Thứ Tư, 13 tháng 7, 2016

“HẬU DUỆ CỦA… RỐN RỒNG”

“HẬU DUỆ CỦA… RỐN RỒNG”

  Ngôi trường chúng tôi học được xây dựng nằm lọt thỏm giữ bãi tha ma. Xung quanh trường cơ man là những nấm mồ vô danh hoặc có danh không chúng tôi cũng không biết, bởi lẽ một chữ bẻ đôi cũng chỉ là những nét loằng ngoằng đối với chúng tôi. Đó chính là Khu trường HSMN Quế Lâm ở Quảng Tây, Trung Quốc và chúng tôi là những HSMN từ Việt Nam sang đây sống và học tập suốt bảy, tám năm xứ người.
  Trường nằm biệt lập cách xa dân cư, xung quanh có tường cao tầm hai thước bao bọc và ba bốn cổng có lính TQ canh giữ ngày đêm. Những khoảnh đất trống gần bờ tường rào được chúng tôi tận dụng đào xới trồng rau củ các loại để cải thiện bữa ăn. Trên danh nghĩa đẹp là tự tăng gia sản xuất trồng trọt nhưng đối với những đứa trẻ mới chín, mười tuổi thì đó chính là lao động cực nhọc. Rồi những đợt thi đua theo  những giấc mơ “năm tấn”, “phân xanh đầy… hố” xen lẫn những đợt đột kích moi khoai móc lạc (đậu phộng) làm cho cuộc sống vốn yên ả của ngôi trường vẫn ngấm ngầm sôi.
  Không khí chiến tranh vẫn luôn bao trùm ngôi trường. Chiến tranh trong khắc khoải từ những thông tin về người thân  gia đình của mỗi cá nhân chúng tôi. Chiến tranh vẫn diễn ra hàng ngày trên quê hương đồng bào mình. Tiếng súng đì đùng lẹt đẹt của tàn cuộc cách mạng văn hóa vẫn còn vọng vô trường.  Chiến tranh còn xuất hiện ngoài khuôn viên tường rào của ngôi trường với nhũng biểu ngữ to đùng được khắc trên núi đá xung quanh trường “Khoét núi đào hầm, tích trữ lương thực, chuẩn bị chiến tranh” với giấc mộng chiếm lại Đài Loan.
“Ốc  đảo thanh bình” mà lũ nhóc hay tụ tập thả hồn vu vơ là một cái gò ngoài tường rào với những nấm mộ, lưa thưa vài cây thông còi, dưới đất toàn mấy túm cỏ dây gai mâm xôi. Để chiếm lĩnh gò này lũ nhóc cũng phải cất công rình mò và dùng chiến tranh “củ đậu”(ném sỏi đá) vào những đôi tình nhân của các anh chị lớp lớn thường hay ra đây giày xéo nát cỏ. Một con đường mòn loàng ngoàng lèo nghèo len giữa những nấm mồ, cặp sát dọc theo bức tường rào. Hàng đêm lính TQ đi tuần trên lối mòn này, còn ban ngày là đường đến trường của lũ nhỏ người TQ ở cái thôn phía Bắc khu trường.
  Hôm nay là ngày thường trong tuần nhưng lại là một ngày trọng đại gì đó trong chuỗi chục ngày trọng đại trong năm mà tâm trí lũ nhóc không thèm nhớ. Chúng chỉ thích vào những ngày này là trốn dự mít tinh ở hội trường. Loáng đã thấy ba bốn đứa tụ tập ở gò thông nhiều mộ, sương trên đám cỏ còn chưa tan làm ướt quần áo bọn chúng, gai cỏ mâm xôi đâm da thịt chúng, kệ, cứ tận hưởng giây phút tự do khoan khoái. Bỗng có những tiếng cười nói huyên náo vang lên, nhìn ra xa chúng thấy lô nhô bảy tám đứa nhóc TQ đang đi trên đường mòn về phía chúng. Thằng Hồng bựa thốt lên “Tao nghe có mùi bánh rán rồi đây” Hắn khệnh khạng đứng lên tiến lại lũ nhóc TQ, cả đám hùa theo. Lũ trẻ TQ cảm thấy bất an và ù té chạy. Thằng bựa túm ngay được một đứa, hắn giật cái túi và mở ra,”Hahaha…Tao đã nói mà”  Hắn vừa cười đểu vừa giơ lên bịch bánh chả biết là chiên hay rán. Thằng Hải bợm xúm vào lục túi tìm thêm và hả hê với cuốn chuyện tranh cũ nát. Thằng bé TQ sợ hãi cứ co rúm nhưng vẫn ghì chặt dây đeo túi sách. Thằng Ba chột sấn tới giựt phăng túi sách đổ xuống đất, vài ba cuốn tập và hai cuốn sách giáo khoa. “Để xem mày học lớp mấy!” vừa nói hắn vừa lượm cuốn sách lên giở vài trang. Thằng bé học lớp ba và cuốn sách nó mang theo có lẽ là cuốn địa lý vì có nhiều hình bản đồ minh họa bên trong. Chợt thằng Ba chột gầm lên, chỉ liên tục vào một bản đồ: “Sao lại vẽ thế này, đây là đảo của Việt Nam mà?” Thằng bé sợ hãi không hiểu điều gì đã xảy ra, nó ghé mắt nhìn vào bản đồ rồi nói” Tung của” và thế là nó bị ăn mấy cái đá. Lũ bạn nó đứng ngóng ở xa thấy vậy ù té chạy hết. Cả đám trả lại túi sách tập vở cho thằng bé, duy những chiến lợi phẩm là bị giữ lại. Thằng bé vội loạng choạng chạy mất.
  Chiều hôm đó vẫn như mọi khi, các chiến binh nhí lại phải xông pha ngoài vườn tăng gia gần tường rào. Thằng Bựa nhảy lên bờ tường rồi chợt nhảy thót xuống, nó gọi đám nhóc đến thì thầm. Té ra ngoài bờ rào đã có năm sáu anh thanh niên TQ lảng vảng chờ lũ nhóc xuất hiện là sẽ phát sinh vấn đề ngay. Trên các mảnh vườn mọi người vẫn hăng say tăng gia, riêng lũ nhóc thì tích cực chuẩn bị chiến tranh củ đậu. “Đếch sợ” thằng Bựa thốt  rồi tót lên bờ tường. Ngoài kia mấy đứa trẻ con TQ chỉ chỉ trỏ trỏ cho mấy anh thanh niên lực lưỡng. Bỗng thằng Bựa la lên: “Đưa tao thùng tưới” hai cái thùng tưới rau được nhanh chóng chuyển cho nó. Thế là Bựa nhà ta cứ ung dung vung vẩy tưới nước bờ tường và những đám cỏ gần đó. Nó cứ ra vẻ ta đây hăng say lao động lắm, chăm chỉ tưới… cỏ. Không hiểu sao trước hành vi của Bựa mà nhóm người TQ kia tản ra về mất tiu.
  Chiến tranh bị dập tắt bởi những tia nước tưới cỏ dưới ánh nắng chiều tà

SG 13-07-2016

Ba chột

6 nhận xét:

  1. Nếu quả vụ bản đồ Địa lý này có thật thì bọn Tàu nham hiểm ghê gớm nên các bác nhà ta không thể mơ hồ được !

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Chuyện thật xảy ra 1970 đó a Phương. Sau đó tụi em tra cứu lại sách và bản đồ của VN đúng y chang: các đảo ở Hoàng Sa, Trường Sa đều ghi China.
      Mãi mới đây Nhà nước mới công nhận là nhờ TQ in sách và bản đồ những năm 60 - 70s thế kỷ trước. Thế mới thấy "Thâm Tàu mà lòi Ngu Việt", keke

      Xóa
  2. lâu lâu chú em ba chột xuất chiêu hay quá .

    Trả lờiXóa
  3. Mới đọc, thấy giọng văn của một bài viết chính sự, một lúc thấy mùi ... Quế, vì có hơi nghi: "Những biểu ngữ to đùng được khắc trên núi đá xung quanh trường “Khoét núi đào hầm, tích trữ lương thực, chuẩn bị chiến tranh” với giấc mộng chiếm lại Đài Loan. Sao lúc ấy mà hắn đã biết ba chiện ni hè? Lại còn: "“Sao lại vẽ thế này, đây là đảo của Việt Nam mà?”... nghe như chiện mới xảy ra hum wa. Haizz, nước Việt Nam bây giờ, người TQ vẫn dạy con cháu họ là thuộc về ... TQ mà! =))

    Trả lờiXóa
  4. Việt Nam mình luôn lấy chữ tín làm đầu, ta quá thấm Đạo Khổng. Ở Trung Quốc, người ta phân cái đạo dành cho dân thường và hành xử của đấng quân vương rất khác nhau. Với người Việt, Đạo làm người vẫn gắn liền với Đạo Khổng, Lão, là Đạo mà giới tinh hoa của Trung Quốc coi chỉ để dân chúng không làm loạn, ngoan hiền như con chiên.

    Còn giới cầm quyền Trung Quốc có đạo lý của kẻ thống trị, hành xử theo kiểu bề trên, kẻ cả, bá quyền. Họ nói một đằng, nhưng làm theo nẻo khác, mị dân là quyết sách, giữ quyền thống trị.

    Suy nghĩ lại, người Trung Quốc rất tự tin lừa dân Việt mình từ con đỉa, móng trâu, gỗ sưa, mật mèo, rễ cây... Bởi họ biết người Việt quá thấm nhuần đạo của người TQ.

    Người Trung Quốc rất tự tin, hiểu phản ứng của dân Việt, biết cách khống chế nỗi tức, lòng hận thù của người Việt.

    Trường họ xây cho chúng ta học được tính là viên trợ không hoàn lại trên đất của họ, khi ta đi toàn bộ tài sản thuộc về họ. Ta vẫn phải cảm ơn họ, nhớ ơn họ!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Họ xài bá đạo, còn dạy dân vương đạo! he he
      Ai thế nào ko biết chơ MF chỉ nhớ ơn mấy cô chú ban 2-9 vì họ chân thật góp mồ hôi chăm chút chúng ta, chơ MF chẳng nhớ ơn gì cái vụ được ở bên đó, Bác Đảng mình trả chơ họ trả mô? Quế Lâm làm cho ta thương nhớ, muốn về thăm hoài, nhưng đó là về với kỷ niệm thời thơ ấu, với mảnh đất và cây cỏ gắn với ta nhiều như quê hương một thuở, về để nhớ thầy nhớ bạn, chơ ko phải về để ... trả ơn.

      Xóa

Mời bạn cho nhận xét của mình đối với bài viết. Nhận xét của bạn là đóng góp lớn lao cho ngôi nhà chung của chúng ta.

Dùng mã code dưới đây để chèn nguồn từ bên ngoài vào comment:
Link : <a href="Link URL">CLICK HERE </a>
Hình ảnh : [img]Link hình ảnh URL[/img]
Youtube clip : [youtube]Link video từ yotube[/youtube]
Nhaccuatui : [nct]Link nhạc từ Nhaccuatui[/nct]