Chủ Nhật, 27 tháng 4, 2014

VÉ CHÁU ĐÂU ( tiếp và hết )?


  Bình minh đánh thức tôi, việc đầu tiên cần làm là phải kiếm ra tiền để mua vé xe từ thị xã Thái bình về Nam định ngay, chỉ cần về đến N.Đ là đến HN rồi, bổ tàu thì tôi thành thần. Ý nghĩ đó làm tôi chẳng còn để ý tới vẻ đẹp ban mai của vùng đất này nữa. Bác bảo vệ già đã ngôi nhâm nhi chén trà với vẻ mặt hài lòng qua một đêm trông phạm căng thẳng. Giờ thì tôi chỉ có ngược thôi chứ còn nấn ná gì nữa. Chào bác, cháu về ạ, cảm ơn bác, tôi nói và bước đi.


  Hai mươi cây số mà lội bộ thì đến bao giờ mới tới. Trên người tôi lúc này chỉ có cái áo bờ-lu-dông bằng vải dù là có giá. Đây lại là kỷ vật của ông chú ruột cho tôi trước lúc ông quay vào B. Chỉ còn cách bán cái phẹc-mơ-tuya bằng đồng cực bền và đẹp. Cái áo giữ lại, sau này gắn phẹc sau. Nghĩ và quyết luôn, tôi bèn đi tìm cửa hàng tíc-kê vá quần áo, bởi chỉ chỗ đó mới có khả dĩ bán được.

  Lang thang mãi mới kiếm được một cửa hàng bé tẹo, với cái biển cũng bé tẹo. Cười tươi như ông đười ươi tôi xộc tới, giả lả thân tình, ông anh ơi, em có cái áo mà chỉ bán cái phẹc-mơ-tuya thôi, anh mua giúp em nhé. Ông thợ may nhìn tôi như nhìn đười ươi thật, lúc sau ông cất tiếng, hâm à, bán thì bán cả áo luôn chứ bán cái phẹc-mơ-tuya không thì làm gì. Trình bày kiểu gì cũng chỉ nhận được cái lắc đầu. Thôi xong, thế là hết hy vọng mua bán.

  Tôi đành lùi lũi đưa chân, loanh quanh cuối cùng thì lại tới bến xe. Ui chao, sao lại đông thế này, xe ít người nhiều, thôi thì cứ xếp hàng cái đã, theo bản năng tôi bước vào hàng người đông đúc. Nhúc nhắc tiến dần, tiến dần, âm mưu trong tôi cũng hình thành khi thấy rất nhiều cánh tay cùng thò vào cái lỗ cửa bán vé, được che bằng lưới mắt cáo rách tơi tả, trơ ra mấy song sắt.

  Đến cửa vé tôi cùng một đống người nữa thò tay vào tay ai cũng nắm chặt tiền hua hua loạn, tôi cũng nắm tay hùa theo. Không trật tự đâu nhé, ồn khủng khiếp ai cũng sợ trượt không nhận được vé, tiếng hò hét vang lên: Tiền này bác ơi, cháu hai vé... Cháu một vé bác ơi... Vé cháu đâu...ơ cái anh này đừng chen lấn vậy...Tôi bắt đầu gào lên hỏi vé cháu đâu, vé cháu đâu bác ơi, một loạt cánh tay mới lại thò vào.

  Không chịu lùi, tôi vẫn kiên trì hua tay, mồm hô vang vé cháu đâu, vé cháu đâu bác. Bác bán vé cỡ gần năm mươi tuổi, việc đứng bán như vậy với bác là nặng đấy. Cái giọng lơ lớ nửa Quảng nửa bắc của tôi, bác bắt đầu để ý tới, ông quát: Có thấy tiền chú đâu. Tôi liến thoắng: Bác vừa cầm tiền của cháu rồi mà, sao bác chưa đưa vé. Các cánh tay vẫn tiếp tục thò vào, thấy tôi vẫn lu loa, ông bắt đầu hồ nghi chính mình. Tôi bồi tiếp: Bà con thấy tôi xếp hàng từ sáng đến giờ đúng không nào, mua vé thì phải có tiền mới xếp hàng chứ bà con nhề, vé cháu đâu bác ơi!

  Bà con ai cũng sốt ruột, lại sợ hết vé thế là ào ào làm chứng: Phải rồi chú này xếp hàng từ sáng đới, bán cho chú ấy đi, bán cho chú ấy đê, họ cũng đâu biết là tôi định tay không bắt giặc đâu. Quả này thì bác thấy có lý thật, chắc mình lu bu quá, cầm tiền của nó rồi thật chứ chả đùa. Lưỡng lự một nhát rồi bác xé vé dúi vào tay tôi trong nghi ngờ, tim tôi ngừng đập mấy nhịp, cầm được tờ vé tôi nắm chặt lặn một hơi không sủi tăm. Chỉ sợ bị phát hiện mà đòi vé lại thì chí nguy. Hú hồn.Thoát nạn, tôi thầm nghĩ, thằng Trường dực lần sau mà lên trường tôi thì chết mới tôi, mày phải đền bù thiệt hại này.

  Còn bác bán vé, ngàn lần xin lỗi bác nhé, bây giờ mà gặp lại bác cháu xin bù cho bác nguyên một xấp vé xem xiếc ngay tại thủ đô HN ý chứ, thật, thề. Chiêu thêm ngụm bia Đạo cười hề hề, bí nó xì ra khôn, thế đấy.

  Chuyện biên theo lời kể của Lê Trung Đạo HSMN số 1 Đ.T.

Xuân Hùng

16 nhận xét:

  1. XH ơi! LTĐ vẫn thường hãnh diện về nghề văn của mình,đã từng chê thẳng vào mặt cô rằng:Văn cô không hay!Sao em dám viết thay cho nó?Được biết nó còn nhiều tài lắm.Nhất là tài phản bạn, phản thầy.Văn em rất hay:Dung dị mà phong phú cách lột tả.Rất cuốn hút.Cô thích.

    Trả lờiXóa
  2. Ngày đó mà nghĩ ra được trò này à ? Hsmn ngang tàng chứ đâu lừa đảo

    Trả lờiXóa
  3. Cô Thơ ơi, nếu LTĐ có gì đó không phải thì cũng xin cô bỏ qua đi, nặng nề chi cho nặng lòng cô ơi. Xin cô bao dung cho các em

    Trả lờiXóa
  4. @CÔ THƠ:
    Thưa cô:
    Một mai chẳng để lại gì
    Chỉ còn tình nghĩa khắc ghi trong đời
    " Núi cao bỡi có đất bồi
    Núi chê đất thấp núi ngồi ở đâu,
    Muôn dòng sông đổ biển sâu
    Biển chê sông nhỏ, biển đâu nước còn "
    Xin cô tha thứ cháu, con ...
    Để lòng thanh thản vẹn tròn như xưa !

    Trả lờiXóa
  5. Ngày xưa ấy thật nhiều khó khăn, ứng biến trong cuộc sống, hòa nhập là cần thiết. Thời nào cũng vậy, biết thì tồn tại,nhưng phải biết điểm giới hạn đỏ. Ngày đó, hết tiền về trường, cũng không ít người đi tàu lửa chùa đó sao, xuống ga Hải Dương phải kiếm chỗ để chui ra khỏi ga.

    Trả lờiXóa
  6. LH ko biết người và ko biết chuyện nhưng thích lời xin của a TGTB và a VAV. Mong cô bỏ qua lỗi lầm của trò và chúc cô thật nhiều sức khỏe. LH rất ngưỡng mộ cách ứng xử thơ ca của a VAV và mọi người. Giờ này mong được gặp bạn bè để cùng hát bài Tiến về sài gòn.

    Trả lờiXóa
  7. Đáng tiếc không phải là chuyện của ngày xưa ngây ngô và khờ dại.Là chuyện mới đây thôi nên khó mà tha thứ.Cảm ơn các em đã có những lời khuyên.Nhân tiện có chuyện nên nới.Cô cũng không để những chuyện vặt vãnh ấy làm buồn lòng đâu.Có lẽ các em biết LTĐ hơi ít.

    Trả lờiXóa
  8. @Cô Thơ: Em rất áy náy mấy ngày nay, đã làm cô phiền lòng. Kể cả LTĐ cũng vậy. Đáng lẽ em không được biên tên thật, em xin lỗi. Sau này nếu có biên nữa em sẽ viết tắt, lỗi này em xin nhận. Mong được tha lỗi ngàn lần tha lỗi.
    @TGTB: Thi thoảng vẫn gặp LQT lên SG họp mặt cuối năm, vẫn tính cách nhậu tới bến như vậy.

    Trả lờiXóa
  9. Với những gì mà MF biết về những chiện tàu xe ở đông Triều, MF nhất trí với Ráo em!
    MF nghe kể: 1. Đi tàu:Các đại ca thường lên tàu ngồi thản nhiên, khi chú soát vé tới hỏi, ngang nhiên nói: cháu không có vé, chú lên bác Đồng (PVĐ) mà hỏi.
    2. Đi xe: Có lần về Tết, mọi người xô đẩy nhau lên xe khách, các HSMN cả nam lẫn nữ không biết làm sao chen chân lên, các đại ca khống chế tài xế, đuổi mọi người xuống, tuyên bố sẽ cho mọi người lên xe "theo chính sách", trước hết: HSMN, sau đó: thương binh, gia đình liệt sỹ (nếu có thẻ), sau đó người già, trẻ em, phụ nữ ...
    Công thần và hỗn láo hết cỡ, zưng mà khảng khái, không phải toát mồ hôi gian dối như câu chuyện trên!

    Trả lờiXóa
  10. MF: Số 0914192906 mấy hôm ni đứt dây chuông hay ngoài tầm phủ sóng mà ko liên lạc được. Tối 30/4 lưu lại Cố đô gọi mãi ko được, bây chừ cũng rứa??? Ở đây thì thấy dấu vết MF?

    Trả lờiXóa
  11. @TGTB: Hắn biến rùi! :) :)

    Trả lờiXóa
  12. XH! Em có lỗi gì đâu.Nào ai biết hết được những chuyện quanh ta.Tại cô thích dạo chơi với các em không may gặp chuyện ko vui và đã ko kìm chế được lòng mình.Đáng lẽ cô lặng thinh như vẫn lặng thinh mấy năm nay thì đã ko làm các em áy náy.Lỗi có lẽ ở phía cô nên em đừng suy nghĩ nữa.Mình cùng quên nha.

    Trả lờiXóa
  13. TIN BUỒN VỚI HỘI HSMN QL !
    HÔM QUA, 2-5-2014, THẦY GIÁO TRỊNH VĂN TUẤN ( DẠY Ở QUẾ LÂM TỪ 67 -73 ) ĐÃ TỪ TRẦN Ở QUÊ NHÀ LÀ THÔN 6, XÃ YÊN THỊNH, HUYỆN YÊN ĐỊNH, TỈNH THANH HÓA. LỄ ĐỘNG QUAN ĐÃ TIẾN HÀNH NGAY 9H SÁNG HÔM NAY, THỨ BẢY 3-5 !
    HỘI HSMN QL TPHCM VÀ ĐÀ NẴNG ĐÃ KỊP THỜI CHIA SẺ ĐÂU THƯƠNG NÀY VỚI GIA ĐÌNH THẦY TUẤN !
    XIN THÔNG BÁO TIN BUỒN NÀY ĐẾN TẤT CẢ CÁC BẠN HSMN QL TRÊN TOÀN QUỐC ! Rât mong các bạn chia sẻ đau thương này, vui lòng LL với em PHÚ - con trai Thầy Tuấn ; 0946182123.
    Người TB : HÙNG Đầu Bò - TPHCM

    Trả lờiXóa
  14. Thầy Trịnh Văn Tuấn đã ĐI XA !

    Các bạn Quê Lâm ơi
    Nghe TIN BUỒN sét đánh :
    Thầy TUẤN đã ĐI XA,
    Không gặp chúng ta nữa !

    Mấy chục năm cách biệt
    Mới gặp lại nhau đây –
    Thầy – trò đang háo hức,…
    Bất ngờ Thầy RA ĐI !

    Thầy ĐI đột ngột quá
    Em sững sờ, không tin,…
    Nhưng đó là SỰ THẬT
    SỰ THẬT buốt nhói Tim,… !

    Bao dự định NGÀY MAI
    Sẽ về Thầy sum họp –
    Bỗng tan tành, sụp đổ
    Vì Thầy bỏ RA ĐI !

    Trò của Thầy khắp nước,
    Và cả ở Mỹ kia
    Nghe Tin đều nức nở
    “ Sao Thầy bỏ chúng em ! “

    Chúng em mãi khắc ghi
    Công Ơn Thầy Trời Bể,
    Chưa đền đáp được chi
    -Chúng em ân hận lắm !

    Sài Gòn Trời tuôn Mưa,
    Cùng chúng em thương khóc :
    Tiễn Thầy lên Niết Bàn
    Hồn Bằng an, Siêu thoát !

    ( Thầy Trinh Văn Tuấn quê quán ở Thôn 6, xã Yên Thịnh, Huyện Yên Định, Tỉnh Thanh Hóa. Thầy dạy dỗ HSMN Quế Lâm, Trung Quốc từ năm 1967 đến 1973. Sau đó về nước dạy ở Trường HSMN số 16 ở Hưng Yên cho đến ngày GPMN 1975.
    Thầy TỪ TRẦN ngày 02-05-2014, và 9h sang 03-05-2014 Động Quan chôn tại quê nhà )
    TPHCM, 03-05-2014
    Học trò QL của Thây :
    Phạm Tiến Hùng ( Hùng ĐB )

    Trả lờiXóa
  15. Vừa đi công việc ở xa về, nghe tin thầy Tuấn ra đi mà đau lòng quá. Hình ảnh thầy mải mê chấm bài giữa đêm đông, rồi bế cô học trò nhỏ vi phạm nội quy về phòng cho ngủ vừa được tái hiện. Quá đỗi thân thương. Chưa có dịp gặp lại, thầy đã ra đi. Biết rằng ko ai cưỡng lại được số phận nhưng cứ thấy sao thời gian và cuộc sống khắc nghiệt quá. Mong sao các thầy cô và bạn bè đều khỏe mạnh.

    Trả lờiXóa
  16. Ko khác gì LH,ngay lập tức hình ảnh cũ của thầy hiện về...thầy ra đi đột ngột quá...Stbe mới lao xao chuyện cũ đó thôi...những tưởng sẽ có dịp gặp lại thầy....

    Trả lờiXóa

Mời bạn cho nhận xét của mình đối với bài viết. Nhận xét của bạn là đóng góp lớn lao cho ngôi nhà chung của chúng ta.

Dùng mã code dưới đây để chèn nguồn từ bên ngoài vào comment:
Link : <a href="Link URL">CLICK HERE </a>
Hình ảnh : [img]Link hình ảnh URL[/img]
Youtube clip : [youtube]Link video từ yotube[/youtube]
Nhaccuatui : [nct]Link nhạc từ Nhaccuatui[/nct]