Thứ Sáu, 13 tháng 5, 2016

Tư liệu về Khu Giáo dục Học sinh Miền Nam Quế Lâm và trường Nguyễn Văn Trỗi, bạn đã biết chưa?

TƯ LIỆU VỀ HSMN
_____
Báo cáo ngày 2. 2. 1967 về việc xây dựng Trường Học sinh miền Nam ở Quế Lâm (1)

Fond Phủ Thủ tướng, Hồ sơ 18054
Nội dung báo cáo:

Kính gửi anh Phạm Hùng,

Đoàn cán bộ giáo dục sang Trung Quốc đàm phán về việc di chuyển các trường miền Nam sang nước bạn, đã ký kết biên bản hội đàm và đã thỏa thuận với bạn về các vấn đề sau đây:

1. Trong khi chờ đợi xây dựng trường mới, bạn cho ta mượn hoàn toàn cơ sở Trường Trung học Quế Lâm (Trường Dục Tài) để cho ba trường Học sinh miền Nam, Nhi đồng miền Nam, Dân tộc miền Nam sử dụng và một phần Trường trung học số 1 để cho Trường Nguyễn Văn Trỗi sử dụng.
 
H1: Trường Dục Tài (Trường cũ của HSMN) 

H2: Trường Thiếu sinh quân Nguyễn Văn Trỗi (tại Nghiêu Sơn) - trường mới.
 
2. Bạn sẽ giúp ta chuẩn bị đóng bàn, ghế, giường, may quần áo, chăn, màn... cho cán bộ và học sinh.

3. Bạn sẽ xây dựng trường mới cho ta các trường ở hai địa điểm:

- Trường Nguyễn Văn Trỗi xây dựng ở gần núi Nghiêu, cách thành phố Quế Lâm 8 km.
- Các trường học sinh miền Nam, Nhi đồng miền Nam và Dân tộc miền Nam xây dựng ở gần núi Hầu cách thành phố Quế Lâm 6 km.
 
H3: 3 địa điểm: trường Y Trung (Trường Nguyễn Văn Trỗi khi mới chuyển sang)
Khu Giáo dục HSMN (Trường mới), Trường Thiếu sinh quân Nguyễn Văn Trỗi (trường mới)
H4: 3 địa điểm: Trường Dục Tài (Khu GD HSMN khi mới sang), trường Y Trung,
Khu Giáo dục HSMN (trường mới).
 

Về địa điểm xây dựng, anh Nguyễn Khai (Ban Tổ chức Trung ương) đã đồng ý, nên đồng chí Phạm Ngọc Diễn cán bộ của Tổng cục Chính trị khi bay sang Trung Quốc đã trả lời chính thức với bạn.
Ngay sau khi đoàn về, Văn phòng Văn giáo đã mời đại biểu các ngành có liên quan đến họp nghe đoàn báo cáo và bàn các việc cần phải chuẩn bị cho các trường di chuyển.

Hiện nay, trường Nguyễn Văn Trỗi đã di chuyển 982 cháu và 213 cán bộ nhân viên, Trường Nhi đồng miền Nam đã di chuyển 68 cháu và 14 cán bộ nhân viên, các Trường Học sinh miền Nam và Dân tộc miền Nam gặp khó khăn trong việc tuyển chọn cán bộ nên anh Nguyễn Khai đã quyết định hoãn việc di chuyển đến sau Tết Nguyên đán.

Trong việc di chuyển, còn một số vấn đề anh quyết định:

Theo Nghị định thư anh Lý Ban đã ký ngày 23. 11. 1966 thì Trung Quốc sẽ xây dựng cho ta hai khu trường mới, kinh phí xây sẽ tính vào tiền viện trợ không hoàn lại.

Trường Nguyễn Văn Trỗi vừa cử cán bộ (đồng chí Linh) đem bản thiết kế sơ bộ xây dựng khu trường mới cho 1200 học sinh và 230 cán bộ ở núi Nghiêu và nói rằng Bạn đã bắt tay vào việc thi công ngay sau Tết Nguyên đán. Hiện nay bạn đã bắt đầu cho san bằng địa điểm xây dựng. Chúng tôi đã chuyển bản thiết kế này cho Ủy ban Kiến thiết cơ bản Nhà nước nghiên cứu gấp.

1. Riêng việc xây dựng trường Nguyễn Văn Trỗi đã hết tới 1.100.000 đồng nhân dân tệ. Nếu tính cả các Trường Học sinh miền Nam thì tổng số tiền ước tính 4.000.000 đồng nhân dân tệ. Đây là một khoản chi khá lớn. Ủy ban Kiến thiết cơ bản sẽ chính thức phát biểu ý kiến về việc này đầu tuần tới. Chúng tôi thấy cần giữ cán bộ của Trường Nguyễn Văn Trỗi lại để chờ quyết định của anh.
H5: Trường Thiếu sinh quân Nguyễn Văn Trỗi - Trường mới (nay là học viện Hàng Không Quế Lâm)
 
H6: Khu Giáo dục HSMN Quế Lâm (trường mới)

2. Khi đoàn cán bộ giáo dục đàm phán với bạn không ghi việc miễn viện phí cho cán bộ và học sinh của ta khi phải chữa bệnh tại bệnh viện của bạn, nếu ta phải trả tiền viện phí thì cũng mất nhiều ngoại tệ. Chúng tôi đề nghị điện cho Đại sứ quán của ta ở Trung Quốc chính thức gởi công hàm cho Chính phủ Trung Quốc đề nghị miễn khoản viện phí cho học sinh của ta.

3. Chúng tôi đang lấy ý kiến của các Bộ có liên quan và sẽ trình anh ký quyết định về tổ chức, biên chế của các trường và qui định nhiệm vụ cho các Bộ trong việc di chuyển và quản lý các trường khi di chuyển sang Trung Quốc.
Kính
Ngô Tấn Nhơn (đã ký)
02. 02. 1967
(1) Nhan đề do chúng tôi tạm đặt.
_____
Những tư liệu loại này đưa vào quyển sách thì Hsmn chắc không phản đối, nhưng người khác thì phải chờ xem,...

Nguồn: Facebook
Học sinh miền Nam và cha anh

18 nhận xét:

  1. 1. Sang Quế Lâm, đúng như mấy bạn trường Nhi đồng MN có nói, các em đó sang đầu tiên, tên trường là Võ Thị Sáu, đóng tại trường Dục Tài cũ, lúc đó thuộc trường trung học Quế Lâm.

    Trường Trỗi cũng sang trước.

    Còn các trường MN: 11, 13,..., trường Dân Tộc TW ngay sau Tết là lục tục chuyển sang. Các bạn khác từ các nơi, có người chia tay gia đình tập trung lên tàu lửa lần lượt sang sau theo nhiều đợt.

    2. Mình cứ thắc mắc địa điểm ở tạm khi mới sang của trường Trỗi là "Y Trung" hóa ra các bạn Trỗi nói theo tiếng Trung tên của trường "Trung học số 1", ở đây Y là một chứ chẵng liên quan đến Y học tí nào cả.

    Trả lờiXóa
  2. Sau Tết (hình như vừa hết mồng 3), những trường HSMN ở Quảng Ninh, Hải Phòng, họ được xe tải chở đến cầu Bắc Luân trước khi trời sáng, bí mật ra đi, nhiều đứa trẻ nhỏ trường 11 chẳng biết mình chuẩn bị đi đâu, cứ lến xe, mỗi đứa được phát một bịch táo Tàu. Thủ tục xuất cảnh chẳng qua chỉ là đếm người bước sang bên kia cầu Bắc Luân. Bên kia cầu, dãy xe Hải Âu sắp hàng dài, bọn trẻ theo từng lớp lên xe, yên vị, trước mặt mỗi đứa là một bịch to bánh kẹo, tùy sức mà nhâm nhi, phía sau lưng là Việt Nam. Bọn chúng đã quen cuộc sống chỉ có bọn chúng với nhau cùng thầy cô.

    Xe chạy trên đất Trung Quốc, hai bên dường người nông dân làm việc vất vả. Đến lúc này, nhiều đứa bắt đầu chán ăn táo tàu, chúng ném xuống đường, khi thầy cô phát hiện, nhắc nhở thì bịch táo Tàu chẳng còn nhiều.

    Đến Nam Ninh, lũ trẻ được qua ở khách sạn, thật là đẹp bởi trước đó chúng chỉ sống trong những ngôi nhà cấp 4 hoặc nhà làm từ nứa, tường đất. Mỗi giường có màn tròn, vải trắng muốt, quá sang trọng, trong khi lũ trẻ trên người có đủ thứ: chấy, ghẻ lở (chốc đầu - hoa mọc trên đầu, ghẻ ruồi chi chít), có đứa đầu trọc lốc.

    Một bàn ăn có 10 đứa, thức ăn sắp đầy trên bàn, cơm và cháo để trong thùng ăn thả ga. Chỉ có những anh chị lớn mới thấy giá trị đích thực của bữa ăn theo nhu cầu, quá ư là thích.

    Sáng hôm sau, lên tàu lửa về Quế Lâm, mỗi đứa một giường, được cán bộ Trung Quốc phát huy hiệu Mao Chủ tịch, quá háo hức, đi toilet cũng rất chi là sang. Rồi họ thành những học sinh, bây giờ gọi là Quế, bởi chúng được chuyển đến Quế Lâm, sống và học tập ở đó. Nếu sống ở đó từ Nhi đồng MN, kẻ lâu cũng sống trên 7 năm ở đất khách quê người, không biết chúng nó có còn nhớ đến người thân (người lớn: ông bà, cha mẹ) hay ngày gặp lại thật quá xa xôi, bỡ ngỡ, có kẻ sau tháng 8/1975 về với gia đình mà như sống với người lạ, lạc lõng, cô đơn trong cảnh sum họp gia đình.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. H5, dích thực là ngôi trường mình đã sống hơn 5 năm, thật tuyệt vời

      Xóa
  3. @Nặcdanh 00:48:00, 14 thg 5, 2016
    ND này nói như ma xó! nghĩa là rất chi là chính xác cái cảm giác và hành vi của lũ Quế lúc đó, MF chỉ đính chính thêm là: ngay trong đêm ở tại khách sạn Đông Phương, có cái tượng MCT với mụn ruồi bằng nắm tay, thì lũ chúng nó đã chán táo tàu (mỗi đứa được tấn cho một bịch áng chừng một cân chứ không ít}, thế là đua nhau vưa chạy trên sân đầy sỏi của khách sạn vừa rải táo tàu lên đó. Các chú khách sạn mà thấy chắc phải tiếc đứt ruột. Cái bọn nhóc này nó đâu đã biết tiết kiệm, cất trữ là gì đâu!
    "Bọn chúng đã quen cuộc sống chỉ có bọn chúng với nhau cùng thầy cô.", "về với gia đình mà như sống với người lạ, lạc lõng, cô đơn trong cảnh sum họp gia đình" ... hic, vậy đó!

    Trả lờiXóa
  4. H2: hình chụp khu Trường NVT ở Nghiêu Sơn - chúng tôi gọi là 'trường mới', được xây dựng gấp rút và được bàn giao từng phần từ hè 1967. (Không phải cơ sở Trường Y Trung). Tháng 8/1968, Trường NVT rút quân về nước thì Đại học Sư phạm Quảng Tây tiếp quản khuôn viên này, sau mới bàn giao cho Trung cấp Hàng không (nay là Học viên Hàng không vũ trụ).
    Tư liệu này rất quý!

    Trả lờiXóa
  5. Đại diện TCCT sang kiểm tra việc xây dựng là đ/c Phạm Ngọc Điển (không phải Diễn).

    Trả lờiXóa
  6. Như vậy cũng hiểu được tên gọi ngày xưa của các trường khi mới sang Quế Lâm:

    - Quế Trung: tên thường gọi của trường Trung học Quế Lâm, nơi các bạn HSMN hay gọi là trường cũ; Còn người Trung Quốc ở Quế Lâm hay gọi là trường Dục Tài.

    - Y Trung: tên thường gọi của trường Trung học số 1, nơi các bạn Trỗi hay gọi là trường cũ.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Kính thưa các Quế
      Thời Trung Hoa Dân Quốc (Tưởng Giới Thạch) đã cho mở 2 trường:
      1- sư phạm ở Quế Lâm (gọi là Quế trung)từ trung ở đây ko phải là TQ mà là trung học ở Quế Lâm
      2- trường quân y (gọi là Y trung)từ trung ở đây là trung cấp
      Sau năm 1949, CHND Trung Hoa (Mao Trạch Đông không gọi theo cách cũ và đổi chức năng của Y trung thành trường sư phạm số 1. Còn trường Quế trung là nơi bồi dưỡng cán bộ nên đổi thành Dục tài (Giáo dục nhân tài)Do đó trong trường có quân đội đóng trước khi HSMN qua (năm 1967)
      Do cán bộ VN chỉ quan hệ với chánh quyền và cơ quan của CHND Trung Hoa nên phải gọi theo họ. Giống như VN, sau giải phóng đố bạn nào dám gọi trường Petrue Ký, Lasan Tabert,... hehe

      Xóa
  7. Xem hình 3, tôi chợt nhận ra: con đường dẫn đến trường Thiếu sinh quân Nguyễn Văn Trỗi có đi qua nơi nghĩa trang có những ngôi mộ của cán bộ Miền Nam an dưỡng ở bệnh viện Nam Khe Sơn, thầy và học sinh MN.

    Ngay trên chữ trường màu vàng của (trường Thiếu sinh quân Nguyễn Văn Trỗi) trên bản đồ, hai bên đường là nghĩa trang, phía đối diện bên kia là nơi có những ngôi mộ đã kể ở trên.

    Các bạn HSMN về thăm Quế Lâm, muốn ghé thăm các bạn của mình còn nằm lại đất người có thể tham khảo bản đồ số 3 để biết đường đi.

    Trả lờiXóa
  8. Bản đồ ở đầu của bài này, người ghi chú nơi công xã trồng cam chắc phải có nhiều kỷ niệm với nó lắm đây.

    Trái cam hái ở vườn này còn xanh, ăn đã cảm thấy có vị ngọt. Người ở công xã nói: "Cam này trồng để lấy tiền ủng hộ cho kháng chiến chống Mỹ của Việt Nam" còn thật hay không chưa có gì chứng minh.

    Trả lờiXóa
  9. Từ rất lâu, tôi từng nghe các cụ nhà mình nói :” tiền xây trường (mới) cho các cháu ở QL đều được bạn tính vào tiền viện trợ cho VN”.
    Cái gì biết ơn, chúng ta vẫn biết ơn bởi chúng ta không phải là những kẻ vong ân. Nhưng đến giờ, tôi vẫn “nể” tầm nhìn của bạn. Quá khứ qua đi,nhưng “ơn huệ” vẫn còn.
    Xây trường mới thuộc dự án bất động sản, nó không thể bưng bê đi được. Họ “sốt sắng” như vậy, thực chất là dùng tiền “của ta” để xây cho… chính họ. Cho tay này và rút ở tay kia. Ở QL lúc này có rất nhiều BĐS bỏ hoang, sao họ không tiếp tục cho ta mượn? Và những đồng ngoại tệ quý giá đó nếu được dùng để mua vũ khí, trang bị đánh Mỹ ?
    Câu chuyện sẽ rất dài, được nhìn với nhiều góc cạnh. Nó vẫn “nóng hổi” ý nghĩa với cả hiện tại và tương lai !

    Trả lờiXóa
  10. Tư liệu này, giúp tôi, các Quế nhớ lại những gì đã qua. Những gì mà trong trí nhớ mỗi người có thể khác nhau vì thời điểm qua Quế Lâm, có nhiều đợt sang, có Quế về nước năm 1968, 1969 khi còn nhỏ nên không thể nhớ hết.

    Tôi cũng chẳng còn nhớ mình được chuyển từ trường cũ sang trường mới như thế nào nữa (hình như hè năm 1968). Để rồi mùa đông đầu năm 1969, tuyết dày khi sáng dậy, thỏa thích chơi trên lớp tuyết dày. Những năm sau, các Quế không còn có cảnh chơi tuyết như vậy nữa.

    Trả lờiXóa
  11. "bạn cho ta mượn hoàn toàn cơ sở Trường Trung học Quế Lâm (Trường Dục Tài) để cho ba trường Học sinh miền Nam, Nhi đồng miền Nam, Dân tộc miền Nam sử dụng", hồi đó MF nghe nói trước khi chúng ta ở đó, cũng có lứa HS Việt Nam cỡ "gạo cội" học trước đó, vậy "Trường Trung học Quế Lâm" tồn tại vào lúc nào nhỉ?
    năm 2003 MF đi tìm "trường cũ", cứ nhè hỏi "trường Quế Trung", không ai biết là cái trường nào!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trương đào tạo một lớp cán bộ có trình độ khoa học kỹ thuật cao để phục vụ cho công cuộc kháng chiến trước mắt và phục vụ cho công cuộc kiến thiết đất nước sau khi chiến tranh kết thúc. Để thục hiện chủ trương đó Chủ tịch Hồ Chí Minh đã bàn với Chủ tịch Mao Trạch Đông thành lập một trường của Việt Nam đặt trên lãnh thổ Trung Quốc do các cán bộ Việt nam điều hành và giảng dạy còn phía Trung quốc sẽ bảo đảm hậu cần cho mọi hoạt động của nhà trường.

      Sau khi Đảng và chính phủ hai nước đã thống nhất chủ trương trên. Chính phủ Việt nam đã ra quyết định thành lập Khu học xá trung ương đặt tại Nam Ninh, Quảng Tây Trung Quốc. ( Tên bảo mật lúc đó là: Quảng Tây, Nam Ninh Dục tài học hiệu). Quyết định đó được Phó Thủ tướng Phạm Văn Đồng ký vào ngày 1 tháng 10 năm 1951. Ban đầu Khu học xá Trung ương đóng tại làng Tâm Hư cách thành phố Nam Ninh trên 10 km. Đến đầu năm 1954 Khu học xá mới được xây dựng xong trên một khuôn viên rộng gần một chục hecta (Địa điểm hiện tại của trường Đại học Quảng Tây) thì di chuyển toàn bộ ra địa điểm mới.

      Cũng vào cuối năm 1951 tại một doanh trại của quân Quốc dân đảng cũ ở thành phố Quế Lâm cũng được thành lập một trường gọi là trường Thiếu nhi Việt Nam trực thuộc Khu học xá Trung ương. Trường này đầu tiên tiếp nhận các học viên của trường Thiếu sinh quân Việt Nam sau đấy là các học sinh con em cán bộ kháng chiến từ bên nước sang.

      Đến tháng 07/1953 Bộ giáo dục Việt Nam có quyết định thành lập trường Thiếu nhi Việt Nam tại Lư Sơn tiếp nhận con em các cán bộ kháng chiến sang học. Đến đầu năm 1954 toàn bộ trường đó được chuyển về Quế Lâm, số học sinh ở Quế Lâm lại chuyển về Khu học xá Nam Ninh, lúc này trường Thiếu nhi Việt Nam không trực thuộc Khu học xá Trung ương nữa. Năm 1958, học sinh tại trường Thiếu nhi Việt Nam về nước, một số trong số này sau đó được đưa đi các nước XHCN như Liên Xô, Đức.

      Đến 1967, các bạn HSMN mới tiếp tục sử dụng tạm thời làm "trường cũ"

      Đến sau này người ta vẫn quen gọi là trường Dục Tài.

      Xóa
  12. Tôi là đứa trẻ xa gia đình từ năm 4 tuổi (năm 1967) và 9 năm sau mới được về nhà, nhưng ba má tôi lại vào miền nam trước nên tôi vẫn ở trường 2 Yên Viên, khi về Sài Gòn người thân đầu tiên tôi gặp lại là bác tôi, tôi ở chơi với bác vài ngày, hôm đó tôi và anh họ đi chơi ngoài ruộng thì thấy một người đàn bà đi lại, anh tôi nói Minh má mày kìa nhưng tôi không tin mà cứ đi tiếp, khi đi qua khỏi má tôi 10 bước thì anh tôi mới biết tôi không biết mẹ thật nên mới kêu lên thím ơi thằng Minh nè lúc đó 2 mẹ con mới gặp nhau, không mừng rỡ, không ôm, không hôn như 2 người xa lạ lâu ngày gặp lại. Thật cám ơn tác giả đã hiểu thấu hoàn cảnh của nhi đồng MN như chúng tôi "ngày gặp lại thật quá xa xôi, bỡ ngỡ, có kẻ sau tháng 8/1975 về với gia đình mà như sống với người lạ, lạc lõng, cô đơn trong cảnh sum họp gia đình".

    Trả lờiXóa
  13. H6 đích thị là khu trường thân yêu gắn bó với biết bao học sinh Miền Nam tại Quế Lâm-Trung Quốc. 5 Năm là khoảng thời gian tươi đẹp nhất đối với mình.Biết bao kỷ niệm sâu đậm gắn liền với những tình cảm thật cảm động, tươi sáng. Nhìn bức ảnh toàn bộ khu trường, làm sống lại trong tôi ký ức 45 năm đã qua ngày chúng tôi rời ngôi trường về nước...Tất cả đều vẹn nguyên đến lạ lùng. Hình ảnh rõ nét nhất là khu trường cấp I, II dân tộc. Tường rào, khu nhà bếp, các dãy ký túc xá, dãy phòng học...Nổi bật nhất, chiếm nhiều diện tích nhất là sân bóng đá. Phía trên sân bóng đá là con đường nối liền giữa Trường cấp I, II dân tộc với Trường cấp I, II Nguyễn Văn Bé. Con đường đi qua Căng tin của khu với nhiều loai hàng hóa được trưng bày gọn, đẹp, sạch sẽ và dễ mua với số tiền phụ cấp ít ỏi. Chả biết các Quế thích mua gì nhất, riêng Hùng thích nhất mua bánh bích quy, bánh ngọt...ngày Tết, thật vui nếu mua được "pháo chuột pháo ném..." để quậy cho thỏa chí...Các Quế của tôi ơi, ngày xưa ấy thật vui nhỉ? ước gì mình lại được gặp nhau...!

    Trả lờiXóa
  14. Cho Em(cháu) gửi lời tri ân sâu sắc nhất đến quý thầy, quý cô, đến các chú, các bác ngày xưa đã khổ công, tận tình..chăm sóc, dạy bảo để chúng em nên người. Dù bây giờ không còn được gặp lại nhưng trong lòng em cũng như tất cả học sinh ngầy ấy đều hướng về thầy, cô, chú bác bằng tình cảm chân thành, trân trọng. Kính chúc quý thày, cô, chú, bác luôn được mạnh khỏe, vui vẻ, an lạc! Hùng Gởi lời chào thân thương nhất đến tất cả các Quế! Dù cách xa ngàn trùng, dù bây giờ có nhiều niềm vui mới nhưng mái trường Quế Lâm xưa vẫn trọn vẹn như một ƯỚC MƠ!

    Trả lờiXóa
  15. Cho tôi xin hỏi học sinh miền Nam từ Quế Lâm về Lạng Sơn năm nào ạ?

    Trả lờiXóa

Mời bạn cho nhận xét của mình đối với bài viết. Nhận xét của bạn là đóng góp lớn lao cho ngôi nhà chung của chúng ta.

Dùng mã code dưới đây để chèn nguồn từ bên ngoài vào comment:
Link : <a href="Link URL">CLICK HERE </a>
Hình ảnh : [img]Link hình ảnh URL[/img]
Youtube clip : [youtube]Link video từ yotube[/youtube]
Nhaccuatui : [nct]Link nhạc từ Nhaccuatui[/nct]