Đường vào Quế Lâm nhìn
chữ Guìlín trên cổng chào mà lòng rộn rực khôn tả. Thấy nhà ga xe
lửa, ngậm ngùi, nhớ cái đêm cuối cùng năm nào, rời đất Quế, trời bỗng dưng đổ
mưa như trút, thương mấy thằng bạn theo xe ra tiễn, là con trai mà mắt cũng đỏ
hoe. Ngồi thuyền dọc sông Ly, nhìn nước
trôi, bồi hồi, nhớ bãi tắm xưa vẫn cùng bạn chủ nhật ra đằm mình trong nước
mát, lúc về ghé hàng kem cầu Hoa, ăn mấy que kem đậu mát lạnh. Núi Vòi Voi, xưa
kia tụi tôi vẫn gọi núi Voi phục, vẫn đây, sao lại bỗng dưng thấy lạnh. Cầu
Giải Phóng đây, đâu rồi hiệu bánh rán lúc không tiền đi qua, dạ dày bỗng réo
sôi sùng sục theo từng tiếng mỡ nóng chảy trên chảo béo ngậy, đâu rồi cái chợ
xép hay có hàng củ đậu, mấy thằng vẫn lừa lúc bà bán hàng không để ý thó vội
mấy củ giấu trong túi quần về cửa hang Gió ngồi ăn. Con đường phố xưa đây, thấy
rộng, sao mất rồi vết Hiệu in xưa mà mỗi lần lĩnh áo may ô vẫn đem ra in số, Bánh
hóa còn đâu với những mặt hàng trông thật là mê để mấy đứa mắt lim dim mơ về
một ngày có thật nhiều tiền mua cho thỏa thích. Ký ức chập chờn, lúc tỉnh, lúc
mê, lúc mờ, lúc tỏ với những gương mặt, những cái tên chúng bạn của ngày xưa
ây. Hùng, Hoành, Thoa, Kế, Nam, Hải, Vĩnh, Thăng…ơi, tao ở đây
mà giờ chúng mày ở đâu?
Con đường về trường xưa ngơ ngác. Tôi lạc ngay chính
trong ký ức của mình. Cứ ngỡ vanh vách nhớ trong đầu con đường quen thuộc: đi qua
Cầu Giải phóng rẽ phải về cầu Hoa, đến ngã ba vườn thú, rẽ hai ngả: tay trái, qua
hang Gió về cổng trường dân tộc, tay phải, qua đường nông trường về hai cổng: cổng trường Võ Thị Sáu và cổng khu giám
đốc. Nhưng sao lạ, càng đi càng không thấy: cầu Hoa, hang Gió, vườn thú đâu chỉ
thấy những khu nhà cao tầng, những con đường thênh thanh và rồi bất ngờ vang
lên một tiếng: Trường xưa ở đây…
Trường đây? Tôi sao thế, bất lực, không thể nhận được
gì, cố gắng mà không thể hình dung, đầu óc mù tịt, quay cuồng, không một gợi ý,
một dấu vết để có thể gợi lại dấu vết xưa. Cảm giác thất vọng, tôi suy
sụp…nhưng kia, qua ô cửa, xe vừa đi qua sân bóng. Dừng lại, tôi gào lên, sung
sướng, tôi nhảy ào xuống… Ôi, tôi, ngày xưa của tôi đây, Bạn của tôi đây. Tôi bay xuống sân, mắt đảo nhanh bốn
hướng. Đúng đây rồi, chính sân vận động này từng in dấu những trận bóng các
lớp, nơi đón vợ chồng luật sư Trịnh Đình Thảo sang thăm nói chuyện, nơi tổ chức
những buổi diễu hành với nhiều binh chủng…và cạnh đây, bể bơi, giờ đã có mái
che, nơi tôi thầy Thái dạy tôi bơi trong đội bơi cấp I, nơi những trưa hè mấy
thằng vẫn rủ nhau trèo lên bức tường ngăn hai khu thi nhau nhảy xuống ầm ĩ. Ký
ức về rồi, sáng lán, ấm áp hồn tôi!
Xúc động, Tôi lập cập chạy dọc từng bậc thang lên khu
nhà học cấp 2, vẫn còn đây không thay đổi, đây, cái lớp học lớp 5, lớp 7 tầng 1
ở hai đầu hồi nhà, lớp học lớp 6 phòng giữa tầng 2, vẫn như đây mỗi giờ ra
chơi, thầy Thịnh vẫn hay cũng đá cầu với lũ học trò. Vẫn đây thôi, buổi nào,
lớp 6, trò nghịch dại, mấy đứa tập hút thuốc, buổi trưa, đi nhặt từng mẩu thuốc
lá đem về lớp, xé ra cuộn vào giấy poluya rồi dùng que diêm quẹt vào bảng kính
châm lửa hút, vừa ho, vừa cười sặc sặc. Và rồi thầy Tường bắt được, phải nhai
thuốc lá hôi, đắng, sặc sụa nước mắt mà chừa hẳn.
Lần vội, run rẩy, theo mấy bậc xi măng xuống con đường
xanh um bóng quế, ôi những cây quế xưa, lúc mới trồng, bọn tôi đã dùng cả hàm
răng gặm vỏ xem quế thơm quế cay đến thế nào, giờ đã mốc màu, sần sùi, thương
tích, nổi u nổi cục, ra dáng cổ thụ. Bước lên khu thể thao, mất rồi bãi đu
treo, xà kép, xà đơn mà xưa lớp 4 chúng tôi vẫn đến chơi, có một lần đào cát,
bắt gặp những gói kẹo mấy anh cấp 2 ăn trộm ở căng tin đem về chôn giấu, giờ đã láng xi cả thành khu chơi bóng bàn.
Hoàng hôn chập chờn, bóng người, bóng vợt, ngỡ đang sống giữa buổi chiều xưa lũ
bạn vẫn chơi trên bàn bóng xi măng. Thật là, thực, hư lẫn lộn, biết là đâu đây.
Háo hức, tôi bước vào nhà ăn cấp 2, nhìn sân khấu,
thấy nôn nao, gai cả người, phải đây, những đêm xưa, Thầy Tiến, thầy Thịnh chơi
đàn, diễn kịch, Từ Vân và anh em thằng Tùng hát bài ca ngợi tình đoàn kết 3 dân
tộc Việt-Lào-KhơMe để bây giờ thằng Căm Pu Chia theo thằng Tàu trở giáo đâm ta.
TỪ VÂN ca sĩ trứ danh của hội Quế và PHONG nhân vật được mọi người đổ xô coi mặt vì giống hệt PHÚ .
Đây, khu nhà ăn đông vui mỗi trưa, mỗi chiều, nhớ buổi nào, mấy đứa trong lớp thi
nhau ăn nhanh nhất mà thằng Trinh bao giờ cũng thắng cuộc. Sát chỗ sân khấu kia,
nhớ bữa ăn cuối cùng đất Quế được các thầy cô kê riêng một góc, cho ăn bữa lòng
lợn và không hiểu sao lại có thêm chai rượu màu mà kết quả mấy thằng về say nhũn,
nôn hết bê bết bên cửa sổ lớp học.
Xuống vội nhà ăn cấp 1 tìm lại nét chữ xưa mà người
bạn tốt vẫn nâng niu giữ lại làm kỷ niệm: Nhà ăn 5 tốt, chữ vẫn tươi rói như
ngày nào. Chính đây thôi, nơi còn in buổi tôi được kết nạp vào Đội và cũng là
nơi tôi bị thầy Thanh xé tan oan ức chiếc mũ đỏ, chỉ vì ai đó bảo thấy một
thằng mũ đỏ đánh nhau ngoài sân bóng, mà ở trường, nào có phải mình tôi đội mũ
đỏ. Dãy nhà cầu nối nhà lớp học với nhà ăn không còn, chỉ còn nhà cầu nối hai
nhà ở với nhau. Đứng đây, bồi hồi, tôi nhìn ra, kia khu nhà giặt vẫn còn dấu
đó, cỏ mọc đầy, chợt rùng mình, lại nhớ những trò chơi đuổi nhau trên xà gỗ để
một hôm thằng Sơn ngã xuống và không bao giờ tỉnh dậy.
Tôi bước vào khu nhà ở cấp 1, chiếc cầu thang trần trụi
xi măng vẫn vậy, như xưa, không đổi. Đây, chân cầu thang, chỗ mấy đứa ngồi lau
kỳ cọ thật bóng đôi dày da đế gỗ được phát. Đây, phòng ngủ lớp 3 vẫn còn, lại
nhớ tối nào bị cô Cúc phạt vì tội nghe lời tướng Khánh không tắt điện đi ngủ.
Đây phòng ngủ lớp 4, nhớ sáng sớm hôm nào cả lũ dậy thật sớm vội kéo màn xem
thằng Phong, anh thằng Phú mới qua, thật hiếu kỳ, bởi ngày ấy, không hình dung
lại có thể có hai đứa giống nhau đến thế…, đây nơi cửa sổ, nơi giường tôi, cứ
tắt điện thằng Phương Nam lại mò sang ngủ chung, nói chuyện… Ôi, những kỷ niệm,
theo từng cảnh vật mỗi bước tôi đi, cứ
vậy ùa về làm tôi thấy rưng rưng muốn khóc.
Lặng lẽ, theo ánh điện, tôi bước ra phía sau khu lớp
học, chỗ này, ngày xưa là bãi cỏ, ngày mới chuyển từ trường cũ qua còn um tùm,
tôi vẫn hay đi bắt cào cào cho thằng Nam khùng, cái thằng có đôi má bánh đúc
trắng hồng chảy xệ và tiếng cười hơ hớ thật ngộ nghĩnh và bọn thằng Long, thằng
Hoành lớp dưới nướng ăn. Món ấy, bây giờ, có nơi, đã là đặc sản!
Tôi đứng lặng, rất lâu, sương thấm mềm cả tóc. Đêm
xuống đã một lúc, những ánh đèn cao áp sáng xanh khắp cả khu trường. Một mình,
tôi không thể đi hết được các nơi, lên vườn đào, xuống khu dân tộc, sang trường
Võ Thị Sáu…, không thể tìm lại, đi theo hết được những dấu chân xưa, vả lại,
thay đổi nhiều lắm rồi, nơi đây giờ là trường đại học sư phạm Quảng Tây. Ba
mươi tám năm rồi, tôi đâu còn có thể nhận lại được chi tiết những dấu vết xưa,
dù biết rằng rồi đây khó có thể trở lại. Những giây phút này đây sao ý nghĩa, quý
báu vô cùng. Trong mấy tiếng đồng hồ, tôi sống cho 7 năm tuổi thơ về trước,
sống cho 38 năm khắc khoải nhớ mong và cũng sống cho những năm tháng cuộc đời còn
lại, sống cả cho những thằng bạn không bao giờ về lại được tuổi thơ. Khoảng khắc
sống thiêng liêng ấy với biết bao kỷ niệm, với biết bao câu chuyện muốn kể, với
biết bao gương mặt thân quen. Ừ, chúng nó đây: thằng Hà, Khánh, Hòa, Hải, Quang,
Hùng, Anh, Phong, Phú, Vĩnh, Quốc, Thọ, Nam, Lợi, Nho, Ngọc, Minh, Dũng, Dân,
Hận, Thăng, Việt, Trinh , Thành… rồi bọn con Hà, Mai, Thoa, Kim, Phương, Lan, Vân,
Hồng , Trí , Thanh …cứ thấp thoáng, ẩn hiện rất đỗi yêu thương. Tôi cứ vậy, sống lại, thẫn thờ,
lẩm bẩm gọi tên từng đứa bạn y như một kẻ khùng.
Những tên bạn cứ thấp thoáng ẩn hiện rất đỗi yêu thương . ( còn thiếu rất nhiều .)
Và đêm ấy tôi không ngủ, đứng bên cửa sổ ngắm nhìn
thành phố về đêm với ngàn ánh sao sáng, những vệt núi in mờ xa trong đêm, nghĩ
về những người bạn tốt biết nâng niu trân trọng giữ lại một phần dấu ấn ngôi
trường xưa cho hôm nay tôi trở lại gặp tuổi thơ mình. Yên tĩnh, thanh thản! Mai
tôi về, nhớ tuổi thơ càng thêm yêu mảnh đất Quế Lâm ân nghĩa nặng tình người
này.
Tôi cứ nghĩ: tuổi thơ Quế ấy sẽ sống, còn mãi, khi mỗi
chúng ta tự biết yêu thương, trân trọng những năm tháng bên mái trường xưa, dù
cho giờ mỗi đứa một nơi, một hoàn cảnh; khi chúng ta tự biết tìm về nhau, gặp
mặt, dù chỉ là viết một dòng hay đọc một lần trên blog này: Bantbe -Yêu thương
và Mãi mãi!