Đại Lý (Dali- 大理) Vương Quốc cổ Thiên Long Bát Bộ
Hồi ở Quế, qua mắt thầy Nguyễn Có, MF thó được quyển sách truyện(đề gì quên rùi) nói về người đời sống Tây Tạng với những hình ảnh minh họa hấp dẫn, MF đã đọc đi đọc lại hoài cho tới khi bị tụi cờ đỏ thu mất tiu (hic). Những hình ảnh và câu chuyện ám ảnh MF hoài cho đến giờ, nên nhân chuyến đi Vân Nam MF làm một cú phượt với bạn của MF lên miền văn hóa Tây Tạng có đỉnh cao 4000m so với mặt biển này. Điểm đầu tiên MF tới là thành Đại Lý vong hưng hơn ngàn lẻ bảy năm tuổi, với chuyến xe buýt từ Côn Minh trên đường cao tốc băng qua miền sơn cước với hệ thống nông nghiệp khắc khổ tận dụng những mảnh đất hiếm hoi giữa thẳm dày núi đá, với những ngôi nhà đơn giản ngói xám (làm MF liên tưởng đến xứ sở Scotland lạnh lẽo, nhưng thiếu các ống khói đặc trưng của miền Tây phương xa xôi kia), những bức tường trắng cùng những bức họa mỹ miều rất đáng ngạc nhiên(amazing). Xe chạy nhanh, không thể chụp hình, nhưng ấn tượng thật đặc biệt, xứ sở Tây Tạng vốn ghiền Nấm, nên việc vẽ những khóm nấm rực rỡ lên tường là rất phổ biến. Tuy nhiên, MF có cảm giác là chính phủ cố tình khuyến khích chuyện vẽ vời này để khoe giàu mạnh với dân du lịch (sau ngẫm hóa ra MF nhầm).
Tới Đại Lý, MF khá hồi hộp, chiếc xe taxi dù cà tàng đưa bọn MF đi tìm khách sạn, dùng guide book, bạn của MF chỉ cho tên lái xe đi đến cổng Nam thành Đại Lý, vào cổng và đi dọc thành, MF có cảm giác là thành Đại Nam ở Bình Dương bắt chước kiểu của thành Đại Lý! Cuối cùng tìm được một guesthouse tên Yuanyan ngay trong thành cổ, giản dị nhưng khá dễ thương và đủ tiện nghi. Một cảm giác thư giãn tuyệt vời khi dạo dọc phố cổ với những gì lạ lạ mà quen quen (quen là vì đôi khi cảm giác đang ở Hội An hay Venize), nhưng mà phố cổ thật sự cổ như nó từng như thế, với những mái ngói đặc biệt cùng cây cỏ rêu phong ngự như đã thế bao đời! Thế là MF đã ở độ cao 1900m với khí hậu đặc trưng của miền mưa mưa, nắng nắng, se lạnh về đêm, đủ hấp dẫn du khách kéo vào các dãy quán với những đèn lồng lung linh làm cho Đại Lý rất gợi âm sắc của ngàn xưa. Thành cổ với những cái cổng Đông Tây Nam Bắc như đồng vọng một xứ sở triền miên mất nước từ xứ sở của người Thái, đến dòng tộc họ Đoàn của “Thiên Long Bát Bộ” và quân Nguyên Mông.
Đêm, nghe người bản xứ nhảy múa và âm thanh vọng bập bùng cùng tiếng vó ngựa lóc cóc tưởng như Đoàn Chính Thuần còn âm thầm lang thang vi hành đâu đó! Sách sử nói rằng người bản địa vùng này vốn là người Thái, nhưng sau đó bị người Mông cổ đánh đuổi tơi bời, có lẽ vì vậy người bản xứ bây giờ rất đặc trưng sắc tộc Mông Cổ: Má bánh đúc và mắt híp! Tuy nhiên tại trường Trung học Đại Lý thì các nam sinh rất là “Trung Quốc”, chiều chiều la cà phố cổ ngồi nhâm nhi capuchino với bạn, MF thích thú ngắm nhìn các nam sinh này, lũ lượt đi qua trước mặt MF, trăm thằng như một, đồng phục đại cán Tôn Trung Sơn xanh đậm, mặt mày đầy vẻ quan trọng, dáng đi rất hùng dũng và tỏ rõ “tôi là tương lai của một nước đại cường!” với những đôi vai cố gắng bằng ngang như đang đeo quân hàm đại tá vậy! Tuổi trẻ không hề hiển hiện trên gương mặt chúng!
Quán: điều thú vị của các quán ăn ở đây là thể hiện màu sắc Tây Tạng: Thịt bò Jak hun khói treo lòng thòng, đôi quán treo cả xương ống. Trước quán nấm, măng và rau quả tươi rói được bày như một cái chợ tí hon rất hấp dẫn thực khách lướt qua tìm chỗ ăn với cái bụng đói đang sôi réo! Các quán Tây dày đặc, nhưng dứt khoát không một ai thèm nói tiếng Anh, hỏi chi đồng lòng một câu trả lời “Pú Tụng à”!
Hàng tạp hóa: Điều gây sự chú ý của MF là dường như dân Đại Lý không để ý lắm đến chính trị, hiếm thấy cảnh cờ quạt băng rôn đỏ rần treo khắp nơi như các thành phố dưới xuôi kia! Tượng và hình bác Mao được bày bán chung với các đồ sưu tập như hộp trà, tẩu thuốc… thị dân sống đúng với cái nghèo vốn rất thật của bao đời: một cái cùi trên lưng với vài cây cải, bó nấm xuống chợ. Những đường cao tốc hoành tráng ngoài xa kia hình như chẳng động lòng trắc ẩn họ, những khu chung cư cao vời vợi đâu đó chẳng đổi thay kiếp nghèo nơi này. Khoảng cách giữa người thị dân ngày ngày bày vài món hàng thủ công lặt vặt không biết lãi được mấy đồng… với nhà nông thậm chí chẳng có bò mà toàn dùng sức người cày cấy, chẳng bao xa! Như nhận xét ở entry trước MF có nói, hình như CP TQ “để họ đó đã” để đầu tư chủ yếu cho “mặt tiền” của đất nước vĩ đại.
Q.MF (Còn nữa :))
Hình 6: "Bản sư thỉnh mafia cùng vi hành, mafia có thể ghé Tây Vương Mẫu Trì!" - "Thôi, để bản mỗ lang thang Đại Lý, đào ngày xưa hái ở Quế Lâm hoài rùi! Các đại sư tháp tùng Đại Đức Tam Tạng bình an!"
Hình 9: Cày sâu cuốc bẫm