Hôm nay bưng bát cơm đầy, dẻo thơm một hạt nhớ ngày đói khô
Nhại câu ca dao xưa để biên mẩu chuyện này, thật chăm/chăm nhé, thề.
Nói ngay, đám đây là đám cưới, bị người SG hay nói zậy, ma chay cưới hỏi đầy tháng thôi nôi ta kêu chung là đi đám. Cái ngày còn ở nội trú BKHN, giai đoạn 8-3 í (tức ba vé ăn nuôi tám thằng), đói kinh người luôn. Ảnh chỉ mang tính minh họa...
Đứa bạn gái học cùng khoa H. cối và D. cò teo cưới, chồng bạn là thầy giáo BK luôn, hai thằng nó được mời tiệc mặn (ngày ngảy cưới chia làm hai tiệc, măn và ngọt, người thân thì mặn, người sơ thì ngọt). Ây dà hai thằng mừng như hết lớn vậy, chuẩn bị được bữa no. Nhưng ngoảnh lại, thấy vẻ mặt mấy thằng tôi rầu rầu, hai thằng nhẽ chạnh lòng. Chúng quyết nhanh - đi cả đội, khà khà, bắt đầu vui đây. Đi thì đi, bọn tôi hùa vào, và tưng bừng ngay.
Việc đầu tiên là quà mừng đám cưới, nhất thì vỏ chăn con công, nhì phích Rạng đông, ba mới tới nồi niêu xoong chảo. Cả ba món mỏn đều vượt quá khả năng chúng tôi, sinh viên, luôn trong tình trạng viêm màng túi mãn tính giai đoạn cuối. Thứ bảy, ngày đi đám đến rồi, chà chà mãi cũng phải ló ra cái khôn chứ, buổi trưa H. cối rủ D. cò teo ra Trại găng uống chè chén. Thật lạ khi về H. cối moi trong áo ba-đờ-suy cái nồi nhôm hai mươi lăm căng-ti-phân đen nhẻm, không vung. Nó quát, thằng Hùng mang ngay ra bể nước kì cọ sạch đi. Phải bò thôi, muốn no mà, trời thì rét, tôi lọ mọ ra bể mài thật kỹ cho hết vết đen, cả trong và ngoài. Nhưng không thể như mới được dù thâm tâm tôi rất muốn, hehe. Cả bọn thở phào, có quà rồi.
Đúng giờ, sáu thằng hồ hởi phi xe căng hải sang khu Kim liên, nhà bạn gái cưới ở đó mà. Đông lắm rồi, H. cối đi đầu tay bưng gói quà mừng được bọc kỹ bằng giấy điều, có dây nơ nhé, D. cò teo thứ hai, bốn thằng tôi theo sau rốt. Nhanh, mạnh và dứt khoát H. cối để món quà mừng trên nóc tủ hòa cùng đống quà mừng rồi nó nhoẻn miệng cười bắt tay chúc mừng cô dâu và chú rể như che mắt họ đừng thấy chúng tôi vậy. Như đã thảo luận trước khi đi, chúng tôi tản ra cứ hai chú vào một mâm, hòa chung khí thế đám cưới với mọi người. Chiến thuật cả đấy, hai thằng vào một mâm và phải làm như không quen nhau, đặng còn gắp các miếng to nạc vào bát nhau, mời bác xơi, mà không phải ngượng. Hớ hớ bi giờ biên tới đây thì lại ngượng quá đi.
Chỉ qua vài tuần rượu là quen nhau như lâu lắm rồi, tiệc cưới dần vui. Cô dâu chú rể đi từ ngạc nhiên này tới ngạc nhiên khác. Cuối buổi Châu rót lên ca mấy bài tặng quan viên hai họ, hay rất. Ra về tay bắt mặt mừng, đứa bạn gái H., D. ghé tai nói, trưa mai chủ nhật lại mời các bạn ra hội trường mẫu giáo bk dự tiệc ngọt cho vui nhé. Lần này bọn tôi gật còn nhanh hơn hai thằng nó. Đêm đó chúng tôi ngủ ngon giấc lắm, mơ giấc mơ trưa mai...
Vĩ thanh, tôi cứ lăn tăn mãi, không hiểu vợ chồng bạn khi mở gói quà ra thì nghĩ gì, rồi có biết ai là người tặng quà không vì ngoài cái nồi ra không có thiệp chúc mừng nào ở trong. Cái quan trọng hơn là mình tặng cái nồi cũ, lại không nắp, có ảnh hưởng gì tới hạnh phúc lứa đôi không. Mãi mãi mãi mới gặp lại H. cối chuyện vui tôi hỏi nó, tít mắt cười nó đáp, ối giời, bạn mình nhận ra ngay và luôn lũ chúng mình hôm đó chứ, nhưng lại thông cảm rất. Hai bạn có ba người con khỏe mạnh học giỏi, và bi giờ vẫn hạnh phúc bên nhau. Tôi thấy nhẹ người và nhoẻn cười theo. Nhưng còn chuyện vì sao có cái nồi, thì thằng H. cối lảng, nó bảo cứ từ từ, và tôi cũng hẹn với các bạn cứ từ từ...
XH 2/9/2015
Bạn Trường HSMN-Nguyễn Văn Bé: LỆ ĐÁ
2 năm trước
Thấy tựa đề giật cả mình, tường XH lại đi đám ai ...
Trả lờiXóaỐi,ui là cừi,nhất là đoạn chiến thuật ngồi xen kẽ hai người một mâm,giả hong bít nhau,Gắp xịt nạc toa cho nhau mời....một trận cười thoải mái,vẫn là a Xuan Hung mà,a khoẻ nhé
Trả lờiXóaNgày ngảy đói nên ăn uống phát minh ra nhiều chiến thuật lắm, cứ như trong bóng đá vậy. Ở bộ đội thì có ct đầy vơi đầy, đó là ct cơ bản.
XóaCòn đi ăn đám thì có ct như trên, và ct ngồi cạnh cụ già thì cứ nhằm cục xương to to rồi gắp vào bát cụ, mời cụ xơi. Ngồi cạnh con gái thì chọn miếng mỡ cũng toto rồi gắp cho ẻm, mời em xơi, hehe đảm bảo cụ và em lúng túng ngay,thế là mình rảnh chân có phỏng.
Các chiến thuật thuẩn, giờ này đã tuyệt chủng, bị nếu áp dụng thì sẽ được gút và tiểu đường ngay, nhề.
Kính tặng Thầy Lê Ngọc Lập
Trả lờiXóaEm xa quê tuổi lên mười
Ngày vui thầy bạn, đêm về mẹ cha.
Bắc-Nam ngày ấy quá xa
Vòng tay cha mẹ thay bằng thầy cô.
Thầy cũng là người lái đò
Đưa bao lượt khách sang bờ bên kia
Cho dù ngày nắng ngày mưa
Chở đàn con trẻ xa quê nhớ nhà
Chở theo tình nghĩa thầy trò
Người đưa vọng ngóng khách đò bước đi.
Thầy vào trường tuổi đôi mươi
Bao nhiêu vất vã, ngược xuôi có thầy.
Bây giờ em đã lớn rồi
Em vẫn nhớ hoài những tiết học văn.
Thầy chưa từng đến miền Nam
Qua thầy em thấy mênh mang ruộng đồng,
Lũy tre, rừng đước, dòng sông,
Em thơ như búp sen hồng sớm mai
Cánh cò trắng muốt sải dài
Trâm bầu giữ đất che người thủy chung .
Thấy lúa oằn mình chịu bom
Yêu cô du kích, kính ông cụ già.
Xuân về nghe Bác chúc thơ,
Trùng trùng điệp điệp người ra chiến trường.
Biết có miền Bắc, miền Trung
Có bao bè bạn xa gần giúp ta
Biết ơn miền Bắc nhường cơm
Thương Mẹ miền Bắc trông con mõi mòn.
Em hiểu niềm vui hòa bình
Chứa bao cơ cực, ân tình thầy ơi
Cám ơn thầy tuổi về già
Nhớ đò, nhớ khách, nên về đây thăm.
Tóc thầy bạc bởi thời gian
Có phần tóc trắng vì trường Miền Nam
TP HCM, tháng 2 năm 2015
Phan Hoàng Phuong
ƠN THẦY!
Trả lờiXóa“Không Thầy đố mày làm nên”
Công thành, danh toại, há quên ơn Thầy.
Bốn mươi năm lẻ, hôm nay,
Chúng em mới được gặp Thầy, Thầy ơi.
Tóc Thầy, bụi phấn vương rơi,
Cho em thấy lại khoảng trời ấu thơ.
Dạy em từng chữ i, tờ,
Để em vươn tới bến bờ Tường Lai.
Dạy em chữ Đức, chữ Tài,
Để em có được ngày mai nên Nguời .
Mừng vui không nói nên lời,
Đâu đây vang tiếng “Thầy ơi” ngọt ngào.
28/02/2015
Hồ Như Nguyện
Tình nghĩa thầy trò.
Trả lờiXóaThầy Nguyễn Quốc Thái nói : “… Các em đã quá tốt đối với chúng tôi. Ngay cả con cháu cũng chưa chăm sóc tôi được như thế này. Tôi không trách con cháu, vì điều kiện của chúng khác với các em…”.
Đây là những lời tâm sự của thầy Thái, nói với gã trong chuyến đi tham quan Campuchia bốn ngày.
***
Sau chuyến du xuân Đà Lạt, tháng ba năm 2013, với các bạn trong chi hội Kiev về, Châu Nhật Sinh và nhóm bạn cựu học sinh miền Nam đã trăn trở về chuyện mời và đón tiếp ba thầy giáo cũ từ ngoài Bắc vào Sài Gòn. Những thầy giáo của thời còn là học sinh miền Nam (HSMN). Nhóm học sinh này cứ thỉnh thoảng gặp nhau để bàn kế hoạch, lên chương trình…
Những thầy được đón tiếp lần này là thầy Thu, thầy Thử và thầy Thái.
Bản thân Nhật Sinh không phải là học trò của thầy Thái. Gã và nhiều HSMN trong đoàn không phải là học trò của ba vị thầy này. Nhưng cần gì điều đó, bởi vì bọn gã xem những người thầy này như là hình ảnh những thầy giáo cũ của mình.
Khi thấy các em Nhật Sinh, chị em Võ Ánh Hồng và Võ Ánh Tuyết cùng nhiều bạn học cũ, thời học sinh miền Nam, nôn nao trong việc chuẩn bị đón tiếp thầy giáo cũ, thì gã rất quan tâm. Hy vọng sẽ viết được gì đó về đề tài thầy và trò của một thời HSMN.
Các bạn nói trên đã lên chương trình rất chu đáo, đi đâu, ở đâu, tham quan như thế nào, tiền bạc đóng góp ra sao… đều được tính kỹ, để không làm các thầy phải khó khăn trong việc thăm lại học trò cũ.
Tình thầy trò ngày nay quả thực là đã không còn đậm đà như thửa xa xưa.
Cái câu “tôn sư, trọng đạo” đã bị đồng tiền chà đạp dưới sức nặng của nó. Và cái câu “nhất tự vi sư, bán tự vi sư” đã không còn ý nghĩa giữa những bon chen danh lợi. Cho nên chứng kiến sự chuẩn bị đón tiếp thầy giáo cũ của nhóm học trò xưa này, gã nôn nao không kém. Gã hy vọng, mình tìm kiếm lại được tình thầy trò của ngày nào và thấu hiểu thêm nhiều điều về đạo lý làm người, về nghĩa tình.
Trong suốt thời học sinh, gã tuy chưa phải là kẻ nghịch phá quá đáng, nhưng cũng không thể liệt vào loại ngoan ngoãn. Đối với gã, lúc đó, các thầy cô giáo thường chỉ là đối tượng để đối phó, chứ chẳng phải để yêu thương.
Mãi đến khi trưởng thành, rồi làm nghề dạy học, gã mới biết thương quý các thầy cô giáo cũ của mình thời đi học.
Gã nhiều lần chứng kiến cô em dâu hàng năm tụ họp các bạn học cũ, mời thầy cô giáo đến nhà chơi, hay tổ chức các chuyến du lịch… Điều này làm cho gã vô cùng thèm muốn có được những cơ hội quý báu như thế.
Bọn gã, những bạn học cũ vẫn thường xuyên họp mặt với nhau, nhưng để cùng chung lo cho thầy cô giáo cũ thì quả thực là chưa từng thực hiện.
Những khi họp mặt HSMN, có khá nhiều thầy cô giáo đến dự, bọn gã cũng chỉ đến chào hỏi, chứ thật sự không mấy quan tâm.
Thế rồi, những cơ hội để đền ơn đáp nghĩa cho các thầy cô đã mất dần, bởi nhiều thầy cô đã đi xa vĩnh viễn, hay đã quá già yếu mà về quê ẩn cư, không cách chi liên lạc được.
May mắn thay, chặng đi tour Campuchia này thì gã được tham gia. Và cả ba tối gã được ở cùng phòng với thầy Thái, để nghe những lời tâm sự.
(còn tiếp)
Tình nghĩa thầy trò. (tiếp)
Trả lờiXóaTrên đường đi, có một lần, thầy Thái đã đọc cho cả đoàn nghe bài thơ “Hạt tiêu của thầy” do cô học trò Võ Ánh Tuyết từng viết tặng. Đọc được một đoạn, giọng của thầy đã bắt đầu run run và ngèn ngẹn.
Gã cảm nhận, đôi mắt của thầy cũng đã ươn ướt.
“Trường Miền Nam thuở tí xiu
Bé teo thầy gọi hạt tiêu của thầy
Tuổi thơ côi cút tháng ngày
Khúc ruột ai đứt mà thầy lại đau
Ầu ơ…, em ngủ cho sâu
Mẹ cha đánh giặc cho mau trở về
Ầu ơ… rau đắng cá trê
Thầy thương xấp nhỏ, ai chê cũng đành
Ầu ơ… buồn tủi qua nhanh
Như con chim chích trên cành cây cao
Lọ lem ngắm những vì sao
Lung linh xa thẳm nôn nao quê nhà
Gió òa nhớ mẹ khóc cha
Thầy ru êm một mái nhà đơn sơ
Thầy cho em cả ước mơ
Để em tìm lại tuổi thơ chính mình..
Bây giờ chẳng bé tí xiu
Thầy cưng vẫn gọi hạt tiêu của thầy
Xa thầy đã biết bao ngày
Thầy ơi, bụi phấn bay bay trắng đời……
Một chữ “trò” vẫn chơi vơi
Nôn nao trong tiếng ru hời chiều mưa
Muốn làm trẻ nít ngày xưa
Thầy thương thầy nựng vẫn chưa vừa lòng
Quê dừa gạo trắng nước trong
Mênh mang nỗi nhớ sao không có người
Dẫu đi trăm nẻo cuộc đời
Vẫn không học hết những lời thầy răn
Biển đời vất vả khó khăn
Tiếng ru theo bước vỗ về chở che
Xa xa phương Bắc là quê
Nhìn mây thấy dáng thầy về nơi đây…
Tiếng ru xưa, ru đến nay
Em là khúc ruột của thầy, thầy ơi…
Thầy không có ở trên đời
Sao em lớn nổi thành người hôm nay”.
Chính gã, khi nghe chỉ được nửa bài thơ thì đôi mắt cũng đã cay cay, phải lén chùi giọt lệ ứa ra từ tận trong tâm khảm.
Một bài thơ, khó có thể gọi là hay, nếu trong đó thiếu tình và ý.
Trong bài thơ này tình thì lai láng, ý thì miên man. Tình và ý đan quyện vào nhau như không dứt.
Tính nghệ thuật của bài thơ này như thế nào, hãy để đọc giả tự cảm nhận, nhất là khi nghe người được tặng đọc nó lên một cách trịnh trọng. Trong bài thơ lục bát này có một câu “Thầy thương xấp nhỏ, mà ai chê cũng đành” dư một chữ. Có lẽ tác giả muốn phá thể để nhấn mạnh, nên cố tình thêm chữ “mà”. Trong bài viết này, gã tự ý bỏ đi, chắc tác giả không giận ? Gã thực sự thích bài thơ này, vì nó dạt dào tình cảm.
(còn tiếp)
Tình nghĩa thầy trò. (tiếp và hết)
Trả lờiXóa***
Những điều khác mà gã cảm nhận trong chuyến đi này, đó là sự săn sóc chu đáo của những HSMN cũ trong đoàn đối với ba thầy giáo già.
Gã không tiện hỏi để biết, thầy nào là già nhất, nhưng thầy Thu thì đã phải chống gậy mà đi. Và các em học sinh cũ đã lại dìu thầy, giúp thầy vượt qua những khó khăn trên đường đi, như thầy từng dìu dắt các em trước đây.
Thửa xưa, mỗi sáng sớm, dù mùa đông hay mùa hè, thầy cô giáo chủ nhiệm đều đến từng giường đánh thức các em dậy tập thể dục. Những khi có học trò bệnh, thầy cô lo lắng chăm sóc thuốc men, hoặc đưa lên phòng y tế của trường để được khám chữa bệnh. Và khi có em bị bệnh nặng, chính các thầy cô đã trực tiếp đưa các em đến bệnh viện.
Những năm 1962 – 1963 gã học ở trường HSMN số 26, huyện Chương Mỹ, Hà Đông, từng chứng kiến, cô y tá hình như tên Cúc, dùng miệng của mình để hút mủ từ cái nhọt của một bạn cùng lớp. Cô không dạy gã, nhưng hành động của cô đã dạy gã cái đạo làm người, hết lòng vì học sinh thân yêu.
Chiều và tối, các thầy cô giáo luôn nhắc nhở các em đến lớp để ôn bài, làm bài tập. Thậm chí các thầy còn giảng lại những chỗ chưa hiểu cho những học trò kém. Lúc đó hoàn toàn không có chuyện thầy cô giáo dạy thêm để kiếm tiền. Họ hoàn toàn tự nguyện mà không có thêm một chút thù lao nào.
Thế mà, gã từng rất phụ lòng những người “đưa đò” này. Bọn gã luôn kiếm cớ để trốn học và thậm chí tìm mọi cách để đối phó với những hành động tích cực của các thầy cô.
Những năm học cấp một, cấp hai, thường thì sự nghịch ngợm của bọn gã còn “lấn sân” xâm phạm đến thầy cô. Chuyện trộm cắp chẳng từ tài sản của bất kỳ thầy cô giáo nào.
Gã không sao kể hết những phiền muộn, nỗi khổ đau mà các thầy cô phải gánh chịu, khi đến nhận nhiệm vụ tại các trường HSMN.
Thầy Thái kể, có một thầy giáo, tên gì đó mà gã không kịp nhớ, chịu không nổi sự tinh nghịch tai quái của HSMN, đã phải xin chuyển công tác sau hơn một tháng làm việc. Gã nghĩ, trường hợp này chắc không chỉ có một. Và điều này chứng tỏ, những thầy cô giáo còn bám trụ được tại các trường HSMN quả có nhiều cố gắng phi thường.
Nhưng ngày nay, công lao của các thầy cô đối với những thế hệ HSMN cũng đã được đền đáp phần nào. Các em, các cháu nay đã trưởng thành, đã tích cực đóng góp cho xã hội và làm nên không ít những thành tích vẻ vang. Như vậy công lao của các thầy cô bỏ ra đã được đơm bông kết trái.
Không bàn đến những HSMN đã làm nên ông nọ bà kia, bởi địa vị phụ thuộc rất nhiều vào yếu tố thiên thời, địa lợi, nhân hòa.
Nhưng thành tích thì do chính con người làm ra, các yếu tố thiên thời, địa lợi và nhân hòa chỉ là hỗ trợ thêm. Những thành tích đóng góp cho xã hội của các thế hệ HSMN, chính là mục đích và nguyện vọng của những thầy cô giáo đến công tác tại các trường HSMN.
Và có không ít những HSMN đã biết ân hận về những lỗi lầm trước đây, đối với các thầy cô giáo của mình. Họ đang cố gắng đáp đền những gì đã thụ hưởng từ tình nghĩa của các thầy cô giáo.
Việc đón tiếp ba thầy giáo kể trên, chỉ là một ví dụ nhỏ về sự thể hiện lòng biết ơn đối với những thầy cô giáo cũ của những HSMN.
***
Trên tường phòng khách, nhà của vợ chồng Lê Việt Dũng và Châu Nhật Sinh, hai cựu HSMN, có hai câu đối, nói về công ơn của thầy cô giáo.
Gã không nhớ chính xác, nên đành dùng văn của mình để viết lại nội dung hai câu đối trên. Đây chỉ là câu văn của gã, không phải là câu đối, nên đọc giả đừng bàn xét về khía cạnh niêm luật đối.
Cha mẹ là chiếc thuyền, chở con vào biển đời.
Thầy cô là gió lộng, giúp trò vượt trùng khơi.
Anh Quang Anh post trên facebook HSMN 2-8-9
-Câu chuyện của XH làm nhớ lại một thời khốn khó nhưng đầy" tình thương mến thương" .Nhiều chuyện của XH khá độc ,hổng giống ai nên vẫn lạ và mới !
Trả lờiXóa-Câu chuyện của ND về tình thầy trò trong các trường HSMN rất đặc biệt ,được lưu giữ và làm sâu sắc hơn (kiểu chữ trong báo Nhân dân ...he he) theo đúng phong cách rất chi là HSMN !:b)