Gửi Quế bài báo hay tôi mới sưu tầm được
VIỆT NAM - HỒ CHÍ MINH
27 Tháng 8 2009 lúc 7:51 ·
Bác là một lãnh tụ, nhưng khi hoà mình với nhân dân, không chỉ bằng những lời giáo huấn đơn điệu, mà là sự kết hợp hài hoà giữa tác phong quần chúng, những lời nói bình dị, dễ hiểu và khả nǎng gây cười , sự dí dỏm tự nhiên.
Phản xạ, ứng đáp nhanh nhạy trước mọi tình huống ở Bác có nét đặc trưng riêng, đã trở thành thói quen phù hợp với từng đối tượng tiếp nhận, thích ứng với mọi hoàn cảnh xung quanh. Đó là kết quả của một trí tuệ mẫn tiệp của thái độ, phong cách quần chúng. Bác luôn tạo nên một không khí hoà đồng, một mối liên hệ gần gũi giữa người nói, người nghe, xóa đi những cách biệt, những suy nghĩ tự ti của người dân trước lãnh tụ và đưa lại không khí tự nhiên vốn có giữa con người với con người. Nó không dừng lại ở nghệ thuật ứng xử mà là phản xạ tự nhiên của lãnh tụ rất nhân dân.
Một lần tại bữa tiệc do Hầu Chí Minh (người góp phần đưa Bác ra khỏi nhà tù của Tưởng Giới Thạch) chủ nhiệm Cục chính trị đệ tứ chiến khu chiêu đãi, hôm đó có Bác và Nguyễn Hải Thần cùng dự. Nguyễn Hải Thần rất tự phụ về vốn Hán học của mình và nhân dịp này đã ra một vế đối:
Hầu Chí Minh - Hồ Chí Minh, lương vị đồng chí, chí giai minh
(Hầu Chí Minh - Hồ Chí Minh hai vị đồng chí, chí đều sáng).
Khi mọi người còn đang nghĩ vế đáp, thì Bác ứng khẩu:
Nhĩ cách mệnh ngã cách mệnh, đại gia cách mệnh, mệnh tất cách
(Anh cách mạng tôi cách mạng, mọi người cách mạng, mạng phải cách).
Chỗ khó và hay của vế đối là hai chữ chí và minh là tên của hai nhân vật chính trong bữa tiệc, cái tài tình của vế đáp của Bác là vừa kịp thời, hợp cảnh và chuẩn chỉnh cả ý lẫn từ nhưng nâng tầm nhận thức, tư tưởng cao hơn, mang tính cách mạng hơn. Hầu Chí Minh hết lời ca ngợi người đối đáp đối tuyệt lắm, tuyệt lắm. Nguyễn Hải Thần cung kính thốt lên: Hồ Tiên sinh, tài trí mẫn tiệp, bội phục, bội phục.
Năm 1946 Bác sang Pháp, người phụ trách làm hộ chiếu xin phép Bác làm thủ tục. Bác vui vẻ nói: Chú cứ hỏi, Bác trả lời đầy đủ. Đến câu thân sinh Bác là gì? Bác cười, trả lời hóm hỉnh: Bác là Hồ Chí Minh thì, ông cụ thân sinh là... Hồ Chí Thông!. Mọi người nhìn nhau cười vui vẻ. Một lần có nhà báo nước ngoài hỏi Bác: Có phải Hồ Chí Minh là Nguyễn Ái Quốc không?. Bác trả lời: Ông cứ đến ông Nguyễn Ái Quốc mà hỏi.
Lần khác nhà báo nước ngoài xin phỏng vấn Bác, ông ta đặt câu hỏi: Thưa Chủ tịch, trước hoạt động ở nước ngoài, vào tù ra khám, nay làm Chủ tịch nước. Chủ tịch thấy có thay đổi trong đời mình không? Bác trả lời hóm hỉnh: Không, không có gì thay đổi cả, lúc bị tù ở Quảng Tây luôn luôn có hai lính gác giải đi, lúc trong tù mỗi ngày 5 phút được hai người lính bồng súng dẫn ra dạo chơi. Nay làm Chủ tịch nước đi đâu cũng có hai đồng chí mang súng lục đi theo, ông thấy có gì thay đổi không nào? Lần khác, Bác lên tàu đàm phán với Đô đốc Đác-giăng-li-ơ ở Vịnh Hạ Long, khi gặp, Bác chủ động ôm hôn Đô đốc, các đồng chí đi theo thắc mắc, Bác nói: Đánh nhau thì đánh nhau, mình ôm hôn nó một cái có mất gì. Hôm sau báo chí đưa ảnh và bình luận: Hồ Chủ tịch ôm hôn Đô đốc chính là ôm chặt để bóp chết...
Năm 1946, trên đường từ Pháp về Việt Nam đến vùng biển Cam Ranh, Bác nhận đươc bức điện của Đô đốc Đác-giăng-li-ơ xin gặp Bác trong cảng, mục đích của chúng là giễu võ dương oai để uy hiếp tinh thần Bác. Trong bộ quần áo giản dị Bác ngồi giữa một bên là Đô đốc hải quân Pháp, bên kia là Thống soái lục quân Pháp ở Viễn đông với những bộ quân phục sáng loáng các thứ bội tinh, quân hàm, quân hiệu. Đác giăng-li-ơ giọng mỉa mai bóng gió: Thưa ông Chủ tịch ông đã được đóng bộ khung rất đẹp của hải và lục quân đó. Bác thản nhiên mỉm cười: Đô đốc biết đó, giá trị là ở bức họa chứ không phải bộ khung. Chính bức họa đem lại giá trị cho bộ khung. Bất ngờ và cay cú trước tài ứng xử thông minh của Bác, cả hai không dám nói xách mé nữa mà tỏ ra rất lịch lãm và kính phục.
Khi bàn về quy định các phù hiệu đi lại trên xe của ủy ban liên hiệp thi hành Hiệp định Giơ-ne-vơ, phía Pháp đề nghị trên xe có hai lá cờ một bên của ta một bên của Pháp, còn phía dưới là cờ chính quyền Bảo Đại. Việc được hỏi ý kiến Bác. Bác bảo cứ chấp nhận đi rồi sẽ có những diễn biến lý thú. Đúng như Bác nói, khi xe đi đến đâu dân cũng chế giễu lá cờ ăn theo ngoại bang. Chuyện tếu lan khắp nơi 3 cột 3 cờ có ý nhạo báng cờ Bảo Đại. Bọn bù nhìn ngụy quyền phản đối đòi thay đổi. Ta lấy cớ, đó là ý của Pháp nêu ra.
Thời kỳ kháng chiến chống Pháp, có một cán bộ cao cấp nước ngoài khi đứng trước hàng quân cứ nói thao thao bất tuyệt nào là chê ta cái này cái nọ, cứ yêu cầu làm theo họ thế này thế kia. Bác nghe, rất bực nhưng không nói gì. Đến giờ nghỉ, cùng ngồi uống nước Bác giới thiệu đồng chí Hoàng Đạo Thuý trước đây là hướng đạo sinh, nay là cán bộ phụ trách công tác thông tin của quân đội. Vị cán bộ nọ hết sức thắc mắc vì sao lại giao một nhiệm vụ quan trọng như thế cho một hướng đạo sinh, Bác bảo: Nước chú khác, nước chúng tôi khác. Ông ta chắc hiểu ý Bác.
Đầu năm 1950, Chính phủ Liên Xô mở tiệc chiêu đãi trọng thể Chủ tịch nước láng giềng của ta. Hôm chiêu đãi có mời Bác đến dự. Khi chuyện trò Bác hỏi đồng chí Liên Xô: Các đồng chí đã ký hiệp ước với nhau, nhân dịp tôi ở đây chúng ta cùng ký một hiệp ước với nhau. Chuyến đi của Bác lúc đó là đi bí mật, nên đồng chí Chủ tịch trả lời Bác là: Người ta sẽ nói đồng chí ở đâu đột ngột đến thì không tiện. Bác trả lời: Cái đó dễ thôi, đồng chí cho một chiếc máy bay, đưa tôi bay một vòng trên trời, sau đó cho người ra đón, rồi quay phim chụp ảnh đưa tin là ổn.
Năm 1967 Liên Xô quyết định tặng Bác huân chương Lênin. Nếu Bác từ chối không nhận thì không thuận cho quan hệ ngoại giao. Bác vốn xưa nay chưa bao giờ nhận huân chương, lần này Bác có cách từ chối khéo. Bác viết thư chỉ xin hoãn việc trao huân chương, chờ khi nào giải phóng hoàn toàn Tổ quốc lúc đó Bác sẽ thay mặt nhân dân Việt Nam, nhận huân chương cao quý đó. Hôm sau các báo ở Liên Xô đăng trang trọng trên trang nhất quyết định tặng huân chương của Bác. Qua đó nhân dân Liên Xô càng yêu quý Bác hơn.
Nhớ lần Bác đến thăm một nông trường ngoại ô Ki-ép, Bác đi xuống nơi công nhân đang lao động, thấy Bác ăn mặc giản dị ai cũng quý, cũng muốn đến gần. Khi đó có một cô công nhân đứng cạnh Bác mạnh dạn hỏi: Thưa Bác, cháu trộm nghĩ một mình Bác chắc không tiêu hết lương Chủ tịch nước? Bác nhẩm tính và vui vẻ trả lời: Thế tính ra lương cháu gấp đôi lương Bác đấy.
Hồi kháng chiến chống Pháp, Bác thường đi xuống thăm các đơn vị cơ sở. Một lần đi thăm xưởng quân giới Lê Tổ. Bác trả lời các câu hỏi của anh chị em ngắn gọn dễ hiểu. Có người hỏi, khi nào thì đồng tiền Việt Nam trở lại giá trị như khi nó mới có, Bác trả lời: Khi các cô các chú tăng gia sản xuất tăng hai lần thì nó trở lại hai lần tăng ba lần nó trở lại ba lần. Có người hỏi, Đảng ta sắp ra công khai, vậy Bác có ra không, tên thật Bác là gì? Khi nói đến Bác có ra không? Cả hội trường cùng cười. Bác nói: Đấy, cười là trả lời rồi đấy. Tên thật Bác là Bác. Có câu hỏi: Khi nào thì Bác có Bác gái? toàn thể reo cười, Bác trả lời: Khi nào có thì Bác sẽ trả lời. Câu hỏi tiếp: Phụ nữ các nước dân chủ họ làm gì ạ? Bác trả lời: Họ cũng lao động tăng gia sản xuất, và học hát, các cô các thím thua họ ở chỗ học hát...
Năm 1948, nhân ngày phong Đại tướng cho đồng chí Võ Nguyên Giáp, Bác vui vẻ ra câu đối
Giáp phải giải Pháp.
Các vị có mặt gặp thế bí vì câu vế đối nói lái này gói gọn ý Đại tướng Giáp phải giải giáp được thằng Pháp.
Ông Tôn Quang Phiệt nhìn Bộ trưởng Bộ Tài chính Lê Văn Hiến đọc vế đối
Hiến tài, hái tiền
Bác khen vế đối hay, đạt cả ý lẫn lời, nên Bác tặng tác giả một quả cam.
Sau một cuộc họp lớn, giữa trưa hè nắng đẹp, mọi người đề nghị ra sân chụp chung ảnh với Bác, mọi người đứng đâu vào đấy cả rồi, thợ ảnh cứ chạy bên này bên kia chọn góc chụp, Bác đứng cạnh nhà thơ Tú Mỡ Bác nói vui:
- Chú chụp nhanh không thì tất cả bọn này thành Tú Mỡ cả.
Mọi người được phen cười vui vẻ. Bác vừa nói theo nghĩa tiếng Pháp (Tout là tất cả, mỡ là mồ hôi) vừa theo nghĩa tiếng ta, ngụ ý dí dỏm, vui vẻ.
Đồng chí Nguyễn Đăng Bảy, thời kỳ kháng chiến là phóng viên nhiếp ảnh thông tin Trung ương, khi chụp được một số ảnh của Bác, anh em bàn đưa ra trưng bày triển lãm. Hôm đó Bác tình cờ vào xem. Đồng chí đang hý hoáy trang trí, Bác hỏi: Chú treo được bao nhiêu bức ảnh tất cả?. Đồng chí Bảy trả lời Bác là được tất cả 20 tấm ạ, Bác nói: Hơn chứ, chú đếm lại xem thử. Đồng chí đếm đi tính lại cũng chỉ có 20. Lúc ấy, Bác cười, chỉ vào mình và nói: Còn đây là chiếc thứ 21 chứ.
Hôm khai mạc lớp chỉnh huấn có vui văn nghệ. Có đồng chí xung phong lên đọc thơ của Huy Cận, Bác hỏi vui: Cái tác thật (tác giả bài thơ) có ở đây không? Nhà thơ Huy Cận thưa có. Thế thì mời tác thật lên đọc thơ của mình cho nó thật hơn. Sau Bác hỏi: Có chú nào dân tộc Mường lên hát một bài tiếng Mường cho mọi người thưởng thức. Có đồng chí xung phong đọc bài thơ lục bát tiếng Kinh, đọc lơ lớ bỏ hết dấu, Bác bảo đấy không phải tiếng Mường.
Bác đến thăm nhà chị Loan (người kéo cờ ở quảng trường Ba Đình ngày 2-9) ở chiến khu vào đến nhà thấy đông con nhỏ, Bác nói vui? Ồ tưởng đây là nhà cô Loan, hóa ra mình vào nhầm nhà trẻ. Biết Bác phê bình khéo, chị gượng cười vả báo cáo: Thưa Bác đây là tiểu đội của vợ chồng cháu đấy ạ, Bác vui vẻ bảo chị tập trung tiểu đội, cứ lần lượt bé nhất đứng trước để Bác chia kẹo, chị đang loay hoay sắp xếp đội hình, Bác bảo: Tiểu đội trưởng cũng đứng vào hàng chứ. Bác chia kẹo cho các cháu và cho cả chị nữa. Khi đến lượt chị, Bác nói vui: Bác khen là cô đã có công nuôi dạy các cháu ngoan.
Nhớ lần Bác đến thăm một gia đình cán bộ, thấy ba cháu gái xinh xắn ra chào Bác, Bác hỏi vợ chồng chủ nhà tên các cháu là gì, chị chủ nhà thưa Bác tên các cháu là Thu Thuỷ, Thu Thảo, Thu Vân, Bác cười hiền lành và nói: Sao đặt văn chương: thế, gọi là Thu Ngô, Thu Sắn, Thu Khoai có hay không. Khi ra về Bác bảo Nói vui thế thôi, chứ những tên Việt Nam ấy rất đẹp.
Đồng chí Tạ Quang Bửu sinh cháu trai đầu lòng, Bác có chai mật ong, Bác gửi tặng cháu, tự tay Bác viết nhãn hiệu tặng cháu Quang. Thời gian sau, Bác ghé vào thăm nhà đồng chí Bửu, Bác gọi âu yếm Thằng Quang đâu? Thằng xã xệ đâu ra ông bế nào. Rồi Bác chụp ảnh với cháu và không quên gửi tặng ảnh cho cháu.
Một lần đến dự cuộc họp Trung ương thấy một cô gái đứng cạnh đường, chào Bác, Bác hỏi, cháu đứng đây làm gì, được biết cô là lính bảo vệ, Bác hỏi vui: Thế cháu bảo vệ Bác thì ai bảo vệ cháu?.
Có lần Bác đến thăm một địa phương, đồng chí Bí thư tỉnh ủy đứng lên thưa với Bác, có câu: Thưa Bác Hồ, vị cha già dân tộc, Bác ngoảnh lại nói với mọi người: Bác chưa già đâu. Buổi đó Bác được tặng ba bó hoa, Bác hỏi đồng chí Bí thư: Theo chú thì Bác nên tặng hoa cho ai? Đồng chí trả lời Bác? Thưa Bác, Bác tặng cho phụ nữ, thanh niên. Bác cười và nói vui: Phụ nữ, thanh niên không tặng Bác thì thôi... Bác xuống sân tặng một cụ già cao tuổi nhất, một cháu thiếu nhi và cho bộ đội.
Lần Bác tiếp các anh hùng quân đội, Bác hỏi: Chú nào hạ được nhiều máy bay nhất? Thưa Bác đồng chí Cốc ạ. Mọi người đồng thanh trả lời. Bác gọi: Chú Cốc lên đây Bác bắt tay. Bác nói: Năm nay mong chúng ta có nhiều Cốc hơn nữa.
Đến thăm đại hội chiến sỹ thi đua toàn quốc, Bác đến gần một cô gái và hỏi: Đơn vị cháu có mấy người trong đoàn? Cô gái lúng túng trả lời: Thưa Bác, chỉ một mình cháu được đi thôi ạ, Bảc dí dỏm: Thế đơn vị cháu nhiều người tiêu cực thế à, chỉ được một mình cháu? Một đoàn cán bộ vào gặp Bác, Bác mời ăn kẹo, nhưng ai cũng nghe Bác nói chuyện chứ không muốn ăn, thấy thế Bác bảo: Không ai ăn kẹo thì Bác cho mang về. Lúc đó Bộ trưởng Nguyễn Văn Huyên; hóm hỉnh nói: Bác cho ta đưa cả về, Bác cười vui nói ngay: Bác cho đưa kẹo về, đĩa phải để lại Bác còn tiếp khách chứ.
Nhớ lần đi dã ngoại bữa ăn mang theo có thịt bò, đến bữa ăn đồng chí Vũ Kỳ chỉ vào đĩa thịt, hỏi đồng chí bảo vệ: Đố biết là thịt gì? Đồng chí này trả lời là thịt bò, đồng chí Vũ Kỳ hỏi tiếp: Nhưng mà thịt bò gì chứ? Đồng chí bảo vệ đang băn khoăn chưa kịp trả lời, đồng chí Vũ Kỳ nói tiếp: Đây là thịt bò rừng, loại này đặc biệt lắm, người ta không bắn được nó mà phải dùng muối bỏ vào bẫy rồi mới bắt được nó. Đang lúc lúng túng lại nghe kể có vẻ ly kỳ nên đồng chí bảo vệ chăm chú lắng nghe, tưởng như thật. Thấy vậy, Bác vỗ vai vừa cười, vừa hỏi: Thế Bác đố chú một cân sắt nặng hơn hay một cân bông nặng hơn. Nghe Bác đố, lúc đầu đồng chí định trả lời là cân sắt nặng hơn, nhưng nhìn ánh mắt vui vẻ của Người, đồng chí bình tĩnh cân nhắc khi trả lời là nặng bằng nhau. Bác nói đùa vui: Cân sắt chắc nặng hơn chứ như muốn nói thịt bò nào mà chẳng giống nhau, cái chính là phải trả lời dứt khoát để khỏi người ta vặn vẹo, quanh co.
Một lần đến thăm đơn vị bộ đội, đi đường xa trời nắng, nhưng tới nơi Bác đi thǎm anh em ngay, Bác đến thăm nơi ăn chốn ở, thăm nơi sinh hoạt văn hóa, thấy tờ báo tường viết câu Hồ Chủ tịch muôn năm kẻ đẹp nắn nót nhưng không có dấu, Bác bảo vui: Ừ đúng Bác đi mệt, Hồ Chủ tịch muốn nằm, rồi Bác hỏi: Sao viết không có dấu người đọc có thể đọc sai ý. Có đồng chí trả lời Bác là thêm dấu nó mất đẹp đi, Bác nói: Các chú viết đẹp nhưng chưa đúng nên mất đẹp đi đấy, chữ Việt ta rất đẹp khi đúng, đủ dấu càng đẹp hơn. Lần đến thăm xã Sài Sơn, thấy tấm biển treo trên trụ sở Việt Minh xã có dòng chữ không dấu TRU SO VIET MINH Bác liền đọc... Sô viết mình, rồi Bác bảo các chú viết thế ai mà đọc đúng được. Tấm biển được thêm dấu nên rõ ràng hơn, ai mới biết chữ cũng đọc được. Bác vào thăm nông trường Sông Hiếu, cùng đi với đồng chí giám đốc vào trung tâm nông trường, Bác chỉ câu khẩu hiệu viết không dấu, Bác hỏi: ... LAM TRA NOI SONG là gì? Đồng chí thưa Bác câu khẩu hiệu là Hưởng ứng chiến dịch Lam Trà nổi sóng. Bác bảo: Thế thì chú phải cho một người đứng đây để đọc dịch câu khẩu hiệu đó chứ. Khi Bác thăm xong nông trường thì câu khẩu hiệu cũng được sửa xong. Lần Bác đi qua nhà máy cơ khí Gia Lâm, đến trước cổng nhà máy thấy dòng chữ to chạy dài trên cổng nhà máy NHA MAY CO KHI GIA LAM, Bác bèn đọc: Nhà máy có khỉ già lắm. Bác phê bình chữ viết phải có dấu để người đọc khỏi nhầm.
Sưu tầm
Bạn Trường HSMN-Nguyễn Văn Bé: LỆ ĐÁ
2 năm trước
HỒ CHÍ MINH với khẳng định Việt Nam Độc lập và mong muốn ngăn chiến tranh với người Pháp, sau là người Mỹ.
Trả lờiXóa1. “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy.” – Trích Tuyên ngôn Độc Lập.
2. “Những người đọc cẩn trọng của bản Tuyên ngôn độc lập hẳn chú ý đến khác biệt tinh tế giữa những điều Hồ Chí Minh nói dành cho người trong nước so với những điều dành cho người ngoại quốc. Với người Việt, nền độc lập là một sự kiện đã xong xuôi, phải được bảo vệ hoàn toàn, không thoả hiệp. Đối với quân Đồng minh, bởi vì nền độc lập của Việt Nam tương ứng với những gì các lãnh đạo Đồng minh đã cam kết tại các hội nghị quốc tế, nên nó phải được công nhận. Nhấn mạnh của ông Hồ về tính chất lâm thời của chính quyền của ông do vậy không chỉ liên quan tới nhu cầu cần tổ chức bầu cử quốc gia và soạn thảo hiến pháp, mà nó còn ra hiệu cho các chính quyền ngoại quốc biết rằng ông sẵn sang thương thảo những thoả thuận dài hạn.” Nguồn: David G. Marr, “Hồ Chí Minh’s Independence Declaration”, Essays into Vietnamese Pasts, K. W. Taylor & John K. Whitmore chủ biên (New York: Cornell University Southeast Asia Program, 1995), trang 221-231.
3. “Các sử liệu Mỹ và Việt Nam ghi lại giai đoạn lực lượng OSS do thiếu tá Allison Thomas chỉ huy, tiền thân của CIA hợp tác với Việt Minh chống phát xít Nhật ở Đông Dương.
Thiếu tá Thomas cũng có mặt tại Hà Nội và trong bữa ăn tối với ông Hồ Chí Minh ngày 15/9/1945 đã hỏi ông có phải là 'cộng sản' hay không. Ông Hồ, khi đó vừa giành chính quyền được vài tuần đã xác nhận "Đúng vậy, nhưng chúng ta vẫn có thể là bạn chứ?", ông hỏi lại sỹ quan Mỹ, theo sử gia Claude Berube trong một bài viết đã được công bố.” Trích BBC.
4. Ngày 16/2/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư tới Tổng thống Hợp chủng quốc Hoa Kỳ thông báo về sự ra đời của nước Việt Nam độc lập, với thông điệp: “Nhân dân Việt Nam chúng tôi sau quá nhiều năm chịu sự cướp bóc và tàn phá, mới chỉ đang bắt đầu công cuộc xây dựng. Cần phải có an ninh và quyền tự do, trước hết là để đạt được sự phồn vinh và phúc lợi trong nước, và sau đó là góp phần nhỏ của mình vào việc xây dựng lại thế giới. An ninh và tự do chỉ có thể được đảm bảo bằng sự độc lập của chúng ta đối với bất kỳ một cường quốc thực dân nào và bằng sự hợp tác tự nguyện của chúng ta với tất cả các cường quốc khác. Chính với niềm tin vững chắc này mà chúng tôi yêu cầu Hợp Chủng quốc với tư cách là những người bảo vệ và những người bênh vực công lý thế giới, thực hiện một bước quyết định ủng hộ nền độc lập của chúng tôi”.
Khẳng định Việt Nam đã là một nước Độc lập, có chủ quyền, đồng thời tính đến khả năng Pháp quay trở lại Việt Nam bằng vũ lực, với mong muốn ngăn chặn chiến tranh, Bác Hồ đã làm tất cả, như chiến tranh vẫn xảy ra bắt đầu từ cuối 1946 cho đến tháng 5/1975. Không như bây giờ, nhiều luận điệu, nhiều người muốn phiên dịch lại lịch sử theo giọng điệu khác.
Về chiến tranh và hòa bình, khi đọc Tuyên ngôn Độc lập, Bác đã tuyên bố thay cho người Việt Nam quyết bảo vệ độc lập đến cùng, nhưng luôn tìm kiếm hòa bình, chiến tranh chỉ là điều bắt buộc cuối cùng. Qua những lời của Bảo Đại trong “Cuộc phỏng vấn trực tiếp Cựu hoàng Bảo Đại trước khi ông qua đời” cũng thể hiện điều này:
XóaFrédéric Mitterand : Trong cuốn sách của ngài, không thấy có một lời buộc tội khắt khe nào đối với cụ Hồ. Ngài quý trọng cụ Hồ? Và cũng thế, quả là rất ngạc nhiên khi thấy cụ Hồ không bao giờ công kích ngài?
- Bảo Đại : Không, không có lý do gì để tôi công kích Cụ ấy. Ban đầu, tôi còn ủng hộ Cụ ấy nữa. Cố gắng đưa nước nhà thoát khỏi chiến tranh, vì chúng tôi đã khổ vì chiến tranh.
- Frédéric Mitterand : Một sự kiện lạ lùng. Có lúc cụ Hồ đã nghỉ đến việc trao lại quyền hành cho ngài?
- Bảo Đại : Nhưng việc này chính tự tay cụ Hồ. Một hôm cụ Hồ đến gặp tôi. Trước đó, cụ đã gọi điện thoại, Cụ nói sẽ đến gặp tôi. Tôi tưởng Cụ ấy ốm. Cụ nói với tôi: “Không có, tôi muốn ngài nắm lại chính quyền”. Tôi hỏi : “Tại sao?”. Cụ nói : “Tôi bị để ý quá, tôi quá đỏ, tôi cảm thấy không được Đồng minh tín nhiệm”. Tôi tưởng Cụ đùa. Cụ nói : ‘Không có, ngài hãy trình diện một chính phủ vào cuối ngày hôm nay”. Trong ngày tôi đã có nhiều cuộc tiếp xúc, cho đến chiều thì cụ Hồ gọi lại cho tôi. Cụ nói : “sau khi đã suy nghỉ kỷ lại, xin ngài bỏ qua cho tôi chuyện vừa qua. Trước cái khó khăn của hoàn cảnh này, tôi không có quyền đào nhiệm”. Tôi nói : “Vậy thì xin Cụ hãy tiếp tục”.
Trước khi Bảo Đại qua đời (1997), nhà sử học trẻ Fédéric Mitterand – cháu của Tổng thống Mitterand đã có cuộc phỏng vấn trực tiếp cựu hoàng tại nhà riêng (tầng trệt cao ốc 29 Presnel, quận 16 – Paris). Cuộc phỏng vấn này đã được phát trên truyền hình Pháp nhiều lần, hoàng nữ Phương Thảo (con của bà Bùi Mộng Điệp và cựu hoàng Bảo Đại) đã thu được và cung cấp cho kỹ sư Bùi Hữu Lân (cựu sinh viên Đại học Bách khoa Pháp) và ông Nguyễn Đắc Xuân chuyển qua Việt ngữ.
– trích: Xưa và Nay số 456 tháng 2 năm 2015.
Cả cuộc đời Cụ vì "Độc lập, Tự do" cho Dân tộc và với Dân tộc là "Không có có gì quý hơn Độc lập Tự do".
Trả lờiXóa