Truyện thứ ba:
Vô Trại và trốn Trại Nhi đồng( theo lời kể của các cô cho ba và ba kể lại)
Đầu tháng 2/1963 ba tôi có lệnh đi B thế là tôi được gửi vô Trại nhi đồng MN nhưng ba không hề nói với tôi điều này mà chỉ nói đưa tôi đến chỗ có rất nhiều bạn cùng tuổi với tôi và có rất nhiều đồ chơi. Ôi đó là điều mà tôi hằng mơ ước bấy lâu nay. Thế là tôi phấn khởi đi theo ba. Khi đến trại tôi được các cô dẫn đi chơi với các bạn còn ba thì vô nói chuyện với một cô lớn tuổi trong phòng ( sau này tôi mới biết đó là cô An Ninh). Tôi háo hức hoà nhập với các bạn nô đùa thoả thích. Ở đây có thật nhiều đồ chơi: có búp bê tóc vàng biết nhắm mắt mở mắt, có cầu tuộc, có xích đu ôi thật là thích.
Tôi cứ mãi mê chơi đùa và không hay ba tôi đã đi từ khi nào. Khi chơi đã thấm mệt tôi mới chợt nhớ đến ba và đi tìm ba nhưng nào có thấy ba đâu. Ba đã bỏ tôi lại và ra đi không một lời chào nhắn nhủ hay một cái ôm hôn bởi chỉ có cách ấy ba tôi mới ra đi được và giữ tôi ở lại trại. Bây giờ xung quanh tôi toàn người xa lạ nên tôi khóc thét lên và đòi về với ba. Các cô giáo đã dùng những lời thật ngọt ngào để xoa dịu nỗi đau chia ly của tôi bởi các cô biết đứa trẻ nào khi tách chúng ra khỏi người thân đều có một tâm trạng hoang mang sợ hãi như tôi. Tôi có tật khóc nhè dai lắm, khóc đến khi không còn ra tiếng và mệt quá mới chịu im. Vậy mà các cô giáo vẫn kiên nhẫn dỗ dành tôi, ôm chặt tôi vào lòng, xoa đầu và vỗ về tôi như chính con của các cô vậy thế là tôi cũng từ từ lịm đi trong tiếng ru ngọt ngào của các cô.
Thời gian đầu sống trong Trại nỗi nhớ ba cứ mãi khôn nguôi. Chiều nào tôi cũng ra đứng trước cổng trại trông về hướng ba đã đưa tôi đến đây mà ngóng chờ ba. Chờ hoài trông mãi cũng không thấy ba đâu thế là ý nghĩ trốn trại đã hình thành trong tôi một cô bé mới hơn 3 tuổi. Nhân lúc bác bảo vệ lơ là không để ý tôi bèn lẻn ra ngoài gọi bác xích lô chở tôi đi gặp ba. Bác xích lô cứ tưởng tôi là trẻ lạc nên đồng ý chở tôi đi tìm ba. Thế là tự nhiên tôi có được một chuyến đi ngao du khắp TP Hải Phòng bằng xích lô nhé. Cứ thấy nhà nào to là tôi chỉ đó là nhà của ba tôi và bác xích lô lại chở tôi đến rồi không phải thì chở đi tiếp. Chắc bác xích lô thấy tôi nhỏ quá mà lạc cha mẹ nên vẫn kiên trì chở tôi đi cả buổi. Loanh quanh hoài chẳng thấy nhà ba tôi đâu và chắc lúc ấy bác chợt nhớ ra có một trại nhi đồng MN ở đây và tôi là đứa trốn trại nên chở tôi về trả lại cho Trại.
Cũng may số tôi gặp người tốt bụng chứ gặp người xấu tôi cũng bị bán đi cho mẹ mìn rồi và chưa chắc gì tôi đã thành HSMN. Các cô được một phen hết hồn vì tôi và từ đó tôi được quản thúc riêng biệt bởi một cô y tá ( do cô An Ninh giao phó). Bắt đầu từ đây ngoài tên chính bố mẹ đặt cho tôi còn có một cái tên chung HSMN. Hình tôi khi bắt đầu trở thành nhi đông MN rất đặc trưng ở cái đầu tóc nè
Truyện thứ tư:
Cái tật mút tay
Cái tật mút tay của tôi được hình thành từ lúc nào tôi cũng không nhớ rõ nữa chỉ biết rằng nó đã cùng hành trình với tôi trong suốt một thời gian rất dài từ Trại Nhi đồng MN rồi qua Quế Lâm trường Võ Thị Sáu đến trường NVB cấp 1 và cấp 2 luôn( 1973). Bây giờ bạn nào mà cùng học với tôi thì câu đầu tiên vẫn là " Vân còn bú tay không?".
Tôi nghĩ chắc là lúc tôi phải xa mẹ rồi xa ba sống trong môi trường toàn người xa lạ để chống lại sự đơn độc, để tìm lại vòng tay ấm áp của mẹ và tình yêu thương của cha mà tôi bắt đầu mút tay. Như mọi đứa trẻ khác thì hay mút tay cái hoặc ngón tay út còn tôi thì mút hai ngón tay ở giữa và tay kia lại sờ chính cái tai của mình. Học mút tay mới thuộc bài, buồn mút tay, chơi cũng mút tay có khi khoảng thời gian nghỉ giải lao của một buổi lao động nào đó thì cái tay đã nằm trong miệng lúc nào rồi còn ngủ mút tay là chuyện không cần bàn. Ba tôi đã khóc khi nghe các cô giáo kể chuyện mút tay của tôi và cho rằng tôi thiếu sữa mẹ từ nhỏ nên mới bú tay nhưng không phải thế... đến đây thì mọi người cũng đoán ra vì sao thôi. Cũng tại cái tật này mà tôi bị đòn rất nhiều và từ đó tôi cũng lỳ với đòn luôn, tính ngang bướng cũng xuất hiện.
Biết bao biện pháp và đòn cũng không làm sao để tôi hết mút tay được và chỉ đến lúc lên lớp 6 năm 1973 khi ấy tôi bắt đầu có... thì tôi mới tự mình quyết định chấm dứt cái tật này thôi. Bây giờ có gặp lại tôi thì các bạn đừng hỏi tôi còn mút tay nữa hay không nhé.
Bây giờ chuẩn bị lên chức bà rồi mà khi đưa tay vào miệng vẫn còn cảm thấy có một cái gì đó nhớ nhớ và luyến tiếc của một thời HSMN
Tôi không phải là cô giáo nên nghĩ sao viết vậy nó có lôm côm nhưng được góp vui câu chuyện của tôi trong Ngôi nhà HSMN để các anh chị và các bạn cùng thấy muôn màu của lũ Quế nhỏ chúng tôi khi được gắn thêm cái tên chung là HSMN nhé
Thái Hồng Vân
MF ở lớp trên, nhưng không lạ gì cái tật này của HV, cái môi hồng hồng, hơi dẹt xuống rất có duyên, cái duyên đó được tạo nên bởi ... tật mút tay. MF đã chứng kiến có lần hắn đang trong buổi lao động, không nhớ là đang làm gì, nhưng tay đang lấm lem, hắn thè thẹ chùi tạm vào áo rồi ... mút!
Trả lờiXóaCho dù không phải đói sữa, thì cũng là vì nhớ vú mẹ. Khi đứa trẻ mút vú mẹ, mọi sự đều trở nên bình an. HV (và vô số đứa trẻ khác, hầu hết là do bỏ bú sớm) thay thế sự tìm thấy bình an và khoái cảm nơi núm vú mẹ bằng ngón tay, cho dù là ngón nào. Bởi vậy người ngoài muốn loại bỏ tật này bằng đòn roi là nhẫn tâm. Nhưng chờ họ tự bỏ cũng rất khó. MF có quen một cậu bé, bây giờ cũng con cái đề huề rồi, cậu ta mút ngón tay cái, cho dù ở bên mẹ, nhưng vì mẹ ốm nên bỏ bú sớm. Cậu ấy cũng có cặp môi hồng như HV và khá xinh trai. Đến năm 9 tuổi, cậu chơi lượm pháo họ đốt, trúng cái pháo chuẩn bị nổ, nổ phát làm ngón tay cái cậu hay mút bị thương, từ đó cậu mới bỏ được tật này, nếu ko chắc còn mút cho tới khi ... có vợ.
HSMN thiếu thốn tình cảm mọi bề, cha mẹ không có bên, không tật này cũng tật khác, nghe kể lại bây giờ cứ ngậm ngùi.
Cám ơn HV.
Để trở thành HSMN, mỗi người đều phải bước qua những khó khan, thử thách trong những bước đi chập chững đầu đời. Những HSMN vượt Trường Sơn ra Bắc, phải tự bước đi trên bàn chân nhỏ bé của mình, vượt suối sâu, rừng thẳm, sốt rét, bệnh tật... Còn những bạn sinh ra ngoài Bắc cũng phải xa gua đình từ khi còn bé xíu, cuộc sống tập thể với những ghẻ lở, chấy, rận, với những người xa lạ, dẫu có yêu thương nhưng nỗi nhớ hơi ấm của mẹ, của cha bay đi dần.
Trả lờiXóaNhiều HSMN không còn nhớ đến cả nét dáng của cha mẹ nếu không có người thân hay hình ảnh còn giữ được.
Đứa nào cũng có tật xấu, rồi năm tháng cũng phai đi, chỉ còn lại những đứa trẻ đã lớn với những kỷ niệm sống bên nhau, vui có, đánh nhau có, hờn dỗi là thường xuyên, nhưng lại là nỗi nhớ, là sự thông cảm, yêu thương khi xa nhau.
Một dòng sử nhỏ bé đã trôi đi, mong có nhiều người kể lại để thế hệ sau hiểu hơn, thế hệ trước hiểu hơn.
Mình không nhớ được ngày đầu vô Trại NĐMN, chắc phải hỏi 2 ông bạn vì chắc chắn vô cùng đợt. Chỉ còn đọng lại cảm giác những ngày thứ 7 không có ai đón về, được cô cho ăn lúc thì trứng luộc, lúc đồ chơi để không khóc, đòi phụ Huynh đón về. Nhớ cái ngày bác Hồ đến thăm. Rồi hồ sau Trại với những cây dừa. Chắc hồi đó mình cũng thuộc "dạng không vừa đâu", nên cũng có tiếng tăm cho đến hết cấp 1.
Trả lờiXóa