Cóp nhặt được câu chuyện nhiều nghĩa tình bên Bạn trường Trỗi nên bê về để mọi người thưởng thức nhân dịp 8/3 này.
@ Ơn nghĩa khó quên. (Tác giả Quang Anh)
Đến làm khách nhà Cao sếnh sáng (nhà nghiên cứu Hán Nôm Cao Tự Thanh). Cao nói, có người “đặt hàng” viết về phụ nữ miền Nam cho bộ sách “Phụ nữ Việt Nam trong lịch sử” do hắn làm chủ biên. Hắn muốn tôi tham gia, viết một vài bài gì đó, trong khả năng. Tôi im lặng, vì không biết tiêu chuẩn của người được viết bài phải như thế nào, viết như thế nào thì được chấp nhận và không biết mình có đủ khả năng viết ?.
Trước đây có viết một bài “học và lận đận xin việc làm”, trong đó có nhắc đến vài phụ nữ mà tôi quen, đã giúp tôi xin việc làm. Sau, thấy bài tản mạn quá, nên xóa luôn.
Lời gợi ý của Cao sếnh sáng mở cho tôi một vài suy nghĩ. Tôi đã thụ nhận quá nhiều ơn nghĩa, phải viết cái gì đó để tạm gọi là trả ơn.
Các dì, cô mà tôi có duyên gặp gỡ, bây giờ kẻ còn, người mất, nhưng tình cảm của tôi đối với họ không bao giờ phai lạt.
Tôi sẽ không theo thứ tự cao thấp, lớn nhỏ về địa vị mà chỉ viết theo thứ tự, người quen trước, kẻ quen sau. Vả lại, trong lĩnh vực tình cảm, khó có thể xếp hạng và càng không thể cân đong đo đếm được.
Đối với vùng quê Nam bộ, danh xưng “cậu” và “dì” nghe rất thân thiết. Người Nam bộ mặc dù vẫn trọng cái “họ” (bên Nội), nhưng lại có phần thân thiết với bên Ngoại hơn, vì vậy mà “cậu” và “dì” thường được gọi một cách thân mật. Một ý nghĩa khác, vai “cậu” và “dì” ở Nam bộ bao gồm cả anh, em trai hay chị, em gái của mẹ nên xưng hô rất tiện. Vừa tỏ thái độ thân mật, vừa không hạ thấp vai vế của những người mình mới quen mà không rõ tuổi tác.
Cũng xin nói thêm, ra Bắc lâu ngày, chúng tôi cũng bị ảnh hưởng cách xưng hô của người Bắc. Người Bắc gọi “cô”, “chú” theo nghĩa em của ba, cũng là thể hiện sự thân mật. Dù người được xưng hô có lớn hơn ba, nhưng nghe gọi bằng “chú”, “cô” thì vẫn thích hơn vì nó có ý nghĩa là trẻ hơn ba. Người Bắc chỉ thích làm “lớn” khi chưa thân mật, chứ khi đã thân rồi thì lại thích được gọi là cô, chú cho “trẻ”. Vì vậy trong bài này, có nhiều trường hợp tôi gọi là “cô, chú” theo cách gọi ngoài Bắc, nhưng với thái độ kính trọng, quí mến theo kiểu người Nam bộ.
1. Cô Bảy Nho.
Cô Bảy Nho, là má của cái chuỗi “Dân, Việt, Nam, Quyết, Thắng”. Trong đó, Nam lại là con gái duy nhất.
Đúng ra, hình như cô thứ Sáu trong gia đình, còn gọi “Bảy” là theo thứ của chú Bảy, Vũ Trung Nhung, chồng của cô.
Quê cô ở Vĩnh Long, cùng xã khác làng với cố thủ tướng Võ văn Kiệt. Cả hai có cùng họ Phan, không biết có họ hàng xa gì với nhau ?
Việt là con thứ ba của cô, chơi thân với tôi từ khi mới quen nhau, lúc còn học dự bị đại học. Tốt nghiệp đại học năm 1973, về đến Hà Nội, Việt rủ tôi đến nhà hắn ở, vì biết tôi chẳng có họ hàng thân thuộc gì ở miền Bắc và hiện không có chỗ tá túc.
Thực ra, lúc đó tôi cũng có người bác, là bạn của ba tôi, mà tôi gọi bằng bác Bảy Nên, làm việc tại Bộ Ngoại giao. Lúc nhỏ, bác Bảy thường đón anh, em tôi về nhà nghỉ Tết, hè. Anh em tôi xem bác như bác ruột vậy. Trong thời chiến tranh, bác Bảy đi làm Đại sứ bên Thụy Điển, liên lạc khó, nên tôi chưa biết địa chỉ hiện tại ở đâu, cũng không biết nhà cửa rộng hẹp thế nào, nhà bác lại toàn con gái, nên ở nhà bạn vẫn thích hơn.
Hôm về đến ga Hàng Cỏ, Hà Nội, Duyên và một lũ bạn về nước trước, ra đón chúng tôi. Duyên, học cùng tụi tôi, nhưng “chê chương trình học của Liên Xô kém cỏi”, nên cắp gói về nước trước. Tấn, biệt danh “đầu non”, học ở trường OVIMU là bạn thân của tôi và Việt, cùng về nước trong một chuyến tàu nên cả bọn kéo nhau về nhà Việt. Cô Hương, má của Tấn lại là bạn thân của cô Bảy Nho, nên Tấn đến nhà này cũng như nhà mình.
Vào nhà, tôi mở va li, lấy ra một cái áo biếu cho Duyên. Nói ra mắc cỡ, tôi về nước, chỉ có đúng ba cái áo và một cái quần đang mặc. Cô bảy Nho thấy cái va li nghèo nàn của tôi, bèn tặc lưỡi thán : “Trời ! tao tưởng tụi mày đi Liên Xô thì khá lắm, ai dè nghèo như con chó mực”. Sau đó, cô lẳng lặng ra cửa hàng cung cấp, mua vải, may cho tôi, Việt và Tấn “đầu non”, mỗi đứa một bộ quần áo. Ai đã ở miền Bắc cái thời bao cấp thì biết, hành động này quý hơn bây giờ ta cho nhau một chiếc xe gắn máy.
Tôi ở nhà cô Bảy một thời gian, nhưng nhà này chật chội, đông người và thường xuyên có khách nên không tiện làm phiền, lại cuốn gói ra đi. Lúc này tôi đã có khá nhiều chỗ để tá túc. Tuy nhiên tôi thỉnh thoảng vẫn ghé thăm gia đình cô Bảy.
Ở Hà Nội thời đó, chúng tôi gắn bó với nhau vì rất nhiều lẽ, nhưng trên hết là nhu cầu tình cảm. Vì vậy mà tôi trở thành “người nhà” của gia đình cô Bảy, đến mức đám em của Việt đều xem tôi như anh của chúng.
Tấn đầu non chỉ ở tạm nhà cô Bảy một hai ngày, rồi sau đó về Hà Đông ở với má nó.
Đầu năm 1975, tôi đi B. Trong chiến khu, tôi lại là nhân viên của chú Bảy Nhung nên càng thêm thân mật.
Sau ngày ba mươi tháng tư, cả bọn bạn lại gặp nhau ở Sài Gòn. Nhiều mối quan hệ cũng đã thay đổi, kẻ thân thành sơ, người sơ thành thân. Thêm vào đó, mỗi người lại có những mối quan hệ riêng, không thể chia sẽ cùng người khác.
Dù có vài thay đổi trong các mối quan hệ, nhưng tôi vẫn thường xuyên ghé thăm cô, chú Bảy. Kể cả lúc chú đau nặng phải nằm viện, tôi cũng thường xuyên ghé thăm. Lâu lâu tôi không đến thăm, cô lại nhắc hay hỏi han. Bây giờ, tôi như là người thân của gia đình. Đám giỗ, cưới hỏi gì cũng mời. Có lần cô Nam giận Hai Dân, nó nói : “Thôi để anh AQ làm anh Hai, nghỉ chơi anh Dân”. Tôi là khách thường xuyên của gia đình này, nên người nhà còn biết cả sỡ thích của tôi. Có lần, Út Thắng ở Đức về chơi, Quyết hỏi : “Mày còn nhớ ai đây không ?”, nó lắc. Quyết nhắc : “Mày còn nhớ anh nào, đến nhà mình ăn cơm, mà hay chan canh ?” . “À ! nhớ rồi, anh AQ”.
Các con cô Bảy hầu như đều giống cô ở cái tính tốt bụng, cởi mở, nhiệt tình với bạn bè. Việt học ngành xây dựng ở Leningrad. Mỗi lần tôi ghé chơi ở thành phố này, chủ yếu là tá túc ở chỗ hắn, ăn dầm, nằm dề và bóc lột tiền vé máy bay trở về. Hắn rộng rãi, cởi mở, vui tính nên có nhiều bạn, và với bạn thì hết lòng. Tôi biết, trong quá trình làm việc, thời còn là Phó chủ tịch UBND TP., có nhiều người phê phán Việt. Nhưng hoặc là người đó hiểu lầm, hoặc do hoàn cảnh “chẳng đặng đừng”, vả lại cũng không ai hoàn thiện, nên chuyện lỗi lầm là lẽ đương nhiên. Sau này tôi biết thêm, do chính Việt nói ra, khi làm quan, dù ít hay nhiều, ai cũng có quan tính. Quan tính dễ làm lu mờ nhân tính, nhất là đối với những người không được đào tạo để làm quan, mà quan của chúng ta hầu như không được đào tạo chuyên trách.
Có lần, trong đám cưới con một người bạn, Việt đến sau, vì bàn tôi đang ngồi đã chật, hắn đành ngồi bàn khác và kêu tôi đến ngồi chung. Một quan chức, thấy một nhân vật vô danh như tôi, ngồi kế bên ông Phó chủ tịch, liền mỉa mai : “Sao tôi thấy anh Bảy ngồi đâu, anh cũng theo ngồi kế bên vậy ?”. Tôi bị “quê”, nên im. Việt đỡ lời : “Nó là thằng bạn thân nhất của cả gia đình tao. Tao kêu nó qua ngồi chung, nếu không, nó đâu có thèm ngồi gần”.
Cô Bảy là con người khá đặc biệt, rất hay tự hào về sự nghèo của mình. Gặp cô, trăm lần như một, luôn kể về sự hà tiện của mình, nào là ăn mắm kho quẹt, nào là ăn cơm nguội với muối ớt …nhưng khi cần, cô sẵn sàng bỏ tiền triệu, chục triệu ra giúp người. Việc cô hay kể về sự nghèo hèn của mình, quả là chuyện lạ, vì người ta thường hay khoe giàu, khoe sang, chẳng ai khoe nghèo. Mà cô khoe rất tự nhiên, khoe từ cái lúc tôi mới biết cô, chứ không phải lúc chú Bảy Nhung hay Việt còn làm quan.
Cô từng kể, khi Việt lên làm phó chủ tịch, dượng Mười Cúc (Nguyễn Văn Linh) thấy Việt giống dân lai, liền nói “Việt Nam hết người rồi hay sao mà cho thằng con lai làm lãnh đạo ?”. Chuyện đến tai chú Sáu Dân, là người biết rõ gia đình cô Bảy. Chú Sáu liền nói :“Con lai gì nó, nhà nó nghèo đến mức không có nỗi miếng đất chọi chim”. Kể chuyện này, cô rất tự hào về cái sự nghèo và lối nói ví von của cố thủ tướng “không có miếng đất chọi chim”.
Sài Gòn đất rộng xe đông, đi thăm nhau rất khó khăn. Cái thời ở Hà Nội, bạn bè chúng tôi có thể đi bộ đến thăm nhau, vì khoảng cách không xa và chúng tôi đều còn trẻ. Bây giờ, về Sài Gòn, chúng tôi tất cả đều đã lớn tuổi. Nhà người này cách nhà người kia, ít thì một hai cây số, xa thì mười mấy cây số, việc đi thăm nhau không thể đi bộ được.
Tôi đến thăm, cô nói : “Nhà con xa thế, gọi điện cho cô là đủ rồi, đi làm chi cho mất công, lại tốn xăng”. Tuy nhiên, lâu không tới, cô lại nhắc. Tết hằng năm, tôi đến thăm cô, thường nhận được tiền lì xì, dù nay đã quá lục tuần.
2. Cô Nam và chú Tư Sắc :
Tôi không bao giờ cho phép mình quên cô Nam và chú Bùi Huy Sắc. Bạn bè chúng tôi gọi cô Nam là cô Tư. Thứ Tư không biết là của cô hay của chú Sắc. Cô Nam quê cũng ở Vĩnh Long, đồng hương với cô Bảy Nho. Chú Tư Sắc quê ở ngoài Bắc, học xong trường luật Hà Nội thời Tây thì được điều vào Vĩnh Long làm việc cho chính quyền thuộc Pháp, vì vậy chú tham gia kháng chiến chống Pháp tại Nam bộ và lấy vợ người Nam.
Tôi là bạn thân của Bùi Huy Long, con thứ hai của cô, chú. Chúng tôi chơi với nhau từ những năm học dự bị tiếng Nga ở Liên Xô. Long là đứa “một tấc đến giời”, nói theo kiểu người Bắc, vì vậy bạn bè gọi hắn là Long phét. Người Bắc gọi “nói phét” là nói dóc, xạo, nói láo. Thế mà tôi chưa thấy hắn lừa gạt ai, chỉ là nói xạo cho vui.
Có một lần, sau ngày ba mươi tháng tư, hắn vào Sài Gòn thăm gia đình, hẹn tôi đến gặp một anh chàng, tên Kim Long. Kim Long cũng sống ở Hà Nội và cũng vào Sài Gòn thăm người nhà như Long phét. Kim Long và Long phét chơi rất thân với nhau. Khi chúng tôi đến gặp Kim Long, hắn hớn hở khoe với tôi như một đại kỳ quan : “Đây ! thằng này là Long đại phét, còn tao chỉ là Long phét thôi”.
Cô, chú Tư đi tập kết ra Bắc, chỉ đem theo một mình Hai Long. Phụng và Bạch Vân còn nhỏ, nên gởi lại trong Nam, nhờ người thân nuôi giùm, vì tưởng rằng đi tập kết chỉ có hai năm.
Long học trường học sinh miền Nam được hai ba năm gì đó thì cô, chú Tư đón về Hà Nội học vì sợ Long không có cha mẹ kềm cặp, dễ hư hỏng. Chính vì học ở Hà Nội từ nhỏ nên Long nói rặt giọng Bắc.
Ở Hà Nội, rời nhà Việt, tôi cũng đi ta bà khắp 36 phố phường, ở nhiều nơi. Long phét bắt gặp lúc tôi lang thang, liền gọi về nhà ở chung, nhờ thế mà quen với ba, má nó. Đến nhà, việc đầu tiên là cô Tư mua một cái giường xếp, mùng, mền dành riêng cho tôi. Giống cô Bảy Nho, cô Tư cũng may cho tôi một bộ quần áo nữa. Tôi bỗng nhiên trở nên người khá giả (có 3 bộ quần áo là giàu rồi).
Từ đó, nhà cô Tư trở thành trạm dừng chân thường xuyên của tôi. Đến đây, tôi luôn yên tâm vì giống như về nhà vậy.
Tất nhiên, tôi cũng tế nhị vì không muốn làm phiền một gia đình quá nhiều, nên cũng không ở một nơi nào cố định vì sợ làm phiền “khổ chủ” và cũng thường lưu ý tìm cách đền bù ơn nghĩa.
Đầu năm 1975, trước khi đi B, tôi tổ chức đám cưới tại nhà cô, chú Tư. Cô, chú lo hoàn toàn mọi chuyện tiệc tùng, như cha mẹ lo cho con vậy. Tôi hoàn toàn không phải bỏ ra một xu nào, mà tiệc vẫn rất thịnh soạn, bạn bè đến dự khá đông dù cố tình không mời ai vì ngại làm phiền cô, chú Tư.
Sau 30 tháng tư, cô, chú Tư về lại miền Nam, gặp lại hai con là Phụng và Bạch Vân, nhưng Long thì không chịu về Nam. Lang thang ở Hà Nội một thời gian thì hắn lấy vợ, có con. Mấy lần, cô, chú tìm cách kêu hắn về Nam, nhưng vì nặng tình với xứ Bắc Hà, nên nấn ná mãi. Đến cuối 1992, vì cuộc sống và làm ăn ngoài đó khó khăn, hay vì lý do gì đó, tôi cũng rủ được Long về Nam, làm việc cùng một Công ty với tôi. Tuy nhiên, trời không cho thọ, nên hắn “ra đi” trước cả cô, chú Tư vì đột quị trên đường đến chỗ làm việc.
Phụng theo học ngành y, đến bậc tiến sỹ y khoa, leo dần lên đến chức phó giám đốc trung tâm chấn thương chỉnh hình. Vợ Phụng cũng là bác sỹ phụ khoa.
Tôi thường xuyên đến thăm cô, chú. Thỉnh thoảng cũng biếu quà, nhưng tiền thì không bao giờ cô, chú nhận. Lần nào tôi đến thăm, cô cũng có những lời khuyên bổ ích, hay tâm sự ẩn chứa lời dạy bảo chân tình.
Bây giờ cô, chú đều đã mất cả rồi, nhưng tôi vẫn thỉnh thoảng ghé nhà bác sỹ Phụng, thắp nhang cho hai người. Cô Tư thích bông, nên tôi thường mua bông đến cắm bàn thờ cho cô.
Năm vừa rồi, đám giỗ chú Tư, tôi mua bông và trái cây đem đến viếng.
Đến khi đám giỗ cô Tư, tôi mua chai vodka Standard đem đến viếng. Đám khách thấy vậy thắc mắc, tôi giải thích : “Cô tư thích hoa và trái cây, nên mua cho chú, để chú biếu vợ. Chú Tư thích rượu nên mua rượu, để cô Tư biếu chồng. Như vậy là tạo thêm tình thân mật cho cô chú”. Mọi người cười và cho rằng giải thích như thế là thỏa đáng.
3. Cô Tuyết Minh :
Lúc mới tốt nghiệp đại học, về nước, ở Hà Nội, không biết duyên gì mà tôi lại quen với Lê Quốc Bình và qua hắn, nên được biết má hắn là cô Tuyết Minh, đang làm việc ở bộ Công nghiệp nhẹ (lúc đó gọi là Bộ Nhẹ). Chồng cô, Tướng Lê Quốc Sảng đang trong chiến trường miền Nam, nên nhà cũng vắng vẻ. Có bạn bè của con đến chơi, cô tiếp đón rất nồng hậu. Biết tôi đang thất nghiệp, cô dẫn tôi đến văn phòng Bộ Nhẹ giới thiệu, xin việc làm, nhưng thất bại. Lần khác, không biết do ai giới thiệu, cô dẫn tôi đến Bộ Ngoại thương xin việc làm, họ không nhận. Cô không nản, lại dẫn đến chỗ khác, bộ phận thống kê của Bộ Nhẹ … Tuy không được kết quả gì khả quan, nhưng tôi vẫn không quên sự tận tình của cô, năm lần, bảy lượt lo xin việc làm cho tôi.
Tôi thực tình không biết cô họ gì, thứ mấy. Biết sơ sài, rằng cô từng theo đảng Bình Xuyên, cũng tập võ, cỡi ngựa, bắn súng như cao bồi Mỹ. Tính tình cô nóng nảy như đàn ông, nhưng lại rất thương con cháu. Khi tiếp xúc, tôi không hề cảm nhận được cái chất anh chị ngày xưa của cô, mà chỉ thấy nét dịu dàng, chịu thương, chịu khó của một bà má Nam bộ.
Về Nam, tôi cũng hay ghé thăm cô. Đến khi cô mất, gia đình xảy ra nhiều chuyện lộn xộn, nhà cũng bị bán đi, nên tôi không còn đến nữa, nhưng mỗi khi thắp nhang trên bàn thờ, tôi đều khấn thầm, cám ơn cô.
4. Dì Bảy Huệ :
Cuối năm 1973, tôi đến dự đám cưới của chị Sa, trước đây học trên tôi một lớp, ở trường HSMN Đông Triều. Trong đám cưới này, tôi được làm quen dì Bảy Huệ và mấy con của dì.
Khi mới quen, tôi không hề biết dì là ai, chỉ là một mối quan hệ bắc cầu, thông qua chị Sa. Thậm chí đến họ của dì tôi cũng không biết. Qua bạn bè, tôi biết dì hay giúp đỡ học sinh miền Nam nên được tụi nhỏ ở trường 2, trường 8 quí mến. Chúng nó thường gọi dì là “Bảy” một cách rất thân mật và tôi cũng bắt chước gọi theo. Sau này, tôi biết thêm một cách mơ hồ, Bảy là vợ của chú Mười Cúc, một cán bộ cao cấp trong Trung ương Cục miền Nam. Sau ngày ba mươi tháng tư, tôi biết thêm chú Mười Cúc là Nguyễn văn Linh, mà sau này là Tổng Bí thư, như mọi người cùng biết.
Chỉ là sơ quen, vậy mà khi biết tôi thất nghiệp, Bảy liền dẫn tôi đến Chi cục thống kê xin việc làm. Bảy lúc đó, hình như làm trong ban tổ chức Trung ương và là bí thư Đảng ủy của Chi cục thống kê. Thế nhưng họ trả lời thẳng thừng, ở đây chỉ nhận những người học được bằng đỏ. Ở Liên Xô, những ai thi được ít nhất 75% điểm 5, số điểm còn lại phải là điểm 4 và không được rơi vào các môn chính, thì được nhận bằng đỏ. Thôi ! đành bye bye Chi cục thống kê, làm như họ xịn lắm vậy.
Bảy lại lấy chiếc xe mobylette cọc cạch, chở tôi đến Cục cán bộ của Bộ Quốc phòng, gặp chú Hồ Bá Phúc, đại tá, Cục trưởng. Chú Phúc nhiệt tình lắm, nhưng cuối cùng cũng để cho đám lính từ chối khéo, dù rằng tôi chấp nhận cả trường hợp đi lính nghĩa vụ quân sự (không phải sỹ quan quốc phòng). Sau này, khi về Nam, mới biết chú Hồ Bá Phúc từng là bạn của ba tôi trong thời chống Pháp.
Dì Bảy Huệ là một phụ nữ Nam Bộ đặc trưng. Dù địa vị cao, nhưng dì rất bình dị. Con cháu đến nhà chơi, bất kể sang, hèn, Bảy đều tiếp đãi nồng hậu. Chuyện tôi vừa kể chỉ là một ví dụ về sự nhiệt tình với con cháu. Con một số cán bộ đang chiến đấu trong Nam thường được Bảy nuôi trong nhà, như con cháu ruột thịt vậy. Võ Dũng, Võ Hiếu Dân con chú Sáu Dân được dì nuôi thì không kể làm gì, nhưng có đứa chỉ là con một cán bộ thường trong đơn vị của dượng Bảy mà dì cũng đón về nhà như con cháu. Đến nhà Bảy, tôi thấy đủ hạng trẻ con, học từ cấp một đến cấp ba và chẳng phân biệt được đứa nào thân, đứa nào sơ.
Bây giờ gặp tôi, ai cũng có thể cho rằng tôi hiền hậu, dễ mến, chứ lúc đó tôi là thằng ba gai, ngỗ ngáo với cái lý lịch “đen ngòm” thời sinh viên nên mới có chuyện đi đến đâu xin việc cũng bị từ chối, kể cả chuyện đi nghĩa vụ quân sự cho có việc làm. Thế mà Bảy vẫn xem tôi như con cháu và tốn khá nhiều thời gian vì tôi.
Như đã kể, tôi chẳng có họ hàng gì với Bảy, chỉ quen với chị Sa, cháu của dì. Mà nghe nói chị Sa cũng chẳng phải họ hàng gì, chỉ là con cháu gì đó một người bạn của Bảy mà thôi.
Sau này, về Nam, tôi thỉnh thoảng ghé thăm dì. Có lúc còn theo Bảy đi thăm những người bà con của Bảy, hay ra nghĩa trang viếng mộ con trai Bảy.
Tôi không có thói quen biếu xén quà cáp, thăm ai cũng đi tay không. Mấy lần rủ bạn đến thăm ai đó, tụi nó nói phải mua quà đến biếu. Tôi nói : “Mình nghèo hèn, mua đồ sang thì không có tiền, mà chắc gì đối với người ta đã là sang, còn mua đồ tầm thường, người ta khinh, tốt nhất đi tay không, mình đến thăm là quí rồi”. Và với Bảy, tôi cũng chẳng bao giờ có quà cáp, thế mà khi đến nhà, nói với bảo vệ là có… đến thăm, Bảy hoặc đích thân, hoặc kêu người ra mở cửa. Tôi đến nhà Bảy không bao giờ điện thoại hẹn trước nhưng chưa bao giờ bị từ chối. Có lần, tôi ở Cần Thơ lên Sài Gòn chơi, sáng chủ nhật ghé thăm Bảy, vô tình gặp dượng Bảy. Tôi ngạc nhiên, vì nếu có dượng ở nhà thì bảo vệ phải gắt gao lắm, dễ gì cho tôi vô nhà. Thế nhưng, khi nghe báo có tôi đến, Bảy kêu người mở cửa và ra tận sân đón tôi, lại còn kêu tôi vô ăn sáng cùng dượng Bảy. Bảy tạo cho tôi cái cảm giác thân mật với dượng như đã quen nhau lâu ngày vậy. Bữa ăn sáng rất đạm bạc, chỉ là cháo trắng với hột vịt muối, thêm cách nói chuyện thân tình làm tôi mất cảm giác là mình đang ở nhà ông Tổng Bí thư.
Tôi gặp dượng Bảy hai lần tại nhà, khi còn đương chức Tổng Bí thư, nhưng không bao giờ kêu “chú Mười”, hay “bác Mười” mà luôn là “dượng Bảy”. Hình như ông cũng thích được gọi như vậy, vì có vẻ thân mật và gần gũi hơn. Nói chuyện với ông, tôi vẫn giữ thái độ tôn trọng, nhưng không xu phụ, nên dượng Bảy nói chuyện rất cởi mở, có lẽ ông ít gặp những người ngang ngạnh như tôi.
Sau này, khi dượng Bảy mất, đến nhà Bảy, thỉnh thoảng gặp những người khách của Bảy, nhưng trong câu chuyện, họ lại hay nói : “Chú Mười thế này, bác Mười thế nọ…”, tôi dị ứng với những người này. Họ đến thăm Bảy chỉ vì cái địa vị của dượng, chứ không phải vì cái tình đối với Bảy.
Trong đám tang dượng Bảy, tại Dinh Thống nhất, Bảy hỏi tôi : “quan tài để thế này được chưa con ?”... Tôi ngạc nhiên, tạo sao Bảy lại hỏi tôi một vấn đề quan trọng như vậy ?. Sau chợt hiểu, Bảy hỏi, chỉ là một cách nói chuyện trong lúc bối rối, muốn trút tâm tư phiền muộn, như bao người phụ nữ khác.
Những năm gần đây, tuổi tôi đã cao, lòng tự trọng cũng cao theo, tự thấy địa vị thấp kém, nên ngại ghé thăm Bảy.
Trước Tết Mậu Tý (2008), gặp Hoà (con gái lớn của Bảy) tại đám tang cháu Quỳnh Hương, con nhạc sỹ Tôn Thất Lập. Hoà trách, tôi liền hứa sẽ đến thăm Bảy trong dịp Tết này.
Tết, tôi ghé thăm Bảy, nhắc lại chuyện xưa, dì cháu cười chảy nước mắt.
Thực ra, cho đến giờ, dì cũng chẳng biết ba, má tôi là ai, cũng như tôi không biết gốc gác, lai lịch, họ tên của Bảy một cách chính xác (tôi mới biết Bảy họ Ngô trong hai năm gần đây). Người ta, quan hệ với nhau là dựa trên hiểu biết về con người thật trước mắt, chứ quan tâm đến phụ huynh của nhau làm chi. Thật ra, cũng có một lần duy nhất, dì hỏi tên ba tôi. Tôi nói tên và thứ, Bảy gật đầu như có quen, nhưng tôi biết chắc là dì nhầm ba tôi với người khác, vì tên và thứ cuả ba tôi trùng với chú Hai Trinh, ba của Triết cũng là bạn tôi, từng làm việc chung với Bảy.
Viết đến đây, sực nhớ, trong “Đông Chu liệt quốc”, hồi 18, có đoạn Tề Hoàn công thu dụng Ninh Thích, như sau :
Tề Hoàn công nói :
- Nhà ngươi đã có bức thư của Trọng phụ (Quản Trọng), sao không trình cho sớm ?
Ninh Thích nói :
- Tôi nghe nói vua hiền chọn người ngay, tôi trung chọn chúa có đức. Nếu chúa công ghét người thẳng ưa kẻ nịnh, thì thà tôi chết đi còn hơn là đưa thư để được trọng dụng.
Tề Hoàn công rất đẹp lòng, truyền ngồi vào một cổ xe theo sau. Tối hôm ấy đóng quân lại nghỉ. Tề Hoàn công sai tìm mũ áo để phong cho Ninh Thích. Thụ Điêu tâu :
- Từ đây đến nước Vệ không xa (Ninh Thích người nước Vệ), xin chúa công đợi đến đó hỏi xem Ninh Thích quả là người hiền không đã, rồi sẽ phong cũng chẳng muộn.
Tề Hoàn công nói :
- Đã nghi thì không nên dùng, mà đã dùng thì đừng nghi. Giả sử Ninh Thích trước kia có vài lỗi nhỏ đi nữa, nay ta không nên vì lỗi nhỏ ấy mà bỏ phí nhân tài.
Nói xong, ngay đêm ấy, phong cho Ninh Thích làm quan đại phu, lại khiến cùng Quản Trọng coi việc quốc chính.
Quan hệ đời thường cũng nên theo quan điểm này, cần gì phải biết lai lịch họ hàng, cha mẹ, tiểu sử bản thân…Thấy hợp nhau thì kết tình bằng hữu, thế mới là chân tình.
Cũng như Bảy, tất cả những người mà tôi kể trong bài viết này đều không biết ba, má tôi là ai ?, công tác ở đâu ?, chức vụ gì ?... Vậy mà họ vẫn đối xử với tôi như con cháu vậy. Kể cả bạn thân của tôi, may lắm thì có được vài người biết rõ gia đình tôi.
Tôi quan hệ với bạn bè cũng vậy, không hề quan tâm đến ba, má họ là ai. Ví dụ, quen với Cao sếnh sáng từ trước 1975, và trở nên thân mật hơn hai mươi năm nay, cũng thường nghe nói Cao là con ông chín Cần (Nguyễn Văn Chính). “Nói phải tội”, tôi mà biết ông chín Cần là ai, chết liền ! Hay chơi với Nguyễn Chí Dũng (Dũng Siêu) từ cuối 1973, tuy không thân lắm, nhưng quan hệ cũng lâu rồi, biết là con ông Bảy Siêu, nhưng Bảy Siêu là ai ? Thua !
5. Cô Ba Tốt :
Cô Ba Tốt, trước ngày ba mươi tháng tư năm bảy lăm, là hiệu trưởng trường HSMN số 2 ở Vĩnh Yên cũng là một bà má Nam Bộ tuyệt vời. Cô Ba là vợ chú Ba Tông, và là má của mấy người bạn tôi, trong đó có anh chàng Thắng “trung úy”, từng làm Thứ trưởng Bộ Hải sản.
Anh chàng này, thời sinh viên, mê nhân vật trung úy Phương trong phim “Nổi gió”. Hắn mượn bộ đồ đồng phục của đám bạn là sinh viên trường lái tàu (OVIMU), Odessa, Liên Xô. Bộ đồng phục này giống đồ sỹ quan hải quân, bận vô chụp hình hoàn toàn giống như một sỹ quan, thế là chết tên “trung úy”. Bây giờ làm đến thứ trưởng, bạn bè họp nhau cho lên lon vượt cấp, hắn bảo : “Ngu sao lên lon ?, tụi mày kiếm cớ bắt tao đãi à ?”. Trong đám bạn chúng tôi, hắn cũng là “đài phát thanh có công suất cao”.
Cô, chú Ba đều có tên, bắt đầu bằng chữ “T”, nên có lẽ vì vậy mà tên của các con cũng bắt đầu bằng chữ “T”. Tôi không quen chị Tuyết, anh Thạnh, nhưng quen thân từ anh bạn tôi, gồm Việt Thắng, Việt Thành, Việt Thảo, và Út Việt Thuận.
Khi tôi lên Vĩnh Yên chơi trong thời gian chờ việc làm, cô Ba chỉ biết tôi là cựu học sinh miền Nam, thế mà đón tiếp đàng hoàng, lo chuyện ăn, ngủ tử tế như với khách quí vậy. Chàng Thắng “trung úy” học sau tôi một năm, cùng khoá với em kế tôi, nên lúc lên thăm cô Ba, hắn vẫn còn học bên Liên Xô.
Lần sau, tôi lên Vĩnh Yên thăm cô, mang biếu cái máy quạt Liên Xô mà tôi đã mua đem về. Cô dứt khoát đòi trả tiền, và đưa 270 đồng, tôi buộc phải nhận. Sau này biết giá thị trường, bán giỏi lắm được 230 đồng (Lương kỹ sư mới ra trường lúc đó khoảng 60 đồng một tháng, riêng chúng tôi đang chờ việc, được phụ cấp 32 đồng/tháng). Tôi đãi bạn bè một chầu, số tiền còn lại, sửa nhà cho gia đình anh một người bạn, mà anh em tôi thường tá túc.
Sau này, biết anh em tôi đều là bạn của Thắng “trung úy”, cô đối với chúng tôi như con vậy. Mà đâu phải chỉ một mình tôi, đám cựu HSMN ghé chơi, cô cũng nhiệt tình y như vậy. Đám học sinh của cô, nhiều đứa gọi cô bằng má.
***
Ai từng sống thời bao cấp, nhất là cái thời trước tháng 5 năm 1975, đều biết rõ về vấn đề tiêu chuẩn nhu yếu phẩm được cung cấp theo tem (phiếu) : gạo, thịt, mỡ, cá, tàu hủ, đường, vải... với số lượng rất hạn chế, mà lại không thể mua ở chợ đen, dù có tiền. Cho nên nếu có khách, thì phải hy sinh, có khi phải nhịn cả tháng, rồi tính sau.
Chỉ tính riêng việc này thôi, cũng đủ thấy cái tình của những người mà tôi vừa kể thật bao la, và “món nợ” mà tôi phải trả, không biết là bao nhiêu cho đủ.
Tháng 04 năm 2008
Bạn Trường HSMN-Nguyễn Văn Bé: LỆ ĐÁ
2 năm trước
Bài viết giản dị mà thật cảm động, gợi nhớ 1 thời:" người với người sống để yêu nhau", ngày nay thì..."đừng có mơ", nói vui vậy thôi, người tốt không đến nỗi như lá mùa đông, í chết mùa thu đâu..
Trả lờiXóaNhà tỉ Kim Loan (Nhất Trung )lúc ở Hải Phòng cũng là cơ sở trung kiên của HSMN . Và tỉ ấy đã trở thành chị dâu của HSMN .
Trả lờiXóaBài viết là câu chuyện kể giản đơn và rất thật .Nó làm nao lòng nhiều HSMN tập kết,không cha mẹ,không bà con họ hàng thường được những tấm lòng vàng như thế bảo bọc.Cảm ơn tác giả đã nói hộ chúng tôi.CôTho
Trả lờiXóa@ Cô Đàm Thị Ngọc Thơ : lâu quá không gặp cô , cô có khỏe không . Lần đám cưới con thầy Bắc tụi con chắc mười mươi là cô trò sẽ gặp . Vậy rồi cũng hụt . Hẹn nhau đi đất Mũi , rồi cũng chỉ có các Quế tỉ đi. Biết đến lúc nào mới gặp được cô đây . ( nói nhỏ với cô là con cũng hơi tủi thân khi thấy bài của cô đăng ở nơi khác đó cô , mà toàn bài chiến không à , hu hu ).
Trả lờiXóaCảm ơn anh Quang Anh
Trả lờiXóaTrong Nam, khi họ nói chuyện với bạn (người không phải là họ hàng) mà thấy họ tự xưng là ngoại (bà ngoại), cậu, dì có nghĩa là họ đã coi bạn như con cháu trong nhà.
Trả lờiXóaVề phần tui, tui được chú Lữ Minh Châu - sếp tối cao của tui, không có quan hệ về huyết thống - (cũng như một số chú bác khác), "bắt" tui phải kêu ổng là cậu ba chứ không cho kêu là chú.
HCQuang