Thứ Năm, 24 tháng 3, 2011

Những chuyện bây giờ mới kể


NHỚ MÙA ĐÔNG XƯA
(Viết tiếp: Những chuyện bây giờ mới kể)
Mùa đông năm nay rét hơn mọi năm, thấy trên ti-vi cảnh ở vùng cao phía Bắc còn có băng tuyết. Tất cả những cảnh đó làm cho ta nhớ đến những mùa đông xưa ở xứ Quế gió bấc cắt da thịt thành nứt nẻ, giá rét, băng tuyết.
Mới từ Miền Nam ra sốt rét rừng làm tóc rụng chỉ còn lơ thơ vài cọng, nước da thì xanh lét nhưng thấy tuyết rơi là cả lũ “tân” Quế như bắt được vàng và có khi còn hơn thế vì lúc đó có biết vàng là gì đâu. Thưởng thức băng tuyết mùa đông xứ Quế cũng rất là phong phú, đa phần thì lấy tay hứng tuyết và …liếm, có Quế thì há miệng truyền trực tiếp các diều nước đã đóng băng trên đầu các lá cây quế tạo ra một đám chông đá mọc ngược óng ánh làm cho những cây quế mới trồng vài năm thêm vẻ huyền ảo dưới ánh sáng đèn cao áp (chắc do những giọt sương đóng băng), những Quế siêng và cẩn thận hơn thì cho nước vào cái ca men đưa ra ngoài cửa sổ qua đêm để sáng hôm sau cả lũ được cắn nước đá rôm rốp trong giá lạnh thấu xương. Ngoài cái ca men, dụng cụ tráng men của Quế còn có thau men, một cái “thố” men (sao gọi là thố hè?), các dụng cụ tráng men in hình những bông hoa hoặc hình nhà máy công trường, công xã, hình công nhân, nông dân hay “Bát lộ quân” tay cầm “trước tác…”. Khi về nước, rồi Quế về Nam, Quế ở lại Bắc đều mang theo về các dụng cụ, tư trang được trang bị ở xứ Quế để “yêu và nhớ”, bây giờ có Quế nào còn giữ được thứ gì “để nhớ để yêu” không? Thưởng thức băng tuyết kiểu gì thì đầu lưỡi cứ việc tê tái còn tâm hồn các Quế ta thì c thấy bay bỗng như đã làm được điều gì đó phi thường. Quế ta ơi, có còn nhớ cảm giác này không?
Trang phục và các phụ tùng đi kèm để chống rét của Quế có: áo bông cổ lông cừu, mũ bông, quần áo “vệ sinh” (sao lại gọi là quần áo vệ sinh hè?), áo ka-ki, giày vải, (một số Quế có cả giày ủng, lẻ tẻ có giày da), tất chân, găng tay, khẩu trang, khăn quàng cổ. Các Quế được trang bị chăn bông (vỏ và ruột), đệm bông với “gaz” trải giường, gối không độn bông mà độn… trấu với khăn trải gối in hoa hòe các kiểu thay cho áo gối, mấy Quế siêng gái thì không dùng loại gối này mà rút tiền tiết kiệm tự mua vải trắng về làm thành gối có thêu hoa thêu chữ nhìn thấy cũng bắt mắt. Quế trai, gái được trang bị gần như giống nhau, chỉ khác nhau rõ nhất là áo ka-ki nữ hai hàng nút (cúc), nam một hàng nút, một số Quế gái được phát giày kiểu nữ, còn hầu hết là giày ba-ta như của Quế trai, quần “vệ sinh” quế trai thì phía trước có xẻ, một số Quế trai được phát quần “vệ sinh” không có xẻ (chắc do thiếu) thì các cô, má bảo mẫu dùng kéo khoét cho một cái lỗ phía trước cho tiện sử dụng.
Tất cả những thứ trang bị chống rét lớp trong, lớp ngoài, cái trên, cái dưới biến lũ Quế chúng mình thành những “cái nấm” di động, thở phì phò “ra khói” và Quế trai, Quế gái cứ na ná như nhau khi mùa đông về.
Cái lạnh của mùa đông xứ người cứ như cắt da cắt thịt lũ Quế chúng mình, đứa lớn cũng chỉ vừa qua tuổi thiếu niên, đứa nhỏ thì còn tuổi mẫu giáo, tất cả đều xa gia đình đến xứ Quế hình thành “Cộng đồng Quế” để mùa đông thì biến thành những “cái nấm nhỏ, nấm to” chống chọi lại băng giá để tồn tại và lớn lên. Và biết bao nhiêu những “sự cố - sự kiện mùa đông xứ Quế”.
Chuyện Vệ sinh mùa Đông
Quế Cấp Một được cô, má bảo mẫu nhắc nhở mùa đông tắm rửa hai lần trong một tuần. Lịch tắm các lớp so le nhau. Quế Cấp Hai thì tự lo lấy, năm học cuối cùng ở Quế, trường Cấp Một NVB giải tán, má Nga biên chế về trường Cấp Hai NVB nhưng cũng chỉ nhắc nhở các Quế nhỏ lớp Năm việc làm vệ sinh. Nước tắm tất nhiên là nước nóng, được cấp qua các vòi nước tập trung đầu dãy nhà tắm theo giờ trong ngày và được nấu bằng lò hơi than đá. Tuy thế không phải Quế nào cũng thực hiện đúng lịch tắm đó, hình như có Quế trai cả mùa đông chỉ tắm ví dụ. Còn nhớ có Quế X. “cóc”, mùa đông nhìn da bạn ấy nổi vảy như da rắn, Quế thì bảo do bạn ấy ở bẩn ít tắm, Quế thì bảo là bạn ấy bị bệnh khô da, Quế mình thì nghĩ…chắc cả hai lý do trên cộng lại (bây giờ Quế X. “cóc” ở đâu hè?). Áo quần thì Quế lười giặt nên cũng nghĩ ra nhiều cách để thỏa mãn cái sự lười. Vỏ áo bông, vỏ chăn, “gaz” giường và áo quần vệ sinh hình như cả mùa Đông được giặt hai lần: giữa và cuối mùa (mà cũng chỉ ở cấp Một thôi) bằng máy giặt đặt bên trường Võ Thị Sáu, Quế lười dồn hết cả áo quần mặc mùa đông nhét trong vỏ chăn bông để “ăn theo”. Kết quả quần áo thường của Quế lười được nhộm “hợp chủng quốc” các màu thành loang lỗ xanh đỏ. Để đỡ phải giặt áo, có Quế cả mùa đông chỉ có mặc áo bông không (nghĩa là cởi áo bông là … Quế ở trần), do đó, lớp trong ruột áo bông nó có màu sắc như…dầu hắc và tất nhiên nó có mùi hương đặc biêt đó là mùi Quế…lười. Giày, tất của Quế có nhiều cách sử dụng, để tiết kiệm xà phòng và công sức, nhiều Quế trai sử dụng giày, tất từ lúc mới dung cho đến lúc … rách, hỏng mà không giặt, giày vải thì cũng còn cố chịu được mùi, nhưng những Quế nào sử dụng ủng theo công nghệ này thì mùi vị khủng khiếp lắm. Những đôi tất được sử dụng theo phương pháp này thì cứng cáp như những cái mo và mùi vị của nó thì khó kiếm lại trong đời, nhất là nếu “nó” được cho qua lửa. Còn nhớ mùa Đông cuối cùng ở Quế, buổi tối cả lũ Quế đang xuýt xoa bên lò than để sưởi bỗng có khói bốc ra từ lò sưởi mang theo mùi thum thủm như mùi chuột chết, cả lũ Quế la oai oái xúm lại tìm nguyên nhân.Thì ra tên “Chột” thanh lý một sản phẩm tất chân của hắn vào lò sưởi của phòng, may mà đó là căn phòng lớn và “Chột” mới thanh lý một chiếc chứ nó chơi cả đôi và phòng lại nhỏ nữa thì giờ này có khi Nhà nước ta mất một loạt cán bộ ấy chứ (hy sinh do nhiễm độc). Ngày đó các dãy nhà ở của Quế thường ít thấy bóng dáng chuột, bây giờ nghiệm lại thì ra là do chuột nó sợ “mùi Quế”.
Sự cố …sưởi ấm.
Cộng đồng HSMN Quế tuy cuộc sống có đầy đủ hơn cộng đồng HSMN trong nước nhưng mùa đông Quế cũng chỉ được sưởi ấm bằng than củi. Lò sưởi là một cái chảo gang đặt trên cái giá làm bằng gỗ, mà cũng chỉ những ngày thật rét thì mới được sưởi, hình như cả lớp mới có một lò sưởi.
Một tối thứ bảy mùa đông, cả lớp Quế đã đi ngủ nhưng thấy vắng mặt mấy ông Quế lớn, trong đó có Quế lớp trưởng và một Quế lớp phó. Cô chủ nhiệm và mấy Quế lớn khác chuẩn bị xuất quân đi tìm thì thấy các Quế vắng mặt mò về. Cô chưa kịp la rầy thì Quế lớp trưởng đã giải trình về chuyến “du lịch thành phố Quế Lâm bất đắc dĩ “.
Hóa ra Quế lớp phó là người cùng làng với thầy Ký “thọt” (xin lỗi thầy vì không nói biệt danh này e mấy Quế khó nhớ), tối thứ bảy rủ các bạn ghé thăm thầy. Mùa đông xứ quế quá lạnh, thầy cũng phải sưởi lò than củi. Mình thầy thì ít than, các cháu tới đông thầy cho thêm than cho ấm hơn. Thầy trò ăn kẹo uống nước cùng tâm sự để đỡ nhớ quê hương. Than thì vẫn cháy, không khí phòng thầy ấm quá, các câu chuyện về quê hương cứ kéo dài trong lúc cửa phòng đều đóng kín. Thầy và các Quế lịm dần cùng lúc. May mà có một Quế khỏe hơn ngồi gần cửa ra vào cố lao ra mở cửa kêu cứu.Và tất cả các trò cùng thầy được một chuyến du lịch ra Bệnh viện Nhân dân Quế Lâm miễn phí, khuyến mãi một mũi thuốc bổ cho mỗi người trước khi đưa về trả lại trường. Sau này khi học hóa thì các Quế hiểu rõ hơn về hiện tượng này, lúc đó chỉ được giải thích là: do đóng kín cửa phòng không được thong gió nên các Quế và thầy đã hít phải khí CO loại khí độc sinh ra trong quá trình than cháy. May mà…Hú vía. (Thầy Ký hiện vẫn khỏe và ở gần nhà Quế mình. Có lần ghé thăm thầy, trong lúc nói chuyện thầy nhắc nhở: Lúc nào thầy chết nhớ đưa đám ma thầy nhé, nhắc mấy đứa nữa. Quế mình thấy lòng rưng rưng muốn khóc nhưng cố nói: thầy còn khỏe lắm.Thầy năm nay cũng gần 90 rồi, các Quế nào có dịp qua ĐN thì ghé thăm thầy)
Sự cố …”áy náy…”
Đó là một tối mùa đông năm 1973, chuông vừa reo báo hết giờ tự học, tiếng “ồ” như đồng loạt vang lên và cũng như đồng loạt các cửa lớp mở tung, những “cái nấm” nhanh chóng phi ra khỏi lớp. Hắn cũng vôi vàng xếp sách vở cho vào hộc bàn và phi ra khỏi lớp hòa vào dòng “nấm” mùa đông Quế theo con đường bê-tông dẫn về khu nhà ở (con đường này có ảnh của MF đưa lên ST đố Quế đó). Mưa đá hạt nhỏ tạo thành một màn sương huyền ảo, không khí ngoài trời lạnh buốt. Những cành quế lung lay nhè nhẹ trong khung cảnh mờ ảo ấy giữ được cho mình những hạt mưa đá bé li ti, làm cho những lá quế lấp loáng dưới ánh đèn cao áp. (Dạo đó lũ Quế cứ trầm trồ khen TQ giỏi chế tạo ra loại bóng điện cao áp có ánh sáng mát rượi làm cho những cái áo trắng của Quế trở thành màu xanh mát dịu. Mà đúng thật,khi về nước nhìn thấy đèn đường của nước mình phổ biến vẫn là những bong đèn tròn bình thường). Dưới ánh sáng đèn cao áp, bóng những cây quế in lên mặt đường tao ra những khoảng sáng tối chen nhau. Hắn choàng tay ôm lấy một “cái nấm” đi bên cạnh, xuýt xoa kêu lạnh và rên ư ử. Hắn chửi thề và than vãn cái xứ gì mà lạnh thấu xương, thấu thịt làm sao chịu nổi. “Cái nấm” trong vòng tay hắn vẫn “ừ, ừ” theo hắn. Hắn lại thao thao bất tuyệt: Trong mình mùa đông đâu lạnh dzữ dzậỵ, tao nhớ quanh năm tao chỉ có cái quần xà-lỏn, mùa đông lạnh lắm lúc giữ trâu ban ngày thì đốt cứt trâu khô sưởi, tối ngủ quấn cái chiếu rách, thò đầu và chân ra ngoài, vẫn qua đẹp mùa đông có đau ốm chi mô. Trong mình mà lạnh thế này chắc lũ con nhà nghèo mình “đứt” sớm lấy đâu ra quần áo trong ngoài, mũ giày, khăn tất cỡ ni mà chống rét, phải không mày? “Cái nấm” đi cùng lại”ừ,ừ” hòa nhịp với hắn. Hắn lại xuýt xoa, ghì chặt “cái nấm” và bất ngờ hỏi: Mày chơi đủ bộ trong ngoài đó chứ? hay lại như thằng R…chơi độc mỗi cái áo bông, thằng nớ chịu rét giỏi thiệt. Và hắn nhanh tay thọc vào sườn “cái nấm” để kiểm tra xem có đủ lớp trong lớp ngoài không. “Cái nấm” theo phản xạ nhảy lên, nhưng hắn đã kịp kiểm tra xong và rút tay ra quàng qua hông “cái nấm” ôm chặt. Hắn phán: À, chú mày đầy đủ trong ngoài, nghe có vẻ thơm tho hơn mấy thằng khác. Hắn hít mạnh để chng tỏ với “cái nấm” là “mày thơm tho hơn mấy thằng khác”. “Cái nấm” lại “ứ ừ” phù họa cho hắn. Cả hai cùng rảo bước về khu nhà ở. Hắn miệng thì xuýt xoa kêu lạnh quá, hai tay lại đan vào nhau siết chặt “cái nấm”, “cái nấm” thở mạnh ra, hắn nghĩ chắc “cái nấm” đã thấy ấm hơn với vòng tay và những câu chuyện trên trời dưới đất của hắn. Đến chân cầu thang lên gác (phòng hắn ở trên gác), “cái nấm” đột ngột dừng lại và gỡ nhanh tay hắn khỏi vai, nhanh chân bước tiếp. Hắn ngạc nhiên: Không “dzề” ngủ còn đi đâu mầy? “Cái nấm” vẫn không trả lời hắn mà đi như chạy về phía nhà…nữ. Lúc này thì hắn đứng chết như Từ Hải, mặt cứ như …”ngỗng ỉa”. Chắc là hắn đứng mặc niệm ở chân cầu thang không phải là một mà nhiều phút trôi qua, vì Quế tôi trực nhật nên về sau hắn mà lúc về thấy hắn vẫn thẩn thờ cạnh chân cầu thang. Hỏi có chuyện gì mà thẩn thờ thế và hắn đã kể lại với Quế tôi những diễn biến sự việc trên. Hắn sợ “cái nấm” nghĩ hắn lợi dụng, thực tình là hắn không biết. Hắn sợ nhất là hành động kiểm tra xem “cái nấm” có đủ trong ngoài không. Hắn nói: Nhưng mà vẫn còn hên, may mà tao chỉ sờ lưng nó chứ sờ…phía trước thì… bỏ mẹ. Quế tôi nói với hắn: Theo tao thì cả sự việc từ đầu đến cuối thì mày hên nhưng tách riêng “dzụ” kiểm tra thì mày xui quá chứ không phải hên, phải chi mày đổi vị trí kiểm tra từ sau ra trước thì bây chừ không phải ngẩn tò te như thế này. Hắn nói: Đang lo thấy mồ đây còn đùa. Hắn sợ “cái nấm” sẽ báo với thầy chủ nhiệm những gì đã xảy ra thì hắn chỉ còn nước ra cầu Giải phóng nhảy sông Li (hắn nói thế nhưng hắn là con “rái cá” làm sao mà chết nước được). Quế tôi phân tích và an ủi hắn: Mày có biết “ẻm” mô đâu mà mắc tịt. Chắc là “ẻm” nớ cũng thử tìm “cảm giác lạ” nên mới đồng hành cùng mày từ lớp học về đây. Hắn lấy lại thần sắc: Mày nói cũng có lí. Sao mà tao u mê thế không biết, mấy ông đực tụi mình thì làm gì có mùi thơm tho như thế, lúc tao hít mạnh để chứng tỏ sự thơm tho của “nó”, tao có cảm giác mùi thơm lạ lắm, không phải mùi nước hoa nhưng nó thơm có cảm giác cứ ngây ngây thế nào ấy. (Cái mùi hương này sau này khi trưởng thành tôi mới kết luận được đó là “mùi hương con gái” chứ lúc đó Quế tôi cũng u mê như hắn, biết chi mô). Cái tay tao đè lên phía trước áo bông của nó cũng có cái cảm giác khác thường, rồi cả tiếng thở mạnh của “nó” bây giờ tao mới nghiệm ra chứ lúc đó tao toàn lo tán phét cứ tưởng là mấy đực rựa lớp mình. Chừ làm răng hè? Không sao đâu, tôi trấn an hắn bằng câu chuyện của tôi cũng vừa xảy ra cách đó mấy hôm: Hôm tập trung toàn trường vừa rồi tao cũng nhầm, hai mặt nhìn nhau rõ mười mươi chứ đâu như”dzụ” của mày không biết ẻm nào, sợ chi.
Mỗi lần tập trung toàn trường, lớp Quế tôi theo vần là lớp cuối nhưng không hiểu sao trường lại xếp đứng cạnh lớp “A”. Hôm đó cũng tập trung toàn trường như mọi lần, Quế tôi đi phía sau tới, nhìn thấy Quế bạn thân đứng phía trên (tên đội trưởng cấp một trong “dzụ” đào trộm khoai vườn trường giờ thành bí thư chi đoàn cấp hai), Quế tôi phi một phát đến sau lưng hắn, đưa nhanh hai tay áp vào hai bên má hắn xoay lại và cụng trán mình và trán hắn. Nhưng hỡi ôi, mở mắt nhìn thì không phải tên bí thư mà là một”ẻm” lớp “A”. “Ẻm” cũng trố mắt nhìn và Quế tôi nhanh chân ù té. Sau đó cũng sợ bị hiểu lầm mà “ẻm” báo thầy cô thì “mệt mỏi một cách toàn diện”, nhưng mọi chuyện vẫn bình yên, chắc “ẻm” cũng biết là mình nhầm nên không truy cứu. Cũng may là tôi chỉ “cụng trán” chứ hôm đó mà “cụng má” hay “cụng môi” thì chắc “diễn biến hòa bình” có khi theo hướng khác rồi. Sau này về Nam có gặp lại “ẻm” nớ mấy lần, chẳng biết là “ẻm” có còn nhớ sự cố năm xưa hay không. “Ẻm” này thì dễ nhận biết vì có một vết sẹo trên cổ do mổ bướu.
Hắn - cái thằng Quế ẳm “cái nấm” từ lớp học về tận khu nhà ở chính là thằng “Quế lớn” trong phi vụ “Đi bắt chim…” lúc ở cấp một mà Quế tôi đã kể ở “Chợ Chồm hổm”. Giờ đây sao bao nhiêu năm các Quế đã trưởng thành, nhưng kỷ niệm ngày xưa vẫn còn như mới vừa xảy ra đâu đây. “Quế lớn” là sĩ quan công an thâm niên, chuẩn bị nghỉ hưu, hắn vừa cưới vợ cho con chắc đã lên chức ông nội. Nhưng đến giờ này “cái nấm” vẫn là một ẩn số đối với hắn và cả cộng đồng Quế trừ “ẻm cái nấm”. ”Quế cái nấm” ơi, Quế là “ẻm” mô đây? Có nhận ra bóng dáng của mình trong “Sự cố…áy náy” không? Nếu có chút gì “biến tấu” thì âu cũng là lẽ thường tình vì: chuyện xảy ra khi các nhân vật và tác giả đều là Quế còn rất trẻ, còn câu chuyện được viết ra sau gần bốn mươi năm khi các nhân vật và tác giả không còn trẻ nữa, xin các Quế lượng thứ. Xin hẹn các Quế ở các câu chuyện khác trong chuỗi “ Những chuyện bây giờ mới kể”

34 nhận xét:

  1. Chuyện viết về những sự cố mùa đông của Quế, thời gian không nhiều, cứ chắp nối và hẹn. Sợ chuyện Mùa đông mà hết mùa đông mới mang hàng ra chợ thì Quế trách nên tối nay làm một tua cho có hàng với Quế. Đọclại thấy thiếu vài dấu Quế chịu khó đọcnhé.Chuyện kể dài liền mạch, không biết cắt gọt thế nào TQ thông cảm.
    Kể chuyện "Sự cố ... áy náy" tác giả thấy ghen tị với thằng Quế lớn, ôi sao mà số hắn hên thế, lúc nào cũng toàn gặp may. Còn các Quế thấy thế nào?

    Trả lờiXóa
  2. Câu chuyện này là của Que HHP hay của Que MF hay của Quế Nguyễn Thành Luân ?
    Quế lớn chắc là Nguyễn Văn Trọng ( Trọng A ) ?
    Còn Quế X có da sần sùi là Dũng cóc , hiện nay Dũng cóc đang công tác tại xí nghiệp dịch vụ mặt đất sân bay Tân Sân Nhất
    Dũng cóc khác Dũng Đen ( Hoàng Tiến Dũng ), khác Dũng Bờm ( Chung Thế Dũng )

    Trả lờiXóa
  3. Quế này viết hay quá mà hổng biết là Quế nào. Hay là cũng định mai danh ẩn tích như ẻm.
    :-)

    Trả lờiXóa
  4. "Thố": theo MF, tên gọi này có thể là từ thổ ngữ của người Móng Cái (người Viêt gốc Hoa), vì khi sang QL ngày đầu, khi xúc cho mỗi đứa một cái tô đẹp đẽ như vậy, đã nghe các má gọi nó là thố, vì không thể gọi nó là tô, lại càng không phải là ... thau! Mà nghĩ lại sức ăn của tụi Quế tóc ngắn lúc í cũng kinh, có đứa xúc đến lần thứ ... 3!
    Áo quần "vệ sinh": báy toa! Hổng hỉu sao lại kêu như zậy, zưng mà mỗi khi các má hét thay đồ ra giặt, bên trong những bộ áo quần này, da cóc của các Quế (ko riêng gì Dũng "cóc") rụng ra phủ trắng như ...tuyết!
    "Áo kaki": trong ký ức, hình ảnh của MF trong mùa đông là với cái áo "vệ sinh" màu nâu, rét vừa thì mặc thêm cái áo kaki thường gọi là áo "đại cán" (ê, áo con gái vưỡn có loại một hàng nút nha! Bọn con trai lớp MF kêu áo ni là "vỏ kitin" sau khi học lớp ĐV vỏ kitin! Tại vì bọn chúng nó mặc áo ni suốt mùa đông không giặt, lâu ngày áo láng xầy như vỏ con bọ hung! Đặc trưng là mấy tên Tăng Kim, Hải Hà, Thái Hà, Châu "ro",Dũng "cóc"- Châu "ro" và Dũng "cóc" học với MF từ lớp 1, không bít bắn xuống lớp dưới năm nào, Dũng "đen" anh Quế Diệp thì qua QL sau, rồi cũng bắn xuống lớp sau, không hỉu sao mấy vị di-gan này hay được các Quế nhắc tới?)
    "Giày": khi lạnh hơn nữa, đặc biệt trong mấy vụ có tuyết, thì mặc áo bông, MF rất khoái khi đêm về, mặc áo bông, trùm mũ lông, mang giày "cộp" (là giày da đóo, lớp MF không mang giày vải, mà giày da "sang trọng", tụi "tóc ngắn" quí giày hơn áo, cứ lấy tay áo chùi cho giày láng bóng lên (áo chúng nó cũng láng theo), ra cửa hàng "tự giác" ở QL mua thêm mấy cái "cá", gắn thêm dưới đế đi nghe cứ như bầy ngựa!), khi mặc như vậy hổng ai bít mình là ai, không phải để Quế "dê" nèo đóo dễ "ôm nhầm", mà để ... đi quậy cho dễ!

    Trả lờiXóa
  5. "Thầy Ký": Khi nào MF vô, đệ nhớ đưa MF thăm thầy với nha, lâu nay cứ théc méc ko bít thầy còn hay không, ngày xưa, khi thầy ở trên BGĐ, có gì ăn là thầy kéo học trò vô ăn, lũ MF hay lảng vảng khu vực này nên cũng hay được thầy "mời", có một lần thầy về nước qua, thầy kêu bọn này vô, nói: đố tụi bây hôm nay thầy có món gì? Có tên kêu "nước mắm"! (Thời í nước mắm là của hiếm mừ!) thầy nói có nước mắm, nhưng thứ khác hay hơn! MF chợt cảm giác một mùi vị gì đó quen vô cùng, đang ngẫm nghĩ, không tin là có thể, nhưng buột miệng : bánh bèo! Thầy ồ lên "giỏi!", trời, sao lại có thể có bánh bèo, khi mà người miền Bắc thời đó hoàn toàn chưa biết đến nó!?? Thầy bày ra: những cái bánh bèo mượt mà rắc tôm chấy, không thể tin vào mắt mình, MF cứ như nằm mơ, bởi vì thuở nhỏ ở nhà, mỗi khi bà hoặc mẹ đi chợ, MF chỉ ngóng bà và mẹ về để thể nào cũng có vài cái bánh bèo tôm chấy, nước mắm thơm lừng gói trong lá chuối! Cái để MF phát hiện ra chính là cái mùi tôm chấy quyện lẫn mùi nước mắm kia! Ra Bắc bao năm, niềm hạnh phúc ấy đi vào dĩ vãng, chỉ biết ôm lấy mà nhớ thương trong các giấc mơ! Ấy thế mà một ngày không ngờ lại được thấy nó ở Quế Lâm xa xôi! Các Quế có thể hỉu tâm trạng MF lúc đó như thế nào, nó còn dư âm cho đến giờ, mỗi khi cùng bè bạn đi ăn bánh bèo, dẫu cho mình đang sống trong chính xứ sở của nó! Đến giờ MF vẫn không hỉu làm sao thầy có thể có thứ bánh hiếm hoi ấy để đem qua QL?

    Trả lờiXóa
  6. Quế này khá rộng rãi đây,nhậu có thể đến tăng 3.Quế ơi,bạn nhớ khá chi tiết nhìu vụ quá !Như vậy kỹ niệm đã được cất cẩn thận ở rất nhìu ngăn,khi có dịp kích hoạt là nó mở ra ngay ...ấy mà.
    Áo"vệ sinh":Ừ,loại này gọi vậy đáng ra phải mỏng (như áo Đông xuân trong nước)nhưng lại dày nên lúc giặt ngấm nước nặng khỏi chê.Quế nào lười chắc cả mùa đông (trên 6 tháng như chơi)may ra giặt 1 lần giữa kỳ là khá rùi. Cuối mùa,giặt bằng cách đạp ...mãi nước mới chuyển thành trong.Có bạn hết lạnh là vắt ngay nó vào máng rửa mặt đầu nhà...rùi quên luôn.Mùa rét năm sau ,lại ra "siêu thị" không mất tiền này chọn những chiếc quần hoặc áo phù hợp về mặc.Đó là những chiếc áo quần cũ do các má thu thập về,giặt rùi cất ...show vào năm sau.Có nhiều chiếc quần ghi tên bằng iôt tím tên các anh chị đã về nước để lại.
    Tắm khô:Có bạn lâu lắm mới tắm nhưng tắm khô mới sáng kiến chớ.Lấy khăn nhúng vào ca nước ấm ,sau đó lau qua cơ thể cho nó...ngấm.Típ theo dùng tay vê...da,từng lớp ghét bụ bẩm rơi ...lộp độp.Cuối cùng mới phóng vào tắm nhoáng một cái rùi rút quân ngay.Cách này hình như được áp dụng từ sách"Bất Khuất" của bác NĐT.

    Trả lờiXóa
  7. Mùa đông , mặc quần thường , rồi quần vệ sinh , ngoài cùng là quần bông , đúng là cái nấm lùn . Khi đi ngủ , các nấm lùn này leo lên giường bằng cách : đứng sát giường , ngả úp phần thân trên xuống giường trước , rồi dùng sức lôi 2 chân lên sau
    Hoặc , đứng sát giường , cố hết sức để đặt được chỗ ngồi lên giường , tiếp tục ngả lưng xuống giường rồi mới lôi hai chân lên hoàn tất qui trình nằm
    Khó khăn lắm mới đi ngủ được , vì chân ngắn quá , không thể leo lên giường theo cách thông thường

    Trả lờiXóa
  8. Chao! nhớ thật, cứ khi tuyết rơi mấy đứa lại đi mua loại kẹo bi nhỏ li ti đủ màu sắc bỏ vô ca để ngoài trời, sáng dậy lấy vô trông vừa đẹp, nhai vừa thơm, lạnh buốt, hay hay ...đến giờ vẫn còn cảm thấy phảng phất đâu đây.

    Trả lờiXóa
  9. Hôm 40 năm ở ĐN , chị em nhà Ráo và vợ chồng Châu Ngọc có đến thăm Thầy Ký . Hồi ở bển , thầy còn trồng vài cây đậu xanh . Khi thu hoạch , thầy rang lên trộn với đường cho chị em Ráo ăn . Ngon tuyệt vời . Khi về HN , Ráo vẫn lên thăm thầy (ở chỗ Bộ giáo dục thì phải , lâu quá quên mất rùi ).
    N.H

    Trả lờiXóa
  10. tên TGTB khi ở bển còn bé mà đã quá trời quá đất .Tỉ đang khoái chí vì năm nay không thi hóa ( Ráo em đang khóc )nên tha chưa tế đệ đóo . Hãy đợi đấy .

    Trả lờiXóa
  11. Dũng cóc xuống lớp dưới năm lớp 4 học với con em hắn luôn thể

    Trả lờiXóa
  12. Hồi đó có ông Quang tể ( lớp 7 72/73 )chuyên môn có trò cầm giầy dí đuổi tụi con gái chạy gần chết . Nghe nói bi giờ ổng là bí thư huyện gì đó ở QN-ĐN thì phải .Trộm nghĩ khi phải giải tỏa đất đai , ổng mà mang chiêu này ra thì thắng lớn . He he .

    Trả lờiXóa
  13. Lớp Ráo có cặp song sinh nổi tiếng . Mùa đông ai cũng phải đi lao động khổ sở trừ 2 tên này . Bọn hắn được bố Tiến ưu tiên cho ở nhà để ĐI TẮM . Đến bây giờ 2 tên đó vẫn khoái chí khi kể chuyện này .

    Trả lờiXóa
  14. Quang Tể hiện là bí thư Huyện Ủy Hoà Vang ( thành phố Đà Nẵng )
    2 anh em sinh đôi là Trần Hoà Phong, Trần Hoà Phú, hiện ở thành phồ Đà Nẵng
    3 Quế trên đều học ở Quế Lâm Trung Quốc từ 1968 đến 1973
    Học hết lớp 7 ( năm 1973 ) đều về Việt Nam học tại trường Học Sinh Miền Nam số 1 Đông Triều Quảng Ninh

    Trả lờiXóa
  15. Bố Quế ND ,cứ dự đoán lung tung, những cái tên bố nêu ra để đoán tác giả, nhân vật thì mùa đông 1973 đã "biến" khỏi đất Quế mất rùi còn đâu. (chắc bố cũng thế) Còn câu chuyện "Sự cố...áy náy" thì xảy ra mùa đông 1973. Hic
    Những nhân vật đưa ra siêu thị này mà không nêu tên rõ ràng vì nhiêù lí do,thì xin bố cũng không nên dự đoán lung tung nữa vì có thể gây hiểu lầm giữa các Quế. Bố toàn đoán lộn tùng phèo. Quang tể hiện là trưởng mộtban đảng ở quận Thanh khê và chưa bao giờ là BT Huyện ủy cả,đừng gán cho Quế ấy, tội nghiệp.
    TGTB

    Trả lờiXóa
  16. Lũ quế bọn mình chỉ được phát giày vải chứ không được phát giày da nhưng không biết thế nào, có một số đứa có được, mang đóng cá sắt, đi cồm cộp oai ra phết. mình nhớ thầy Chu Thanh có một đôi ủng cao gần đến gối , mỗi khi mùa đông , thầy mang ra đi làm lũ boy bọn mình lác mắt và mong có dịp được thử. Mình nhớ năm lớp 6, ở khu nhà nam gần trại chăn nuôi, sắp tết, các lớp tự làm kẹo lạc, mứt... nên có ló than, vừa ấm vừa để nấu mứt, mình tranh thủ mang đôi giày vải ra giăt ( đó là một quyết định anh hùng ) xong mang hơ gần lò than cho mau khô , khi đi ăn cơm , quên không để xa ra, về đến nơi ngửi thấy mùi két và phát hiện đôi giày vải đã bị bén lủa, vừa tiếc lại còn bị mắng nữa ,ức muốn chết .

    Trả lờiXóa
  17. Nhận xét này đã bị tác giả xóa.

    Trả lờiXóa
  18. Xuân Hùng giống Quế MF , luôn luôn nhớ các sự kiện
    Hình như Xuân Hùng học lớp Quế MF, Công A,Thái Hòa, Thái Hà, Bửu Thối, Chiến, Châu Ro, Hữu Hải, Kim Chi, Nghiêm Nhan, Hòa Dài,....

    Trả lờiXóa
  19. @Nặc danh:XH là B,chỉ được về nhì,hồi hổi các anh vừa nêu tên đó tòan là thứ dữ.Mơ mới có nhe.P/s có nhiều hình chứng minh quá mà không biết pọt,nhờ,nhờ,nhờ.XH

    Trả lờiXóa
  20. Vào mục "Đăng nhập" ,gõ mật khẩu của BÉ ấy ,sẽ xuất hiện "bảng điều khiển".Chọn Bài đăng mới của Bé mà vào.Chọn thêm ảnh mà tải lên.Chúc thành công!

    Trả lờiXóa
  21. Xem hướng dẫn đăng bài mới, bấm vào đây
    Xem hướng dẫn chèn ảnh vào bài, bấm vào đây
    Nhưng không biết có còn làm cách đó được không? :-)

    Trả lờiXóa
  22. Quế đừng tưởng bở ta đây, mấy chuyện đó đâu phải là đặc sản, là của riêng trường Bé, mà nó là "đặc trưng cơ bản" mang đầy "yếu tố không biên giới" của đám học sinh các trường nội trú.
    Hồi xưa chuột chạy 3 chân qua phòng ngủ (vì 1 chân bịt mũi).

    Trả lờiXóa
  23. @ Anh HCQUANG : Chuột trường Trỗi còn chạy 3 chân chứ chuột trường Bé chạy có 2 chân à , 1 chân bịt mũi và 1 chân vén đuôi ( Tất nhiên là khi chạy qua lũ Quế zai ).
    N.H

    Trả lờiXóa
  24. Không, tui nhớ khi chuột chạy từ khu nhà nam ra chỉ chạy 1 chân: 2 chân thọc vào 2 lỗ mũi, 1 chân bịt mồm, còn hai mắt lồi cả ra...chúng xuýt ngất vì những đôi tất đánh xi của 3 CHỘT,hi hi...

    Trả lờiXóa
  25. Ngày xửa ngày xưa, thời còn cấp 1, áo bông của Quế tóc ngắn bóng lưỡng, đen kịt nhất là mấy ống tay. Cái gì cũng nhét vô túi áo bông, ngay cả thịt mỡ cũng bỏ vào túi áo bông để dành. Hình như phải 5 năm mới được cấp áo bông và chăn bông mới? Thời kỳ đầu, áo bông liền cả vỏ nên giặt lâu khô, nhiều khi phải chờ đến mùa hè mới giặt được vì mỗi Quế chỉ có 1 áo bông. Đến sau này, hình như đến năm 71/72 mình mới được phát áo ruột riêng, vỏ riêng. Hồi đó tụi mình được phát 1 đôi dày da. Do muốn oai và sợ mòn đế nên mới ra QL chôm cá đóng đế giày về, đi nghe lách cách cũng oai đấy chứ. Quần áo thì sợ co nhanh nên đăng ký toàn số lớn, quần dài thườn thượt, phải xắn mấy lai mới tạm ổn, ấy vậy lai quần mòn gần hết mà chẳng thấy cao thêm bao nhiêu. Hồi đó học sinh vật, đứa nào cũng phải tự làm tiêu bản, lúc đó phải kiếm tấm bìa, dán giấy trắng lên, rồi mới dán lá cây, cây lúa... Học gì thì phải tự đi kiếm. Thầy Tâm dạy sinh vật, tiêu bản nào vẽ vời, màu sắc thật sặc sỡ thướng được điểm cao, tụi mình gọi thầy là tiêu bản sặc sỡ. Không các Quế còn nhớ thời kỳ đào ao để nuôi cá không nhỉ? Mỗi lớp được phân một khoảng đất để đào. Khi đào đạt độ sâu, phải mời nhóm kiểm tra của trường đến kiểm tra, xác nhận độ sâu đạt yêu cầu. Làm ngày chưa xong tiếp tục mắc đèn làm đêm. Lớp mình có mấy ông to khỏe, hăng hái nên hoàn thành trước các lớp khác. Đến hôm thu hoạch, tát ao, rà lưới, bắt cá bán cho nhà bếp. Bữa đó tụi mình trực bếp, được ăn cá nhỏ chiên, suýt nữa thì bội thực. Ăn xong cứ phải đi tới, đi lui để bớt no. Còn trồng rau, lấy nước hầm cầu tưới rau cho tốt cây, mau lớn. Bây giờ chắc người ta không dám ăn nếu biết. Rau được thu hoạch và bán cho nhà bếp, mọi người cùng ăn.

    Trả lờiXóa
  26. Tui còn nhớ, mỗi lớp có 1 đến hai hố đựng cỏ và phân, bắt chước Trung Quốc, chúng ta cũng vớt phân BẮC ở cống dưới các khu nhà, quậy nước, tưới lên các loại rau của chúng ta.Tới bi giờ tui vẫn không quên hình ảnh những con giun đũa mà chúng ta được tẩy giun vắt vẻo trên những lá rau cải chúng ta trồng, đi qua ruộng rau thì mùi phân bắc bay lên"ngào ngạt" tới tận thiên đình...có lần, bàn ăn của tụi tui thấy cả giun đũa cắt khúc trong nồi canh rau muống, hu hu...ÔI QUẾ LÂM, sao mà...nhớ!

    Trả lờiXóa
  27. "...Tới bi giờ tui vẫn không quên hình ảnh những con giun đũa mà chúng ta được tẩy giun vắt vẻo trên những lá rau cải chúng ta trồng, đi qua ruộng rau thì mùi phân bắc bay lên"ngào ngạt" tới tận thiên đình...có lần, bàn ăn của tụi tui thấy cả giun đũa cắt khúc trong nồi canh rau muống, hu hu..."
    Đã đăng ký kỷ lục truyện kinh dị thời thơ ấu chưa? Xưa nay chỉ có ký ức đến giấy lẫn trong rau là cùng thôi đấy.

    Trả lờiXóa
  28. Hu hu, ghê thiệt, Ngày xưa xổ giun thường xuyên, khi giun ra cũng phức tạp ra phết. Riêng việc trồng rau muống ở Quế có không nhỉ?! Rau muống và giun băm chung, không biết ăn vô thấy ngầy ngậy lè ra hóa là giun?! Hi hi, ha ha, ghê quá.

    Trả lờiXóa
  29. Hu hu, ghê thiệt, Ngày xưa xổ giun thường xuyên, khi giun ra cũng phức tạp ra phết. Riêng việc trồng rau muống ở Quế có không nhỉ?! Rau muống và giun băm chung, không biết ăn vô thấy ngầy ngậy lè ra hóa là giun?! Hi hi, ha ha, ghê quá.

    Trả lờiXóa
  30. Tên nặc danh này toàn trốn lao động thì phải ??? Giờ mà còn hỏi " Riêng việc trồng rau muống ở Quế có không nhỉ "!!! hè nào mà chẳng còng lưng trồng và tưới rau muống . Lớp nào cũng để rau mọc thật cao mới cắt bán cho nặng cân , vì thế toàn ăn rau già vừa dai vừa chát xít . Khi ăn thì có sâu ở trỏng thường xuyên . Còn vụ giun thì mới nghe lần đầu , chắc lúc đó tớ đã về nước , chỉ còn lũ TGTB được thưởng thức . He he , ớn lạnh thiệt .
    N.H

    Trả lờiXóa
  31. Chính xác là rau muống hột, được chúng ta trồng và cân kí bán cho nhà bếp, rồi chúng ta lại ăn chứ còn ai vào đấy ăn nữa, mùa thu đông thì có xúp lơ, cải bắp(cải bắp lớp bạn bị chúng nó tưới nước sôi để bắp cải lớp mình to đẹp hơn), rồi thì khoai lang to thật to( các bạn 1975 đã đứng chụp hình làm bằng chứng đó...)Tui nhớ nhất là lũ cá trong ao,nhìn thấy chúng béo múp bơi tung tăng mà thèm, nhưng có bao giờ được ăn đâu, toàn phải ăn cá muối mặn(thỉnh thoảng), lũ cá ấy dùng để tiếp khách rồi,vậy nên thà ăn...CHAO còn hơn

    Trả lờiXóa
  32. Ráo chơi hổng đẹp chút nào, "tế" TGTB sao lại tế vào cái tin của ND, mà "văn tế" của Ráo sao "nặng mùi" thế? Cho cả lũ TGTB ăn c..., khiếp thế, thù dai quá.

    Trả lờiXóa
  33. Đang bận vắt giò lên cổ , ghé vào siêu thị để xem thôi , nhưng lâu lâu " tế " cho tên TGTB 1 phát , tỉnh cả người .He he .

    Trả lờiXóa
  34. Giun vắt lên rau là sản phẩm của các Quế 75 đấy, he he...chuyện có thật 100% nha, bây giờ thỉnh thoảng gặp sâu trong canh là tui lại nghĩ ngay đến canh GIUN hồi đó rùi...

    Trả lờiXóa

Mời bạn cho nhận xét của mình đối với bài viết. Nhận xét của bạn là đóng góp lớn lao cho ngôi nhà chung của chúng ta.

Dùng mã code dưới đây để chèn nguồn từ bên ngoài vào comment:
Link : <a href="Link URL">CLICK HERE </a>
Hình ảnh : [img]Link hình ảnh URL[/img]
Youtube clip : [youtube]Link video từ yotube[/youtube]
Nhaccuatui : [nct]Link nhạc từ Nhaccuatui[/nct]