Thứ Sáu, 2 tháng 10, 2015

Dương Sóc

THỨ HAI, THÁNG 11 05, 2007

   Thanh Minh

(Có sử dụng tư liệu ảnh của HT)
Đi TQ có mấy ngày mà thấy nhãn quan anh em mình khai mở ghê quá. Kiểu này e dân du lịch ba lô sẽ thành những người thông thái nhất thế giới!?
Cái hay của chuyến đi chính là cùng một sự vật, hiện tượng nhưng mỗi người lại có cách nhìn, cách cảm nhận khác nhau - theo kiểu của mình. Thế giới trở nên đa dạng vì thế, và đây cũng là điều làm cho các chú ở nhà cứ phải liếm mép.
Tôi cũng vậy. Có thể mắt mình bị “lé”, nên hay nhìn thấy những chuyện vặt vãnh để bổ khuyết vào cái nhìn chính thống, tầm cỡ của anh em. Mong sao bức tranh mô tả TQ được toàn cảnh.
- Đầu tiên phải nói đến nghệ thuật moi tiền du khách của anh Ba mình quá giỏi. Bạn nghĩ gì khi chi 2,5 triệu VNĐ cho chuyến du lịch 5 ngày, 4 đêm gồm cả ăn, ở đàng hoàng? Rẻ bất ngờ đến vô lý … Song “võ Tàu”chính là ở đây. Họ mở rộng cửa đầu này nhưng lại xiết chặt cửa đầu kia. Mình cảm thấy mỗi cái cây, dòng sông, mỏm đá, được họ đầu tư thêm chút đỉnh, đều có thể biến thành những cỗ máy in tiền. Các dịch vụ tham quan thắng cảnh, di tích lịch sử … họ “chặt” khách rất ác (xem giá biểu ở các bài khác), mà khách du lịch thì không thể nằm khách sạn đóng cửa ngủ cho nó … lãi được! Kế ấy gọi là “thả con săn sắt bắt con cá rô”.
- Năm xưa vào nhà hàng hải sản ở phố Thi Sách SG. Tôi thấy lão chủ quán cắt một bài báo, lồng kính treo trang trọng lên tường. Đó là bài viết về Vua bếp của Bỉ đến nhà hàng, xơi món cua rang me VN và khen nức nở. Đấy cũng là một cách tiếp thị hay.
Tôi rất thích và ấn tượng với các bài nhận xét của các thực khách TQ dán đầy tường của quán “Điền Dã” trong ảnh của HT (tôi có 1 cái ảnh chụp chi tiết, bạn nào dịch thử?). Các bài do bọn trẻ viết và vẽ trên giấy tập học sinh rất trào lộng. Cháu Việt Hoa (con chị Niệm), dịch thử cho tôi một bức tranh khác vẽ 3 thằng xì-tin đeo kính đang ngồi gắp con cá với lời chú “3 người, 12 con mắt và 1 con cá rất ngon” (12 con mắt là 3 thằng đeo kính cận). Có phải đây cũng là một dạng văn hóa?
Con cá khuyến mãi trong ảnh tên gọi là “Cá Ly Giang” danh từ riêng (mà cũng là cá sông Ly). Con này giống cá ngạnh của ta nhưng người tròn lẳn, da đen và thịt trắng tinh, ngọt và thơm ngon hơn.
Bên dưới là ảnh bình rượu Lão QL “đi” cùng con cá. Hẳn món này cũng làm nên đặc sản QL.
- Tôi ngắm rất lâu con chim cốc của sông Ly như một nhà điểu học. Bên ta không có con cốc loại này. Cốc ta có 2 tên gọi (cốc ngoài Bắc) và con cồng cộc (trong Nam). Con cốc của ta đen thui nhỏ chưa bằng nửa con cốc ngoại.
Cốc ngoại to con, lông đen hơi xám và bộ mặt cô hồn, dữ tợn hơn. Chúng đều bắt cá rất giỏi. Sau khi huấn luyện, người ta dùng chúng lùa cá vào lưới bén hoặc đeo vòng vào cổ chúng, để chúng chỉ có thể bắt cá đưa lên mà không nuốt được mồi. Con người quả ranh ma.
Ngày xưa con cốc QL chỉ đậu trên những chiếc bè lồ ô uốn cong đầu, xuôi ngược trên dòng Ly thơ mộng. Ngày nay con cốc được huy động như một minh tinh, chụp ảnh chung với du khách làm nên những đồng tiền cho chủ …
- Quế hoa: Mỗi địa phương thường chọn cho mình một loại cây làm biểu tượng: Dừa bến Tre; cây cọ Malaixia; cây tre VN, hoa sữa HN, bạch dương Nga, … con người sẽ đi rất xa và ấp ủ trong lòng loài cây mà mình yêu mến như một kỷ niệm quê hương …
Cây quế hoa biểu tượng của QL giống như cây viết bên mình (trồng trong BV Thống nhất), nó thuộc loại cây bóng mát tầm thấp (ít rụng lá , sạch, tán đẹp, không mọc cao để khỏi đụng dây điện). Loại này có hoa màu trắng hoặc vàng nhỏ li ti (xem ảnh), tỏa hương thơm ngầy ngật như hoa sữa. Trong mỗi túi quà của Y Trung có bỏ một nhánh quế hoa. Tôi còn bẻ thêm một nhánh mang về định vặt lá “bán” cho anh em làm kỷ niệm và kiếm chút tiền bù lỗ …
Nhiều anh em nhầm lẫn, vỏ cây quế hoa hoàn toàn khác với quế vỏ bên mình. Nó không có mùi quế và cũng chẳng cay cho nên công dụng của nó chắc chỉ nhằm tạo bóng mát, cảnh quan và gợi lên những hoài niệm xa mờ …
- Cuối cùng là cái tên Dương Sóc. Có người trong đoàn thắc mắc về cái tên này: Đã “dương” rồi lại còn đòi “sóc”nữa. Em chịu, cái này vượt quá tầm hiểu biết, chắc phải cậy anh Chí – nhà nghiên cứu văn hóa tra cứu giúp!
Dân làm du lịch nói chưa “đáo” DS thì coi như chưa đến QL. Khi mình đến DS chúng lại bảo chưa “đáo” phố Tây thì chưa biết DS. Tôi đến đầu phố Tây, thằng guide DL nó nói cái hay, cái đẹp nó nằm ở giữa phố kia, thế là lại phải “đáo” tiếp đến giữa phố. Lòng tự hỏi lòng “mình có thấy gì không nhỉ?”. Đang ngơ ngác thì lại nghe lời động viên – nơi tuyệt vời nhất là đoạn cuối phố, …
Chân đưa chân, du khách thẫn thờ. Cuối phố là đây, bến tàu đang đợi. Một một ngư ông với hai con cốc trên sào chờ chụp ảnh. Trên bờ kè hai cô gái Tây ba lô nằm, ngồi chết vật - chắc họ cũng vừa phải “đáo” như ta!




* Nhân chuyện Quế đi QL tôi gửi các bạn bài này (trên Blog Trỗi 2007) đọc cho vui.

5 nhận xét:

  1. "Nhiều anh em nhầm lẫn, vỏ cây quế hoa hoàn toàn khác với quế vỏ bên mình. Nó không có mùi quế và cũng chẳng cay cho nên công dụng của nó chắc chỉ nhằm tạo bóng mát, cảnh quan và gợi lên những hoài niệm xa mờ …"
    Câu trên không đúng với Quế Bé, vì tụi này từng ôm cả một dãy quế... để cạp và thấy vị hơi cay, có mùi hơi nồng...và kết quả là thầy hiệu trưởng bắt gặp , lớp bị trừ điểm thi đua,bị thầy chủ nhiệm phạt đứng góc tường

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. M.Linh nhớ giỏi quá. Hàng quế ở trường cấp II NVB có vỏ dày khoảng 2 li, vỏ cây bóc ra có mùi thơm dễ chịu của quế nhưng vị cay rất nhẹ, bỏ vào miệng nhai thì thấy nhơn nhớt. Các Quế con ra căn tin mua dao con cá 8 xu rồi lóc từng mảng vỏ quế nhai nhóp nhép.

      Xóa
  2. @M.Linh, ND: cây các Quế gặm đó là cây long não! Còn cây Quế ở ta gọi là quế chi, thuộc chi Cinnamomum, họ Long não (Lauraceae) , người Việt Nam ta gọi là Quế. Trong khi cây mà người Việt ta gọi là mộc, môc tê chi Osmanthus, họ Ô liu (Oleaceae) thì người Trung Quốc gọi là Quế (qui hoa). Từ Quế Lâm từ cây quế nay (có lẽ bởi vậy Bác Hồ mới kêu QL ko Quế cũng ko rừng :D ), khi chúng ta còn ở đó, MF thấy có mấy cây nở hoa vàng, các cô kêu là cây dạ hương, vì nó thơm dữ vào ban đêm. Hóa ra nó chính là cây hoàng Quế, ngoài ra có bạch quế, hồng quế. Tuy nhiên trên đường phố Quế Lâm bây giờ ngoài quế hoa thì cũng có nhiều quế chi và long não! MF có dễ chục lần về lại Quế Lâm mới tạm ngộ hết cái "Quế" này!

    Trả lờiXóa
  3. -@ML: Hồi đó tội cạp gốc cây "lớp bị trừ điểm thi đua,bị thầy chủ nhiệm phạt đứng góc tường", xử vậy là quá nhẹ. Bi zừ, bên mình, tội "cạp" của bạn sẽ bị coi là... lâm tặc, xử theo luật hình sự.
    -@MF: Không hổ là dân trong nghề, nghiên kiú rất chi là tường tận. Chỉ có điều: VN, ngoài quế chi còn có quế Bé cực cay...:))

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. @TM: Phân loại thực vật là môn khó gặm nhất nhì của ngành sinh học. Nhưng gần đây trong dự án Thành Cổ Quảng Trị, muôi lại xáp vô môn này, bởi vậy nhân bàn về Quế, ba hoa chút. Nhưng sở dĩ muội nghiên cứu kỹ, vì chính muội cũng nghĩ như các Quế và Quế M. Linh, nhưng có một lần đứng trước cây mộc trong Vương Thành ở Quế Lâm, cô phiên dịch nói đây là cây Quế, bảng thì ghi là Osmanthus! Muội thấy bối rối! Sau về cứ hỏi, cứ đọc mãi mới ngộ ra. Còn các Quế thì bé lớn chi cay hết! Đại ca không nghiệm ra trong nhà hay sao? :D

      Xóa

Mời bạn cho nhận xét của mình đối với bài viết. Nhận xét của bạn là đóng góp lớn lao cho ngôi nhà chung của chúng ta.

Dùng mã code dưới đây để chèn nguồn từ bên ngoài vào comment:
Link : <a href="Link URL">CLICK HERE </a>
Hình ảnh : [img]Link hình ảnh URL[/img]
Youtube clip : [youtube]Link video từ yotube[/youtube]
Nhaccuatui : [nct]Link nhạc từ Nhaccuatui[/nct]