Chủ Nhật, 28 tháng 2, 2016

Chuyện kể trên FaceBook về IRENE và MONIQUE

IRENE OUANDIE VÀ MONIQUE OUANDIE - NHỮNG NĂM THÁNG LÀ HSMN

Sáng nay (26/2/2016), tôi (Facebook của Thư Nguyễn gửi nhóm Học sinh miền Nam và cha anh) dạo trên Facebook, đọc được bản tin này của một người bạn cùng lớp hồi ở trường HSMN đăng lên.

 "Cameroon. Chân dung của những người anh hùng bị lãng quên Ernest Ouandié. Cơn ác mộng cuối cùng của Ahmadou Ahidjo (Tổng thống Cameroon những năm 1960).

 
Sinh năm 1924 tại Ndumba (quận Bana) ở vùng bán tự trị Upper Nkam, theo nhiều người ông là người làng Bangou ở tỉnh Hauts Plateaux. Từ năm 1933 đến năm 1936 ông học tại trường công Bafoussam (tỉnh Famla), ông học chung với những người sẽ đi vào sử sách của Cameroon, cũng như chính bản thân ông. Bác sĩ Tagny, lãnh đạo chi nhánh ở Nyong Sanaga và UPC, Feyou Happy, Tổng thư ký hội đồng nhân dân tương lai Kodock, Samuel Kame trợ lý tương lai của Ahidjo về vấn đề chính trị và an ninh. Ông được nhắc đến nhiều vì tầm ảnh hưởng của mình đến liên đoàn và các hoạt động chính trị ở nhiều nơi.

Từ năm 1944 đến 1955 ông lãnh đạo hợp pháp nhiều phong trào của giới chuyên gia, công đoàn và chính trị. 1944-1948 ông dạy học ở Edea và hoạt động sôi nổi trong Liên hiệp các Công Đoàn Thương Mại Cameroon( USCC). Từ 1948 đến ngày 15 tháng 1 năm 1971 ông là thành viên và lãnh đạo Liên Minh Nhân Dân Cameroon (UPC). Ngày 7 tháng 10 năm 1948, ông được bổ nhiệm về Dschang. Từ ngày 29 tháng 7 đến 12 tháng 9 ông đến Trung Quốc để tham dự đại hội Thanh Niên Dân Chủ thế giới từ ngày 9 đến 15 tháng 8 năm 1954, và một lần nữa, sau đó, tại Paris và Moscow. Ngày 29 tháng 1 năm 1955 ông được bổ nhiệm lần nữa về Douala, nơi tất cả các lãnh đạo UPC bị tập hợp lại dưới sự giám sát của Thống đốc cấp cao Roland Pre.
 
 

Lãnh đạo UPC:  Osende Afana, Abel Kingué, Ruben Um Nyobé, Felix Moumié và Ernest Ouandié


 Ernest Ouandié, Marthe Moumié và Abel Kingue ở Geneva sau khi Felix Moumié chết.
 
 Ngày 3 tháng 6 năm 1957 UPC bị cấm hoạt động tại các vùng thuộc địa của Anh ở Cameroon do yêu cầu của chính quyền Pháp. Sau đó ngày 7 tháng 6 Ernest Ouandié cùng với các lãnh đạo và cán bộ khác của UPC bị trục xuất khỏi vùng thuộc địa Anh ở Khartoum sau đó là tại Cairo, Conakry và Accra. Đến ngày 3 tháng 11 năm 1960, sau cái chết của Félix Roland Moumie ở Geneva và được sự đồng ý của Abel Kingué, người đang lâm bệnh lúc bấy giờ, Ernest Ouandié trở thành lãnh đạo UPC và thề sẽ đấu tranh đến khi đất nước dành được độc lập cũng như nâng cao sự ủng hộ cho UPC. Ngày 21 tháng 7 năm 1961, ông trở về Cameroon để lẩn trốn và chỉ đạo chiến đấu. Ông chiến đấu trong vòng 9 năm, chống lại lực lượng quân đội hùng hậu, với tiếp tế dồi dào trong vùng đất chỉ bằng miếng khăn tay trên bản đồ, bị bỏ rơi và phản bội. Trong một nỗ lực rút quân êm thắm, ông được giám mục Albert Ndogmo dẫn đi đầu hàng. Ngày 19 tháng 8 năm 1970, ông tới đồn cảnh sát tại Mbanga và tự xưng mình là Ernest Ouandié và chịu bị bắt mà không kháng cự. Ông bị tra tấn và tách biệt trong sáu tháng mà không được gặp bất kì ai trong đội luật sư của mình.
 



 
 


Đội luật sư của ông gồm 2 người Pháp đầy kinh nghiệm Maître Jean-Jacques de Felice và Master Jacques Vergès, họ bị cấm đến Cameroon, mặc dù hiệp ước Pháp-Cameroon cho phép các luật sư Pháp đươc hành nghề ở Cameroon chừng nào văn phòng của họ có đăng ký ở hội đồng luật Cameroon. Ông bị xét xử ở một phiên tòa mang tính hình thức, với tên gọi "phiên tòa xét xử kẻ phản loạn," ở tòa án quân sự Yaoundé ngày 21 tháng 12 năm 1970. Ngày 5 tháng 1 năm 1971 ông bị kết án tử hình. Đứng trong vành móng ngựa ông im lặng lắng nghe phán quyết với thái độ kiêu hãnh đúng với hình tượng nhà cách mạng can đảm và cứng rắn. Tham gia phiên tòa còn có người thư ký trung thành Mathieu Njassep hya còn gọi là Ben Bella và Raphael Fotsing. Mặc dù có kháng nghị nghi ngờ tính công minh của phán quyết do một nhóm hội đồng quốc tế dẫn dầu bởi giáo sư Jacques Monod. Ngày 15 tháng 1 năm 1971, ông bị giải đi sớm khỏi xà lim sau 6 tháng giam cầm. Ông được đưa bằng máy bay quân sự tới Bafoussam tỉnh Falma và bị xử bắn công khai cùng Gabriel Tabeu (Wambo the Current) và Raphael Fotsing tại quảng trường sau này mang tên Place des Martyrs. Khi bị xử bắn ông nhất quyết không chịu để bị bịt mắt. Sau khi cơ thể đã bị đạn xuyên thủng, ông vẫn tuyên bố quả quyết rằng sẽ có những người khác tiếp tục cuộc chiến của ông đến khi dành được độc lập. Ernest Ouandié được chôn ở nghĩa trang nhà thờ Bafoussam Protestan.

Ông từng có vợ thứ hai là Martha Eding( em gái Bernard Eding)(ông từng có vợ là Njila, họ có với nhau một người con trước khi li di), và có năm người con Philippe Ouandié, Mireille, Irene, Monique, Ruben Um Ouandié. Ông ít nhất có 3 người con ngoài giá thú với Ernestine. 21 năm sau khi bị giết một cách đê hèn, Ernest Ouandié được phục hồi phẩm giá với bộ luật số 91/022 ngày 16 tháng 12 năm 1991, ông được phong anh hùng dân tộc bởi quốc hội Cameroon vào 27 tháng 6 năm 1991."

 Thật ngạc nhiên, đây là cha của Irene và Monique ư? Tôi bỗng nhớ lại những kỷ niệm khi còn học chung với hai chị em họ ở trường HSMN.
Hai chị em: Irene và Monique
 
 Hồi còn học lớp 5 ở Quế Lâm, Trung Quốc, tôi đã biết Irene, tuy chúng tôi không cùng học chung một lớp. Khi về nước năm lớp 6, học ở Bình xuyên, Hương Canh, Vĩnh Phú, chúng tôi mới bắt đầu học chung lớp và trở nên thân thiết với nhau. Irene học giỏi các môn tự nhiên, nhất là toán. Tôi nhớ năm lớp bảy bạn cũng có tham gia nhóm dự thi học sinh giỏi toán do trường cử đi. Monique, em Irene, học giỏi các môn xã hội. Nó rất có khiếu hài hước. Mỗi lần nó kể chuyện là tụi tôi, kể cả Irene, đều mắt chữ A, miệng chữ O hết. Irene giỏi may vá, Monique giỏi nấu ăn. Có lần Irene đo ni người tôi, rồi may cho tôi mấy cái quần nội y, trông cũng hay ra phết. Trong các kỳ nghỉ hè, tôi hay đến số 39 Hàng Chuối, nơi các cô ở Trung ương Hội phụ nữ Việt Nam sắp xếp cho hai chị em Irene một phòng riêng. Khi tôi tới chơi, cụ Mô (tên thân mật của Monique) hay làm món bánh mì cắt khoanh, tẩm đường, chiên giòn rất ngon, để đãi tôi.

 Irene hơn tôi một tuổi, nên thường gọi tôi là Su Phì (tên biệt danh của tôi ở trường) xưng tao. Còn tôi thường gọi bạn bằng tên xưng em. Nhưng xưng hô vậy thôi, chứ chúng tôi thân thiết như hai người bạn đồng trang lứa. Thường trong kỳ nghỉ hè có rất nhiều thời gian rảnh rỗi, nên chúng tôi hay qua nhà thăm viếng lẫn nhau, rồi ở chơi cho hết ngày. Có lần, vì thích ăn kem nên hai đứa rủ nhau ra Tràng Tiền. Thấy mọi người xếp hàng rất đông, Irene nói: “Để tao mua cho, khỏi phải xếp hàng”. Vì là dân châu Phi, với ngoại hình đó, chẳng cần đến hộ chiếu cũng biết là người ngoại quốc, nên Irene được ưu tiên mua mà không phải xếp hàng. Có lẽ cũng có hơi tham ăn, Irene chơi luôn 20 cây, mỗi đứa vị chi là mười cây kem. Sau đó, hai đứa ra vườn hoa con cóc ngồi thưởng thức. Cây kem thứ nhất được xử lý vô cùng nhanh gọn. Sang cây thứ hai và thứ ba chúng tôi đã thưởng thức được mùi vị của chúng. Tốc độ chậm dần đều cho tới hết cây kem thứ năm thì … le lưỡi, không thể ăn nổi nữa, vì lạnh cứng họng rồi. Sau đó chúng tôi ngồi cười, nhìn kem chảy thành nước.

 Chúng tôi có nhiều kỷ niệm vui buồn cùng nhau khi ấy. Có lần Irene nhờ được các chú bộ đội làm kinh tế, đóng quân tại Phủ Lý, Nam Hà làm dùm cho một cái tủ gương. Vì muốn xem công trình đã làm được tới đâu nên bạn rủ tôi đi và nói là sáng đi chiều về. Chúng tôi mua hai vé xe khách và gởi hai chiếc xe đạp đem theo trên nóc xe. Irene đi xe “cuộc” của Liên Xô, tôi mượn được chiếc xe Phượng Hoàng của má. Lúc đi thì dễ, lúc về không mua được vé xe khách. Hai đứa quyết định đạp xe về nhà. Hôm đó là đêm 20 âm lịch, trăng lên rất trễ (hai mươi giấc tốt mà!). Lúc đầu chúng tôi đạp xe hăng lắm, song trời tối dần, mà trăng thì chưa lên, nên càng lúc càng không thể đi nhanh được nữa. Ác thay, lúc đó đang là mùa gặt, dân chúng phơi thóc ra hết đường lộ. Báo hại, chúng tôi lọ mọ đạp xe trong đêm, té lên té xuống. Trời tối, lại còn sợ bị cướp giật nữa chứ. Lúc đó Irene mới nói: “Thôi tao to con, lại đen nữa, để tao đi trước dẹp đường. Su Phì đi đằng sau theo tao vậy”. Vậy là, bạn đi trước luôn miệng la lên: “Xe đây! Xe đây!”. Dân chúng thấy vậy hết hồn, tránh ra. Hai đứa đi tới gần nửa đêm trăng mới lên, cũng vừa kịp lúc về tới nhà. Sợ bị má la, mặc dù khi đi có xin phép, nên về tới là tôi vội vàng leo lên giường đi ngủ ngay. Đúng là hú hồn!

 Tôi nhớ mãi ngày làm lễ truy điệu cho ba của Irene, Monique do bị hành quyết như trong bài báo trên đã nêu rõ. Thực ra, ông mất lúc đang còn giữa năm học. Tuy thông tin trên đài báo vẫn có, nhưng chúng tôi lúc đó đang ở trong trường, khó tiếp cận với thông tin hơn, nên không hề biết gì về chuyện đó hết. Đến hè, các cô bên Trung ương Hội phụ nữ Việt Nam mới thông báo cho hai chị em và tổ chức lễ truy điệu. Trong buổi lễ Irene và Monique đeo băng tang, nhưng đều lặng người đi không khóc nổi. Bữa đó, tôi và chị Phạm Lê Hương cũng có tham dự.

Thời gian thấm thoắt trôi qua, chúng tôi cũng học xong lớp mười. Tôi đi hợp tác lao động là thực tập sinh tại Bulgaria. Còn Irene nhập học Trường Đại học Y khoa Nà Nội, chờ Monique học xong lớp 10, hai chị em sẽ qua Cuba học một lượt. Năm 1976, Irene vẫn viết thư liên lạc với tôi. Bạn kể về chuyện học hành và cuộc sống ở Cuba khi đang học ngoại ngữ cho tôi nghe. Và nói rằng, hè mẹ bạn sẽ sang Cuba thăm hai chị em. Cuối năm đó, bạn chuyển trường đi học Đại học. Tôi đang kết thúc kỳ thực tập và chuẩn bị về nước. Nên chúng tôi đã mất liên lạc với nhau.

 Mấy năm đầu tiên sau giải phóng, việc liên lạc rất khó khăn. Cộng chuyện mưu sinh, cơm áo gạo tiền, nên tôi đã không có điều kiện liên lạc với bạn. Thời gian sau này, tôi tìm nhiều cách nối lại liên lạc với bạn: viết thư hỏi thăm bên Trung ương Hội phụ nữ Việt Nam; đăng tin tìm người thất lạc trên TV, nhưng không có được kết quả nào cả. Giờ đây, tôi muốn đưa câu chuyện này ra, biết đâu Irene đọc thấy và chúng tôi nối lại liên lạc được với nhau thì hay biết mấy! Hiện tôi vẫn còn giữ chiếc áo len mà tôi đan cho bạn bằng những cuộn sợi bạn gởi ngày trước, nhờ đan dùm. Áo đã đan xong, mà người không được mặc. Tôi ân hận đã không gởi được chiếc áo đó cho bạn khi ấy. Vì tôi biết, bên Cuba, những năm đó cũng khó khăn như ở Việt Nam chúng ta. Tôi ước gì, chúng tôi lại được gặp nhau, dù chỉ một lần nữa thôi, để cùng nhau ôn lại những kỷ niệm xưa, những năm tháng của tuổi học trò không thể nào quên ấy!
24.02.2016
Hoàng Thu Hà

Thế rồi qua Internet, HSMN đã kết nối được với Monique Ouandie', biết được thông tin về họ. Đây là hình ảnh của hai chị em HSMN - Quế gốc châu Phi thời hiện tại:

Monique Ouandié
Irene Ouandié

Irene và Monique, hai chị em

13 nhận xét:

  1. Sự thật về thân thế của Irene, Monique có lẽ được sáng tỏ phần nào. Để biết cuộc sống của Irene, Monique hiện nay chắc phải có thêm nhiều thông tin.

    Trả lờiXóa
  2. MF khoái bài ni ở chỗ: khẳng định các chị người cameroon. MF nhớ rõ như vậy, nhưng quá nhiều người khẳng định họ là người Công-gô, làm MF bán tín bán nghi, vì mình đâu có hiểu sự tình. Có điều, hồi bên Quế Lâm nghĩa là trước khi các chị về VN năm 1969), đã nghe là ba các chị ấy bị ám sát, mẹ các chị ấy là chủ tịch HLHPN cameroon, nói gửi các chị qua VN để học làm người một đất nước anh hùng! Vậy những chi tiết này lại hơi khác câu chuyện của tác giả HTH. Zưng tất cả chỉ là "nghe", đồn đoán, nói không sách, mách không chứng, nên cũng lại ... nghi nghi tín tín vậy thôi. Kể ra được có dịp hội ngộ với Munique thì cũng hay lắm. Biết rõ chiện các chị, chắc chỉ có bà Nguyễn Thị Thập, CT HLHPN VN thời đó, mẹ nuôi của hai chị, bà nội của Quế Trần Xuân Hương ...

    Trả lờiXóa
  3. TÌM RA ĐƯỢC MONIQUE VÀ IREN RỒI
    Cảm ơn chị Tran Minh Viet, Thư Nguyễn,anh Phạm Quốc Tâm
    Dưới đây là những câu trả lời của Monique khi chị Trần Minh Viet (Việt Cồ) chat với Monique:
    Tui xin lược dịch cuộc trao đổi giữa tui và Monique (sau khi liên lạc được với Monique).
    ...Đúng chúng tôi là Irene và Monique.Tôi gặp nhiều khó khăn để nói tiếng việt vì chúng tôi rời VN từ năm 1975.Tôi tính trở lại VN năm tới vào tháng 7 cùng với 2 con tôi.Con gái tôi học ở Anh ,con trai tôi đang học nghề làm bánh mì.Đối với tôi nếu có quên một ít tiếng việt thì tiếng việt vẫn là ngoại ngữ thứ nhất.Bạn có tin tức gì của các bạn khác không?.Tôi rất vui có được liên lạc của bạn qua mạng.
    ...Tôi khóc khi thấy mấy tấm hình.Tôi nhớ ngôi nhà với người mẹ và gia đình đã mang lại cho tôi cái cảm giác có một gia đình.Tôi không còn nhớ tên .Nhưng những ngày tháng đó đã tôi luyện sự tồn tại của tôi ngày hôm nay.
    ...Irene nói hôm qua có nguời đã liên lạc từ VN nhưng chị tôi nghĩ đó là một sự đùa cợt.Thật khó tin.Tôi nóng lòng trở lại VN.
    ....Tôi không nhận ra ai trong hình hết.Khi nào tôi về VN ,bạn nói cho tôi biết nhé.
    ...Tôi là bác sỹ nhi sống ở Guadeloupe.Irene là bác sỹ sản khoa ở Guyana. Irene nói tiếng Anh và tiếng Tây ban nha và một ít tiếng Pháp.
    ...Trong hình các bạn đẹp quá. Tôi đã khóc .Thật sự tôi rất xúc động.Tôi nay đã 59 tuổi. Tôi tính sẽ về ăn Tết năm tới với các bạn đó.Tôi sẽ sắp xếp nếu không thì vào tháng 7.Nếu về năm nay sẽ rất nhiều khó khăn vì phải chuẩn bị cho một chuyến đi dài và các con tôi cùng đi nữa. Đối với con tôi du lịch là phải có mẹ đi cùng...Ở VN người ta làm gì khi về hưu?.Các bạn vẫn còn rất trẻ và có vẻ năng động lắm.Tôi nói một ít tiếng Anh đủ dùng cho du lịch.Irene không có messenger vì rất sợ facebook và các mạng xã hội.Chị tôi sứ dụng wattsap hoặc viber.Chị tôi cũng thấy phiền vì quên tiếng Việt nhiều.Chị tôi làm việc căng thẳng và ngủ ít. Để tôi hỏi chị ấy khi nào chúng tôi có thể về chơi.
    ...Bạn chưa nói cho tôi biết cuộc sống ở VN như thế nào và các bạn có sống tốt khi về hưu không?.
    ...Đã 2g43 sáng.Tôi vừa mới gởi hình cho Irene và chị ta có nhắc tới giờ ngủ.Tôi ngủ trễ hơn vì tôi không phải lo đở đẻ cho ai đó.
    ...Tôi thật sự ngở ngàng về cuộc hội ngộ này.Tôi yêu các bạn.

    Từ Facebook ‎Đông Xuân (https://www.facebook.com/kisnedothi.dongxuan?fref=nf)

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Nếu thông tin này là chính xác, Irene và Monique sau khi học đại học ở Cuba không về lại Cameroon ở sinh sống ở Nam Mỹ.

      Xóa
  4. Bọn tôi dân Trường Trỗi gồm Đậu Châu, Phương Bình( đã mất, em chị Nguyện ), Nguyễn Hoài Nam, Văn Hoài Nam, Pha Đình Chiến, Trình Mạnh Hoà( cháu cô Tường Vy ), Lê Trường Giang v.v... Năm 1961-1962 có học chung lớp vỡ lòng với Irene ở Trường nhi đồng Miền Nam Gò Đống Đa ( giờ là Thái Hà ấp ). Lúc đó bác 5 Ninh là hiệu trưởng, còn cô Tần là chủ nhiệm lớp. Hồi đó tụi tôi cứ nghĩ 2 chị em nhà này là con của Tổng thống Congo Federik Lumumba bị sát hại năm 1961. Nay biết đc tin này cũng mừng cho 2 bạn.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Chào mừng đại ca trở lại với trang Quế! Anh còn dầm ớt để phượt đó chứ?

      Xóa
  5. Đã có một số HSMN kết bạn với Monique Ouandié qua Facebook:
    https://www.facebook.com/monique.ouandie?ref=ts&fref=ts.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Khẳng định được rồi, Facebook trên là của Monique - HSMN gốc Châu Phi ngày xưa mà rất nhiều Quế còn nhớ, có nhiều kỷ niệm. Monique đã có kế hoạch sang 2017 sẽ về thăm Việt Nam cùng với các con.

      Rất nhiều HSMN Quế đã kết bạn với Monique qua Facebook. Monique đã sử dụng thành thạo phần mềm gõ tiếng Việt, nay Monique đã còm bằng tiếng Việt trên facebook của các Quế, lời còm rất dễ thương.

      Nhờ có Internet mà các Quế kết nối lại với nhau, không phân biệt khoảng cách, thật vui.

      Xóa
  6. Chào Monique,
    Để anh tóm lược hành trình đi tìm em và Irene. Sau khi Thư Nguyễn xác định chính xác tên cha em trên bao thơ mà Iren gởi cho Hà Su phì cách đây hơn 40 năm, bọn anh nghĩ rằng đã có chút ánh sáng trong cái bóng tối dài nửa thế kỷ. Thư không biết tiếng Pháp, nhưng đã cặm cụi dùng Google để dịch hàng loạt bài báo về cha em, Ông Ernest Ouandie, anh hùng dân tộc của Cameroun. May sao, có một bài báo có liệt kê tên của các con của Ernesr Ouandie, và trong đó có tên em và Irene. Thư lập tức thông báo qua FB, nơi bạn bè học sinh miền Nam thường trao đổi, tâm sự. Từ đây, cuộc tìm kiếm bắt đầu. Bước đầu tiên là internet: các trang web có tên cha em, tên Irene và em, tên tất cả các anh chị em củe em, các trường Đại học ở Cuba, đặc biệt là trường Y, Facebook và các mạng xã hội khác. Rất tiếc là cà ba người (Thư, Đông Xuân và anh đều đã vào FB của em mà không ai dám hỏi, vì trong hình trên FB em còn trẻ quá. Mãi đến 27/2, chị Trần Minh Việt giỏi tiếng Pháp mới dám bắt chuyện với em!
    Tất cả việc tìm kiếm đều phải dùng tên em và Irene hồi con gái, vì không có lựa chọn khác, dù biết rằng tụi em có thể đã lập gia đình. Ngoài ra, chị Thảo và mọi người còn nhờ TV của Việt Nam, đài BBC, Đại sứ Việt Nam chiụ trách nhiệm Cameroon và các tổ chức khác.
    Cuối cùng thì anh cũng tìm được Irene trong danh sách bác sĩ đăng ký hành nghề tại Hội đồng Y khoa Guyana, FB kinh doanh, địa chỉ, điện thoại của Irene, và chị Thảo đã liên hệ được với Irene bằng điện thoại và Viber hai ngày trước khi chị Việt kết nối được với em qua FB.
    Trong quá trình tìm kiếm, anh đã hết sức kinh ngạc vì trong thời gian ngắn mà em và Irene đã đạt được rất nhiều thứ. Chỉ với một ít tiếng Pháp, Irene và em đã phải học xong tiếng Tây ban nha tới trình độ có thể tiếp thu kiến thức Y học ở bậc đại học, rồi 1982 tốt nghiệp Bác sĩ Sản/ Nhi, năm 1987 Irene đã đạt Bác sĩ cấp I về Sản và Phụ khoa. Ngạc nhiên hơn nữa là chỉ 3 năm sau, 1990, Irene đã có đủ trình độ tiếng Anh để được chấp thuận đăng ký hành nghề bởi Hội đồng Y hoa Guyana. Mọi người yêu quí và tự hào là bạn của các em.
    Một việc nữa, em học lại tiếng Việt đi nhé, để có thể nói chuyện dễ dàng hơn với bạn bè.
    Phải nói thêm là em không biết anh, vì khi ở Quế Lâm, em học cấp I, còn anh học lớp 9, một năm sau đó anh đi học Đại học rồi. Em chắc chắn biết Hà teo, em gái anh (Em còn gặp Hà teo ở Hà Nội khoảng 1978, trước khi em đi Cuba).
    Thật tuyệt khi các em lại gia nhập trở lại vào gia đình Học sinh miền Nam sau gần nửa thế kỷ. Chào mừng các em đã về nhà!
    PS. Em tạo địa chỉ email cho em và Irene để mọi người có thể dễ dàng liên lạc mà không làm ảnh hưởng công việc của các em, đặc biệt là Iren.

    Từ Facebook: Phạm Quốc Tâm‎ gửi Monique Ouandié

    Trả lờiXóa
  7. Quế trước 7509:10:00 16 thg 3, 2016

    Giờ đây, thông tin của hai chị em Quế gốc Phi cũng đã rõ rang.
    Cảm ơn Quế 67-73 đã đưa hình Irene & Monique Oaundie' lê siêu thị.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Hình hai chị em Irene, Monique Oaundié ở trên do con gái của Monique đưa lên Facebook, được chụp vào tháng 12/2015.

      Xóa
  8. Từ Facebook của Nguyễn Phạm Thu Uyên đã thêm 5 ảnh mới.

    30 Tháng 5 lúc 11:31 ·

    ..

    Monique Ouandié, Bui Huy Hoi Bui, Như Nguyện Hồ
    Chị Monique Ouandié ơi, em gửi chị thư của chị Hà, gửi cho Như chưa hề có cuộc chia ly nhờ tìm chị đây. Cả ảnh nữa nhé! Biểu tượng cảm xúc smile:-) Các anh chị Học sinh Miền Nam rất yêu quý hai chị!
    Người đầu tiên nhờ chúng em đi tìm chị Monique và chị Irene là cô Theo, HSMN người Quảng Ngãi ạ.
    Rồi anh Hội là người thúc ép chúng em nhiều nhất Biểu tượng cảm xúc smile:-) Anh đã gắng đi tìm các chị theo đường ngoại giao.
    Cuối cùng là chị Nguyện và các anh chị HSMN khác đã tìm được chị trên FB! Biểu tượng cảm xúc smile:-)
    Em mê cách chị viết tiếng Việt quá!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. - Bui Huy Hoi Bui: Nguyễn Phạm Thu Uyên ơi. Chương trình NCHCCCL đã bao giờ đưa lên sóng sau khi tìm được nhau rồi không?
      Nếu em gom tất cả những chuyện này làm 1 phóng sự, anh thấy cũng có ý tưởng đấy chứ nhỉ?
      Irene và Monique Ouandié là hai người con nuôi khá đặc biệt.
      Thích · Trả lời · 2 · 30 Tháng 5 lúc 23:30
      ..
      - Nguyễn Phạm Thu Uyên: Sẽ rất tuyệt vời nếu hai chị hoặc riêng chị Monique về VN, bảo đảm có PS độc đáo nhất nhất nhất ạ :-)
      Thích · Trả lời · 1 · 30 Tháng 5 lúc 23:34
      ..
      - Bui Huy Hoi Bui: Đấy, vì câu nếu...của em nên anh mới nghĩ đến kịch bản này. Em xem, sau 40 năm mà Monique Ouandié ôn lại, viết tiếng Việt như thế chứng tỏ bạn ấy đã
      Việt như thế nào.
      Thích · Trả lời · 3 · 30 Tháng 5 lúc 23:37
      ..
      - Nguyễn Phạm Thu Uyên: Bui Huy Hoi Bui Anh kéo chị ấy về đây cho em!
      Thích · Trả lời · 1 · 30 Tháng 5 lúc 23:37
      ..
      - Bui Huy Hoi Bui: Monique Ouandié kìa?
      Thích · Trả lời · 1 · 31 Tháng 5 lúc 0:41
      ..
      - Monique Ouandié: Chúng mình sẽ quay trở lại...năm tới.
      Thích · Trả lời · 4 · 31 Tháng 5 lúc 1:12
      ..
      - Nguyễn Phạm Thu Uyên: Em chờ!!!:) Anh Hội chuẩn bị nhé!
      Thích · Trả lời · 2 · 31 Tháng 5 lúc 1:17
      ..
      - Monique Ouandié: Hahahaha
      Thích · Trả lời · 31 Tháng 5 lúc 7:35

      Sao chép từ Facebook Monique Ouandie

      Xóa

Mời bạn cho nhận xét của mình đối với bài viết. Nhận xét của bạn là đóng góp lớn lao cho ngôi nhà chung của chúng ta.

Dùng mã code dưới đây để chèn nguồn từ bên ngoài vào comment:
Link : <a href="Link URL">CLICK HERE </a>
Hình ảnh : [img]Link hình ảnh URL[/img]
Youtube clip : [youtube]Link video từ yotube[/youtube]
Nhaccuatui : [nct]Link nhạc từ Nhaccuatui[/nct]