Thứ Sáu, 9 tháng 9, 2011

DU HỌC TỰ TÚC .


Tôi chưa hề có ý định cho con mình đi nước ngoài du học tự túc – kể cả việc học ở trường mang tên Quốc tế tại Việt Nam mà học phí trả bằng USD cũng là 1 kiểu du học tự túc tại chỗ - đơn giản là tôi không có đủ tiền.
Thèng UPIN (Quế cháu ) và bạn gái
Thấy một người bạn đưa con trai duy nhất sang Mỹ học từ lớp 11, vì cậu yếu đuối quá nên họ muốn rèn cho cậu bé tính tự lập. Rồi vợ chồng miệt mài làm đủ mọi việc để lo học phí cho con, nhà cũng đem cho thuê, phải về ở nhà bà ngoại. Tôi thấy sự hy sinh quá lớn mà không biết sau này cậu ấm có trở thành người mà ba mẹ cậu kỳ vọng hay không?
Một người bạn khác phải cho con gái đi du học ở Mỹ vì bị cô giáo phân biệt đối xử, con bé không dám đến lớp nữa. Cũng may là bạn vừa trúng chứng khoán được một món tiền lớn.
Một đồng nghiệp của tôi phải cắn răng chuyển con gái mới học lớp 1 sang trường Quốc tế đóng học phí bằng USD vì bé đi học trường công lập bị cô giáo đánh hoài do viết chữ xấu, bé sợ đến nỗi cứ sáng dậy là đau bụng ói mửa. Để đổi lấy nụ cười và sự thích đến lớp của bé, vợ chồng họ đã gồng lên kiếm tiền suốt 3 năm nay, mà con đường học vấn của bé thì còn dài vô tận.
Và còn nhiều…rất nhiều kiểu du học tự túc khác.
Con gái tôi học giỏi suốt những năm phổ thông, nó lại ngoan nên tôi cứ nghĩ mọi việc với nó sẽ suông sẻ. Thế mà sự cố lại xảy ra cuối học kỳ I năm lớp 12 làm cả nhà phải vào cuộc.
Năm nó thi tốt nghiệp THCS 6 môn, lấy điểm xét tuyển vào lớp 10. Với điểm xét tuyển 78, nó dư điểm vào những trường top đầu của TP, nhưng tôi chủ trương cho nó học gần nhà nên đăng ký vào trường THPT công lập duy nhất của quận ngay ngoài hẻm nhà mình. Với điểm số như vậy, thầy giáo chủ nhiệm chọn nó làm lớp trưởng. Và năm nào các bạn cũng bầu lại nó. Chủ nhiệm lớp 12 của nó là một cô giáo lớn tuổi chưa có gia đình. Thấy nó xinh xắn, được nhiều bạn trai nói chuyện, cô CN gây sự với nó hoài. Cô CN không muốn nó làm lớp trưởng (mà bản thân nó cũng đâu có muốn), nhưng các bạn cứ bầu nó nên cô CN tức lắm, tìm đủ mọi cách để gây khó dễ cho nó. Nó viết đơn xin từ chức thì cả lớp không chịu. Giờ ra chơi nó hay nói chuyện với 1 thằng bạn học lớp bên cạnh, cô CN đã dằn mặt nó nhiều lần nhưng nó vẫn vô tư. Gần cuối học kỳ I, thằng lớp phó trật tự của lớp nó và thằng bạn nó đánh lộn khi tranh giành sân chơi cầu lông ở ngoài khu phố của chúng nó vào ngày nghỉ cuối tuần, bị tổ dân phố báo về trường. Cô CN bèn vu ngay là tại vì nó mà 2 thằng đó đánh nhau và cho nó hạnh kiểm học kỳ I loại trung bình. Thế là chúng tôi bắt đầu công cuộc đi đòi lại công lý cho con.
Tôi viết một cái Đơn xin cứu xét, gửi BGH nhà trường. Một bạn học thời HSMN là cô giáo dạy văn ở đó có cho tôi biết thêm một số chi tiết về cô CN lớp con tôi. Nó cũng bắn tin với hiệu phó nhà trường (vì bà này là bạn nó) anh chúng tôi là HT trường nọ là bạn thân của ông GĐ Sở, bạn tôi là PV báo SGGP tên là N, bạn thân khác là PV báo PN tên K… Ông xã tôi ăn mặc rất lịch sự, vai này đeo máy ảnh, vai kia đeo máy ghi âm cùng tôi vào gặp BGH. Chúng tôi trình bày sự việc với lời đề nghị rất nhã nhặn:
-Nếu nhà trường không giải quyết được vụ này thì chúng tôi sẽ đệ đơn lên Sở và sẽ viết bài lên báo.
Họ cho chúng tôi đối chất với cô CN. Sau khi ông xã tôi hỏi cô ta:
-Nếu có 2 gã trai nào đó gây sự ngoài đường và họ khai với công an là vì chị mà họ choảng nhau, rồi chị bị bắt và bị qui tội gây rối thì chị nghĩ sao?
Cô ta ngọng, không biết nói gì bèn quay qua đổ tội tại vì con tôi đi nói xấu cô ta với thầy C làm cô ta mất uy tín. Tôi trố mắt nhìn cô ta vì quả thật tôi chưa hề nghe tên thầy C từ khi con tôi đi học tới lúc đó. Cô ta còn nêu ra rất nhiều khuyết điểm khác của con tôi, mà những điều đó hoàn toàn không liên quan đến đạo đức học đường. Một thầy giám thị được cử đến dự cuộc đối chất đã ghi biên bản để nộp lại cho BGH.
Tối về tôi hỏi con tôi:
-Thầy C là ai?
-Con chưa bao giờ nghe tên.
Tôi gọi cho cô bạn HSMN của tôi:
-Mày có biết thầy C là ai không?
-Chồng tao.
Quế con ( cô bé suýt nữa bị HK TB ) và Quế cháu .
Tôi quá bất ngờ. Xưa nay chúng tôi vẫn gặp mặt thường niên vào dịp cuối tháng 12. Tôi hoàn toàn không biết chồng nó là HT của 1 trường THPT có điểm tuyển đầu vào cao nhất TP (và hiện nay ông đã là PGĐ sở). Tôi kể cho nó nghe cuộc đối chất, nó phì cười:
-Mày đi đúng đường đấy. Cũng may là mấy người bạn phóng viên của mày cũng khá nổi tiếng.
Cuối cùng thì công lý cũng được thực thi.
Nói dại, nếu con tôi bị khủng hoảng sau vụ đó, không tốt nghiệp THPT được, không học tiếp đại học được thì chúng tôi sẽ ân hận cả đời vì chúng tôi không có tiền cho nó đi du học tự túc.
QMH
Bài đã đăng trên Magyar1975blog (có chỉnh sửa)

17 nhận xét:

  1. Quế con : đẹp gái, Quế cháu dự đoán sẽ là "Dũng sĩ diệt gơ...". Còn Quế bà sao hổng thấy bóng?

    Trả lờiXóa
  2. Hồi đó mình cũng đi du học Quế Lâm trung Quốc ( có Quế đi du học phải có người bồng đi vì chỉ mới có 5 tuổi )
    Đi một ngày đàng học một sàng khôn
    Quế MF bây giờ lớn mà cũng còn đi du học, du lịch tự túc

    Que DN

    Trả lờiXóa
  3. Không hiểu sao một người làm nghề dạy học lại chuyên kể chuyện xấu về giáo viên như thế nhỉ

    Trả lờiXóa
  4. @Nặc danh : nghề nào mà chẳng có người hay kẻ xấu , đó chỉ là một kinh nghiệm ứng xử khi con cháu mình bị đối xử không công bằng chứ không phải là kể xấu giáo viên . Tôi đồng cảm với QMH .

    Trả lờiXóa
  5. @Nặc danh: Sự thật là sự thật, chạy trốn sự thật là hèn nhát. Bệnh thành tích đã làm hỏng nền giáo dục nước nhà và hình như đang vô phương cứu chữa. Đây là nỗi đau của tất cả các giáo viên tâm huyết với nghề. Giáo viên chúng tôi luôn dạy học sinh phải trung thực nên chúng tôi không thể nói dối, không thể đổi trắng thay đen, không thể nói những lời tốt đẹp về những chuyện xấu được.
    QMH

    Trả lờiXóa
  6. Đây không phải là nói xấu đâu nặc danh à . Đây là chút ứng xử khi gặp sự việc như thế xảy ra như Quế Lâm ( 23:59 , 9/9 )đã nói . Và đây cũng là bài học để các Quế Ráo rút kinh nghiệm về các tình huống sư phạm đó .

    Trả lờiXóa
  7. Thôi ngày khai giảng đã qua rồi
    Chuẩn bị đến ngày 23/9 ( ngày Nam bộ kháng chiến )
    Xin nhường lời cho Quế MF ( mặc dủ còn đang ở ITALIA )

    Trả lờiXóa
  8. Cô giáo đó không phải bị bệnh thành tích đâu, mà bị một loại vi rút kỳ thị,ích kỷ,hẹp hòi ăn ruồng tận tâm.Đáng lẽ những người thiếu vi ta min tâm và tài như cô ấy không được có mặt trong ngành giáo dục.Hoan hô chuyện của QMH.Coi như hồi chuông cảnh báo đầu năm học. Nên lắm chứ.

    Trả lờiXóa
  9. Bài này QMH luận 2 "vấn đề không cùng khía cạnh" nhưng có mối tương hỗ theo kiểu "đồng sàng dị mộng", nói đồng sàng là vì nó nằm trong cái giường giáo dục, nhưng "dị" với nhiều vấn đề trái khoáy. Chiện du học thì mỗi nhà mỗi cảnh, mỗi phụ huynh có một suy nghĩ, kinh nghiệm khác nhau. Quế con nhà MF cũng từng bị huynh trưởng nó kịch liệt đòi cho đi "du học", hậu quả cũng từ một phương thức ứng xử sư phạm của một cô giáo, và sau đó là một chuỗi sự kiện sư phạm sai lầm từ một trường Trung học khá có tiếng tăm, suýt nữa thì thành "của bỏ đi" nếu MF không kiên quyết và Quế con không có nghị lực tự vực dậy! Đã vận nghiệp nhà giáo vào thân mà không có tâm thì sẽ thành "dũng sỹ" diệt con người ta, thầy cô chúng ta ngày xưa toàn người tuyệt vời, chúng ta luôn ngưỡng mộ họ là vì vậy, và vậy là vì họ được chọn lọc kỹ để đảm bảo thiên chức nuôi và dạy các "hạt giống đỏ", tuy nhiên cũng không tránh khỏi có người vẫn ghi dấu ấn không ổn trong ký ức Quế của chúng mình đấy thôi...

    Trả lờiXóa
  10. Q.MF: Ngày xưa thầy cô của các bạn được chọn lọc kỹ vì phải thay cha mẹ nuôi,dạy các bạn .Bọn mình thì thầy cô chỉ có mỗi nhiệm vụ dạy,thế mà trong lòng mình thầy cô ngày ấy sao mà đẹp đến lạ.Bây giờ nhớ lại mình vẫn nhớ như in tính cách của mỗi người,khi bước chân vào nghề giáo mình cố gắng được một phần nào thầy cô của mình,trong bài dạy của mình có một chút ảnh hưởng của thầy dạy toán năm cuối cấp 3...Nhưng bây giờ thì giáo viên có tâm như vậy vẫn có nhưng ít quá.Cả 2 thằng con của mình đều gặp phải GV như QMH nói nhưng mình hèn hơn QMH,mình khuyên con nhẫn nhục chịu đựng cho qua năm đó năm sau sẽ gặp Gv khác tốt hơn.Trong nghành còn ấm ức cỡ đó thì hỏi sao dân họ không mâts lòng tin ở chúng ta.

    Trả lờiXóa
  11. @MF:Thầy cô của các bạn ngày xưa được chọn lọc rất kỹ vì họ có 2 chức năng dạy và nuôi,bọn mình thì thầy cô không được chọn lọc,bất cứ ai ra trường đều có thể về dạy bọn mình thế mà họ cũng tuyệt vời lắm MF.Trong ký ức của mình thầy cô sao mà đẹp thế,họ đẹp trong tâm hồn,trong nhân cách sống.Trong cuộc sống,trong giảng dạy mình cố gắng học tập thầy cô mình ngày xưa.Giáo viên bây giờ không phải tất cả đều xấu nhưng số người tốt cũng không nhiều,họ làm xấu đi hình ảnh của chúng ta,buồn vô hạn.Chúng ta là GV mà con cái còn bị chèn ép thế thì con ngoài nghành còn sao nữa.Hai thằng con mình cũng gặp phải GV như vậy nhưng mình hèn hơn QMH,mình khuyên con cố gắng chịu đựng 1 năm cũng qua nhanh thôi.

    Trả lờiXóa
  12. @KL: Nghe KL "kỉm đỉm" MF mới giật mình, đúng là mình hồi đó cũng rất "hèn", chỉ có biết khuyên con "nhà trường có thầy cô, như xã hội có công an (he he, đừng ai chạnh lòng nha), con đừng nghĩ đến chuyện đòi công bằng... đoạn này MF đã đánh mất lòng tin của Quế con, làm sau đó bao năm sóng gió rồi mẹ con mới cùng nhau gượng lại được! Mình chỉ sợ mình đấu tranh thì con mình sẽ thiệt thòi hơn! Có ai ngờ mình gặp nạn chính trong môi trường của mình (mà trường đó vẫn trân trọng mời MF như một cựu giáo viên mỗi lần hội trường!)

    Trả lờiXóa
  13. Giờ tới lượt Ráo chị kể chiện nhà mình ha . Chả hỉu sao hay tại gien Quế nó di truyền mạnh quá mà lũ Quế con nó gây lắm tai ương thế .
    Hồi thằng Quế bợm nó học lớp 12 trường LHP . Đầu năm học , nó và 1 thằng bạn cãi nhau 1 trận chí tử với bọn lớp 10 , suýt đánh nhau chứ chưa đánh .Nhà trường cảnh cáo tụi nó chứ không cảnh cáo tụi lớp 10 mặc dù tụi lớp 10 gây cớ sự trước . 2 anh lớp 12 , mỗi anh bị trừ 10 điểm HK ( 1 HK có 20 điểm HK theo qui định của trường )thế là xuống TB . 1 hôm trường đổi giờ ra chơi , các ông con không để ý , lại vào trễ , trừ thêm 2 điểm HK nữa . HK 2 ông con bi giờ xuống YẾU . Sau đó chúng không hề vi phạm điều gì , tham gia phong trào tích cực , học hành không chê được , nhưng học bạ vẫn HK YẾU , khỏi thi tốt nghiệp luôn . Đến lúc này bố mẹ phải ra tay thôi . Kết quả xếp lại HK KHÁ . Bạn nào không tin,đến nhà Ráo cho xem học bạ của nó . Chuyện không chỉ có thế . Bọn trẻ nó rất hậm hực việc nhà trường xứ lý không công bằng , báo hại cứ đến giờ tan học , phụ huynh phải cho lính tới canh me ( sợ nó tức , đánh nhau thật thì khổ ). May sao , sau đó bọn lớp 10 tự động kéo lên xin lỗi các anh , mọi việc mới hòa bình trở lại .
    Sau khi Quế con ra trường , Ráo mới đến nói với thầy giáo cũ của Ráo cũng là thầy phụ trách khối 12 của trường việc nhà trường xử lý không công bằng và quá khắc nghiệt nếu không muốn nói là không có tính giáo dục , suýt chút nữa là đẩy 1 đứa bé ra vỉa hè .
    Ráo nhận thấy 1 điều càng trường nổi tiếng , học trò càng ngoan , càng học giỏi thì nội qui nhà trường càng kinh khủng , nhà trường bắt nạt phụ hunh càng dữ và sau khi ra trường , ít có đứa học trò nào về thăm lại thầy cô .Hu hu , vì Ráo cũng là phụ huynh mừ .

    Trả lờiXóa
  14. QMH gửi cô giáo đó cho A giáo dưỡng dùm cho.Khi nào đạo đức tốt,kỉ luật tốt A sẽ trả lại trường.

    Trả lờiXóa
  15. @AK7 : He he , đại ca được 1 cô Ráo giáo dưỡng suốt đời nên tiến bộ ghê nhỉ .

    Trả lờiXóa
  16. Cho con cháu du học nước ngoài hoặc "du học tại chỗ" chính là một hình thức "tỵ nạn giáo dục".
    Tỵ nạn là hành vi (nếu có điều kiện) trốn chạy khỏi một khu vực tệ hại này sang một khu vực khác mà người ta hi vọng sẽ tốt hơn. Con tui cũng từng phải tỵ nạn. Thật buồn cho nền giáo dục VN (cũng như cái nền hành chính VN).

    Trả lờiXóa
  17. @AK7: Xin trân trọng cám ơn lời khuyên của đại ca! Nhưng phận Phụ Huynh thì làm gì có quyền gửi cô giáo của con cho A giáo dưỡng. Muội đã phải mượn oai hùm là những mối quan hệ anh em, bạn bè với những người có tí thế lực để hù dọa chút đỉnh hòng đòi lại công lý cho con. Nhà dột từ nóc rùi đại ca ạ, vá víu tạm bên dưới phỏng có ích j?
    QMH

    Trả lờiXóa

Mời bạn cho nhận xét của mình đối với bài viết. Nhận xét của bạn là đóng góp lớn lao cho ngôi nhà chung của chúng ta.

Dùng mã code dưới đây để chèn nguồn từ bên ngoài vào comment:
Link : <a href="Link URL">CLICK HERE </a>
Hình ảnh : [img]Link hình ảnh URL[/img]
Youtube clip : [youtube]Link video từ yotube[/youtube]
Nhaccuatui : [nct]Link nhạc từ Nhaccuatui[/nct]