Thứ Hai, 12 tháng 9, 2016

Vài nét về số phận và tính cách Học sinh miền Nam

Trên Facebook, nhiều người đã đọc bài này từ Facebook Học sinh miền Nam và cha anh

Nay xin đăng lại trên siêu thị:

Vài nét về số phận và tính cách Học sinh miền Nam (Bản chính thức, đoạn kết)
Chủ tịch Hồ Chí Minh gặp mặt thân mật đại biểu học sinh các trường miền Nam nhân kỷ niệm 02 năm Ngày lập lại hòa bình ở Việt Nam tại Phủ Chủ tịch, ngày 20 tháng 7 năm 1956.

Bác thăm trại Nhi Đồng MN Hải Phòng

Bác thăm trại Nhi đồng MN Hà Nội (bà Nguyễn An Ninh giữa hình)

Trại Nhi đồng MN sơ tán ở Tràng Định (Lạng Sơn), có chị em Iren - Monique.

... Với Quyết định ngày 28. 7. 1975 của Thủ tướng Chính phủ về việc di chuyển Học sinh miền Nam trở về miền Nam tiếp tục học tập, đến cuối 1975 thân phận pháp lý của Học sinh miền Nam ở cấp phổ thông đã không còn nữa, ở cấp đại học nhiều lắm cũng chỉ đến khoảng 1980 là chấm dứt. Ngoài một số được bàn giao chu đáo cho Bộ Giáo dục Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam như Trường 2 và Trường 8: học sinh có đủ học bạ lý lịch, trường có phòng thí nghiệm (Lê Ngọc Lập, Nhớ mãi về một chuyến đi), bên nhận bàn giao cũng thu xếp ổn thỏa (học sinh không có cha mẹ, không có người thân được đưa vào học Trường Nguyễn Văn Trỗi của Trung ương Cục miền Nam rồi Trường Lý Tự Trọng của Khu ủy Sài Gòn Gia Định), học sinh nhiều trường khác về Nam có khi “chỉ được xe đưa tới Ủy ban huyện cho tự về quê”. Ngoài một số là con liệt sỹ sau khi làm xong thủ tục công nhận còn được hưởng trợ cấp tiền gạo hàng tháng, những người khác thậm chí cả một khoản trợ cấp để ổn định đời sống lúc mới về Nam cũng không có. Đặt vào hoàn cảnh những ngổn ngang bận rộn trong thời gian đầu khi miền Nam vừa được giải phóng, những sơ suất loại này ở các cơ quan có trách nhiệm là hoàn toàn có thể hiểu được, nhưng đối với nhiều Học sinh miền Nam thế hệ thứ ba quê ở miền Trung, cuộc hồi hương trong tình cảnh và tư thế ấy quả là một kỷ niệm khó quên.

Ngoài những Học sinh miền Nam thế hệ thứ nhất mà tuyệt đại đa số đã tham gia công tác hoặc chiến đấu, có công ăn việc làm và có thể cả gia đình riêng, đối với nhiều Học sinh miền Nam thế hệ thứ hai và một bộ phận nhỏ tuổi thuộc thế hệ thứ ba còn đang đi học, hành trình gian nan nhất sau khi về tới quê hương sau tháng 4. 1975 có lẽ chính là trở lại gia đình. Có thể thực hiện một sưu tập hàng vạn trang tư liệu sinh động và phong phú về cuộc trở lại này, nhưng kết luận chung nhất có thể rút ra từ đó là khó khăn hay thậm chí là thất bại. Sau ngày giải phóng nhiều người được hưởng cuộc sống gia đình cùng cha mẹ trong khung cảnh hòa bình, nhưng với cái giá phải trả không chỉ là những tổn thất trong chiến tranh mà còn cả những hậu quả của nó trong đó nổi bật là những khác biệt về kinh nghiệm, khuôn mẫu, giá trị có khi ngay từ lối sống. Một nam sinh quen sinh hoạt phóng túng ngủ dậy không tháo màn xếp chăn cho gọn ghẽ, một nữ sinh quen ăn cơm tập thể không biết đi chợ trả giá, chọn rau mua cá… là đủ thành chuyện, mẹ không đúng nên con gái cãi lại, cha gia trưởng làm con trai bất phục… cũng đủ thành chuyện. Một Học sinh miền Nam thế hệ thứ ba đã la làng “Ở miền Bắc thì bị gọi là Học sinh miền Nam, còn về Nam lại bị chửi là… học sinh miền Bắc!”, mẹ một nữ sinh Học sinh miền Nam Quế Lâm từng hối tiếc “Biết thế không cho chúng mày vào Trường Miền Nam” 6&. Trong gia đình đoàn viên sau chiến tranh, tinh thần tự do trong tính cách của nhiều Học sinh miền Nam đã chống lại họ, bài toán khó giải này lại có một tham số khác như một Học sinh miền Nam thế hệ thứ hai đã nêu ra “Chính cha mẹ chúng ta cũng thực sự đáng thương. Trong việc về nhà, họ cũng ở vào hoàn cảnh giống như chúng ta. Họ không biết phải giải quyết mâu thuẫn gia đình như thế nào, họ không có kinh nghiệm” (Nguyễn Thị Thư, Về nhà). Dĩ nhiên những mâu thuẫn hay xung đột gia đình ở đây không gây ra hậu quả gì lớn về mặt xã hội, nhưng cái chúng đưa tới cho nhiều người lại là những tổn thương tình cảm mới mà phải có sức bền tâm lý như của Học sinh miền Nam mới vượt qua được “Gương vỡ dán lại có khi cũng lành, nhưng lành xong soi vào lại có tới hai cái nửa mặt, hu hu” (Tầm Dương, Phá kính trùng viên) (24). Nhưng đó vẫn chưa phải là sự rủi ro cuối cùng.
Thầy, trò HSMN Quế Lâm gặp nhau tại Huế (hình của Võ Kim Thanh)
 
Là một nhóm xã hội có tính cách đặc thù, Học sinh miền Nam cũng có một số phận xã hội đặc biệt sau cuộc chiến tranh thống nhất đất nước 1954 -1975. Qui luật chiến tranh đè bẹp tất cả các qui luật kinh tế - xã hội, nên nhiều nơi nhiều lúc nhiều người chỉ nhìn nhận và đánh giá các hiện tượng, lãnh vực và quá trình xã hội qua lăng kính chiến tranh và bằng tiêu chuẩn chiến tranh. Nhưng cuộc chiến tranh nào cũng có ít nhất là hai mặt, chiến tranh kết thúc thì các mặt bị che khuất nổi lên. Việc tái thiết hậu chiến không sao tách rời việc thưởng công phạt tội, những mâu thuẫn xã hội âm ỉ trong chiến tranh do đó cũng có điều kiện bộc lộ nhưng phần lớn lại được nhìn nhận theo và giải quyết bằng quán tính chiến tranh. Việc hội nhập trở lại vào gia đình khó khăn ở rất nhiều Học sinh miền Nam do nhiều nguyên nhân từ cả phía họ lẫn cha mẹ họ là một bằng chứng. Có thể nói tuyệt đại đa số Học sinh miền Nam đều có một vết sẹo ở đâu đó trong đời sống tình cảm, vết sẹo này là kết quả của hoàn cảnh trước tháng 4. 1975. Nhưng hoàn cảnh sau tháng 4. 1975 vẫn tiếp tục tác động khiến nó hoặc mềm đi nhạt đi, hoặc cứng thêm sẫm thêm, thậm chí có khi toác ra mà nếu lành thì sẹo lại chồng lên sẹo. Mang một thân phận chính trị - pháp lý xuất phát từ nhu cầu cán bộ của cuộc chiến tranh thống nhất đất nước 1954 - 1975, nhìn từ góc độ chính trị, họ là một bộ phận của bên thắng trận. Chính vì vậy mà khi thân phận pháp lý ấy đã bị xóa bỏ sau tháng 4. 1975, cái định phận chính trị ấy vẫn tồn tại: từ 1955 đã bị kẻ thù trong nước đầu độc, từ 1965 lại bị không quân nước ngoài truy sát thì họ phải là như thế, không thể khác được. Đã có rất nhiều bằng chứng về những đóng góp của Học sinh miền Nam đối với đất nước cả trước lẫn sau ngày giải phóng, có người bằng cả máu xương tính mạng, có người một cách lặng lẽ âm thầm, điều đó nói cho cùng là tất yếu vì họ phải làm như thế, không thể khác được. Nhìn từ góc độ chính trị, cộng đồng này đã làm tròn bổn phận của họ với đất nước, không phụ công những người nuôi dạy, không phụ lòng những người trông mong, không bất hiếu với truyền thống ông cha, không vô ơn với nhân dân miền Bắc. Nhưng cái tất yếu về định phận luôn đan xen với cái ngẫu nhiên về số phận, mà về mặt xã hội họ lại là một cộng đồng sống động với tính cách chung trải ra trên một quang phổ nhiều màu, cả từng cá nhân cũng thường có cá tính phức tạp như một hợp âm nhiều nốt, nên mặc dù có định phận chính trị giống nhau, họ vẫn có thân phận xã hội rất khác nhau, mặt khác định phận chính trị và số phận xã hội ở những người này cũng không phải là một. Chính từ chỗ này, có thể thấy được một nét chung trong số phận của không ít Học sinh miền Nam sau tháng 4. 1975, cũng là sự nối dài tính cách của Học sinh miền Nam thời gian 1954 - 1975.

Xuất phát từ dự kiến Hiệp định Paris sẽ đem lại hòa bình và mở ra một tình thế mới cho cuộc đấu tranh thống nhất đất nước, năm 1972 Ủy ban Thống nhất đã nêu ra chủ trương đào tạo và chính sách sử dụng cán bộ khoa học kỹ thuật và cán bộ quản lý người miền Nam cho miền Nam như sau “Khi hòa bình mới lập lại ở miền Nam, công tác khoa học, kỹ thuật ở vùng tạm chiếm cũ chưa có điều kiện phát triển ngay, nhưng cán bộ quản lý, cán bộ khoa học, kỹ thuật rất cần để thâm nhập vào hạ tầng cơ sở hoặc các từng lớp trí thức, tư sản vân vân để vừa tiến hành công tác vận động cách mạng, vừa điều tra cơ bản hoặc tranh thủ giáo dục số cán bộ khoa học kỹ thuật do chế độ cũ để lại” (tư liệu 087). Chiến tranh Việt Nam đã kết thúc khác với dự kiến ấy, nhưng nhiệm vụ của những người được đào tạo vẫn không thay đổi, vẫn là phục vụ cho việc tái thiết hậu chiến và phát triển kinh tế văn hóa, vẫn là thâm nhập vào hạ tầng cơ sở để tiến hành công cuộc cải tạo và xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Nam. Điều này khiến bất cứ Học sinh miền Nam nào từng làm việc nhà nước trong mười năm bao cấp cũng đều hơn một lần thấy mình bất lực hay vô dụng. Vì cho dù được đãi ngộ đặc biệt, đào tạo tận tình, họ cũng chỉ có thể là lực lượng nòng cốt trong việc xây dựng một xã hội khác với xã hội Việt Nam sau thời đổi mới. Trong thời gian từ 1959 đến 1975, họ luôn được định vị trên một trách nhiệm hai mặt, tức một là góp phần chiến đấu để kết thúc chiến tranh, một là góp phần tiếp quản và xây dựng miền Nam sau khi chiến tranh kết thúc. Nhưng chế độ bao cấp được áp đặt lên phần đất phía nam vỹ tuyến sau tháng 4. 1975 cho thấy họ đã được đào tạo để xây dựng miền Nam thời hậu chiến theo mô hình xã hội chủ nghĩa và bằng cách thức sử dụng cán bộ đã có ở miền Bắc trước đó. Một Học sinh miền Nam thế hệ thứ nhất dè dặt về chính sách đào tạo con người qua công việc “Nhưng không ít Học sinh miền Nam về lại quê hương, thế hệ cha anh lại không mấy tin tưởng, chưa dám mạnh dạn giao việc hoặc đề bạt chức vụ, phải để “có thời gian thử thách”, cho nên hồi đó có câu vui vui ưu tiên theo thứ tự “Nhất trụ, nhì tù, tam khu, tứ kết”. Nhưng thử thách đến bao giờ? Khi nhận ra thì nhiều bạn đã đứng tuổi hoặc về già” (Trần Thanh Phương, Học sinh miền Nam - một thời nhớ mãi), một Học sinh miền Nam thế hệ thứ hai ngậm ngùi về cuộc sống của cán bộ công nhân viên “Khác với các lứa anh chị từ 1960 trở về trước hay các lứa đàn em từ 1970 trở về sau, lứa chúng tôi là “thế hệ bản lề” nên cũng chịu nhiều thiệt thòi nhất trong giới Học sinh miền Nam. Nếu như trước 1975 chiến tranh cướp đi của chúng tôi tuổi ấu thơ thì trong nhiều năm sau đó cơ chế bao cấp lại cướp đi của chúng tôi tuổi thanh niên. Trí và tôi làm nghề viết lách thì càng phải chạy vạy với miếng cơm manh áo” (25). Trong quá trình đổi mới bị động và ít nhiều lạc hướng ba mươi năm qua họ cũng chỉ đóng vai trò thụ động, nên về mặt xã hội họ đã không trở thành những người mà họ được dự kiến phải trở thành, cũng không trở thành những người mà họ có thể trở thành nếu không được dự kiến. Sau thời chiến đến thời bình, qua thời bao cấp đến thời đổi mới, Học sinh miền Nam đều phải chống chọi với nghịch cảnh. Lịch sử nghiệt ngã đã đặt họ vào một vận hội tàn khốc ở đó thực trạng của xã hội ngày càng trái ngược với lý tưởng về xã hội mà họ được giáo dục và từng tin tưởng, nên những người thấy mình bị đẩy vào chỗ phá sản lý tưởng và đổ vỡ niềm tin nhưng không thể mà cũng không muốn thay đổi định phận chính trị chỉ còn cách phát huy sức bền tâm lý để có thể giữ được tinh thần tự do. Nếu nói đời sống có ba hình thức: sự Nổi loạn, sự Vật lộn và sự Phục tùng, thì tinh thần tự do ở Học sinh miền Nam không chịu Phục tùng nhưng định phận chính trị cũng đã kiềm chế họ không Nổi loạn. Chắc chắn không ít người thụ hưởng sự giáo dục ở miền Bắc thời gian 1594 - 1975 cũng rơi vào tâm trạng hụt hẫng ấy, nhưng có lẽ rất ít người bị đẩy vào cái tâm thế lưỡng phân nói trên như rất nhiều Học sinh miền Nam.
Từ lúc còn là những người có chung một thân phận pháp lý, Học sinh miền Nam đã trở thành một cộng đồng xã hội, nên một trong những cách Vật lộn - chống chọi nghịch cảnh tự nhiên ở họ hiện nay là qui tụ lại trong cộng đồng từ quá khứ của mình, tìm ở đó sự chia sẻ ruột thịt từ những người không cùng cha cùng mẹ. Đã có hàng chục trang cộng đồng trên mạng của các nhóm Học sinh miền Nam phần nhiều đã nghỉ việc nhà nước hay về hưu được thiết lập. Đã có vợ của một Học sinh miền Nam nhận xét về chồng “Hay kể chuyện ngày xưa: Ngồi lại là kể chuyện ngày xưa, bắt đầu là: Hồi ở Trường Học sinh miền Nam, toàn chuyện người nghe đã thuộc, người kể lần nào cũng nhiệt tình như mới” (Trần Thị Thủy, Vợ nhìn chồng – Nết người). Cũng người vợ hiểu chồng trên đây đã viết “Cha mẹ sinh ra, đặt cho mỗi người một tên riêng, lịch sử lại cho các anh các chị có thêm một cái tên chung là Học sinh miền Nam”: rõ ràng Học sinh miền Nam đã trở thành một định phận xã hội. Nếu nói lịch sử xã hội Việt Nam đến thời đổi mới đã chuyển qua một ngã rẽ, thì chính cái định phận ấy lại khiến nhiều Học sinh miền Nam không rẽ phắt vào đó mà chỉ đi chệch qua một bên con đường cũ, và kết quả là cứ liên tục mở rộng khẩu độ của chỗ rẽ ấy. Trên cái ngã ba như phần vỹ thanh độc đặc của một lịch sử lạ lùng ấy có biết bao nhiêu là trăn trở, biết bao nhiêu là tâm tư...
***
Theo những tài liệu lưu trữ hiện được biết tới, những Học sinh miền Nam nhỏ tuổi nhất sinh năm 1966. Có nghĩa là trong vòng ba mươi năm nữa những Học sinh miền Nam cuối cùng sẽ nằm xuống, cái phần lịch sử sống của Học sinh miền Nam sẽ chấm dứt, mà một dự án về Bảo tàng Học sinh miền Nam nếu có cũng còn ở đâu đó phía trước. Nhưng với sức bền tâm lý và tinh thần tự do, năng lực sống mạnh mẽ và nỗi bi thương thầm kín của mình, qua hai cuộc bể dâu Học sinh miền Nam hiện nay vẫn giữ được cho lịch sử xã hội của cộng đồng mình không bị hóa thạch. Cái giúp họ giữ được mối liên hệ với nhau hiện nay chủ yếu là ký ức, ký ức về nhau và ký ức về cha anh.

Sau cùng, cần khẳng định một lần nữa rằng lịch sử Học sinh miền Nam là một bộ phận của lịch sử Việt Nam. Từ quan điểm chính danh mà nhìn thì sau 1975 về cơ bản lịch sử ấy đã chấm dứt, bằng chứng là sự xuất hiện của cụm từ Cựu Học sinh miền Nam. Nhưng mặc dù thân phận Học sinh miền Nam đã bị xóa bỏ từ 1975, cộng đồng Học sinh miền Nam vẫn tồn tại qua thế kỷ XXI, điều này cho thấy đây là một thực thể xã hội có sự độc lập xã hội cần được học giới quan tâm toàn diện hơn nữa, thích đáng hơn nữa. Hơn thế nữa, bốn mươi năm tồn tại không chính thức sau 1975 của cộng đồng này còn cho thấy phải nhìn nhận lịch sử Học sinh miền Nam như một bộ phận của lịch sử xã hội chứ không chỉ là một tiểu mục trong lịch sử chính trị, như một sản phẩm của tiến trình xã hội chứ không chỉ là một sở hữu của hệ thống chính trị, bởi vì sức bền tâm lý và tinh thần tự do, năng lực sống mạnh mẽ và nỗi bi thương thầm kín của Học sinh miền Nam mặc dù hình thành trong một hoàn cảnh rất đặc biệt đồng thời mang những dáng cách rất đặc biệt vẫn kế thừa và thể hiện phẩm chất kiên nhẫn và khát vọng tự do, sức phấn đấu và nỗi đau thương của dân tộc Việt Nam, của nhân dân Việt Nam.
Tháng 8. 2016
_____

Tri ngã tội ngã, tùy lòng người xem...

Sách chuẩn bị phát hành về HSMN trên đất Bắc, có phần trích ở trên:

Bìa này đã được gợi ý thay đổi như hình dưới

Thông báo

Quyển Học sinh miền Nam - Tư liệu và kỷ niệm kể như đã xong. Cái bìa phải làm lại, vì đã có Chỉ thị về chuyện sử dụng bản đồ, tuần tới Chủ biên sẽ ra làm việc với kỹ thuật của Nxb.

Giám đốc Nxb. nói sẽ giao sách từ 27 - 29. 9, tức vẫn đúng dự định về tiến độ.

 Hôm qua nhóm biên tập và nhóm tài trợ đã họp và thống nhất như sau:
* Sau khi có sách và nộp lưu chiểu sẽ tiến hành giới thiệu ngay trên một số báo chí ở Sài Gòn và Hà Nội để thông tin về quyển sách trong tuần đầu tiên của tháng 10.
 * Ngày 8. 10. 2016 sẽ tiến hành họp mặt ra mắt quyển sách ở Quê nhà 1 (Công trường Hồ Con Rùa). Thành phố Hồ Chí Minh
Đón khách từ 8h30 đến 9h00.
 Họp mặt từ 9h00 đến 11h00.
Dự buổi họp mặt có đại diện Nxb và một số phóng viên báo chí, các tác giả, nhóm tài trợ, nhóm biên tập.
Việc thanh toán nhuận bút, sách biếu cũng sẽ tiến hành trong buổi họp mặt nói trên.
Trân trọng kính mời các bạn Hsmn tới dự.
Thông báo này thay cho thư mời. 

2 nhận xét:

  1. Bài đăng đã 1 tuần rùi mà sao các Quế im re vậy ta. Đề nghị Ba Chột tiên phong kể lại quá trình bôn ba từ khi rời trường HSMN tới nay đi. Nghe nói Mi cũng lên bờ xuống ruộng, bỏ vô thùng mốp xuất khẩu đi Pakistan, Kazakhstan hay nước ... Stan gì gì đó.



    Trả lờiXóa
  2. Trường chúng ta và chúng ta (HSMN) được hình thành như một hệ quả của lịch sử dân tộc. Nhưng lại có một sự tách biệt tất yếu khỏi dòng chảy của đời sống-cuộc chiến của đất nước, chúng ta có một "số phận" khá riêng biệt, như bài viết này nói tới. Nhưng, chúng ta là những người tồn tại và lớn lên trong hoàn cảnh đặc biệt đó, nên chúng ta ý thức rất mạnh mẽ với quá khứ và thân phận ấy. Nhưng cũng bởi vì sự khác biệt ấy, mà e rằng 4 chữ HSMN chỉ được gọi lên khi còn các HSMN tồn tại. Mảng này hình như chẳng nằm trong dòng chảy của con sông lịch sử nước nhà, kể cả lịch sử nền GDDT, nó chỉ là một ngã rẽ đặc biệt của một thời kỳ, rất dễ đi vào quên lãng, nếu các HSMN có năng lực và vị trí không làm một điều gì đó...
    Ví dụ như một cá nhân nào đó, là nhân vật nổi tiếng, có thể đi vào sử sách, là HSMN, nhưng rồi khi nhắc đến thân thế của nhân vật ấy, họ không hoặc rất lu mờ rằng người đó là HSMN, chăng han Lê Anh Xuân, Nguyễn Bá Thanh ...

    Trả lờiXóa

Mời bạn cho nhận xét của mình đối với bài viết. Nhận xét của bạn là đóng góp lớn lao cho ngôi nhà chung của chúng ta.

Dùng mã code dưới đây để chèn nguồn từ bên ngoài vào comment:
Link : <a href="Link URL">CLICK HERE </a>
Hình ảnh : [img]Link hình ảnh URL[/img]
Youtube clip : [youtube]Link video từ yotube[/youtube]
Nhaccuatui : [nct]Link nhạc từ Nhaccuatui[/nct]