Thứ Sáu, 21 tháng 8, 2009

CHÚNG MÌNH LÀ HỌC SINH MIỀN NAM

Vì sao chúng mình lại trở thành HỌC SINH MIỀN NAM ? Có nhiều lý do lắm : bạn thì đã tham gia cách mạng tập kết ra BẮC nhưng còn nhỏ nên đi học lại và thành HSMN ( xin các bậc tiền bối bỏ quá cho vì đã mạo muội kêu là bạn ) ) ; bạn thì ở trong NAM vượt TRƯỜNG SƠN ra BẮC học tập đương nhiên là HSMN ; bạn thì ba mẹ tập kết nên dù sinh ra tại miền BẮC nhưng vẫn thành HSMN ( đám ÚT QUẾ rơi vào trường hợp này hơi bị nhiều nên mỗi khi tụ tập nhau lại ai cũng phải nghi ngờ vì HSMN gì mà toàn nói giọng BẮC !!! He he ) v.v... Mỗi người mỗi cách gia nhập HSMN .Mình sẽ xung phong kể trước vì sao mình lại trở thành HSMN và quá trình làm HSMN của mình như thế nào ( nhớ gì kể nấy ) . Rất mong được nghe các bạn kể chuyện gia nhập cộng đồng HSMN của các bạn .
Truyện thứ nhất : CHA VÀ CON GÁI ( ghi theo lời kể của mẹ ).
Ba mẹ nó gặp nhau lần đầu tại ... nước ngoài .Đó là vào năm 1948 , ba nó bỏ nhà theo kháng chiến khi mới 16 tuổi , mẹ nó được bà ngoại dẫn theo kháng chiến khi vừa lên 10 , cả hai cùng tham gia đơn vị QUÂN TÌNH NGUYỆN TÂY NAM giúp nhân dân CAMPUCHIA đánh PHÁP ( từ thời PHÁP ta đã có bộ đội tình nguyện rồi chứ không phải đến chiến tranh biên giới TÂY NAM mới có đâu ).Từ đó đến năm 1954 , ba nó đánh giặc tưng bừng , nổi tiếng khắp mặt trận TÂY NAM , mẹ nó trở thành y tá cũng nổi tiếng luôn vì cả mặt trận TÂY NAM có hai cô thiếu nữ à .Rồi ba mẹ nó wen nhau ( hì hì , sớm wá xá ) , cùng đi tập kết . Ra BẮC , ba nó đi học trường sỹ quan lục quân , mẹ nó trở thành HSMN trường số 4 ở HẢI PHÒNG ( trong cuốn kỷ yếu tổ ấm HSMN có hình chụp mẹ nó ngồi ngay cạnh BÁC HỒ khi BÁC và bác PHẠM VĂN ĐỒNG về thăm trường và mẹ làm HSMN như thế nào xin được kể vào dịp khác ).Đến năm 1958 , ba mẹ nó mới làm đám cưới .Có chuyện vui mẹ nó kể : hồi đó ba nó công tác tận LÀO CAI , một năm mới về phép 1 lần , ba dẫn mẹ đi chơi ( đi bộ chứ làm gì có xe mà đi ) , cứ đi 1 tí là có chú bộ đội đứng nghiêm chào ba và ba cũng phải đứng nghiêm chào lại ( chả là lúc đó quân đội đang tiến lên chính quy hiện đại giống LX mà ) , cái điệp khúc ấy cứ lặp đi lặp lại mãi , đi 1 tí rồi lại dừng , đi 1 tí rồi lại dừng ( nghe kể nó tưởng tượng như ba mẹ nó đang chơi trò 1,2,3 thì đúng hơn là đi dạo , he he ), mẹ chán quá đòi về và chẳng bao giờ đi chơi phố với ba được vì ba đâu có đồ thường phục , mà mặc quân phục đi chơi thì lại thành ... chơi 1,2,3 ( sau này tác phong chào chào ấy bỏ lúc nào thế nhỉ vì khi biết thì mình chả bao giờ thấy nữa ) .
Năm sau nó chào đời .Nó chào đời cũng khác người , không tại bệnh viện C , cũng không tại bệnh viện huyện , xã nào cả mà là tại quân y sư đoàn 338 ( oai chưa , con nhà lính mà ! ) .Khi mẹ sinh nó thì ba nó vẫn đang đi tiễu phỉ trên vùng biên giới hẻo lánh của LÀO CAI ( chắc giống các chú bộ đội biên phòng trong phim " LỬA RỪNG " các QUẾ hỉ ) , thế nhưng ba nó ghi lại hết ngày tháng năm , cả giờ nó ra đời ( bây giờ ai hỏi là nó nói luôn được cả giờ sinh , mọi người mắt tròn mắt dẹt hết ) và tình cảm của ba khi có nó vào mặt sau 1 tấm ảnh của ba ( tấm ảnh này khi đi học xa nó luôn mang theo và đọc đi đọc lại mãi những dòng ba viết cho nó khi nó mới chào đời , đến giờ nó vẫn nhớ , tiếc là khi nó học lớp 2 thì ảnh bị mất). Nó gần như chỉ sống với mẹ và bà ngoại vì ba công tác xa quá , công việc bận rộn và đầy hiểm nguy .Một năm , nó chỉ ở với ba được mấy ngày khi ba về phép , ba nó cưng nó vô cùng ( mẹ kể khi nó 16 tháng , ba về phép đã đi bộ mấy chục cây số vác trên vai con ngựa gỗ về cho nó cưỡi ).Thời gian nó ở với ba nhiều nhất là lúc ba nó về tập trung huấn luyện để đi B , lúc này nó mới gần ba tuổi và đã có 1 cô em gái . Suốt ngày nó quấn quít bên ba , ba đi đâu là đòi theo đó . Ba đi huấn luyện thì nó chơi 1 mình , cũng có lúc trông em giúp mẹ nhưng gây tai hoạ nhiều hơn vì có lần mẹ nó đi ra ngoài vào thì thấy miệng em nó đầy ... cơm cháy ( em nó mới có mấy tháng à , hix ) hỏi thì nó nói là : em hóc đòi ăn , chị cho em ăn em nín !!! ( hèn chi bây giờ em nó lớn không nổi ) . Ba nó về là nó bám riết và " báo cáo " tình hình ở nhà cho ba biết : nào là mẹ ở nhà .. lục túi ba , mẹ lại còn gọi ba bằng ... anh , bà ngoại thì gọi ba bằng ... thằng . Bà ngoại mới hỏi vậy chứ phải gọi bằng gì , nó trả lời dõng dạc : gọi bằng BA . Còn nó thì xưng ... chị với tất cả mọi người , chả là khi nó sắp có em , bà ngoại nó mới bảo dạy nó xưng chị với em cho ngoan , thế là với ai nó cũng xưng chị tuốt ( ngoan hơi quá đà ) .Cả nhà cưng nó , cả sư đoàn cưng nó ( cả sư đoàn MIỀN NAM mới có 1 đứa cháu đầu tiên mà cả ba mẹ đều là người NAM nên cưng hết chỗ nói ) nên nó chướng cỡ nào chắc ai cũng hiểu .
Đến một ngày đầu tháng 2 năm 1962 , ba nó lên đường ra trận . Nó không biết gì , vẫn tưởng sáng ba đi rồi tối ba lại về . Tối đến không thấy ba về , nó khóc đòi ầm ĩ , các cậu trong đơn vị phải sang dỗ nó đưa nó đi chơi . Thời gian trôi , nỗi nhớ ba của đứa trẻ con cũng qua mau . Sư đoàn đi B hết , nhà nó chuyển về HÀ NỘI . Thỉnh thoảng nó được mẹ nó đọc cho nghe thư của ba nó gửi ra . Có 1 lần , sau khi xem xong thư ba thì nó thấy mẹ và bà ngoại bàn luận việc gì đó . Hôm sau , mẹ nó gọi nó lại bảo nó ngồi im trên ghế , khoanh tay lại nghe mẹ đọc thư ba ( có vấn đề nghiêm trọng đây ) , đại để là ba khuyên mẹ nên nén tình thương con lại để mà gửi nó vào " TRẠI NHI ĐỒNG MIỀN NAM " vì ba nó nói rằng " NG.H khôn mà không ngoan " ( hix, ngoan làm sao được cơ chứ khi mà nó là cục vàng của cả sư đoàn , nó lại được bà ngoại dạy dỗ " nghiêm khắc " đến nỗi ba nó mới đánh đít nó 1 cái vì hư mà bà ngoại đã bỏ nhà đi 2 ngày , từ đó ba mẹ có động đến nó được đâu , hix .), vì thế mẹ sẽ gửi nó vào trại để được dạy dỗ cho ngoan . Nghe xong , nó khóc lăn quay , không chịu đi , nó hứa hẹn đủ điều sẽ ngoan để được ở nhà . Nhưng mẹ nó đưa thư ba nó ra làm bằng ,nó hết cãi lời . Sáng hôm sau , nó lủi thủi vừa đi vừa sụt sịt ,nắm tay mẹ ra tàu điện lên đường đến GÒ ĐỐNG ĐA bắt đầu cuộc đời của môt HỌC SINH MIỀN NAM nội trú , cho đến 10 năm sau , năm 1973 nó mới trở về nhà .
Còn ba nó thì đi mãi không về , dù đã lớn nhưng nó vẫn cứ tủi thân hoài vì không có ba .Mãi 30 năm sau , năm 1992 nó mới gặp lại ba qua những trang nhật ký mà ông để lại . Qua những trang nhật ký nó mới biết được hồi bé nó thương ba nó như thế nào và ba nó yêu thương chị em nó ra sao . Tình cha không giấy bút nào kể xiết .
( Sắp đến ngày giỗ lần thứ 46 của ba . Chị em con luôn thương nhớ và tự hào về ba ) .

22 nhận xét:

  1. Đúng là Quế giáo kể hay và cảm động ,miềng cũng muốn kể mà o biết kể mần răng được,chắc phải đi thụ lý vài chiêu rồi mới kể được...pó cẳng lun

    Trả lờiXóa
  2. Hu hu, Que day dau kho hon la co nho ong Ba mat mui ra sao dau, nam 67 minh moi 5 tuoi, la con ut, nghe noi duoc di TQ thi suong ron, vui ve ra di. Luc dau o Hung Yen, sau toi Dong Da, truoc khi di, chi nho la bi chay ran can da doi, lai con bi ran mang xa( bang dat nung tren dinh chua) hu doa so gan chet moi duoc sang TQ. Khi di chi co 1 tam hinh cua me to bang ngon tay cai de nho nha thoi...Khi tro ve la 1 con GA CONG NGHIEP ro xinh voi chiec mu coi rong vanh lam bieu tuong khong the lan voi ai...he he, hu hu...(hong ke nua dau)

    Trả lờiXóa
  3. hu hu , tui chẻng bít mình trở thành HSMN như thế nèo nữa , tui cũng chẳng biết BA (thật) ra sao . Vì BA về Nam tui mới có 1 tuổi , và khoảng 4, 5 tuổi gì đó tui đã thấy minh ở trong trại Nhi Đồng Miền Nam rùi (tui nhớ BA lắm , BA tui đi luôn từ hồi đó . Chúng tui luôn tự hào vì có BA , và cũng hay giành nhau coi BA yêu đứa nào hơn !)

    Trả lờiXóa
  4. Câu chuyện tự sự rất tự nhiên và đầy cảm xúc . Chúng tôi là HSMB ( không phải HSMN ) nhưng cũng có khác mấy đâu . Cha mẹ đi suốt , một cái chìa khóa cửa đeo ở cổ ( nhiều hôm quên không khóa cửa ) và một ít tiền để mua thức ăn và nấu cơm cho cả đứa em ăn cùng ( nấu 1 lần cho cả ngày ) . Đó là lúc tôi mới lên học lớp 2 . Hết lớp 2 thì đi sơ tán và hết lớp 4 đã là những người đầu tiên có mặt tại trường Trỗi .
    Thời đó những đứa trẻ như chúng mình thiếu thốn sự có mặt của cha mẹ vô cùng , phải tự lập từ lúc còn rất nhỏ . Chỉ có những người bạn và người thầy là gần gũi nhất . Sự hy sinh của chúng mình cũng đâu có nhỏ và chúng mình đã rất vững vàng trong cuộc sống đó thôi .
    Tôi rất hiểu và trân trọng những kỷ niệm như vậy . Nó làm chúng ta tự hào , thấy mạnh mẽ và tự tin hơn .
    Cảm ơn người viết bài .
    K6LS

    Trả lờiXóa
  5. Các quế có biết vì sao quế giáo bị ba đánh đòn không ? Vì quế giáo : "Đm bà ngoại!!!" các quế thấy quế giáo ngoan khiếp chưa .
    Quế ngốc

    Trả lờiXóa
  6. Quế giáo quạy quá nên hay bị ăn đòn là phải rùi, he he...

    Trả lờiXóa
  7. Quế giáo hay bị đòn quá ta , nhỏ hư ghê , lớn ngoan hem ???

    Trả lờiXóa
  8. Chào NH.Quế.
    Cho anh xin cuốn tài liệu "Trận Ấp bắc - nhìn từ hai phía" nhé. Cám ơn trước.
    HCQuang (k4 Trỗi)

    Trả lờiXóa
  9. @ em chào anh HCQUANG , số dd của em : 0908918669 , có gì anh liên lạc nhé .
    N.H.QUẾ

    Trả lờiXóa
  10. Có bạn học sinh miền nam gia công nào đã về thăm lại nơi ở của chúng ta ở Hưng yên chưa ? nếu bạn nào đã có dịp về thăm lại nơi ở của chúng ta lúc bé xíu trước khi sang Trung Quốc thì mô tả cho chúng tớ biết với, nếu có ảnh thì gửi cho chúng tớ xem nhé

    Trả lờiXóa
  11. Nhận xét này đã bị tác giả xóa.

    Trả lờiXóa
  12. Khi nào thì đến ngày giỗ của Bác hả muội? Muội thắp giùm tỉ và các Quế ở xa một nén hương kính nhớ về Bác nha! Nếu qua rồi thì hôm nay 2-9 muội giúp tỉ! Các Quế cùng thương nhớ và tự hào về người Cha của Quế!
    KT

    Trả lờiXóa
  13. Ba muội hy sinh ngày 30 tháng 8 .Trận đó đánh để chào mừng QUỐC KHÁNH 2/9 mà . Chị em muội giỗ BA theo dương lịch tỉ à .
    NG.H

    Trả lờiXóa
  14. Hix!Cảm động quá.Hóa ra Trỗi cũng như các Bé nhỉ.Cha đi miết...!

    Trả lờiXóa
  15. Cha tớ giờ vẫn còn, may mắn hơn nhiều bạn, thế nhưng cảnh cha con mình gặp nhau thì lại hơi giống" Chiếc lược ngà", từ bé nào biết Ba thế nào đâu, cái hình cũng hông có, mình cứ tưởng tượng Ba mình là chú bộ đội áo xanh, đội mũ cối, đẹp trai lồng lộng, tình yêu thương bao la như trong sách ấy.Đến khi gặp, ông là 1 thương binh....trái với những gì mình nghĩ, thế là mình không thân thiện, không sà vào lòng ông như đáng ra phải thế...phải mất nhiều thời gian mình mới hiểu và thương cha, mình thấy thật có tội nhưng mình lỡ là đứa bé ngang bướng mà. Hu hu, mình là 1 sản phẩm của 1 thời chiến tranh- có phải là sản phẩm không tốt không???

    Trả lờiXóa
  16. Quế hư:Chuyện của em cũng giống như bao gia đình khác thời ấy thôi mà!Chiến tranh đã làm cho cha xa com,vợ xa chồng.Em vẫn còn ngoan,chứ nhiều bé khác còn không chịu cho ba ngủ chung với má kia.
    N.H.Quế:Ba của anh cũng là dân F 338,Xuân Mai(Hòa bình) khi mới tập kết ra Bắc.Như vậy chúng ta cùng một gốc đó.Dân F338 nhiều lắm!

    Trả lờiXóa
  17. Cảm ơn a dathb136( ờ mà có phải là a không nữa)vẫn cho e là Quế ngoan, nhưng trong lòng e vẫn thấy mình có lỗi mà không thấy khác đi được, được chia sẻ ở đây e cảm thấy an ủi hơn, trước giờ có dám nói ra với ai đâu. Ngay cả khi về nước, biết bao bỡ ngỡ vất vả để hòa nhập, để lớn lên cũng thật gian truân và bao lần ứa nước mắt vì chả ai hiểu mình cả, chắc nhiều bạn cũng như em, hu hu...( lại nhè rồi, nhưng chắc ở đây có người dỗ mà)

    Trả lờiXóa
  18. @anh dathb : nếu ba anh là dân F338 thì chắc chắn biết ba mẹ và cả bà ngoại em nữa . Sao không thấy chú bác F338 họp mặt anh nhỉ ? Em cũng chưa có dịp về thăm lại nơi chôn nhau cắt rún ( nhưng mà vì vậy nên em cũng được gọi là ... sư tử hà đông đó , hix ).

    Trả lờiXóa
  19. Nhìu Quế, trong đó có Quế ni, khi về gia đình rất khó hòa nhập, và thường làm ba má buồn vì không thể hiện tình cảm và ngang bướng! Nhưng thiệt ra trong lòng chúng ta iu ba má lém, nhưng không bít cách thể hiện, vì cả một thời gian dài sống không ba mẹ,bít thể hiện thế nào đâu? Quế nèo cũng cá tính!
    Rồi có người ba mẹ ra đi, rùi hối tiếc, rùi nói giá gì...Chúng ta hỉu nheo mừ, Quế hư à.

    Trả lờiXóa
  20. Hu hu, có người chia sẻ thấy nhẹ hẳn người, cảm ơn Quế Quế nghe! Thật ra trong lòng mìn biết mìn là Quế ngoan mà, chỉ bướng bỉnh "1 chút chút" thôi!!!

    Trả lờiXóa
  21. Bài đã đăng cách đây 3 năm.Nhưng lần đầu được đọc nên cảm xúc vẫn còn nguyên vẹn.Chuyện được kể giản dị như nó vốn có mà xao động lòng người,nhất là những người trong cuộc . Cảm ơn em N.H.

    Trả lờiXóa
  22. Lang thang đọc lại bài này bùi ngùi quá N.H ơi, hsmn mình hoàn cảnh giống nhau thế. Anh cũng được ba cưng lắm, lại sắp đến ngày giỗ ba rồi...

    Trả lờiXóa

Mời bạn cho nhận xét của mình đối với bài viết. Nhận xét của bạn là đóng góp lớn lao cho ngôi nhà chung của chúng ta.

Dùng mã code dưới đây để chèn nguồn từ bên ngoài vào comment:
Link : <a href="Link URL">CLICK HERE </a>
Hình ảnh : [img]Link hình ảnh URL[/img]
Youtube clip : [youtube]Link video từ yotube[/youtube]
Nhaccuatui : [nct]Link nhạc từ Nhaccuatui[/nct]