Thứ Hai, 17 tháng 10, 2016

TÌNH QUẾ

Kim quế 

Quế có rất nhiều loại như: đan quế, kim quế, ngân quế, nguyệt quế, liễu diệp quế… Trong đó, đan quế,kim quế, ngân quế được lấy tên theo màu sắc của hoa mỗi loại là: đỏ, vàng, trắng. Quế nở hoa vào tháng tám âm lịch. Hương hoa quế thơm, có thể dùng để uống trà hoặc dùng làm thuốc.
Ngoài cây quế dược liệu ,còn loại cây quế cảnh "một cây cù mộc ,một sân quế hòe " (Kiều ). Dân gian còn gọi quế là loài cây may mắn. Người xưa, khi con cháu đi thi đỗ đạt trở về, để tôn vinh thường gọi là ‘Lan Quế tề phương’’ ( đều thơm). Quế đồng âm với “quý” (trong tiếng Hán), có ý nghĩa là vinh hoa phú quý.
Quế trồng nhiều ở miền Nam Trung quốc ,còn ở nước ta quế chất lượng hơn mọc tự nhiên và trồng nhiều ở Thanh hóa ,Nghệ an ,Trà bồng ,Trà my ,Quế sơn…
Điều bất ngờ là chúng ta còn có những câu thơ khá hay về cây quế .Bất ngờ vì quế không phải là thứ cây phổ biến có thể dễ gặp hàng ngày mà chủ yếu ở miền rừng:

Em như cây quế giữa rừng

Thơm tho ai biết, ngát lừng ai hay.

Quế có vỏ chứa tinh dầu thơm cay dùng làm dược liệu quý . Nhưng cái đáng qúy hơn là phẩm chất ở con người chứ không phải ở loài cây:

Ở sao như quế trên rừng

Thơm không ai biết, ngát đừng ai hay

Hai câu thơ chỉ khác nhau vài chữ nhưng nội dung ý nghĩa đã có thể rất xa nhau. Nếu như câu trên, là cái ý tứ giữ gìn cái phẩm giá riêng có của mình, thì câu thơ dưới lại có ý giấu kín bản thân một cách khôn ngoan . Một phẩm chất tinh thần khác nữa của quế được khám phá là sự gắn bó với cội rễ, lòng chung thủy trước sau như một :

Ở sao như quế trên non

Trăm năm khô rụi, vỏ còn dính cây

Tuy vậy ở đời, ai cao quý tốt đẹp mà không có lúc phải chịu tiếng dèm pha:

Xin đừng thấy quế phụ hương

Quế già, quế rụi, hương trường thơm xạ

Hay:

Anh đừng tham cái bông quế

Bỏ phế cái bông lài,

Mai sau quế rụng

Bông lài thơm xạ..

Cho nên mặc cho dèm pha ,tình nghĩa gắn bó giữa đôi ta vẫn không thể ai sánh được:

Hai ta đang nhớ đang thương

Ai về phân quế rẽ hương cho đành...

Thậm chí có khi bộc lộ nỗi niềm, than thở với quế như với bạn tri âm tri kỷ:

Tay cầm nhành quế mà than

Tuổi xuân xanh không gặp bạn, hồi hoa tàn gặp nhau.

Một khi đã rời gốc đi theo người, giúp ích cho người, làm sao quế còn giữ được cành tươi:

Nâng cành quế héo trên tay

Càng thương quế ngọt quế cay cùng người

Cảm động xiết bao khi biết quế đã cùng ta từng ngọt ngào, cay đắng.
Đan quế
Ngân quế

6 nhận xét:

  1. Quế là tuyệt vời, đương nhiên! Có hai loài Quế, Quế chi (Cinnamomum loureirii Nees), họ long não, là họ cùng mấy cái cây các "Quế" hay cạp bên Quế Lâm vì cái vị ngọt thơm của vỏ thân và cành; và Quế mộc (Osmanthus fragrans) họ nhài, là những cây hoa thơm ngát chúng ta thưởng thức đêm đêm khi mới chuyển về trường mới, MF nhớ các thầy cô gọi là "dạ lan hương" khi MF hỏi;
    cả hai loài đều là những vị thuốc quý cực kỳ, nên Quế còn gọi là Quý. Lũ trò Quế nhiễm đầy đủ tinh chất của các loài Quế này, nên rất quý! Nghe đồn sắp tới sẽ họp mặt 70 năm Quế Lâm ở Đà Nẵng, hy vọng hương hoa lại tụ hội!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cám ơn QMF đã giải thích ró ràng khoa học về Quế.Họp mặt 50 năm HSMN QL đã lên kế hoạch cụ thể từ 24-26/3/17 tahi ĐN.MF tham gia Face sẽ thấy rần rần bên ấy !

      Xóa
    2. @HHP: Xin lỗi, MF lẩm cẩm nhầm 50 năm với 70 năm :)
      Nữa, MF lỗi thời hổng xài face nên ít thông tin, nên nhớ không ít người cùng tình trạng, có thầy cô cũng không có face, có chi các Quế san sẻ qua trang này, nó như một thư viện lưu giữ thông tin cho các Quế.

      Xóa
    3. Người ta hay thấy văn hóa Việt Nam ảnh hưởng Trung Hoa, bởi một thời "Bắc thuộc", TQ thì họ gọi ta là nước "chư hầu" v.v...
      Nhưng có nhiều thứ chứng tỏ nước Việt là nước Việt, ví dụ như vụ "Quế" này, thứ nhất, tụi "Quế" dù tự xưng mình là Quế, (bởi vậy HHP mới gọi là "Tình Quế" phải hem?), dù khi nào cũng nhớ về Quế Lâm, nhưng không bao giờ chúng nó thuộc ... Trung Hoa; thứ hai, các thứ quế đan, kim, ngân ... nớ, cũng không biết các từ ấy phiên từ tiếng nào, có lẽ từ tiếng Bách Việt (Quảng Đông), vì như MF nghe một TS từ Quảng Đông tới, nói rằng các văn bia ở Văn Thánh Huế viết bằng tiếng Quảng Đông! Nhưng ở Quế Lâm thì người ta gọi là hồng Quế, Hoàng Quế, Bạch Quế ...và theo cô phiên dịch tiếng Việt tại ĐH SP Quảng Tây (trường Quế ngày xưa) thì ở Việt Nam gọi các cây này là cây hoa Mộc (Osmanthus fragrans) còn cái cây ta gọi là Quế Chi thì bên đó họ không gọi là Quế. Đó chính là sự độc lập về văn hóa! Nếu chịu khó tìm hiểu, ta thấy rằng ảnh hưởng văn hóa Hán chỉ chủ yếu ở chốn hàn lâm, còn nơi dân dã thì không!

      Xóa
  2. Bộ sưu tập về quế rất công phu, đa dạng nhưng lại thiếu mất loài "Siêu quế". Đó là...Quế Bé!:D

    Trả lờiXóa

Mời bạn cho nhận xét của mình đối với bài viết. Nhận xét của bạn là đóng góp lớn lao cho ngôi nhà chung của chúng ta.

Dùng mã code dưới đây để chèn nguồn từ bên ngoài vào comment:
Link : <a href="Link URL">CLICK HERE </a>
Hình ảnh : [img]Link hình ảnh URL[/img]
Youtube clip : [youtube]Link video từ yotube[/youtube]
Nhaccuatui : [nct]Link nhạc từ Nhaccuatui[/nct]