiểu rõ việc này. Mình bàn về cái sự đáng trách là theo cách ấy, lương tâm nghề giáo.
    Chứ còn cá nhân thì chắc chắn thầy đi không vững các trò sẽ vẫn đỡ thôi.

    Trả lờiXóa
  11. @Các đại ca Trỗi & các tỉ muội Quế: Hôm kia cô Thơ đã gọi cho tôi sau khi được NHQ báo là tôi có bài viết về cô trên blog. Tôi thực sự xúc động và rất cảm kích vì được cô quan tâm. Cô bảo tôi: “Cô đã trên 70 tuổi rồi, thực sự cô cũng không còn nhớ em như thế nào nữa, nhưng qua bài viết này thì cô đã biết chính xác là cô không nhìn lầm việc học văn của em. Không phải vì em viết về cô mà cô nói như vậy, mà vì bố cục bài rất logic, chặt chẽ, kết thúc rất bất ngờ. Cô đã bảo con cô đọc bài này vì em cũng là giáo viên, đọc để hiểu là những tổn thương mà người thầy gây ra cho tâm hồn đứa trẻ sẽ rất khó phai mờ nên trong cách cư xử của mình với học trò phải hết sức chân thành, công bằng. Năm nay cô sẽ thu xếp đi gặp mặt thường niên (vì năm rồi học trò mời cô đi du lịch Campuchia nên cô không đi gặp mặt được), em nhớ đến gặp cô và phải xưng danh là MH đấy nhé!”. Tôi đã hứa là tôi sẽ đến, tôi chúc cô cứ khỏe mãi để ít nhất mỗi năm chúng ta vẫn được gặp lại cô.
    QMH

    Trả lờiXóa
  12. Đấy, cô giáo cũng cho là không làm như thế với học trò được.

    Trả lờiXóa
  13. @TGTB : Em cũng có chuyện này ,ở Võ Thị Sáu ,em không ăn được thịt mỡ , túi yếm thì đã đầy thịt mỡ của những bữa trước đứa nào bỏ vô , không biết làm sao , em đành nắm thịt mỡ trong tay . Cô D thấy em cứ dấu nắm tay dưới gầm bàn nên lôi em ra khỏi bàn ăn , bắt xoè tay ra ,em cương quyết không xoè ( sợ bị ăn ), cô tóm lấy em , đè xuống đất , tát liên tiếp vào mặt , cấu vào tay ... ,vẫn không gỡ được tay em . Cuối cùng , cô nắm tóc lôi em dậy và đập đầu em vào tường , em quắc mắt và phun cơm vào mặt cô , em thấy cô sững lại rồi bỏ đi .
    Em đã rất cố gắng , nhưng không thể quên được nỗi uất nghẹn đó ( mà không hiểu sao , bé tí mà lì kinh hoàng , không thèm khóc nha )

    Trả lờiXóa
  14. Ui, chuyện mấy Quế gái cũng thường thui. Tui đây thì ăn đòn là chuyện cơm bữa: Đá đít, bạt tai, vả mồm, túm tóc, dận đầu, dội nước lạnh mùa đồng, giam muỗi đốt mùa hè, bê chậu lửa...7 năm liền song chừ tui lại thấy hay hay, thêm nhiều kỷ niệm, có lẽ vậy mà đỡ nhớ nhà hơn.

    Trả lờiXóa
  15. Tui cung bị 1 giáo viên văn đối xử ép(hồi học cấp 3 sau giải phóng) tới giờ tui vẫn thấy bực, nó như vết dao chém mà khó lành, tui không muốn zậy mà nó cứ zậy. Có lẽ tui là người không vị tha?( nhưng việc cô ấy đối xử với tui làm tui mất cả phương hướng khi vào đời...).
    Buồn!

    Trả lờiXóa

Mời bạn cho nhận xét của mình đối với bài viết. Nhận xét của bạn là đóng góp lớn lao cho ngôi nhà chung của chúng ta.

Dùng mã code dưới đây để chèn nguồn từ bên ngoài vào comment:
Link : <a href="Link URL">CLICK HERE </a>
Hình ảnh : [img]Link hình ảnh URL[/img]
Youtube clip : [youtube]Link video từ yotube[/youtube]
Nhaccuatui : [nct]Link nhạc từ Nhaccuatui[/nct]