Thứ Tư, 2 tháng 9, 2015

Tổ Quốc và ngày Độc Lập

Đăng từ báo khampha.vn

Khi dõng dạc là tự hào

Ngày Quốc khánh không chỉ là ngày nghỉ lễ, đó là ngày Độc lập. Và chúng ta có thể dõng dạc tự hào rằng, mình, đất nước mình, tự do!

Bộ đôi nổi tiếng Steven Spielberg và Tom Hanks cách đây hơn 10 năm có ra mắt 1 bộ phim không nổi tiếng lắm, tên là The Terminal (Phi trường). Tom Hanks vào vai Viktor, công dân của nước Krakozhia, một quốc gia giả tưởng nhưng ai cũng đoán kiểu như là thuộc liên bang Xô Viết cũ. Vừa đặt chân đến sân bay JF Kennedy ở New York, thì Viktor nhận tin nước Krakozhia của mình đã xảy ra đảo chính. Chính phủ cũ không còn, hộ chiếu của anh ta cũng mất luôn giá trị, vậy là Viktor kẹt cứng ngay cửa vào Mỹ quốc, không đi tiếp được mà cũng chẳng quay về được.

Suốt 9 tháng trời, người đàn ông ấy tìm đủ mọi cách để sinh tồn trong sân bay, nếm đủ mùi khổ sở, nhưng hơn hết là sự chua chát của một kẻ vong quốc đúng nghĩa đen nhất. Ngày nào cũng vậy, trong suốt 9 tháng, Viktor mang hộ chiếu tới bàn thủ tục để xin đóng dấu. Trong suốt 9 tháng, anh ta kiên nhẫn lặp lại điều đó hơn 200 lần. Tới mức, nhân viên làm thủ tục nhìn anh ta ngán ngẩm: “Anh biết mà, chưa có tin gì khác cả”.

Viktor nhún vai, vẫn chìa hộ chiếu ra để xin con dấu từ chối nhập cảnh. Đúng, thể chế cấp hộ chiếu cho anh có thể không còn, nhưng chừng nào anh còn cầm cuốn hộ chiếu và xin dấu – dù là bị từ chối – thì anh vẫn là một công dân được thừa nhận. Đất nước sinh ra anh, nuôi dưỡng anh, và cho anh cái quyền được thừa nhận ấy, không đâu khác là Tổ quốc.

Năm 1932, sau 10 năm du học ở Pháp, vua Bảo Đại về nước chính thức nắm vương quyền. 10 năm ăn bơ sữa, đua xe, cưỡi ngựa, chơi banh nỉ, săn thú và tiệc tùng, quá đủ để biến một cậu bé xứ An Nam trở thành một thanh niên Pháp. Bảo Đại trù trừ nhiều lần không muốn về, và việc ông về hoàn toàn bởi tình hình trong nước đã quá “hỗn loạn” (phong trào 30-31 mà các bạn vừa thi cấp 3 kiểu gì cũng thuộc nằm lòng, mà đỉnh điểm là cao trào Xô viết Nghệ Tĩnh). Người Pháp cho rằng cần có một vị hoàng đế để thoả máu dân tộc của dân Việt, nhưng vị hoàng đế ấy cũng phải đủ ngoan ngoãn để “nước mẹ” giật dây. Họ đã thành công, ít nhất, ở vế thứ 2.

Buổi triều kiến đầu tiên của Bảo Đại sau khi về nước, là một cú sốc lớn đối với bá quan văn võ. Nhà vua khẩu dụ, từ giờ trở đi, các quan vào chầu không cần phải “3 quỳ 9 lạy” như trước, chỉ cần cúi chào, và xếp thành hàng ngang rồi lần lượt tham kiến. Nhiều quy định nghiêm cẩn khác của triều đình cũng được bãi bỏ, hoặc giản lược. Điều ấy không hẳn đã là vấn đề lớn, nhưng cái tát thực sự là bài khẩu dụ của vua Bảo Đại hôm ấy hoàn toàn bằng tiếng Pháp. Nhà Nguyễn, chế độ phong kiến Việt Nam, suy vong rồi sụp đổ bắt đầu từ ngày hôm ấy. Không, từ 10 năm trước đó, khi vị vua ra đi không mang theo hình ảnh Tổ quốc trong tim mình.

Ngày 2/9, với nhiều người trong chúng ta là ngày nghỉ lễ, đó đơn giản là một ngày nghỉ ngơi. Và như thế, những thị dân mong đợi quang cảnh đường phố vắng vẻ, những người dân ngoại tỉnh đổ dồn đến những điểm vui chơi công cộng ở thành phố để thư giãn giải trí cùng bạn bè người thân. Ở Hà Nội, TP.HCM, nhiều người trong chúng ta thấy phiền khi đường phố bị chặn ở nhiều nơi, giao thông rối loạn, và đơn giản là cản trở bạn về nhà dưới cơn mưa như trút.
Và chúng ta bắt đầu hình dung về một ngày Quốc khánh không chỉ đơn thuần là vui chơi như mình muốn. Chúng ta nhìn những người được chọn tham dự lễ diễu hành, đội mưa đội nắng tập luyện, và khó hiểu. Rồi xuất hiện những phàn nàn, rằng có cần phải mất thời gian như thế không, tốn kém như thế không…
Trong cơn mưa như trút nước, những chiến sỹ tham gia tổng duyệt 2/9 vẫn rạng rỡ nụ cười. Ảnh: FB
Nhưng câu chuyện này không đơn giản là như thế. Ngày Quốc khánh không đơn giản là một ngày nghỉ lễ. Quốc khánh – phương Tây gọi là “Independence day”, tức là Ngày Độc lập. Khi một quốc gia giành được độc lập, thì người dân quốc gia ấy có được nhiều quyền lợi, mà trước nhất là quyền tự hào về Tổ quốc mình. Bởi vậy, khi ta nói câu chuyện về Ngày Độc lập, cũng là nói về lòng tự hào dân tộc. Trong một vài bối cảnh lịch sử và thời cuộc, đôi khi lòng tự hào ấy cần thiết phải phô trương một chút, hô hào một chút, khoe ra một chút. Như là khi hát Quốc ca dưới cờ, chúng ta luôn cố gắng hát to và rõ ràng.

“Cờ in máu chiến thắng mang hồn nước

Súng ngoài xa chen khúc quân hành ca…

Nước non Việt Nam ta vững bền”
Hình ảnh người mẹ hân hoan trước những đoàn quân đang tiến vào lễ đài để ca khúc tự hào khiến nhiều người xúc động. Ảnh: FB
Dịp Quốc khánh, nhiều hơn lúc nào hết, bài Tiến quân ca sẽ được hát lên ở khắp nơi, dưới vô vàn lá cờ đỏ sao vàng – quốc kỳ của Việt Nam. Hãy vui mừng một cách trang trọng, và trân trọng. Hôm nay là sinh nhật của Tổ quốc mình. Hãy dõng dạc hát to căng lồng ngực dưới cờ, vì đó không chỉ là tình yêu. Đó là hào khí dân tộc đang cuộn chảy trong máu mỗi người.

Phạm Gia Hiền

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Mời bạn cho nhận xét của mình đối với bài viết. Nhận xét của bạn là đóng góp lớn lao cho ngôi nhà chung của chúng ta.

Dùng mã code dưới đây để chèn nguồn từ bên ngoài vào comment:
Link : <a href="Link URL">CLICK HERE </a>
Hình ảnh : [img]Link hình ảnh URL[/img]
Youtube clip : [youtube]Link video từ yotube[/youtube]
Nhaccuatui : [nct]Link nhạc từ Nhaccuatui[/nct]