Thứ Hai, 27 tháng 6, 2011

Tổ Quốc mình ... ở đâu?


Tổ quốc mình, ngày xưa rộng lắm, thời Lạc Long Quân vươn tận chân dãy núi Himalaya. Bài học buổi xưa vẫn ấm lời thầy dạy: đất nước mình đẹp giàu, từ Mục Nam Quan đến mũi Cà Mau, đâu cũng rừng vàng, biển bạc… Lòng tự hào và tình yêu đất Việt cứ vậy lớn lên. Tôi vẫn sống với hình ảnh Tổ quốc tôi như thế. Chữ S niềm tin bừng sáng mãi cuộc đời tôi…
Tôi vẫn nhớ lịch sử xưa còn chép: chuyện Nguyễn Trãi theo cha bị quân Minh bắt đày về TQ, đến Ải Nam Quan-địa đầu tổ quốc, gạt nước mắt quay về theo cờ khởi nghĩa Lam Sơn, 10 năm sau trả xong mối nợ nước thù nhà. Câu chuyện ấy vẫn nhắc nhở Tổ quốc mình ở đâu, trong lòng mỗi người Việt, từ đời này qua đời khác. Vậy mà bây giờ… ?
Ải Nam Quan vẫn đó, ngày vẫn ngày, bao người Việt đi qua, không thấy đau, không gợn lên một câu hỏi: Tổ quốc mình ở đâu? Không thấy Nam Quan rịn túa mướt mồ hôi-nước mắt đá chảy, vẫn vô tư cười đùa khen biên cương TQ sao nó đẹp rộng thế, mà đâu biết đấy chính đất Tổ quốc mình. Thác Bản Giốc năm xưa, bao thế hệ từng học, bài học thắng cảnh đẹp của quê hương. Nước thác đổ trắng trong, mạnh mẽ như tâm hồn Việt. Đến bây giờ… bỗng nghẹn dòng đổ bởi một nửa đã không còn là Tổ quốc. Chuyện báo đưa tin: một điểm cao biên giới án ngữ con đường huyết mạch vào Tổ quốc, ẩn mình giữa bạt ngàn rừng xanh cổ thụ, một buổi sáng thức dậy, bỗng thấy nằm trơ trọi, bởi kẻ thuê rừng 50 năm đã làm sạch rừng xanh…Cứ như thế, hỏi Tổ quốc mình sao không đau, nỗi đau nhân tình thế thái này đây.
Tôi bỗng nhớ hình ảnh người lính-người thầy giáo sau chiến tranh trở về bên bục giảng, bỗng gầm vang phố núi khi nghe một giáo viên trẻ hát một bản nhạc vàng. Ánh mắt anh đau vằn đỏ tía những hình tia chớp. Anh lại nhức nhối nhớ về những người bạn đã ngã xuống trong tay anh vì những kẻ hát bản nhạc kia bên kia chiến tuyến. Tôi bỗng nhớ anh Hồ, anh Hạ bên đất Quế, đang đêm trốn trường, theo tàu về tổ quốc, nằng nặc xin cầm súng về Nam đánh giặc . Bởi với các anh, một điều đơn giản, tuổi thanh xuân chính là trên chiến trường. Các anh hiểu mình phải làm gì khi đã biết tổ quốc mình ở đâu. Những hình ảnh ấy, giờ đây càng làm mắt tôi sáng rõ. Tổ quốc cần tôi chính những lúc này đây.
Đất Quế, những năm 70 thế kỷ trước, bỗng lặng đi, chết đứng một nỗi đau. Tôi không hiểu tại sao, bạn của nước mình bỗng bắt tay kẻ thù mình, chuyện không hề có trong những bài giảng của thầy. Ngơ ngác tôi nhìn những cuốn họa báo chống Liên Xô vương vài khắp trường. Tôi không hiểu tại sao thầy cô bỗng già đi mấy tuổi, ít nói hơn về tình hữu nghị Việt Trung. Rồi những năm đang học Sư phạm, những người bạn tôi lần lượt ra đi, chiến tranh Tây Nam, chiến tranh phía Bắc. Và có người không còn trở về đứng trên bục giảng, bạn tôi nằm lại tuổi thanh xuân để giữ nguyên mảnh đất thiêng Tổ quốc. Tôi đã đi qua Lao Cai, Lạng Sơn, Quảng Ninh…những mảnh đất địa đầu Tổ quốc vẫn còn nghe âm ỉ dân mình nhắc tội ác quân thù. Những hố bom mìn, vết đạn pháo của những kẻ từng xưng là bạn. Và bây giờ tôi đã hiểu: Tổ quốc mình cần gì, Tổ quốc mình ở đâu.
Tổ quốc mình ngàn đời bình yên sau mỗi lũy tre, mỗi rặng dừa xanh ngắt. Tiếng mẹ hiền ru con, tiếng trẻ thơ học bài trong hương cau tỏa ngát. Mục Nam Quan nối tận mũi Cà Mau. Tổ quốc mình vẫn thế, kiên trung và nhân hậu: quân thù thua đau, hối cải, thả về, thương còn cho thuyền, cho gạo; thắng trận xong rồi sẵn sàng dang tay chào đón kẻ biết ăn năn muốn qua làm bạn. Tổ quốc mình thân thiện luôn ngẩng cao đầu như thế đâu sợ gì những lời hăm dọa cuồng ngông.
Lịch sử còn kia: nghìn năm bắc thuộc, những kẻ thù phương Bắc muốn nuốt sống ,chôn vùi, xóa đi một dân tộc Việt ngoan cường, nhưng kỳ lạ thay, Tổ quốc ta vẫn sống, trường tồn và mãi mãi xanh tươi, với tâm hồn Việt thanh cao, trong trẻo, với văn hóa Việt trinh nguyên, bay vút tận trời xanh. Cha ông chúng, đời này sang đời khác luôn phải cúi đầu nhục nhã ra về thì làm sao con cháu chúng có thể làm cho con người Việt sợ. Chúng đến ư? Biển Đông lại dậy sóng chôn vùi kẻ cướp nước . Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, hôm nay dậy màu cờ đỏ tự hào dân tộc, biểu thị lòng yêu tổ quốc mình trong hòa bình, những ngày chủ nhật. Những trang web ngập tràn đầy tình yêu tổ quốc. Lòng yêu nước chân chính đã lên tiếng. Đấy chính là Tổ quốc mình.
Vậy bạn ơi, hãy đặt tay lên ngực: thấy Tổ quốc mình trong trái tim mỗi người dân đất Việt-Nơi kẻ thù không bao giờ động đến nổi. Trái tim ấy ngàn năm sáng mãi và Tổ quốc yêu thương ngàn năm bền vững. Và mai sau con cháu mình không bao giờ phải hỏi: Tổ quốc mình ở đâu!
Nguyễn Thành Luân

Thứ Năm, 23 tháng 6, 2011

Phượt Vân Nam (Tư Tưởng Hệ)


Trong entry trước, MF có nói về em sinh viên cao học của Đại học VN tên Luu, hắn nom thông minh, hóm hỉnh và rất nhiệt tình với đoàn, cách ứng xử ngoại giao của hắn còn vượt xa cả thầy hắn. Mấy ngày đoàn dự hội thảo, có hắn và Huyền người Lạng Sơn, là lưu học sinh năm cuối tại trường, được khoa cử đến làm phiên dịch cho Đoàn. Hôm 23 tiễn đoàn về trước (để MF ở lại đi phượt), MF cùng Luu và em Huyền theo ra bến xe tiễn đoàn. Dọc đường trở về, hắn khoe là đất Côn Minh nay khoảng 40 triệu (VNĐ) m2, Huyền nói với hắn: ở Hà Nội, khi giải tỏa một khu phố trung tâm, có nơi đền bù 500 triệu, mà người ta đòi 1 tỷ mới đi! Hắn tính toán một hồi qua tiền tệ rồi nói với Huyền: Chắc mày nhầm, làm gì có chuyện đó! Huyền và MF khẳng định báo chí VN nói nhiều về chuyện đó! Hắn nói một tràng, thấy Huyền đè đầu hắn xuống bớp mấy cái, rồi dịch rằng: hắn nói làm gì mà ghê gớm, Trung Quốc sẽ sang mua hết cả đất Việt Nam trong nay mai. Việt Nam trong lịch sử là một tỉnh của TQ, rồi sẽ trở về với TQ! Chẳng qua Trung Quốc đang còn chưa muốn làm chuyện này mà thôi! Hic, không phải mót cả ngàn năm rồi sao? Thấy hai cô trò cười với nhau, hắn quay sang hỏi: Nị mân sua sừ ma? Huyền nói mày ranh con biết gì, đừng có đụng đến chuyện chính trị! Lời nói chỉ từ cái miệng còn hôi sữa của một thằng học trò, và Luu cũng chỉ đùa cho vui, nhưng cũng chứng tỏ điều đó đã được nền giáo dục ấn vào đầu lũ trẻ rất kỹ! Nhớ lại năm 2005 sang làm việc ở Nam Ninh, một em sinh viên đang học tiến sỹ hỏi MF: các bạn bây giờ còn căm thù người Mỹ không? Sao hỏi? Người TQ chúng tôi vẫn rất căm ghét người Nhật!
Biết rằng đó chỉ chuyện thằng trẻ con, nhưng câu chuyện ám ảnh làm MF chú ý, tối đến Đại Lý ngồi giở bản đồ thế giới ra, MF chột dạ, nó nói cũng có lý, cái hình chữ S thân yêu của mình so với cái đại lục kia thật là quá nhỏ bé (ngồi vỡ lẽ ra một chuyện quả là xưa hơn trái đất, mà bi giờ MF hắn mới lưu ý tới). Rồi không hiểu sao sau đó câu nói cửa miệng của báo chí và tuyên truyền “Xây dựng đất nước giàu về kinh tế, vững mạnh về quốc phòng” cứ âm âm bên tai MF, (He he, dường như đến giờ mafia ngu ngơ mới ngộ ra một chút về CT, như Chí Phèo khi mới ngộ ra về tình yêu, thì lại ngồi nắc nỏom này nọo!). Nhưng sau đó, khi đi thăm một số nơi thì MF lại ngộ ra một điều khác sẽ bàn sau…
(Còn nữa :))
QMF

Thứ Ba, 21 tháng 6, 2011

Gặp lại bạn cũ

Mình gặp Dũng đang làm nghề sửa xe máy bên một đường phố ở Đà Nẵng. Dù đã 36 năm rồi nhưng chúng mình nhận ra nhau ngay. Câu chuyện bên quán nước cũng như như bao câu chuyện của HSMN khi gặp nhau, hỏi thăm nhau về 36 năm qua, về cuộc sống hiện nay, về nhũng bạn HSMN khác...
Dũng hỏi mình:
- Mày còn nhớ thằng Hùng không ?
- Hùng nào?
- Lê Tấn Hùng ở lớp mình đó
- Tao quên mất rồi.
Dũng ngập ngừng một chút rồi nói :
- Nó bây giờ bác sĩ trả về rồi đang nằm chờ chết.
- Ui, sao vậy ?
Dũng kể sơ qua về bệnh tình của Hùng sau một lần Tai nạn.
- Tao chưa nhớ Hùng Nào, nhưng chỉ cần là HSMN thì mày dẫn tao đi thăm nó đi. Bây giờ đi chỗ nào mua ít trái cây hay gì đó rồi đi. Tao chỉ tranh thủ được có buổi sáng nay thôi.
- Không cần mua gì đâu, nó có ăn uống gì được đây mà mua. Mày có tiền thì cho nó vài trăm là quí hơn.
- Ừ, nhưng mà vậy kỳ quá, cũng phải được một triệu chứ, nhưng mà tao không chuẩn bị chuyện này nên không có, không lẽ cho nó vài ba trăm?
- Vợ nó chạy chợ kiếm từng đồng nuôi nó thì bao nhiêu cũng quý mà.
Vậy là Dũng gửi gara lại cho một bạn cùng làm để đi với mình. Vừa mới ngồi lên xe máy tự nhiên mình nhớ ra Hùng. Đến nơi mặc dù đang nằm trên giường với bệnh hiểm nghèo , nhưng Hùng cũng chỉ mất vài giây là nhận ra mình ngay
- Huỳnh Hùng ở Phú Yên phải không ? Sau cái gật đầu của mình là Hùng bật khóc như một đứa trẻ. Chính xác là Hùng đã khóc cùng lúc với câu hỏi nhưng nén lại.
Đến lược Mình và Dũng cũng không nén lòng được.
Ngồi một lúc mình lấy đưa cho con gái của Hùng 400 :
- Cháu giúp chú mua gì cho ba nhé.
Mình đưa cho cháu máy ảnh nhờ chụp, và quay lại nói với 2 bạn
- Lau nước mắt đi rồi chụp với mình một kiểu ảnh làm kỷ niệm. Vì có thể sẽ không bao giờ gặp lại Hùng được nữa. Cón nếu may mắn chúng ta còn gặp lại ở Nha Trang thì lúc đó càng vui hơn.
Mình không ngờ các bạn chúng ta còn có những hoàn cảnh thật thương tâm.

Chủ Nhật, 19 tháng 6, 2011

NHỮNG KỶ NIỆM THỜI QUẾ ( tiếp theo 2 ).


KẾ HOẠCH ĐI TẮM SÔNG LY .
Hồi lớp 6, thầy Tảo dạy Sinh vật mới sang làm chủ nhiệm lớp tớ. Mùa đông năm đó trời rất lạnh nên các lớp được đốt lò sưởi trong lớp. Lớp tớ rất ghét giờ Địa lí cô Nga dạy, cả lớp bàn nhau đóng kín cả cửa sổ lẫn cửa ra vào, chọn những cục than còn gỗ chưa cháy hết nhét đầy bếp lò, khói um cả phòng. Cô Nga mắt cay xè, nước mắt đầm đìa không hiểu vì khói hay cô khóc, bảo mở cửa ra nhưng cả lớp im thin thít. Khói càng ngày càng dày đặc, cô càng la mắng thì cả lớp càng im lặng. Cô vừa mở cửa ra, quay lại viết lên bảng là lại có đứa chạy ra đóng ngay cửa lại. Lặp lại như vậy nhiều lần, la mắng hoài không xi nhê, cô bỏ lớp chạy về khu nhà ở. Lập tức chúng tớ mở hết các cửa, lấy sách vở quạt lấy quạt để cho đến khi không khí trong lớp hoàn toàn trong sạch, chúng tớ đóng hết cửa sổ lại. Khi cô Nga cùng thầy Tảo bước vào lớp, cả lớp đứng dậy chào như chưa hề có chuyện gì xảy ra.
Từ đó cho đến cuối năm, thầy Tảo đã phải xử khá nhiều chuyện tương tự như vậy nữa. Hôm họp tổng kết năm học, chắc là thầy muốn chứng tỏ rằng thầy không giận gì lớp tớ cả nên thầy đề nghị cả lớp đi tắm sông Ly. Tớ tin rằng nhiều Quế hẳn còn nhớ bài NỘI QUI TẮM SÔNG mà tất cả chúng ta phải học thuộc lòng hồi cấp I. Tất nhiên là chúng tớ nhiệt liệt hưởng ứng. Đến mục rút tiền tiết kiệm (hấp dẫn nha, vì theo tớ thì hầu hết bọn Quế luôn tìm mọi lý do để được rút cái khoản tiền bị tiết kiệm này đem ra căn tin mua bánh kẹo, he he!), thầy đề nghị mỗi đứa sẽ rút 5 hào, chúng tớ bèn gào lên:
-Một đồng đi thầy!
-Năm hào – Thầy khẳng định lại
-Một đồng – Cả lớp lại đồng thanh
-Năm hào!
-Một đồng!
-Năm hào!
-Một đồng!
Không ai chịu ai! Và kết quả thì các Quế biết rùi đó: không có tắm sông Ly sông Liếc gì ráo.
QMH

Thứ Năm, 16 tháng 6, 2011

CHUYỆN NGÀY XƯA

Ngay ấy xưa lắm rồi. Nhưng những người ở độ tuổi u50, 60 vẫn thấy như mới đây thôi. Chúng tôi những đứa trẻ thơ được đưa đi sơ tán từ kiến An Hải Phòng qua Thái Bình về Móng Cái. Rồi một ngày kia,chúng tôi được đưa đến một khách sạn ở gần cầu Bắc luân nghỉ ở đó một đêm .
Sáng hôm sau cô Tuyến chủ nhiệm cho chung tôi ăn sáng, sau đó xếp hai hàng nắm tay nhau đi qua cầu Bắc Luân. Khi lên chiếc xe ca có những chú người Trung Quốc chào nỉ hảo, tôi mới biết mình đang ở Trung Quốc. Xe đưa chúng qua những vùng đồi đất núi rừng, làng mạc, đến thành phố Nam Ninh,đến đâu tôi cũng thấy những hình tượng Mao Trạch Đông, những khẩu hiệu ca ngợi chủ tịch Mao Trạch Đông,rồi huy hiệu, sách báo giăng khắp nơi. Làm tôi nhớ đến câu thơ:
Mong manh áo vải hồn muôn trượng
Hơn tượng đồng phơi những lối mòn
Đến Nam Ninh những đứa trẻ chúng tôi được tiếp đón như những người lớn, hai đứa ngủ một phòng. Phòng tôi có một bạn da đen tóc xoăn tên là Mu Nich, sáng hôm sau ngủ dậy phòng tôi khai ngầm lên, chăn đệm ướt đẫm. Đêm qua bạn ấy dấm đài, vậy mà bạn ấy tỉnh queo.
Tôi nhìn lại giường mình, may mà không có gì hết thế là tôi đi méc cô. Đó là lần đầu tiên đứa trẻ lên chín tôi ở khách sạn. Trước khi tiễn lũ khách nhí chúng tôi lên tàu đi Quế Lâm các chú ở khách sạn còn kịp cho thêm chúng tôi mộtcơ số huy hiệu Mao Trach Đông. Trong lòng tôi rất vui thích vì có thêm một món đồ chơi đánh đáo.

Thứ Ba, 14 tháng 6, 2011

Kiến nghị đổi Biển Nam Trung Hoa thành Biển Đông Nam Á

Một kiến nghị đoàn kết các nước ĐNÁ
Hãy cùng nhau ký tên kiến nghị đổi tên quốc tế của biển thành "Southeast Asia Sea". Với chúng ta, 4 chữ “Biển Đông Nam Á” có một nửa là lịch sử cha ông để lại, nửa kia là hiện tại hội nhập cùng bạn bè quốc tế. Hãy cùng các bạn ấy nhập thành một bó đũa, không cho kẻ mưu mô nào bẻ dần từng chiếc.
Ký vào bản tiếng Anh tại đây:
http://www.change.org/petitions/change-the-name-south-china-sea-to-southeast-asia-sea
Còn đây là bản tiếng Việt


Mong các bạn hưởng ứng, ký kiến nghị và nói cho nhiều người khác tham gia như cách Q.MF đã làm "Thưa các đại ca, đại tỷ: mình ký là một việc, nhưng quan trọng hơn là chuyển thư cho thật nhiều bạn bè khắp nơi ký, vì hiện nay số lượng mới có 35,762 mà cần có đủ 500,000 thì mới được chấp nhận"
(Copy từ blog Bạn Trường Trỗi) 1 lời góp

Chủ Nhật, 12 tháng 6, 2011

NHỮNG KỶ NIỆM THỜI QUẾ .( phần 1 )


BỊ PHẠT
Học xong cấp 1 ở trường cũ, sau khi các bạn quê Nam Bộ về nước hết, 3 lớp 4 gom lại chỉ còn được 2 lớp 5, tớ lên lớp 5B và chuyển sang trường mới, cô Lê Kim Hoa làm chủ nhiệm.
Mùa đông năm đó, lần đầu tiên chứng kiến mưa đá, chúng tớ khoái quá, đến giờ đi ngủ tối, chờ đội cờ đỏ kiểm tra xong là cả lũ chui ra khỏi chăn bông, dí mũi vào cửa kính nhìn ra ngoài trời.
Sáng hôm sau, toàn bộ mặt đất phủ một màu trắng xóa. Chúng tớ lao ngay ra ngoài trời dù đã có lệnh là không phải tập thể dục, đứa nào cũng thò tay bốc những hạt mưa đá lạnh buốt và thích thú thấy chúng tan chảy ngay trên tay mình. Chúng tớ bàn nhau lấy mấy cái thau nhựa (loại bọn con gái được phát để giặt đồ đó), đem vá ra cái rãnh thoát nước chạy dọc bên hông nhà xúc đầy mấy thau hạt đá, bê vào phòng cô Hoa báo cáo:
-Thưa cô, lớp mình mới được lĩnh đường.
Cô bảo:
-Để đấy rồi về chuẩn bị lên lớp đi!
Cô không nhận thấy những nụ cười ranh mãnh của chúng tớ. Mấy phút sau loa thông báo hôm nay được nghỉ học, chúng tớ reo mừng chưa dứt thì cô Hoa đẩy cửa bước vào, mặt đỏ bừng bừng:
-Đứa nào dám đầu têu lừa cô hả?
Cả bọn lảng ra, đứa giả bộ ăn xôi (nghĩ lại 2 món ăn sáng cố hữu của bọn mình mà ớn, tớ còn sợ món mì sợi cho đến tận giờ), đứa leo lên giường xếp chăn màn, không ai trả lời (công nhận hồi đó quậy thiệt). Cô hằm hằm ra khỏi phòng. Mấy hôm sau, có gián điệp hớt lẻo, trước khi lên lớp cô gọi tớ vào phòng:
-Cô biết cháu (tụi mình không xưng em mà xưng cháu với giáo viên nhỉ) đầu têu vụ lừa cô nên hôm nay không được đi học, phải đứng phạt ở phòng cô 1 ngày 1 đêm.
Tớ khoái quá vì được nghỉ học, lại nghĩ nếu cô lên lớp dạy thì mình tha hồ nằm kềnh ra giường cô mà ngủ nên không cãi gì hết. Cô lấy ra 1 tập giấy trắng:
-Trong buổi sáng nay, viết 1000 lần câu Không nói dối thầy cô, trưa về cô kiểm tra, nếu xong thì chiều tha.
Tớ viết chữ thật to, đầy 2 trang giấy thì buồn ngủ quá, lăn ra giường cô ngủ. Không biết bao lâu thì có tiếng gõ kính cửa sổ:
-MH, mở cửa lấy cơm ăn nè!
Mấy đứa bạn thân đứng lố nhố, đưa cho tớ thố cơm có mấy miếng thịt đã chan canh rau, và rất nhiều những mảnh giấy nhỏ. Tớ vừa ăn cơm vừa đọc, đó là những lá thư động viên tớ hãy dũng cảm, đừng sợ, đừng khóc, đừng khai báo gì thêm. Tớ nhét kỹ những tờ giấy đó vào túi áo bông. Ăn xong thì cô Hoa mở cửa, nhìn 2 trang giấy tớ nguệch ngoạc trên bàn liền trừng mắt:
-Đây là 1000 câu à? Chiều nay tiếp tục ở đây, không được lên lớp tự học, viết lại và phải đánh số thứ tự vào!
Xong cô cười nửa miệng:
-Lộn trái túi áo ra!
Tớ giả điếc không nghe, để yên 2 tay trong túi áo bông. Cô liền giằng tay tớ, thò tay vào túi áo móc hết đống giấy ra. Cô vuốt từng tờ giấy vừa đọc vừa khẳng định đây là chữ của TN, đây là TB viết…Đọc xong, cô mỉa mai:
-Đây đâu phải nhà tù của đế quốc Mỹ mà động viên nhau phải giữ vững chí khí chiến đấu, phải trung thành…Phạt thêm đêm nay nữa.
Chiều cô lên lớp, tớ bắt đầu đánh số thứ tự 1,2,3,8,11,17,23…càng về sau các số càng cách xa nhau, đến nỗi khi tớ viết câu thứ 1000 thì vẫn chưa hết nửa trang giấy, và lại ngủ say đến tận bữa chiều. Ngủ nhiều nên tối tớ đứng chịu phạt trong phòng cô mà tỉnh như sáo. Chờ cô chui vào chăn xong, tớ bắt đầu dùng tay gõ nhịp trên bàn cô. Thấy im lặng, tớ dùng chân nện xuống sàn nhà. Một lát sau cô dậy mở cửa:
-Về phòng ngủ đi để mai còn đi học.
Sau vụ đó tớ còn bị phạt thêm vài lần nữa, vì luôn có kẻ nào đó hớt lẻo là tớ đầu têu những trò nghịch ngợm quái dị. Chẳng hạn như vụ hái cây chua me mọc hoang, đem về ngâm với nước muối rồi cả lũ ăn ngon lành mà cô cho rằng cây mọc trên bãi tha ma (thì trường mình được xây trên hơn 7000 cái mộ đã bốc mà, thỉnh thoảng trời mưa lại lộ ra 1 cái hòm sợ chết khiếp chắc các tỉ muội còn nhớ) nên rất mất vệ sinh. Hay là vụ ra ngoài trường lấy nhựa đào về ngâm cho nở, trộn đường ăn rất ngon mà cô cho rằng chất đó sẽ bào mòn ruột. Vụ đi gom lá cây mè khô về bóp vụn ngâm nước gội đầu cho trơn tóc mà cô cho là sẽ gây rụng tóc và lở đầu…Tớ thề là không bít ai khởi xướng những chiện đó, tớ chỉ thử thui nhưng lun bị kết tội và chịu phạt (oan wá!!!).
QMH

Thứ Bảy, 11 tháng 6, 2011

GÓP ĐÁ XÂY TRƯỜNG SA.

Một sáng kiến hay của các đại ca , đại tỉ TRỖI . Hội QUẾ chúng mình cùng chung tay góp sức nha các bạn .

Bên k5 anh Bắc Hải có sáng kiến đưa lên trang chính thông tin quyên quỹ Góp đá xây Trường Sa. Nhận thấy đây là cuộc vận động của báo Tuổi Trẻ phù hợp với mong mỏi của đồng bào bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới .
Mong các bạn, nếu chưa đóng góp qua chỗ nào khác thì, tham gia chung dưới danh nghĩa tập thể bạn Trỗi.

Chương trình đóng góp như sau:
- Thời gian: trong một tuần, từ hôm nay tới hết Thứ Sáu tuần sau, 17/6/2011.
- Cách góp: bấm vào tài liệu này để tự đăng ký số tiền góp. Nếu cần thiết ghi chú thêm ở sau. Người nhận tiền sẽ xác nhận số tiền đã nhận của người góp vào cột đã góp.
Theo dõi thông tin tại "Quỹ Góp đá xây Trường Sa" dòng trên cùng trong cột danh mục địa chỉ có đường dẫn (Các địa chỉ Trỗi).

Những người nhận tiền đóng góp:
k4: Tôi, Hữu Thành, tiền mặt hoặc chuyển qua máy ATM Vietcombank TK số 0021000487194 tên Nguyen Huu Thanh. Nếu chuyển qua máy ATM xin nhắn tin/góp lời để biết.

Cuối tuần sau chúng tôi sẽ kết thúc nhận tiền Góp đá xây Trường Sa và chuyển toàn bộ tới Báo Tuổi Trẻ theo kế hoạch đã nêu trên.