Thứ Năm, 7 tháng 7, 2016

Nhà giáo nhân dân Lê Phú Lộc: Người cả đời đồng hành với nền giáo dục cách mạng Việt Nam

Thầy trò bên nhau 

.
Nhà giáo nhân dân Lê Phú Lộc bắt đầu đứng trên bục giảng của nhà trường cách mạng từ năm 1948, trong vùng tự do Liên khu 5. Theo sáng kiến của đồng chí Phạm Văn Đồng - đại diện Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa tại miền Nam Trung Bộ, Trường Trung học Bình Dân miền Nam Trung Bộ được thành lập tại huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi và khai giảng niên khóa đầu tiên vào ngày mồng 6 tháng 9 năm 1947.
Rời cơ quan Tỉnh ủy Quảng Nam-Đà Nẵng theo sự điều động của tổ chức, người đảng viên Lê Phú Lộc, với hành trang chủ yếu là trình độ học vấn tốt nghiệp tú tài, một trình độ đương thời có thể xem là quý hiếm, đã vào Quảng Ngãi dạy Toán tại trường trung học bình dân đầu tiên ở nước ta (trong số những đồng nghiệp dạy cùng trường với ông hồi ấy có nhà thơ Tế Hanh dạy Văn)… So với số đông học viên là cán bộ đi học, ông hãy còn rất trẻ, bởi khi đó ông mới 26 tuổi và mới được kết nạp vào Đảng đầu năm 1947.
Năm 1985, ông kể với người viết bài này rằng, đồng chí Phạm Văn Đồng - Hiệu trưởng danh dự của nhà trường từng động viên ông ngay trong những ngày đầu ông nhận nhiệm vụ thọ nhơn/trồng người cao quý này: “Giáo dục cũng là một mặt trận”. Câu nói như một mệnh lệnh chiến trường ấy đã luôn thôi thúc ông trong suốt quá trình mấy mươi năm đồng hành với nền giáo dục cách mạng Việt Nam. Sau một thời gian đứng lớp, ông được giao trọng trách Hiệu trưởng nhà trường cho đến khi Trường Trung học Bình Dân miền Nam Trung Bộ kết thúc nhiệm vụ lịch sử vào năm 1952. Có thể nói, Nhà giáo nhân dân Lê Phú Lộc sớm bộc lộ tố chất của một nhà quản lý giáo dục, sớm trở thành người đứng đầu đội ngũ thầy cô giáo trong trường học (trong 34 năm gắn bó với nghề, đã có 24 năm ông làm cán bộ quản lý giáo dục).
Nhà giáo nhân dân Lê Phú Lộc “có duyên” với cái ghế hiệu trưởng đến mức niên khóa 1954-1955, trước khi xuống tàu tập kết ra miền Bắc theo tinh thần Hiệp định Genève tháng 7-1954, ông còn được tổ chức phân công làm Hiệu trưởng Trường cấp hai huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi. Và ngay khi mới đến Hải Phòng vừa giải phóng, ông được phân công làm Hiệu trưởng Trường Học sinh miền Nam số 24, sau đó lần lượt làm Hiệu trưởng Trường Học sinh miền Nam số 8, rồi Hiệu trưởng Trường Học sinh miền Nam số 6.
Năm 1965, Nhà giáo nhân dân Lê Phú Lộc được Bộ Giáo dục điều động về Hà Bắc làm Phó Hiệu trưởng Trường Trung cấp Sư phạm hệ 10+2 trực thuộc Bộ - một hệ đào tạo giáo viên cấp hai toàn cấp vừa được triển khai thí điểm lúc bấy giờ. Tuy nhiên, với hơn 10 năm kinh nghiệm quản lý trường học sinh miền Nam, đến năm 1967, một lần nữa ông được Bộ Giáo dục tín nhiệm cử sang Trung Quốc làm Phó Giám đốc - Phó Bí thư Đảng ủy Khu Giáo dục Học sinh miền Nam đang sơ tán tại Quế Lâm, tỉnh Quảng Tây để tránh bom đạn khi Mỹ đã mở rộng chiến tranh phá hoại ra miền Bắc.
Nơi đất khách quê người, ông càng thấy nhớ miền Nam, càng thấy nhớ làng Cẩm Toại quê ông… Ngày 31-10-1974, ông làm thủ tục nhập cảnh để trở về Tổ quốc và đến ngày 28-4-1975, tức một tháng sau ngày Đà Nẵng được giải phóng, Nhà giáo nhân dân Lê Phú Lộc nhận Quyết định số 295/QĐ của Bộ Giáo dục, do Thứ trưởng Hồ Trúc ký điều động cán bộ/giáo viên về công tác tại Ban Tổ chức Trung ương để chuẩn bị vào Nam tiếp quản ngành Giáo dục tại các tỉnh mới vừa giải phóng. Cầm trên tay bản trích sao Quyết định số 295/QĐ có hai dòng chữ đánh máy: “Trường học sinh miền Nam Quế Lâm / Lê Phú Lộc, Phó giám đốc”, ông “không khóc nhưng vẫn trào nước mắt” (bài thơ Hôn mảnh đất quê hương của Thu Bồn) và trong giây phút đầy xúc động ấy, ông thấy mình đang ở gần lắm quê nhà sau bao năm xa cách.       
Những ngày đầu giải phóng, Nhà giáo nhân dân Lê Phú Lộc được phân công làm Hiệu trưởng Trường Trung học Phan Châu Trinh Đà Nẵng. Sau khi tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng được thành lập trên cơ sở hợp nhất tỉnh Quảng Nam và Đặc khu Quảng Đà, ông trở thành Trưởng ty Giáo dục và đảm đương chức vụ này cho đến ngày nghỉ hưu năm 1981. Đây là giai đoạn chuyển đổi đầy sôi động trong lịch sử giáo dục đất Quảng, nào là chỉ có trường công không còn trường tư, nào là sự lên ngôi của tiếng Nga trong dạy-học ngoại ngữ, nào là yêu cầu tiếp cận/thích nghi với chương trình và sách giáo khoa mới, đặc biệt là các môn văn chương và lịch sử… Làm người đứng đầu ngành Giáo dục cách mạng trong giai đoạn mang tính chất tiên phong khai mở này hoàn toàn không dễ.
Thế nhưng, lặng lẽ và khiêm nhường, hóm hỉnh và đôn hậu, điềm tĩnh và tự tin, Nhà giáo nhân dân Lê Phú Lộc đã mang hết tài năng và tâm huyết của một người luôn xác định “Giáo dục cũng là một mặt trận” để hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị của mình, đóng góp xứng đáng vào tiến trình phát triển giáo dục của đất Quảng nói chung, của thành phố bên sông Hàn nói riêng. Người viết bài này có cơ duyên được gặp ông lần đầu vào năm 1980 tại Nhà khách Bộ Giáo dục ở đường Lê Thánh Tôn (thành phố Hồ Chí Minh), trong hội nghị chuyên đề về giáo dục con liệt sĩ. Nghe nói tôi là người Đà Nẵng công tác tại Ty Giáo dục Đồng Nai, ông tỏ ý “chiêu dụ” tôi về quê. Năm 1981, tôi làm đơn xin về Đà Nẵng, kèm theo một bức thư riêng gửi ông để nhắc lại cuộc chuyện trò năm trước, được ông vui vẻ chấp thuận, nhưng đầu năm học 1981-1982, khi tôi được tiếp nhận về Ty Giáo dục Quảng Nam-Đà Nẵng thì ông đã nghỉ hưu...  
Tối chủ nhật ngày 14-6 năm ngoái, tôi cùng với các anh Nguyễn Hoàng Long, Huỳnh Đức Thơ, Lê Trung Chinh, Lê Quang Sơn… ngồi ăn cơm với cô Nguyễn Thị Bình, nguyên Phó Chủ tịch nước, nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục thời Nhà giáo nhân dân Lê Phú Lộc đương chức Trưởng ty, thì được biết ông đang nằm hồi sức cấp cứu ở Bệnh viện C mấy hôm rồi. Nghe tin, mọi người đều rất lo lắng cho sức khỏe của ông, sợ rằng tuổi ông đã cao, bệnh tình lại nặng…
Hơn một năm trôi qua kể từ tối hôm ấy, ông vẫn nằm trên giường bệnh với sự chăm sóc tận tình của con cháu, cho đến chiều nay - mồng 5 tháng 7 năm 2016, ông từ giã cõi đời này trong niềm tiếc thương vô hạn của gia đình và họ tộc, của đồng nghiệp và học trò cũ. Mấy dòng viết vội như một nén nhang lòng thành kính thắp lên vĩnh biệt Nhà giáo nhân dân Lê Phú Lộc - người cả đời đồng hành cùng nền giáo dục cách mạng Việt Nam. Cầu mong ông được yên nghỉ nơi cõi vô cùng…  
Bùi Văn Tiếng
;
.
.

3 nhận xét:

  1. Tiếc thương một người thầy mẫu mực toàn diện,đặc biệt gần gũi với HSMN.Không hiểu sao mỗi khi nhắc về thầy ,tôi lại nhớ đến chữ ký đủ nét ,rộng rãi ,ngay ngắn và rất đẹp của thầy trong tấm bằng tốt nghiệp phổ thông của mình !

    Trả lờiXóa
  2. “Trường học sinh miền Nam Quế Lâm / Lê Phú Lộc, Phó giám đốc” câu này chắc tác giả nhầm vì Khu GDHSMN Quế Lâm có tới 5 Trường HSMN và Thầy Lê Phú Lộc là: Phó Giám đốc - Phó Bí thư Đảng ủy Khu Giáo dục Học sinh miền Nam đang sơ tán tại Quế Lâm, tỉnh Quảng Tây" như trước đó tác giả đã viết.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Tác giả đã viết rõ bác là Phó giám đốc Khu GDHSMN QL ở trên ,đoạn sau chỉ viết lại nội dung quyết định của ban TC TƯ.Lỗi có lẽ do ban TC viết gọn đại khái vậy (?)

      Xóa

Mời bạn cho nhận xét của mình đối với bài viết. Nhận xét của bạn là đóng góp lớn lao cho ngôi nhà chung của chúng ta.

Dùng mã code dưới đây để chèn nguồn từ bên ngoài vào comment:
Link : <a href="Link URL">CLICK HERE </a>
Hình ảnh : [img]Link hình ảnh URL[/img]
Youtube clip : [youtube]Link video từ yotube[/youtube]
Nhaccuatui : [nct]Link nhạc từ Nhaccuatui[/nct]