Chủ Nhật, 18 tháng 5, 2014

CHIM MIẾN



Con nào con nấy ú nu cứ như chờ đợi
"ánh sáng văn minh ẩm thực" rọi đến.

   Chắc các bạn đã từng nghe nói nhiều về chim mía? Đó là danh từ chung, chỉ các loài chim chuyên trú ngụ trong các ruộng mía miền Trung, nó gắn với tuổi thơ, với thi ca và kỷ kiệm của nhiều ngườì. Tương truyền, khi “giao lưu” với món chim mía roti các đệ tử lưu linh đều biến thành thi sĩ cả... chả trách quê miềng sao lắm nhà thơ!

   Còn Chim Miến? Nó không phải là chim nấu miến đâu, chúng chỉ là chim... Miến Điện ngụ tại Yangun thôi. Lũ bồ câu và quạ độc chiếm nơi đây, chúng nhiều vô số kể và sẽ tiếp tục đông thêm bởi từ lâu chẳng có “thế lực thù địch”nào dòm ngó. Bọn mèo hiếm hoi rất chảnh, chúng nằm dài lim dim phơi nắng nhìn bọn chim qua lại chẳng mấy quan tâm, còn con người ( 80% theo đạo Phật) họ không thích sát chim.


Đang cao giọng "hót".
Ở Yangun người ta cũng có "phong tục" vứt chuột chết
ra đường cho xe cán như bên mình. Mấy chú quạ đang
thích thú thưởng thức buổi điểm tâm, chúng rất dạn,
ôtô đến chúng dạt ra như gà rồi lại xông vào mổ ngay.
Nơi chim thường đậu, người ta bán sẵn mồi
Quả thật không em nào lông trắng!
Mối quan hệ thân thiện.




    Qua mấy tấm hình các bạn hẳn thấy cách người Miến đối xử với chúng . Chim Miến khác với chim Ta thế nào nhỉ? Lũ bồ câu vẫn cần cù mổ hạt, và bọn quạ đen vẫn “hót” quà...quà, Yanggun ngái ngủ,thanh bình trong nắng sớm. Tôi đi lang thang trên đường phố, bỗng giật mình phát hiện “điều bất thường” trong cảnh thường nhật nơi đây. Vậy mới có chuyện... 
  Chuyện rằng: Ngày xưa, ông Niu tơn nhìn thấy quả táo rơi để rồi phát minh ra định luật “Vạn vật hấp dẫn”, làm lao tâm khổ tứ biết bao thế hệ học trò. Ngày nay, tôi ngó lũ chim và phát hiện:“bồ câu Miến không con nào lông trắng”. Sự khác nhau là đây: Niutơn từ một hiện tượng tự nhiên đã tìm được lời đáp , còn tôi “hơn ổng” chỉ “phát minh” ra toàn câu hỏi. Ấm ức lắm thay!
  Giờ, với kiến thức sinh học mỏng như lá lúa, tôi chỉ có thể bỏ con bồ câu vào nồi, hầm lên, “chiết xuất” lấy nước ngọt và nêm thêm gia vị ... Ừ mà sao mình không nhờ bên Quế nhỉ? Bển có cả tiến sĩ sinh học, nghe đâu từ miếng ức bồ câu rán, người ta có thể moi ra cả cái “con ADN”, đem soi dưới kính hiển vi, lập sơ đồ phả hệ là có thể mò ra cả tam,tứ đại nhà nó ấy chứ. Nguyên nhân ông bà, cụ kỵ nhà nó lông trắng, đến đời chúng toàn đen với xám chỉ là chuyện nhỏ. Hừ, mình nghe đồn thế thôi, chứ khéo đây là đề tài sinh học dành cho cấp “trên tiến sĩ” cũng nên?
   Chiều qua, tình cờ ngôi lai rai với hai lão bạn già, ngứa lưỡi, tôi lại lôi chuyện này ra. Theo kinh nghiệm bản thân: cứ cái gì khó khăn, rối rắm, ta nên dùng chiêu “xã hội hóa”.
  Và đây, cuộc phỏng vấn mini:
- Này bác, bác là thầy dạy văn, bác thấy cái vụ “lông trắng , lông đen” thế nào? Tôi hỏi.
- Ủa, sách vở ông “gặm” lâu nay tiêu đâu hết rồi? Ông nghe các cụ dạy chưa? “Gần mực thì đen”nhé! Con bồ câu trắng nhà ông nó chơi, nó đánh bạn với tụi quạ đen riết nên bị “thoái hóa biến chất”, lại hổng chịu rèn luyện, tu tỉnh nên lông nó cứ xám rồi đen dần đi, có vậy mà cũng hỏi.
- Ờ nhể, thông thái quá.Thế còn vụ “gần đèn thì sáng”? Tụi quạ đen được “cảm hóa”đâu, phải có những chú qụa xám và quạ trắng chứ?
- Chuyện, ai cũng biết phấn đấu đi lên nó vất vả, cực khổ vô cùng, Con đường của sự tiến bộ đấy ông ơi. Đến được cái “sáng” đó cứ như người leo dốc đứng, còn chuyện tuột dốc thì quá dễ. Chả trách bọn quạ không trắng được là vậy.
- Thôi, thôi , em chịu bác rồi. Bác “mở mắt” kiểu này em “chói mắt”quá đấy!

  Nào, giờ đến bác. Là giảng viên chính trị, bác giải tiếp cho tôi vụ này:

- Bồ câu, biểu tượng của hòa bình. Màu trắng trong sáng, thanh cao dành cho chúng...Con nào càng trắng hẳn càng HB! Các bạn thấy đấy, chỉ có chọi trâu, chọi gà, chọi chim, chọi cá .. nhưng không hề có chuyện “chọi bồ câu”- chúng yêu hòa bình, dẫu rằng cũng có lúc con này dẫm lên lưng, mổ vào đầu con kia!!
   Quạ, biểu tượng của chiến tranh, của chết chóc. Chúng có chất giọng khàn đặc và bộ lông đen thui đầy hắc ám. Ấy vậy mà ở thành phố này, hai loài đang cùng nhau chung sống dưới một mái nhà, trong tình hữu nghị láng giềng thân thiết?  
   Ông bạn ái ngại nhìn tôi:
- Sao ông cứ băn khoăn vì chuyện đó? Nó dễ ợt đối với chúng tôi nhưng lại làm đau đầu với dân ngoại đạo các ông. Phải biết thương lấy mấy sợi tóc đen của mình chứ, chớ để chúng bạc thêm! Nếu ông thật sự chí thú tìm hiểu, thì đó chính là “Quy luật thống nhất và đấu tranh giửa các mặt đối lập” trong triết học, người ta đúc kết cả rồi đấy.
 - Hườm, chuyện có ba con chim ranh mà cũng nâng thành quan điểm. Bác tài thật!
 Ra thế, cùng một hiện tượng nhưng quả có nhiều cách tiếp cận, khổ nỗi mình thấy “cái lý” nào cũng có vẻ đung đúng. Chết thật!  
  Xem ra mọi chuyện trên đời chẳng có gì là đơn giản nhỉ, và mọi chuyện không đơn giản đều có thể hóa giải một cách giản đơn?!

7 nhận xét:

  1. @TM: Đơn giản không hà, đại ca nghe tiến sỹ Quế giải thích đây nhá: phàm những con chỉ có lông trắng (kể cả các loại con đi hai chân) thì mắt sẽ hồng hồng, lý do là vì cơ thể không sản xuất được chất melanin, là chất tạo màu đen hay sẫm hay xám của da, tóc, lông! Những con này rất khó tồn tại ở các xứ sở nắng nhiều và nhìn mọi thứ trên đời bằng màu hồng! Bởi vậy nó thành những con vật hay được yêu, bồ câu thì gán cho là biểu tượng hòa bình, thỏ thì cưng đến nỗi gọi là thỏ ngọc, người Việt thì được đem làm con lai! (do nhầm tưởng với người ở xứ ít nắng)
    Miến điện là xứ gần mặt trời, lại rất thực tế (có vậy mới dụ đại ca đại tỉ nhà TM qua chơi), nên chim bồ câu trắng không hiện hữu! E hèm

    Trả lờiXóa
  2. @MF:
    Đơn giản vậy sao! VN "cùng" vĩ độ với Miến mà? Bên ta vẫn có kha kha khá bồ câu trắng chứng tỏ bồ câu mình "quan hệ đa phương","hợp tác quốc tế" tốt hơn bồ câu họ nhỉ?

    TM

    Trả lờiXóa
  3. Muội đùa vậy thôi, đại ca chi mà dễ tin người rứa! Tại họ ko nuôi giống đó thì nó ko có chớ sao! Ở các nước người tóc vàng hoe như Thụy Điển mà cũng đầy các kiểu chim đen thui hà!

    Trả lờiXóa
  4. -MF:
    Không dễ tin sao được khi người dẫn mình đi coi cả 3 con voi trắng(mắt đỏ,mà là voi trắng thật chứ không phải voi đen tắm trắng mô. "Thuyết melanin" nghe chừng rất có lý,"thỏ thì cưng đến nỗi gọi là thỏ ngọc" và "voi cưng" vầy cũng được gọi là ..."voi ngọc"! ( xem ảnh)

    Trả lờiXóa
  5. Bác TM ơi rất may là bọn chim này không sống ở VN, ẩm thực VN đa dạng và phong phú lắm, chúng sẽ được dọn sạch sẽ, ngon đến miếng cuối cùng...

    Trả lờiXóa
  6. - @XH: Chim này được nhiều người cho ăn nên rất mập,lại vô chủ nữa chứ. Cũng như bạn,tôi và mấy anh VN khác cứ ngắm chúng là "nảy sinh tư tưởng đen tối" trong đầu. Tệ thật!

    Trả lờiXóa
  7. ....cây gì,con chi ngắm thấy vui mắt là nghĩ măm măm chắc ngon lém....,con đường tắt từ con mắt thẳng xuống dạ dày....đi xe qua ruộng rau làm mù tạt xanh ngăn ngắt lập tức cả bọn nháo nhác ,vui vẻ hẳn lên-ồ rau ni mà xào tỏi là tuyệt chiêu lun ,tạt zô lề đường kín đáo ,làm luôn một túi thật to,giá như họ có bán trong siêu thị ,mua măm đàng hoàng,chứ mang tiếng tộm ...rau...có đau ko...tệ thật...nhưng rất thật...

    Trả lờiXóa

Mời bạn cho nhận xét của mình đối với bài viết. Nhận xét của bạn là đóng góp lớn lao cho ngôi nhà chung của chúng ta.

Dùng mã code dưới đây để chèn nguồn từ bên ngoài vào comment:
Link : <a href="Link URL">CLICK HERE </a>
Hình ảnh : [img]Link hình ảnh URL[/img]
Youtube clip : [youtube]Link video từ yotube[/youtube]
Nhaccuatui : [nct]Link nhạc từ Nhaccuatui[/nct]